Mạch trầm - Vũ Thị Huyền Trang

01.06.2016

Mạch trầm - Vũ Thị Huyền Trang

Mùa này là mùa mưa bão. Ngày nhỏ, Kha thích nằm ngửa cổ lên trời tìm kiếm một chấm đen. Những chú chim báo bão hốt hoảng bay trên nền trời biến động. Cả vòm trời trong xanh vời vợi là thế mà chẳng mấy chốc mây trắng tuồn qua, mây đen kéo về, nhoang nhoáng những tia chớp giật như mọc rễ, kết chùm bám lấy nền trời. Kha nằm im đến khi những hạt mưa đầu tiên rơi xuống mặt đánh thức mọi giác quan. Rồi mưa kéo đến rất nhanh, rầm rập như bước chân trẻ nhỏ. Mỗi khi lấy khăn lau khô đầu cho Kha, bà đều cằn nhằn “vui thú gì cái trò ngửa mặt chờ mưa mà lần nào con cũng đày đọa mình như vậy”. Trong cơn sốt hầm hập Kha vẫn mơ thấy những cánh chim mải miết xuyên qua tia chớp rồi mất hút, nhạt nhòa trong màn mưa trắng xóa. Những cánh chim đã không kịp trở về. Có vài lần trong cuộc đời Kha nhìn thấy xác một chú chim nằm chết sau cơn bão trong tư thế cánh vẫn dang rộng để bay. Đàn kiến gọi nhau đến bâu đen xì, nhức nhối hai hốc mắt.

Không hiểu sao Kha luôn nhìn thấy mẹ trong hình ảnh những chấm đen nhỏ nhoi giữa nền trời biến động. Cái nền trời đang trong xanh vời vợi bỗng xám xịt ấy chẳng khác gì cảnh ngôi làng dọc triền sông bị cháy rụi trong ký ức Kha mười mấy năm về trước. Chiều ấy có trăng non, nền trời soi mình xuống dòng sông gần cạn đáy, nhìn phận sông cũng đủ thấy truân chuyên giống phận người. Từng ăm ắp hiền hòa chảy vắt qua làng một khúc quanh, khéo léo như thắt dải yếm đào quanh eo thiếu nữ mà giờ sông như bầu vú người đàn bà cạn sữa già nua. Bọn con nít tụi Kha chơi trò rồng rắn lên mây trên đê, chán chê rồi kéo nhau đi thả diều. Kha nhớ bầu trời xanh lắm, thỉnh thoảng đùn lên những đám mây bã bừa khổng lồ màu trắng xốp. Trời về chiều gió mát nên bọn con nít mới thấy bầu trời đẹp chứ người lớn thì không thích. Trời nhiều mây bã bừa báo hiệu hạn hán kéo dài dù đang là tháng sáu âm, đúng mùa mưa lớn. Không có gì tệ hơn với ruộng đồng khi không có lấy một giọt mưa nhỏ xuống. Người già rỉ tai nhau rằng hạn giữa mùa mưa đó là tai họa khôn lường. Dĩ nhiên là đói. Đói quay đói quắt nhưng bao nhiêu ký ức đói nghèo ấy đều bị trận hỏa hoạn đốt sạch rồi. Một đốm lửa nào đó được nhen lên, Kha nghe thấy tiếng mẹ gào thét kêu gọi mọi người dập lửa. Nhưng ngọn lửa lan nhanh liếm gọn cả ngôi làng trong phút chốc, bóng mẹ và những người đàn bà khác chỉ còn là chấm đen nhỏ nhoi trong nền trời đỏ rực. Đứng trên triền đê hướng về biển lửa, Kha chết lặng không nhấc nổi chân. Những năm tháng về sau của cuộc đời mỗi khi nằm nửa mặt chờ mưa Kha luôn nghĩ thực ra đã vắng bóng cơn mưa từ những cánh rừng bị phá.

