Người đóng vai cô bé bán diêm - Nguyễn Bá Hòa

01.06.2016

Người đóng vai cô bé bán diêm - Nguyễn Bá Hòa

Cuối năm học trường THCS Xóm Mới kỷ niệm 5 năm thành lập, nhà trường dự kiến trong chương trình lễ hội kéo dài hai ngày sẽ có trại họp mặt học sinh toàn trường, có một đêm hội diễn văn nghệ và nhiều hoạt động khác. Học sinh cả trường hồ hởi phấn khởi đón nhận tin vui này. Vui quá đi chứ, học hành mãi cũng chán phải có những hoạt động tập thể để thư giãn, nhất là để các anh chị lớp chín rời khỏi trường có thêm những kỷ niệm đẹp về trường, về thầy cô bè bạn. Riêng lớp 8/1 của Vạn dế than thì thật sôi nổi bởi năm nay cô giáo chủ nhiệm còn trẻ lại dạy môn văn, môn học mà các bạn yêu thích, cô gắn bó với lớp, yêu thương học trò, hăng hái thi đua nên cô đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho lễ hội này. Chính vì thế cả lớp Vạn rất bận rộn dù còn những hơn hai tháng nữa mới hết năm học.

Cô giáo chủ nhiệm thông báo họp lớp vào ngày chủ nhật để bàn bạc nội dung và phân công cho từng bạn, từng tổ công việc phải làm, phải chuẩn bị. Nói là họp lớp nhưng không phải ở lớp ở trường mà cô giáo chọn địa điểm là bờ sông, yêu cầu mỗi tổ mang theo dụng cụ để dựng lều trại trú nắng trú mưa. Đúng 7 giờ sáng cả lớp tập trung tại sân trường rồi hành quân theo đường bộ ra bờ sông. Lớp chỉ vắng có hai bạn, Tuấn di động và Ân khù. Hai bạn này đều có lý do cả, thằng Tuấn thì chắc chắn ba mẹ nó không cho tham gia rồi, còn thằng Ân khù hiền lành, khờ khạo, nghểnh ngảng, học yếu nhất lớp, những năm trước đây nó không hề tham gia các hoạt động của lớp. Năm nay, cô giáo chủ nhiệm lại rất quan tâm đến Ân khù, cô biết được cha mẹ nó đi làm ăn xa kiếm tiền gởi về nuôi nó và ông nội nó. Nghe cô giáo nói nó còn cha còn mẹ mà như trẻ mồ côi, ông nội nó bị nhiễm chất độc màu da cam nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe và trí tuệ của nó, nó rất đáng thương và cần được giúp đỡ.

