Những nhà thơ mới 1932 - 1945 trên đường phố Đà Nẵng

28.02.2023
Bùi Văn Tiếng

Những nhà thơ mới 1932 - 1945  trên đường phố Đà Nẵng

Một đoạn đường Thế Lữ tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng

Trong số các nhà văn Việt Nam được vinh danh qua việc đặt tên đường phố ở Đà Nẵng, có nhiều nhà Thơ Mới giai đoạn 1932-1945. Trước  hết có thể kể đến nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) quê Quảng Trị - tác giả tập thơ Điêu tàn xuất bản năm 1937, người từng dạy học ở trường Trung học tư thục Chấn Thanh Tourane đầu thập niên 1940, được đặt tên đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2000. Tiếp theo là nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) quê Hà Tĩnh - tác giả tập thơ Thơ thơ xuất bản năm 1938 và tập thơ Gửi hương cho gió xuất bản năm 1945 (bài thơ Nguyệt cầm trong tập Gửi hương cho gió được nhạc sĩ Cung Tiến phổ thành ca khúc cùng tên; bài thơ Chiều trong tập Thơ thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc Mộ khúc…), được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2002; nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940) quê Quảng Bình, được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2003 - tác giả các tập thơ Gái quê xuất bản năm 1936, Thơ điên/Đau thương xuất bản năm 1938… (bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ trong tập Thơ điên được hai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Hoàng Thanh Tâm phổ thành ca khúc cùng tên; hai bài thơ Đà Lạt trăng mờ trong tập Thơ điên và Tình quê trong tập Gái quê được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành các ca khúc cùng tên); nhà thơ Lưu Trọng Lư (1911-1991) quê Quảng Bình - tác giả tập thơ Tiếng thu xuất bản năm 1939, người từng cùng Chế Lan Viên dạy học ở trường Trung học tư thục Chấn Thanh Tourane đầu thập niên 1940 (bài thơ Tiếng thu được đặt tên cho cả tập và được các nhạc sĩ Lê Thương, Phạm Duy và Hữu Xuân phổ thành ca khúc cùng tên; bài thơ Hoa rụng ven sông được Phạm Duy phổ thành ca khúc, đoạn thứ nhất bài thơ bốn đoạn Một mùa đông được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc Mắt buồn và nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ thành ca khúc Một mùa đông, còn đoạn thứ hai bài thơ này được nhạc sĩ Y Vân phổ thành ca khúc Người em sầu mộng và nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc Ai bảo em là giai nhân), được đặt tên đường ở quận Hải Châu vào năm 2005 và nhà thơ Phạm Huy Thông (1916-1988) quê Hưng Yên - tác giả các tập thơ Yêu đương (1933), Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (sáng tác năm 1935, đăng trên Hà Nội báo đầu năm 1936, nhà xuất bản Lê Cường in năm 1936) và Tần Ngọc (nhà xuất bản Lê Cường in năm 1937)…, được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2007.

Năm 2008, trên địa bàn hai quận Hải Châu và Cẩm Lệ có một con đường mang tên nhà thơ Huy Cận (1919-2005) quê Hà Tĩnh - tác giả tập thơ Lửa thiêng xuất bản năm 1936 (trong đó có bài thơ Ngậm ngùi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, các bài thơ Áo trắng và Tự tình được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc, bài thơ Buồn đêm mưa được hai nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc…); trên địa bàn quận Liên Chiểu có con đường mang tên nhà thơ Thế Lữ (1907-1989) quê Hà Nội - tác giả tập thơ Mấy vần thơ do nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1935, sau sửa chữa bổ sung thành Mấy vần thơ, tập mới cũng do nhà xuất bản Đời Nay tái bản năm 1941 (bài thơ Tiếng sáo thiên thai được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ năm 1951…). Năm 2009, trên địa bàn quận Liên Chiểu có hai con đường mang tên nhà thơ Nam Trân (1907-1967) quê Quảng Nam - tác giả tập thơ Huế, Đẹp và Thơ xuất bản năm 1939 và nhà thơ Thanh Tịnh (1911-1988) quê Thừa Thiên Huế - tác giả tập thơ Hận chiến trường xuất bản năm 1937 (khi Thanh Tịnh qua đời, nhà thơ Hồ Dzếnh có bài thơ Nhớ Thanh Tịnh với những dòng thơ thật xúc động: Đời xếp anh, tôi với Thạch Lam/ Ngồi chung một chiếu hội văn đàn/ Chao ôi, chiếu đã hai đầu lạnh/ Còn một mình tôi với thế gian). Một nhà thơ - liệt sĩ đồng hương Thừa Thiên Huế với Thanh Tịnh là Thúc Tề (1916-1946) - tác giả ba bài thơ Trăng mơ, Xuân lên đường và Em buồn (đều đăng trên Hà Nội báo trong thập niên 1930), cũng được người Đà Nẵng vinh danh qua một con đường ở quận Thanh Khê vào năm 2011.

