Mùa thu trong chiếc lá - Phan Thành Minh

01.06.2016

Mùa thu trong chiếc lá - Phan Thành Minh

V ứt lên trời nỗi buồn xám xịt, những áng mây nặng nề trôi về chiều. Bầy chim xanh hung dữ kết thành dải lụa quái dạng vắt qua những ngọn đồi thấp lúp xúp xếp thành hình dích dzắc hai bên cánh đồng. Cánh đồng bé tẹo không tên bị đánh thức bởi những tán phượng đỏ ối trải dọc theo triền suối phả ra cái nóng hừng hực nung chín những bông lúa cong quẹo, vàng ươm.

Giáp biên cánh đồng là rừng hổn giao, nơi có những lùm tre gai xanh dìu dịu điểm xuyết cho bộ mặt ủ rũ của đám cây dầu làm nổi bật lên con lộ đỏ chót màu đất. Con lộ có vẻ yếu đuối ốm tong ốm teo nhưng cõng trên vai nó hàng ba, bốn chục nóc nhà lá, một tàu ngựa tổ chảng và vài ba chuồng trâu, bò cùng với năm bảy ụ rơm to tướng. Cao hơn cả là chùa làng. Đó là ngọn đồi khá đẹp có nhiều loài hoa, làm nền cho nó là đỉnh Bà Nà hùng vĩ phía xa xa. Người ta thành kính dựng lên đó một ngôi chùa khá khang trang, mái cũng lợp lá nhưng là lá mây sáp chắc chắn và bền bỉ có thể cằn cựa với mưa nắng hàng chục năm trời.

Chùa dành hai phòng để dạy học cho con em trong xóm. Có nhiều lớp cùng học chung một phòng. Cha mẹ chúng đóng học phí cho chúng bằng những ngày làm công quả trên chùa, nếu không có công thì đóng hiện vật. Nói chung là có gì đóng nấy, ấy vậy mà nhiều đứa trong đám học trò quê này cũng đỗ đạt đàng hoàng như ai. Thầy thì trẻ như anh, chẳng phải tiểu mà cũng chẳng phải sư. Thầy là những học trò lớn tuổi của làng, thầy cũng muốn làm người lớn nên ưa xoa đầu bọn trẻ, cái bọn khét lẹt mùi nắng gió, mùi mũi dãi, mùi bùn sình mà dễ dạy.

Duy nhất ở cái làng này là ngôi đình được lợp ngói âm dương, rường cột bằng gỗ mun bóng lựng. Phía trước sân đình là tấm bình phong xây bằng gạch thẻ nung chạm hình con hổ đang diễu võ giương oai. Cái đình thì bé tẹo mà cái sân thì quá rộng chứa cả dân làng còn dư. Đó là chỗ cho gánh hát bội vô danh nào đó ghé ngang vét những đồng bạc khó của vụ mùa vừa thu hoạch. Cũng có tường rào bao quanh sân diễn nhưng là vỏ thùng giấy, bao tải cũ, vải bạt rách, dây nhợ giăng ngang, giăng dọc nhí nhố vậy mà chẳng có ai xé rào vào coi cọp bao giờ. Chỉ bọn trẻ con là phá phách nhất làng nhưng chúng cũng chả thèm làm cái chuyện ruồi bu ấy. Chúng leo lên hai cây đa thuộc hàng phải cung kính mà người xưa trồng làm cổng đình ngồi xem thỏa thích mà chẳng cần quan ngại ai. Chúng cười hí hố khi thấy ai đó thay áo quần, vẽ mắt môi. Chúng la ó khi cô đào nào đó ôm chầm ông kép nưng niu cái chỗ mà tụi nó chưa bao giờ được nghe ai nói bao giờ.