Bờ sông xóm Mới tre trồng dọc hai bên xanh um mát rượi, buổi sáng bờ bên trái tre xanh tỏa bóng che mát cả một khoảng dài, buổi chiều bờ bên phải gió từ thượng nguồn thổi xuôi xuyên qua bóng râm cây lá, vi vu nhè nhẹ dễ ru ngủ mọi người. Con sông quá quen thuộc với lũ trẻ xóm này, đã nhiều lần chúng tụ tập tại đây thi thả diều, đánh trận giả nhưng sao hôm nay con sông lại đẹp đến lạ lùng thế. Sương còn vương trên lớp cỏ ươn ướt dễ chịu, vướng trên những ngọn tre lấp lánh nắng, gợi nhớ biết bao nhiêu là kỷ niệm của bọn chúng từ thời thơ ấu đến bây giờ. Cô giáo tài tình thật, địa điểm họp rất tuyệt vời, vừa đẹp, vừa mát, vừa vắng vẻ lại vừa gần nhà. Vừa đến nơi cô ra lệnh cắm lều trại theo từng tổ. Lớp của Vạn có bốn tổ: Tổ 1 thằng Siêm, tổ 2 con Lộc, tổ 3 thằng Khánh và tổ 4 con Thủy. Bốn đứa tổ trưởng này là những nhân vật “kiệt xuất” của lớp 8/1, học giỏi, nhiều tài vặt, nhiệt tình trong mọi công việc của trường của lớp đấy! Thằng Vạn lớp trưởng, con Tính lớp phó và cô giáo đi một vòng quan sát, cả lớp dựng lều trại vừa xong, chưa kịp nghỉ ngơi cô giáo đã thổi còi tập trung cả lớp vào vạt cỏ giữa các lều mới cắm. Cô tuyên bố lều trại tổ 2 của con Lộc đạt giải nhất vì đẹp nhất, làm nhanh nhất, kỹ thuật đúng nhất, lại có hiệu quả che nắng che mưa tốt nhất. Cô thưởng cho tổ 2 một gói quà thật lớn, con Lộc bất ngờ, sung sướng, hãnh diện, hí hửng lên nhận quà. Không đợi được lâu, nó mở gói quà ngay, kẹo nhiều ơi là kẹo, nó phân phát hết cho cả lớp. Cô rút kinh nghiệm và hướng dẫn cách cắm lều, thì ra cô đang tập huấn cho bọn chúng. Cả lớp vừa nhai kẹo vừa nghe đầy hứng khởi và vui vẻ. Trong chương trình họp cô phân công cụ thể từng bạn, từng tổ. Tổ 4 của con Thủy tập trung làm tờ báo tường cho lớp, tổ 1 thằng Siêm tham gia các trò chơi vận động....Tiếng rì rào bàn tán nổi lên một lúc một lớn dần, hào hứng lắm!  Khi bàn đến tiết mục văn nghệ tham gia đêm hội diễn thì không khí ngược lại, cả lớp im thin thít, chẳng là lớp 8/1 có tiếng năng động trong các hoạt động tập thể nhưng lại không ai có chút năng khiếu về văn nghệ. Hát đầu giờ học còn phải cố gắng vì mỗi đứa một bè, giọng cao thấp khác nhau huống chi lên sân khấu mà diễn thì có mà chết vì xấu hổ! Nói bọn chúng sợ hát sợ múa cũng chẳng sai! Cô giáo gợi ý:

- Không hát, không múa cũng được, chỉ cần diễn kịch thôi. Chúng ta chọn những bài văn đã học trong chương trình rồi diễn lại như chúng ta học trên lớp vậy, các em có đồng ý không?

Chẳng thấy ý kiến nào, lại im lặng. Cô giáo lại gợi ý:

- Trong chương trình ngữ văn lớp 8 có các tác phẩm: “Tức nước vỡ bờ”, “Lão Hạc”, “Đánh nhau với cối xay gió”... ta chọn “Đánh nhau với cối xay gió” nhé, cô viết lời kịch, các em chỉ diễn thôi, vui lắm, có được không?

Chẳng thấy ý kiến nào, lại im lặng. Cô giáo bắt đầu bực tức:

- Tổ 1 phát biểu trước, sau đó các tổ lần lượt phát biểu.

Thằng Siêm ngượng ngùng đứng lên, nhìn một vòng quanh các bạn rồi nhỏ nhẹ thưa:

- Thưa cô, tổ em không có bạn nào diễn kịch được, cô chọn các bạn ở tổ khác vậy!

Những cái đầu cùng lắc, những đôi vai cùng rụt lại sau đề xuất của thằng Siêm.

- Còn tổ 2 thì sao?

- Tổ 2 của chúng em xin nhận thêm một số công việc khác, còn văn nghệ thì... thì xin cô tha cho ạ!

Sau phát biểu của con Lộc cả lớp cười ồ lên. Cô giáo yên lặng, cả bọn cũng không dám nói dám cười nữa. Có tiếng ai đó rất nhỏ nhưng vẫn đủ các bạn nghe:

- Hình như cô giáo khóc rồi!