Những người đàn ông trong làng Kha đều có chung một nghề là đi đốn gỗ thuê. Chẳng ai biết tường tận về công việc họ làm ngoài những nắm tiền nhăn nhúm họ mang về cho vợ con mình. Khi đàn bà ngồi vuốt phẳng phiu từng đồng tiền thì trẻ con thích mân mê bàn tay cầm cưa, cầm rìu đã chai cứng lại của những người cha vai u thịt bắp. Người họ hôi hám, quần áo toàn nhựa cây rừng bết lại khô cứng, râu lâu không cạo và tiếng ngáy thì như tiếng cưa xẻ gỗ. Họ về lần nào là thấy nhà cửa ồn ã hẳn, thay phiên tụ tập nhà nhau uống rượu rắn, ăn thịt chó, nói chuyện tục tĩu và thỉnh thoảng đọc thơ tự chế. Họ không tha thiết ruộng đồng bởi họ thích làm công việc nhận tiền công theo ngày, nhanh gọn mà lại ít rủi ro. Còn đồng áng đã có phụ nữ ở nhà lo, làm cả vụ vài tháng trời gặp cơn mưa đá hay bị đàn chuột kéo nhau đến phá một đêm cũng coi như thất bát. Họ gieo vào lòng những đứa trẻ ước mơ cầm rìu đốn gỗ. Lớn lên Kha mới hiểu có những người khi nhìn thấy một thân cây đổ xuống đã không cảm nhận được nỗi đau của một tán cây nằm sõng soài trên đất chẳng thể che chở cho chính thân xác và gốc rễ của mình. Không hiểu được khoảng trống của một gốc cây ứa nhựa bị bỏ lại giữa trời đất mênh mông. Giống như Kha mất mẹ là đã mất đi bóng mát cuộc đời. Những người đàn ông đã đốn gục bao nhiêu gốc cây, đã cướp đi bao nhiêu bóng mát? Kha không rõ, chỉ thấy những con đường họ đi dần ngắn lại. Phá hết rừng xa rồi đến rừng gần. Nơi nào đàn ông trong làng đi qua thì nơi ấy chỉ còn là khoảng trống. Kha thấy chân trời mỗi ngày mỗi rộng vì cái viền xanh của rừng bao quanh tầm mắt đã không còn nữa. Người già than ngột ngạt. Phụ nữ thở dài lo hạn hán. Đàn ông kêu cạn kiệt. Kha cũng thấy cạn kiệt, nhưng vì là trẻ con nên chỉ thấy trong mắt mình cạn kiệt màu xanh chứ không phải là nỗi lo cạn kiệt từng xấp tiền nhàu nhĩ.

Người già nhìn ruộng đồng nứt nẻ, sông ngòi cạn nước, tiếng gàu múc nước va vào đáy giếng cạn khô toàn đá sỏi đã đau đớn nhận ra một thứ đang cạn kiệt ngấm ngầm khi rừng đầu nguồn trơ trụi. Lòng đất dưới chân ta giận dữ hút cạn mạch nước ngầm. Bầu trời trên đầu ta giận dữ không đổ xuống một hạt mưa nào. Những chú chim mất tổ bỏ đi, thảng thốt bay trên nền trời khô hạn. Bà nói có lẽ dấu hiệu của cơn hỏa hoạn bắt đầu từ khi ấy. Chứ không phải từ mồi lửa của người đàn ông say rượu châm lên mái nhà lúc cãi vã với vợ con chỉ vì không có mồi nhắm rượu. Lòng người khô khốc bên những mái lá khô, những cọng cỏ khô và cái nóng thiêu đốt của mùa hạn đã tiếp tay cho ngọn lửa. Để cướp đi nhiều người đàn bà, nhiều gã đàn ông. Hôm ấy chỉ có những người rời nhà đi làm thuê từ sáng sớm và đám trẻ rong chơi đê mới thoát khỏi ngọn lửa. Bà đi đãi hến dưới con mương cạn thấy bỏng rát dưới chân vì sức nóng được truyền qua từng thớ đất khô khan. Bố Kha cũng thoát chết nhờ sáng sớm sang sông bán bò, say rượu ngủ quên không biết đường về. Bố nói lúc tỉnh dậy dụi mắt nhìn qua bên này sông chỉ thấy một màu đỏ rực. Đám cháy lan đến chân đê thì tắt. Tro nguội, Kha đi giữa bụi tro tàn tìm mẹ thấy lòng mình không ai đốt cũng tro bay. Mười mấy năm Kha lớn lên, bà vẫn cặm cụi quét tàn tro trong lòng người ở lại. Người ta lại thuê đàn ông đi trồng rừng. Những đứa trẻ bắt chước một cậu bé trong phim Nhật tháng bảy năm nào cũng kết hình nộm cầu mưa. Mùa hạn qua thì mùa lũ tới. Rừng trống, lũ tràn, làng Kha nằm dưới thung lũng trở thành đáy lũ, nước tràn xuống xối xả ngập cả lòng người. Thiên nhiên sòng phẳng với con người từng tí một. Học phí cho bài học ấy nhiều đứa trẻ như Kha phải đánh đổi bằng máu mủ của mình. Mười mấy năm trôi qua rừng vẫn chưa xanh lại màu xanh cũ. Trong cái màu xanh hiện tại như có chút đớn đau, mất mát hằn trên từng gân lá. Đời cây có vân gỗ, đời người có vân tay. Không phải ngẫu nhiên tạo hóa sinh ra vạn vật đều có mối giằng níu với nhau như thế.