Con suối là mạch sống chính của làng, người ta dành chỗ sâu nhất làm bến tắm ngựa. Những con ngựa hằng ngày phải đi về nhiều cây số để nối nơi đìu hiu này với chợ Hàn là thị tứ tấp nập màu lính mặc dù quãng đường chỉ đủ để nhai dập miếng trầu. Bên trên bến tắm ngựa là bến tắm của làng. Cứ đận chiều là trai tráng quy tụ về đây tắm giặt, đàn bà con gái cũng léng phéng ra đó gánh nước, gội đầu, liếc dọc liếc ngang. Con suối ban ngày yên ắng là thế nhưng ban đêm thì chằng chịt tiếng cười, tiếng thầm thì của người pha lẫn tiếng động cỡn của bọn ếch nhái, nhất là những đêm không trăng. Lũ đom đóm ngứa nghề xách đèn chạy tới, chạy lui dọc theo đường làng để coi mặt bọn đực cái lén lút tâm tình đâu đó.

Làng không có tên, người ta gọi tên làng theo nhận định của người qua đường là ở đây gió mát rười rượi khi ai đó là du khách lần đầu tiên đến nơi này. Rời chân khỏi con tàu nóng như lửa của khối sắt biết đi kia người ta sẽ được thưởng thức thứ không khí trong lành đến tinh khiết, thứ gió mát đến không ngờ. Eo Gió có tên từ đó. Nó cũng là tên làng và tên ga. Nói là ga chứ chẳng thấy ai buôn bán gì bởi các chuyến tàu qua đây chỉ dừng lại dăm phút để ăn củi, uống nước, cho ai đó lên xuống rồi lại vút đi. Ga là thế,  còn tàu là những cỗ máy hơi nước xập xà xập xệ, trầy tróc lung tung. Chúng có tuổi đời hàng trăm năm già, chạy chậm như rùa, bọn trẻ con trèo lên nhảy xuống dễ như không. Cả đoàn tàu chỉ có một toa hàng chợ chứa đủ mọi loại mắm muối, thịt cá từ miền xuôi chở lên miền ngược còn lại là những toa hàng quân dụng. Thời chiến nên tàu lúc nào cũng lúc nhúc lính. Ngứa tay, ai đó thả một băng đạn lên trời, khơi khơi vậy nhưng cũng làm cho lũ con nít khoái chí vỗ tay rào rào.

Đạn bom nghe riết hóa nhàm. Vài ba cây cầu sập, vài ba tiếng mìn, dăm chiếc xe tăng banh xác đâu đó cứ sao mà dửng dưng. Mấy cái hòm phủ cờ ba sọc theo tàu chạy lên, chạy xuống giống nhau như đúc diễn ra hằng ngày, họa hoằn lắm mới thấy ai đó rơi nước mắt đau xót. Sống chết sao mà bình thường đến lạ, vô tư đến lạ. Nhà bên kia đám tang, nhà bên đây đám cưới âu cũng là chuyện thường tình. Người ta dễ dàng khóc bên này, cười bên kia một cách vô tư. Buồn đó, vui đó chưa xanh mộ chồng thì đã chung chạ chiếu giường, bầu bì đã lum lúp. Chiến tranh hình như không thể ngăn cản sự rậm rựt của trai gái, của đàn ông, đàn bà. Chết như rạ dân số vẫn tăng vù vù, tăng đến chóng mặt. Dân mình ăn thuở ở thì đã quen, sống với thiên nhiên trần trụi đã quen nên tình ái cũng phải thiên nhiên mới thích thú và bọn trẻ con cứ thế mà ung dung chào đời.

Ở cái làng này không có công trình nào là quan trọng nên chẳng có bốt đồn nào canh phòng. Ban đêm chỉ có tốp dân vệ quanh quẩn ở sân ga nhậu nhẹt, đánh bạc là chính nên cái xóm đìu hiu ấy vẫn cứ mãi đìu hiu. Đìu hiu đến nỗi chỉ có một cái quán xập xệ mọc bên cạnh ga, quán của Út nhỏ. Chồng chết trận đâu tận Tây Nguyên, nó bảo thế thì người ta nghe thế. Cũng có thể nó bảo thế để người ta gờm cái mác cô nhi quả phụ để nó dễ bề làm ăn hay chăng? Nói gì thì nói nhưng chẳng ai dại mà đụng vào cô nhi quả phụ. Đó là cái cớ để cho cánh thương binh quậy phá, đặt yêu sách này nọ với chính quyền sở tại. Họ nhân danh kẻ bảo vệ những người vợ của các chiến sĩ đã tử trận bằng các loại vũ khí hạng nặng như cánh tay cụt, cái chân què hay mù cả đôi mắt. Đó là bức tường đồng mà chẳng mấy đội quân nào hăng hái húc đầu vào.