Lặng yên một lát, cô giáo bỗng quay xuống Vạn lớp trưởng:

- Lớp trưởng có ý kiến gì không?

Vạn giật nảy mình, cũng rất sợ phải lên sân khấu, nhưng không thể nói như các bạn được:

- Thưa cô! Em nghĩ nếu cô chọn một vở kịch càng ít nhân vật càng tốt, chúng em sẽ bàn bạc và cố gắng động viên các bạn tham gia.

Vạn nói có nhấn mạnh mấy từ “càng ít nhân vật càng tốt” để cô giáo hiểu rằng bọn chúng cũng đang bị ép buộc diễn kịch mà thôi!

Nghe ý kiến của Vạn lớp trưởng cô giáo vui vẻ trở lại:

- Đúng rồi, chỉ có một nhân vật, ta chọn chuyện cổ tích “Cô bé bán diêm” để diễn. Chỉ cần một bạn nữ là được.

Cô giáo mới nói xong, bọn nam vỗ tay rầm rầm, bọn nữ thì thét lên:

- Không phải em nghe cô!

Cô giáo nói chậm rãi:

- Để diễn kịch phải hiểu rõ nội dung câu chuyện, hiểu rõ tâm trạng nhân vật mình sẽ đóng vai. Các em đã học câu chuyện này rồi, nên cũng dễ dàng thôi, cô sẽ hướng dẫn cụ thể hơn, em nào xung phong nhận vai cô bé bán diêm?

Hơn 10 bạn nữ cúi gầm mặt xuống đất, tim đập nghe rõ thình thịch. Thời gian trôi qua rất chậm, cô giáo lại rất kiên trì, cứ yên lặng chờ đợi, cả lớp cũng lì thật, chẳng đứa nào xung phong hay có ý kiến gì.

Gió từ phía bờ bên kia thổi tạt qua thật mạnh, mái tre xanh trên đầu rung lên, lá khô rơi nghiêng ngả, cả bọn cùng ngước nhìn. Trời bỗng dưng tối sầm, lác đác đã có những giọt mưa nhỏ rơi xuống. Cô giáo cho về lều núp mưa. Mới im lặng đến nghẹt thở như thế mà chỉ trong phút chốc chúng đã quên ngay, lại hò hét nói cười la ó, sung sướng đưa tay ngửa mặt hứng mưa, có đứa còn chạy ào ra tắm mưa nữa. Cô giáo mỉm cười bất lực nhìn chúng vô tư đùa nghịch. Cơn mưa kéo dài không lâu đã dứt khiến bọn trẻ cụt hứng, cô giáo hình như cũng quên đi chuyện họp lớp:

- Các em về nhà kẻo trời lại sắp mưa lớn!

Một buổi họp lớp đầy ắp những cảm xúc vui vẻ hứng khởi, lo âu căng thẳng, nhưng chắc chắn sẽ để lại trong tâm trí mỗi người dấu ấn không thể nào quên được, nhất là hình ảnh cô giáo thân thương hết lòng vì học sinh vì công việc, chỉ tiếc bọn chúng đã làm cô giáo buồn vì không ai chịu đóng vai cô bé bán diêm.

Thời gian trôi thật nhanh, kỳ thi học kỳ hai đến rồi cũng qua đi, bọn chúng lại chờ đợi ngày hội thành lập trường với bao sự hồi hộp và bận rộn. Không khí lễ hội đã nóng lên từ hàng cây phượng vĩ mới trổ hoa lần đầu, từ những tiếng ve inh ỏi râm ran suốt ngày đến từng gương mặt của thầy cô giáo và bọn trẻ. Lớp của Vạn cũng không thoát ra ngoài không khí hừng hực khí thế thi đua đó nhưng có một điều hết sức đặc biệt không ai dám nhắc đến tiết mục văn nghệ sẽ tham gia trong đêm hội diễn. Bọn chúng không nhắc đến là chuyện bình thường, kỳ lạ nhất, cô giáo cũng chẳng khi nào nhắc đến. Vạn thầm nghĩ: “Thế là lớp 8/1 bỏ cuộc văn nghệ rồi, tiếc thật nhưng biết làm sao được!”.