                                                                                                                                   

Mười tám tuổi Kha rời làng xuống phố. Bỏ lại người cha u buồn và bàn tay bà già nua nhưng ấm áp thường cầm khăn bông lau khô đầu Kha trong những mùa mưa xưa cũ. Bà già lắm rồi chỉ ngồi ở góc giường nhìn ra ngõ đã thấy đời mờ ảo như sương khói. Tuổi già bất lực với mọi khoảng cách không gian và thời gian nên quê hương bỗng xa vời vợi. Bà người miền biển theo ông trôi dạt về miền trung du thì dừng lại cắm đất làm nhà. Những đứa con lần lượt ra đời, mấy chục năm trời thoi đưa thấm thoắt. Đến lúc ngoảnh lại tìm một tiếng hò vọng từ ký ức tuổi thơ thì chân chậm mắt mờ, ngó lũy tre đầu làng mà tưởng như ngăn sông cách biệt. Suốt bao năm nay bà chỉ mong ngóng được một lần về thăm lại quê nhà. Nhưng luôn có cả trăm ngàn lý do ghìm chặt chân bà. Nào thì Kha còn quá nhỏ, ruộng đồng không ai chăm, nghe đâu bảo mới có vụ lật xe khách Bắc Nam cả trăm người gặp nạn, mấy tháng nay trở trời cái lưng đau buốt, xương khớp giờ rời rạc như củ lạc khô chả biết gục xuống lúc nào nên đi sợ không đến mà đến rồi lại sợ không về bên Kha được. Mà biết họ hàng còn ai sống hay không, mấy chục năm chả có tung tích gì về họ... Quê hương như món nợ, chẳng ai thúc giục mà cứ đeo đẳng trong tâm hồn mỗi con người. Cái món nợ càng trả càng đầy, càng vay càng thiếu, tuyệt nhiên không thể nào sòng phẳng. Ấy vậy mà bà từng mong Kha sẽ ly khai với quê hương và những ký ức đau buồn. Bà ơi món nợ này nặng lắm, đâu phải muốn buông là buông được đâu bà...

Người bạn đầu tiên của Kha ở thành phố này là Du. Hôm Kha đi tìm nhà trọ gặp Du ngồi ăn mì tôm dưới giàn cây râu rồng. Du vừa xuýt xoa vì bát mì tôm cay nóng vừa giơ tay chỉ giúp Kha hướng nhà bà chủ. Hôm mới chuyển đến, Du chỉ hàng chữ đỏ chói “cẩn thận trộm cắp” được viết ngay ngắn ngoài cổng trọ. Kha cười, nghĩ mình thì có gì mà mất. Cái ý nghĩ ấy chưa kịp bật ra thành lời thì Du đã co chân đạp xe vèo qua mặt Kha, khéo léo lách qua cổng trọ. Ấn tượng đầu tiên về Du là vai bạn gầy quá và lưng áo thì lấm tấm mốc đen. Thanh xuân của Du đượm mùi mì tôm và suốt ngày nai lưng ra học, đến tối thì đi trực. Những hôm rảnh rỗi hiếm hoi Du dẫn Kha nhảy lên xe bus đến bệnh viện tâm thần từ mờ sớm. Tại đây luôn có một nhóm bạn trẻ chờ sẵn, tất cả góp tiền cùng đi chợ và nấu cháo phát cho bệnh nhân ngay tại viện. Một lần nhìn bệnh nhân tâm thần ôm đống giấy lộn tưởng đang ôm bọc tiền sung sướng cười hềnh hệch, Du bảo:

- Cậu nghĩ gì khi tỉ lệ dân số có vấn đề về rối loạn tâm thần ngày càng lớn?