Cái quán vô thừa nhận ấy là chỗ duy nhất tiêu thụ những con gà bị bệnh, gù rù chờ chết. Những con gà mà thuốc đạn M16 trộn với nước tỏi, nước hành cho uống cũng chẳng ăn thua gì. Hồi đó người ta gọi căn bệnh này là gà phải gió khi thời tiết thay đổi giữa hai mùa mưa nắng chớ có biết H5N1, N2 gì đâu nên thiên hạ cứ thịt và đánh chén tuốt luốt. 

Út nhỏ có cái quy định bất thành văn là gà sống thì mua thoải mái đã đành, gà chết cũng mua nhưng phải làm lông sạch sẽ rồi mới đem tới quán cho nó. Ai dám khẳng định là con gà đã làm lông sạch sẽ đó là không chết vì bệnh, vì toi và không có vi trùng? Không ăn thì thôi, đừng có bẻm mép mà vạ dính mồm. Đã thế, có ai chết vì ăn phải thịt  gà này của nó đâu, bằng chứng hiển hách là bọn dân vệ vẫn mập ú ra đó thôi.

Chỉ có dân làng này là biết tỏng mọi chuyện nhưng họ cũng chẳng ngán, họ cũng xơi tất tật còn đám lưu linh thì càng không thể khô mỏ. Ai đó nói ra, nói vào thì đám con ông Trời này vẫn cười khinh khỉnh: “Mẹ kiếp, nước sôi cả trăm độ thế kia con quái nào sống  được, sá gì ba con vi trùng bé tẹo”, và chúng vẫn ngửa cổ hào sảng dzô dzô hằng đêm.

Út nhỏ ở trọ cuối xóm, trong cái hốc bà tó phía sau đồi chùa, cạnh nhà thằng Độ. Ruộng rẫy chẳng có gì, nó hẳn là dân nhập cư trẻ nhất trong cái làng già nua cú đế này. Nghe đồn nó là đứa con vụng trộm của mẹ nó với ông trưởng ấp ở quê, còn quê nó ở đâu thì có Chúa may ra mới biết. Vừa sinh ra, mẹ nó quẳng nó trước cổng chùa rồi đi biền biệt. Lớn lên nó trốn chùa rồi trôi giạt vào xứ này, nó chẳng hề biết mặt cha mẹ cũng như tên họ của nó là gì. Cái tên Diệu Hương mà nhà chùa ban cho nó cũng đã mốc meo từ hồi nảo hồi nào. Cái tên nghe tinh khiết quá, không thể đặt lên cái thân xác hừng hực nhục dục của nó. Nó cố quên, quên luôn sự bao dung quý giá của nhà chùa để vào đời cho thanh thản.

Út nhỏ chắc là cái tên của ai đó gọi riết thành quen. Nhỏ thó, lanh lợi, gian xảo nhưng kín đáo là biểu tượng của đám di dân tự do trong thời chiến. Út nhỏ có nét đẹp hừng hực của ngọn lửa, thứ lửa của gốc tre già khô khốc, đanh chắc, trùng trục màu thời gian của miền Trung chó ăn đá gà ăn sỏi. Thứ lửa đó đốt thép cũng chảy, đốt sắt cũng tan huống chi là ruột gan của đám dân vệ, lực lượng hèn nhất của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Út nhỏ thích tắm giặt khi tiếng gà còn ngái ngủ. Nó nhóm bếp bắc nồi nước, cởi trần ra rồi ngồi sau nhà mà tắm thỏa thích. Nó bảo quê nó miệt biển nên chỉ cần mặc mỗi cái xì líp, xu chiêng là ung dung long nhong khắp xóm mà chẳng phải suy tư gì. 