Rồi ngày lễ trọng đại của trường THCS Xóm Mới cũng đến. Cờ Tổ quốc, cờ reo đủ màu sắc được cắm và treo khắp nơi. Pa nô, khẩu hiệu, tranh ảnh... được trang trí ở cổng chính, theo các lối đi, dọc các hành lang rực rỡ và đẹp mắt. Sau một ngày hoạt động, lớp 8/1 được giải nhất các trò chơi dân gian, giải nhì báo tường và một số giải khác. Đêm đến, các ngả đường quê đông vui như ngày hội lớn, cha mẹ học sinh, những thanh niên nam nữ trong xóm ngoài xóm kéo đến trường xem hội diễn văn nghệ. Học sinh của trường được tập trung ngay trước một sân khấu rực rỡ ánh đèn. Lớp của Vạn cũng ngồi nhìn lên sân khấu chờ đợi nhưng tâm trạng có pha lẫn buồn vui. Chính bọn chúng không có năng khiếu văn nghệ, ngại ngùng xấu hổ không tham gia, để cô giáo buồn làm sao chúng vui cho được!

Khán giả vỗ tay thật to tán thưởng khi lớp 8/6 diễn xong vở kịch “Đánh nhau với cối xay gió”. Thằng Min đóng vai Đôn Kihôtê quá xuất sắc, hắn mặc áo giáp bằng giấy rách te tua, cái mũ hiệp sĩ rộng vành cũ mèm, thanh gươm chắc là bằng gỗ, được sơn màu bạc lấp loáng dưới ánh đèn, hắn tả xung hữu đột chiến đấu với bọn khổng lồ xấu xa, bọn khổng lồ thực ra là mô hình của mấy cái cối xay gió mà thôi. Tiết mục tiếp theo của lớp 9/2, một tiết mục hát dân ca “Cái trống cơm” có múa phụ họa. Gần như hơn nửa lớp 9/2 đều có mặt trên sân khấu. Nghĩ đến lớp mình Vạn thấy có lỗi với cô giáo. Hôm nay thằng Tuấn di động được cả lớp hết động viên rồi đến dọa dẫm nên đã có mặt. Thằng Ân khù không thấy đâu cả, Vạn đã nhắc hắn phải tham gia sinh hoạt với lớp, hắn chỉ cười cười ra vẻ nghe lời nhưng rồi biến đâu mất tăm ngay từ đầu buổi. Các tiết mục văn nghệ thật hay thật hấp dẫn trôi qua không làm cho bọn lớp Vạn vui được. Nhưng rồi, thật bất ngờ khi người dẫn chương trình giới thiệu:

- Kính mời các thầy cô, các bạn và quý vị khán giả thưởng thức tiết mục “Cô bé bán diêm” do lớp 8/1 thực hiện.

Sau vài giây ngập ngừng cả lớp Vạn mới vỗ tay theo, rồi trố mắt nhìn lên sân khấu. Đèn vụt tắt, rồi lại bật sáng, ngay giữa sân khấu một màn hình thật lớn, trên màn hình xuất hiện một thành phố cổ kính lộng lẫy, những ngọn nến lung linh, những cây thông Noel treo đèn kết hoa cùng với những chiếc chuông nhỏ đủ màu nhấp nháy, tuyết rơi trắng đường, trên hè phố những đứa trẻ ăn mặc rất đẹp đang đùa giỡn với những bông tuyết trắng. Không chỉ lớp Vạn mà cả trường đều ngạc nhiên, tiết mục văn nghệ chứ phải chiếu phim đâu chứ! Ơ kìa! Một em bé gái xuất hiện, đúng hơn là cô bé bán diêm xuất hiện, không phải trên màn hình mà từ trong sân khấu bước ra. Trên mái tóc dài lòa xòa của em bé còn vương nhiều bông tuyết trắng, em bé tay ôm bao giấy, chắc chắn trong ấy là những hộp diêm. Em bé run lên bần bật vì lạnh, đôi chân trần gần như lết trên sân khấu. Bọn nữ lớp 8/1 nhìn nhau có vẻ thắc mắc, đang ngồi đây đủ cả sao lại có cô bé đó được chứ, hay cô giáo mượn bạn nữ lớp nào đó đóng thế! Tiếng em bé trên sân khấu rên rỉ:

- Các ông các bà mua diêm giùm cháu!

Giọng nghe quen lắm, nhưng cả lớp chẳng đoán ra là ai. Em bé bán diêm đôi mắt ngây thơ ngước lên màn hình nhìn dòng người qua lại. Đứa nào có đôi mắt buồn đến như vậy chứ! Đôi mắt như van xin nài nỉ người qua kẻ lại, như ngại ngùng vì sự lạnh nhạt dửng dưng của họ. Tuyết rơi càng lúc càng nhiều hơn, em bé run lên rét cóng, tìm một chỗ thu mình ngồi co ro chịu đựng cái đói cái lạnh. Nó nhìn lên màn hình dòng người vẫn thản nhiên ngược xuôi sung sướng rạo rực đón mừng năm mới. Nó đứng lên, ôm mặt thất thểu bước đi, rồi lại ngồi nép xuống mé sân khấu nhìn lên màn hình. Một ngôi nhà trang hoàng rực rỡ xuất hiện, mọi người đang sum vầy vui vẻ, ấm cúng bên cây giáng sinh nhấp nháy đèn màu. Trên bàn tiệc nào là gà rán, ngỗng quay, rượu, bánh trái trông thật ngon lành. Bất giác nó nuốt nước miếng, mắt hoa lên, tay chân run bần bật, nó thấy lạnh và đói hơn bao giờ hết.

Ai đó đóng vai em bé bán diêm diễn hay quá, cả trường nín lặng theo dõi từng bước chân, từng động tác của nó, nhất là gương mặt và ánh mắt. Tay nó run lên thò vào bao lấy ra một hộp diêm, đắn đo, thẩn thờ, lo sợ và hy vọng. Cả trường vỗ tay tán thưởng khi thấy động tác quẹt que diêm đưa vào sát ngực để sưởi ấm cho mình, đôi mắt bừng lên hạnh phúc. Trên màn hình những đoạn phim minh họa hỗ trợ nội dung câu chuyện được chiếu lên đầy cảm xúc. Đèn sân khấu cứ vụt tắt rồi vụt sáng như những que diêm nối nhau được đốt lên từ niềm hy vọng. Cả trường bật khóc khi nó bật que diêm cuối cùng trong hộp và gọi người bà đã chết:      

- Bà ơi ! Cho cháu theo với!

Nó dựa vào tấm màn sân khấu bất động. Em bé bán diêm đã chết.

Cô giáo chủ nhiệm chạy ra sân khấu đỡ nó dậy, ai cũng lo lắng ngỡ như nó chết thật vậy! Cô dìu nó đến giữa sân khấu, gỡ mái tóc dài con gái còn vương đầy tuyết trắng, để cúi chào khán giả.

Trời ơi! thằng Ân khù. Cả lớp Vạn ùa lên sân khấu vây quanh cô giáo và thằng Ân, có đứa không kiềm chế được đã ôm chầm lấy nó. Nhiều đứa thút thít khóc, không rõ bọn chúng khóc vì câu chuyện “Cô bé bán diêm” cảm động hay vì niềm vui sướng tự hào của tập thể lớp, cũng có thể chúng khóc vì tình bạn, tình cô trò đang trào dâng trong lòng chúng...

N.B.H