Kha tặc lưỡi:

- Không phải sẽ tốt cho những bác sĩ chuyên khoa tâm thần như cậu sau khi ra trường sao?

- Tốt ư? Biết đâu trong số bệnh nhân ấy lại có tớ và cậu đấy. Càng nhiều người mắc bệnh càng cho thấy sự bất lực của xã hội. Khi phải vào bệnh viện đó là giải pháp cuối cùng.

Nhiều năm về sau mỗi khi nhốt mình trong phòng buồn chán và bế tắc Kha hay nhớ về cuộc trò chuyện với Du hôm đó. Du là chàng trai suốt tám năm sống trung thành với mì tôm để dành tiền cho việc học. Sau sáu năm học xong đại học Y, Du vừa đi làm vừa tiếp tục học định hướng chuyên khoa tâm thần. Kha ít gặp Du hơn vì cuộc sống cứ cuốn Kha đi xa quá. Công việc thay đổi liên tục, không có công việc nào thực sự phù hợp với Kha. Cứ tưởng cố gắng gù lưng đèn sách thi cho bằng được vào trường đại học mà mình mơ ước thì cả phần đời còn lại sẽ sống với đam mê. Nhưng thời buổi này mấy ai ra trường mà được làm đúng nghề mình học. Người học sư phạm thì về hội văn học nghệ thuật tỉnh làm còn người học về văn hóa nghệ thuật lại đứng trên bục giảng dạy giáo dục công dân. Cũng có khi người học du lịch về làm thủ thư, còn người học khoa thư viện lại đi làm hướng dẫn viên du lịch. Tất cả chỉ là con xúc xắc trong trò chơi quyền hành và sức mạnh của tiền bạc. Du từng bảo:

- Làm nghề y như tớ sợ nhất là chữa không đúng bệnh. Cơn đau ở chỗ này lại dí dao mổ vào chỗ khác hoặc bệnh cần thuốc này lại kê đơn thuốc khác. Y như cái sự học và hành của chúng ta. Chỗ cần cải cách thì không cải cách. Chỗ không cần thì lại khẩn trương, tốn kém.

- Cậu nghĩ gì về những hạt giống bị gieo nhầm loại đất?

- Thì sẽ mọc lên những thân cây còi cọc, bệnh tật. Hoặc chúng không đơm hoa kết trái. Hoặc hoa trái sẽ không còn mang đúng hương vị giống loài. Mà cũng có thể nó sẽ chết, một cái chết dần mòn.

- Cũng giống như đốn một thân cây?

- Thậm chí còn đáng sợ hơn...