- Quen riết thành tật, tắm dzậy mới khoái; mà nữa, trời tối in ỉn thế kia ai mà thấy gì.

Có bữa bọn nhậu trêu nó:

- Tui thấy hàng hiếm của bà rồi, sáng nay.                              

Út tỉnh queo:

- Dóc... dữ cha nội, rình hả?

Rồi như sợ mất lòng khách quen nó kề tai gã dê xồm thì thào:

- Thấy... có đã không. Quỷ sứ?

Thằng bợm cũng đỏ rần hai lỗ tai con khỉ đột, cười the thé kiểu mắc dịch. Nhiều lúc con Út cũng chơi nghịch, nó giả bộ vô tình đưa tay sờ nắn dây nịt vú căng cứng của nó làm cho cánh đàn ông líu quíu, mặt mũi tối sầm. Nó nổi tiếng dữ từ hôm lia con dao bay phéng ngón tay thằng nhậu chùa. Cả làng bênh nó, kẻ thương tích tiu nghỉu ôm bàn tay máu biến tiệt. Bênh nó cũng phải, bởi nó nhỏ nhẹ từng lời với bà con chòm xóm, chưa mặt nặng mày nhẹ với ai bao giờ, cho mượn cho vay mà chẳng hề lấy lãi xu nào, cả làng mắc nợ nó. Không bênh nó mới là lạ.

Buôn bán phọt phẹt thế mà vàng đeo đỏ tay mới ngộ, mấy kẻ ác miệng ác mồm bảo con Út làm tiền với đám ăn bạc. Thằng Độ không nghĩ thế, nó nhìn con Út bằng cái nhìn phục lăn. Đứa con trai mới lớn như nó phải theo mấy ông anh dân vệ ra ngủ nhà làng bởi ông trưởng ấp từng hăm he: “Tụi mày tính theo Việt Cộng hay sao mà ngủ ở nhà”. Cha nó bảo nó cứ đi đi cho biết người biết ta. Vậy là đêm nào nó cũng quấn tấm chăn màu lông chuột ra ngồi ngơ ngơ ở quán con Út, xem bọn dân vệ đánh bài, uống rượu. Lâu lâu lén nhìn Út nhỏ vậy thôi, thế mà con Út cũng bắt bí:

- Nhìn gì trân trân dzậy cưng, sao không  ăn uống gì... chê đồ của Út hả?

Thằng Độ xấu hổ muốn chết, nó nghĩ chắc hai vành tai nó đỏ rần như mào gà chọi, may sao có ai đó chở che :

- Nè nè đừng thấy trai tơ mà tơm tớp nghe gái già, tội dụ dỗ vị thành niên xé lịch không nổi đâu bà cố. Tui mà ghen tui đốt quán à nha.

Út nhỏ cười, nụ cười rất đĩ:

- Chẳng lẽ dụ ông?

Rồi nó nắm tay thằng Độ kéo vô ngồi lên chiếc giường thơm phức mùi đàn bà của nó như thách thức. Chiếc giường là chỗ ban ngày nó dùng để chất hàng, ban đêm để ngủ. Ni lông giăng tứ phía nhà để cho ấm hay chống mưa gió nhưng có gió thì lại phát ra tiếng kêu lạch bạch rất gợi, thằng Độ nghe cũng vui vui.

- Ngồi đây đi cưng, chị nói này cho nghe...

Mà nó có nói gì đâu, nó dọn bánh tráng thịt luộc, rau sống ra bảo thằng Độ ăn khuya. Nó cuốn cho thằng Độ một cuốn to tướng rồi níu bàn tay thằng Độ đặt vào, nó bảo:

- Ăn đi cục cưng của Út, ngồi với mấy ông xỉn đó làm gì, mai mốt quen mùi cuốc mấy đất cũng không đủ rượu.