Năm 2012, người Đà Nẵng tiếp tục vinh danh qua việc đặt tên đường đối với nhà thơ Đoàn Phú Tứ (1910-1989) quê Bắc Ninh - tác giả bài thơ Màu thời gian đã được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc năm 1942 và nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc năm 1971) - trên địa bàn quận Liên Chiểu; đặc biệt trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn cùng lúc có ba đường phố mang tên ba nữ thi sĩ: Anh Thơ (1918-2005) quê Bắc Giang - tác giả tập thơ Bức tranh quê xuất bản năm 1941 và đoạt giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn, Vân Đài Nữ Sĩ (1904-1964) quê Hà Nội và Hằng Phương Nữ Sĩ 
(1908-1983) quê Quảng Nam - đồng tác giả tập thơ Hương xuân (cùng với hai nhà thơ nữ Anh Thơ và Mộng Tuyết) do Nhà xuất bản Nguyễn Du ấn hành năm 1943. Một nhà thơ đồng hương Quảng Nam mà cũng là chú họ của nhà thơ Hằng Phương là nhà thơ Phan Khôi (1887-1959) - tác giả bài thơ Tình già đăng trên tờ Phụ nữ tân văn số 122 ra ngày 10 tháng 3 năm 1932 trong bài viết Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, được xem là bài thơ khởi xướng và đánh dấu sự ra đời của phong trào Thơ Mới 1932-1945 - được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ vào năm 2013 (con trai của Phan Khôi là Phan Thao được đặt tên đường ở quận Cẩm Lệ năm 2015). Cũng trên địa bàn quận Cẩm Lệ năm 2013 còn có một con đường mang tên Tế Hanh (1921-2009) quê Quảng Ngãi - tác giả tập thơ Nghẹn ngào xuất bản năm 1939 và đoạt giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn, tập thơ Hoa niên xuất bản năm 1945. Năm 2015, người Đà Nẵng tiếp tục vinh danh một nhà Thơ Mới quê Quảng Nam và từng làm việc ở Kho bạc Tourane trước năm 1945 là Xuân Tâm (1916-2012) - tác giả tập thơ Lời tim non xuất bản năm 1941, trong đó có bài thơ Nghỉ hè từng được giải nhất cuộc thi thơ của báo Bạn Đường vào năm 1941 - qua việc đặt tên nhà thơ cho một con đường ở quận Hải Châu. Xin nói thêm, sau khi Tế Hanh qua đời năm 2009, Xuân Tâm được xem là nhà thơ cuối cùng trong phong trào Thơ Mới còn sống, cho đến… năm 2012!

Năm 2018, trên địa bàn quận Cẩm Lệ có hai đường phố mang tên nhà thơ Bích Khê (1916-1946) quê Quảng Ngãi - tác giả tập thơ Tinh huyết xuất bản năm 1939, trong đó có bài Tỳ bà toàn vần bằng với hai câu cuối đã đi cùng năm tháng: Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc cùng tên vào năm 1969 - và nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996) quê Hải Dương - tác giả bài thơ Ông đồ sáng tác năm 1936 và đăng trên báo Tinh hoa, được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Thụy Điển, tiếng Ả Rập, tiếng Đan Mạch, đồng thời cũng đã được một số nhạc sĩ phổ thành ca khúc. Năm 2018, trên địa bàn quận Cẩm Lệ có ba đường phố mang tên nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) quê Nam Định - tác giả tập thơ Tâm hồn tôi do Nhà xuất bản Nguyễn Cường ấn hành năm 1937 và đoạt giải Khuyến khích của Tự Lực văn đoàn, nhiều bài thơ của Nguyễn Bính được phổ thành ca khúc, chẳng hạn như Cô hái mơ được Phạm Duy phổ nhạc, Lỡ bước sang ngang được Song Ngọc phổ nhạc…; nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004) quê Ninh Bình - tác giả tập thơ Thôn ca xuất bản năm 1939, trong đó có bài thơ Chợ tết nổi tiếng và nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) quê Hà Nội - tác giả tập thơ Ngày xưa do nhà xuất bản Nguyễn Dương ấn hành năm 1935, trong đó có bài thơ Chùa Hương nổi tiếng được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ thành ca khúc (cha của Nguyễn Nhược Pháp là Nguyễn Văn Vĩnh cũng được đặt tên đường ở huyện Hòa Vang vào năm 2014). Và mới đây nhất - cuối năm 2022, Đà Nẵng vừa đặt tên nhà thơ Thâm Tâm (1917-1950) quê Hải Dương - tác giả bài thơ nổi tiếng Tống biệt hành đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy năm 1940 và được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng phổ nhạc - cho một con đường của huyện Hòa Vang.

Bài viết này khép lại bằng sự vinh danh của người Đà Nẵng đối với nhà nghiên cứu Hoài Thanh (1909-1982) qua việc đặt tên ông cho một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn vào năm 2008. Hoài Thanh quê Nghệ An cùng với Hoài Chân em trai ông là đồng tác giả một hợp tuyển thơ đầu tiên ở nước ta viết về phong trào Thơ Mới 1932-1945 - cuốn Thi nhân Việt Nam in lần đầu năm 1942 tại nhà in Nguyễn Đức Phiên - tên thật của tác giả Hoài Chân. Cả 23 nhà Thơ Mới được đặt tên đường ở Đà Nẵng nêu ở trên đều được Hoài Thanh đưa vào Thi nhân Việt Nam với những lời bình tài hoa tinh tế cùng việc tuyển chọn giới thiệu một/một số bài thơ tiêu biểu của từng thi sĩ - người được ưu ái nhất là Xuân Diệu với 15 bài. Đáng chú ý là trong cuốn Thi nhân Việt Nam, ngoài việc biểu dương các nhà thơ đi tiên phong trong phong trào Thơ Mới 1932-1945, Hoài Thanh còn đề cập một cách trân trọng đối với nhà thơ Tản Đà, cung kính mời người được Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường ở quận Thanh Khê vào năm 2003 ngồi vào vị trí danh dự ngay từ đầu sách như một vị chủ soái của phong trào cách tân thi ca này.

B.V.T