Kha cũng thấy mình đáng sợ. Ba năm ra khỏi trường sư phạm với tấm bằng loại giỏi vậy mà Kha không xin nổi một suất dạy hợp đồng nên đành phải làm nhiều công việc khác nhau. Ban đầu thì cùng các cử nhân sư phạm khác định bụng mở một chuỗi siêu thị nhỏ lẻ cung cấp thực phẩm đến từng ngõ ngách. Nói cho oai thế thôi, chứ cái quy mô của một chuỗi siêu thị chỉ dừng lại ở một quán nhỏ bán đủ thứ từ đồ khô đến đồ tươi sống, từ mấy thùng bánh mì, sạp rau xanh cho đến đồ hải sản... Hồ hởi vạch ra bao nhiêu kế hoạch chi tiết ấy vậy mà tồn tại được vài tháng thì giải tán. Lỗ thì đã lỗ nhiều rồi, ế mấy thùng mì, vài mớ rau, ít đồ tươi sống thì gọi nhau tập trung nhậu giải đen. Còn cái xe máy cà tàng mua chợ đồ cũ đường Xuân Thủy dùng để đi lấy hàng, cái cân bàn và đủ bộ dao thớt thì không biết phải chia nhau làm sao nên đùa rằng đợi đứa nào cưới trước thì cho làm của hồi môn. Sau đó từng ấy đứa tách nhau ra kiếm việc mưu sinh. Kha xin vào làm biên tập trong một nhà sách tư nhân. Công việc áp lực, lương không đủ chi tiêu nhưng đó không phải là lý do Kha bỏ việc sau một năm vùi đầu vào chữ nghĩa. Bi kịch nằm ở chỗ Kha tự trọng quá. Kha thấy mình nhận lương của người ta mà làm không đúng chuyên môn, hiệu quả công việc không cao. Vậy là tự nhiên Kha thấy mình không phải thằng tử tế, cộng thêm sự buồn chán của một người thất thế nên lầm lũi từ bỏ sự ổn định khắc nghiệt ấy. Kha xin làm chân ship hàng cho một siêu thị. Công việc rong ruổi nắng nôi cực nhọc nhưng tâm thanh thản, đơn giản vì cái nghề này không cần học qua trường lớp, ai làm cũng được miễn là cố gắng. Kha cầm đồng tiền của người ta trả thấy không phải lăn tăn. Chỉ đêm về nghe mơ hồ tiếng trường lớp rộn rã trong tim mới thấy lòng hoang hoải đến nhường nào. Kha nhớ một đám trẻ con nào đó trong mường tượng. Đó có thể là những đứa trẻ trong lớp Kha từng làm giáo sinh thực tập ở một tỉnh miền núi nghèo. Ngày 20 - 11 chúng cầm những bông hoa giấy tự vẽ tự gập nhăn nhúm đến bên bẽn lẽn tặng thầy. Chúng đến trường bằng chiếc quần nhăn như lò xò và gấu áo còn nguyên vết bùn khô khốc. Tiếng chúng cười giòn tan vỡ trong ký ức Kha những mảnh vụn ngọt ngào. Đôi lúc Kha bắt gặp hình ảnh mình của những ngày thơ bé. Ngồi thu lu trong xó lớp nghĩ về một chấm đen khắc khoải trên nền trời biến động. Có những tâm hồn non nớt cần được nâng đỡ. Có những nỗi đau cần được xoa dịu. Kha muốn đến bên chúng mà không làm sao đến được. Mỗi năm có quá nhiều giáo viên ra trường nên một suất dạy trên miền núi cũng được tính bằng số tiền không hề nhỏ. Mọi đam mê đều phải trả giá. Không phải cứ muốn trao yêu thương là chỉ việc sống và trao.

 

Kha nhận được tin bà mất trong một buổi sáng trời thành phố bỗng nhiên rất đẹp. Nắng vàng màu vỏ chanh chín, nắng thơm mùi hương chanh trên suốt dọc đường về. Bà đã ngủ một giấc dài không tỉnh dậy nữa, khép mi lại những ký ức đau buồn. Kha mong bà đừng mang chúng theo về thế giới bên kia. Sống cả một đời mới thấy nỗi đau càng lớn thì hình hài càng nhỏ lại. Bà nằm đó nhỏ bé như một đứa trẻ nhưng lại mang vác nỗi đau lớn hơn cả phần mộ của mình. Giờ thì thân xác bà nhẹ bẫng nên có thể bay về thăm lại cố hương. Quê Kha có tục chèo đò đưa người quá cố qua sông về miền cực lạc, nơi ấy có mẹ và biết bao người chìm trong biển lửa năm xưa. Tất cả đã ra đi chỉ để lại ngọn lửa cháy phừng phừng trong tâm thức của Kha. Đã có lần Kha kể cho Du nghe những tiếng vọng từ tuổi thơ mình. Du nói đó là triệu chứng của một căn bệnh chứ nó không đơn thuần là ký ức. Kha cười nghĩ vì Du là bác sĩ nên nhìn đâu cũng thấy bệnh nhân. Kha không nhớ những đêm mộng du, tỉnh dậy đứng giữa sân xóm trọ ngửa cổ nhìn trời chờ đợi một cơn mưa. Cho đến khi Du dẫn vào phòng kéo chăn ngồi trông cho ngủ tiếp. Sáng dậy Kha kêu mỏi cổ, tuyệt nhiên không nhớ mình suýt chết lạnh vì ngấm sương đêm.