Lơ ngơ thế nào mà thằng Độ quên chấm nước mắm cứ thế mà nhai lạt. Út nhỏ cười như phải thụt lét, nhìn thằng Độ khiêu khích:

- Biết yêu rồi hả, thấy cưng là tui nhớ bồ... sứt cạp...

- Biết hộc máu chết liền.

- Thề chi mà độc dữ rứa. Ngựa non sao chẳng thấy háu...

Thằng Độ lí nhí trong lòng:

- Sao bà biết không háu... Tui biết tỏng, bà chẳng có bạn bè quái quỷ nào đâu thèm đực muốn chết. Chồng mổng chồng mông thì có. Chồng rồi sao ngực cứ vun như núi thế kia...!

Thằng Độ kín đáo nuốt nước bọt. Người ta bảo gò má con Út cao nên sát chồng đứa nào va vào thì phải vạ. Ấy nên chồng nó nhanh đứt bóng là vậy, chẳng kịp để lại hậu duệ nối dõi tông đường. Cuốn bánh thứ hai cho thằng Độ con Út gắp mắm bỏ vào luôn, nhiều quá, mặn chát, thằng Độ nhìn nó trân trân. Nó lại nhìn xuống ngực mình. Từ đó đêm nào thằng Độ cũng lảng vảng quanh nó, không ăn gì thì tán gẫu. Con Út nói chuyện có duyên đáo để, cái răng khểnh dễ thương làm sao, thằng Độ ngồi nghe chuyện mà mặt cứ đực ra.

 

Hôm nào cũng vậy, trước khi đóng quán con Út đều bảo thằng Độ mai ra uống cà phê rồi hẳn đi làm. Thằng Độ không trông mong gì, cũng không mừng, nó nghĩ con Út thấy nhà nó nghèo nên thương hại rồi nói thế chứ lý nào một cô gái đẹp có của ăn, của để như  con Út mà lại sà vào chia sớt gian nan với nó bởi nó từng chứng kiến nhiều hôm chỉ có hai đứa, con Út vẫn ngồi thừ ra nhìn mưa rơi mà chẳng thèm bộc lộ một cử chỉ yêu thương nào. Một sự liên tưởng không lô gíc nhưng suốt ngày cứ lởn vởn trong đầu thằng Độ. Hình bóng của Út nhỏ như ai dán trước mắt nó, nó mong sao đêm nhanh đến để nó được ngồi bên khối nam châm hừng hực lửa tình ấy mà nhìn ngắm vu vơ.

Nó tập uống rượu, chẳng khó khăn gì bởi mùi rượu đâu xa lạ với nó nhưng chỉ vài ly thôi là đầu óc nó đã nhảy lambada rồi. Con Út chẳng nói chẳng rằng, có vẻ không thích. Mặc. Nó uống tới mửa mật xanh, mật vàng con Út vẫn điềm nhiên. Nó buồn. Cả tuần sau nó không đến quán, con Út nhắn hết người nọ, người kia cũng chẳng kết quả gì. Con Út đành qua nhà làng tìm nó, nhìn nó nằm chèo queo trên tấm phản lạnh ngắt, con Út chạnh lòng :

- Dậy đi, Út nè... Đàn ông con trai gì mà làm nũng ra nước, qua quán uống rượu.

- Thôi, ông già ngầy rồi.

- Sợ thiệt hả, sao tui nói hổng nghe.

- Thì đang nghe mà.

- Nghe sao hổng ngồi dậy.

Thằng Độ chống tay uể oải tính ngồi dậy, con Út quàng tay qua lưng nó nâng nó lên.

- Ôm tui đi cha nội.

- Có ai thấy không?

- Kệ...

Nó cầm tay con Út mân mê, hình như tay nó run run. Bất ngờ, con Út hôn cái chụt lên má nó rồi mất hút sau màn đêm. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, cha thằng Độ giận lắm, ông đánh nó một trận thừa chết thiếu sống. Nó bỏ làng ra đi, năm đó nó mười bảy tuổi, Út nhỏ hai mươi. Nó vào rừng.

P.T.M