Bà mất, Kha ít trở về quê nhà hơn. Nói đúng hơn đó là sự chạy trốn, Kha sợ bắt gặp hình ảnh mình trong tương lai chính ở dáng bố ngồi bất động. Ở lại thành phố, trong nhiều năm chờ đợi thi công chức Kha cũng đã kịp lấy bằng thạc sĩ loại giỏi. Năm nào cũng làm hồ sơ toát mồ hôi nhưng thi cứ thi, chỉ tiêu đặt ra cho đông vui chứ mọi chuyện đã đâu vào đấy. Nhiều buổi sáng chán chường tỉnh giấc Kha không muốn dậy mở cửa, không muốn làm bất cứ việc gì bởi lòng đã thôi tha thiết. Kha nghĩ không biết mình sống vì điều gì, kể mà chết luôn tại giây phút này cũng chẳng hề nuối tiếc. Lòng Kha như tán cây trụi lá đã chẳng thể che chở cho thân xác của mình. Kha nhớ về biển lửa, nhớ chân trời thiếu hụt những viền xanh, nhớ cánh đồng mùa hạn vết nứt như rễ cây tua tủa bám riết ăn sâu vào ngày tháng. Nhớ cả xấp tiền nhăn nheo bố cầm về sau mỗi đợt đi chặt gỗ thuê. Kha nhìn tuổi trẻ thế hệ mình cũng chẳng khác gì những thân cây bị đốn. Trải qua bao cằn cỗi, nhọc nhằn mới nuôi nổi đam mê xanh màu lá. Vậy mà những tán cây chưa kịp dâng hương cho đời bằng mùa hoa thơm, quả ngọt thì những nhát rìu đã mạnh tay giáng xuống.

Có lẽ Du đã nhìn thấy hậu quả của sự tàn phá ấy trong những thân phận bế tắc không tìm thấy lối thoát, những đam mê đi lạc. Những nỗi niềm đơn độc không một cõi đi về. Kha chỉ là một người trẻ lạc lối giữa trăm nghìn khuôn mặt đang dần gục xuống. Du chẳng còn biết làm gì khác ngoài đợi họ trong phòng khám. Để vực họ dậy khỏi ý nghĩ tự sát. Khỏi sự hằn học đến điên loạn. Phần “con” trong họ đã phá tung cửa, lồng lộn trước đồng loại của mình. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng tìm đến nơi Du. Hoặc là tìm đến quá muộn nên Du chẳng biết làm gì hơn ngoài việc nhìn họ làm đau mình và làm đau người khác. Căn bệnh loạn thần đáng sợ như một thứ virut truyền nhiễm trong môi trường ô nhiễm. Còn Kha thì như chấm đen giữa nền trời biến động.

 

Sáng nay Du đến phòng khám khá sớm. Anh mở cửa sổ nhìn xuống đường chỉ thấy những thân cây đang héo rũ. Mấy ngày nay phòng khám tâm thần quá tải, dịp nghỉ hè là lúc thích hợp để cha mẹ đưa con em mình đến khám. Du về làm việc ở đây đã mấy năm nhưng vẫn không quen được cảm giác khi tiếp xúc với những cái đầu đang đầy dần những ý nghĩ tiêu cực. Số bệnh nhân loạn thần ngày càng trẻ hóa và Du cứ tự hỏi cái gì? Là cái gì đã khiến tâm hồn chúng chết trước cả thể xác thế này? Để mỗi sáng đến viện Du đều thấy bước chân nặng nề hơn bởi nỗi lo sợ có thể một bệnh nhân nào đó sẽ không tái khám như đã hẹn. Và như thế có nghĩa Du bất lực nên đã không thể cứu vớt được một tâm hồn. Du mải nghĩ ngợi mà quên mất đã đến giờ làm việc. Cho đến khi có tiếng gõ cửa mới giật mình quay lại. Bệnh nhân đầu tiên đẩy cửa bước vào. Du thảng thốt ghìm một tiếng kêu trong cổ họng. Kha ơi!

V.T.H.T