Mùa xuân và tình yêu trong thơ Lê Huy Hạnh

01.03.2023
Trần Ngọc Đức

Mùa xuân và tình yêu trong thơ Lê Huy Hạnh

Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật tại vùng quê Nghệ Tĩnh xưa, cha mẹ anh đều là những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, Lê Huy Hạnh cùng với hai người anh là Lê Huy Hòa (đạt Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực Văn học nghệ thuật) và NSND Lê Huy Quang đều là những họa sĩ thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo dưới chính quyền cách mạng, và đã khẳng định được vị trí nhất định của mình trong nền nghệ thuật nước nhà.

Với một “gia tài” tương đối đồ sộ ở lĩnh vực hội họa, điêu khắc và thiết kế sân khấu trải đều khắp các tỉnh thành trên cả nước sau hơn 50 năm lao động nghệ thuật, họa sĩ Lê Huy Hạnh là một nghệ sĩ gạo cội ở các lĩnh vực này tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên hiện nay. Tuy nhiên, anh cũng là một trường hợp “lạ” trong sáng tạo nghệ thuật khi còn sáng tác cả thơ, mà chính anh cũng hay đùa rằng mình hơi “tham lam” trong sáng tạo nghệ thuật. Nói là như thế, nhưng Lê Huy Hạnh rất nghiêm cẩn trong làm thơ. Tính đến nay anh đã có 9 tập thơ được xuất bản, giới thiệu và là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời cũng là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Sân khấu Việt Nam. Công bằng mà nói, làm thơ không phải là niềm vui “giờ giải lao” hay “nghề tay trái” của anh, bởi nếu so sánh về mặt thời gian thì Lê Huy Hạnh đến với hội họa, điêu khắc và thơ gần như cùng lúc, khi mà chàng trai trẻ mười tám đôi mươi năm ấy tạm biệt quê hương để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khắp các chiến trường từ Nam Lào, Tây Nguyên…

Cũng vì có thời gian gắn bó với quân ngũ, nên những sáng tạo nghệ thuật của Lê Huy Hạnh đều liên quan đến hình ảnh của người lính, của núi rừng, của những cuộc hành quân không mỏi, của những bà mẹ Việt Nam anh hùng và cả những gian truân, đau khổ trong cuộc chiến… Nhưng ít ai biết, đằng sau hình ảnh người đàn ông có dáng dấp phong trần ấy là cả một trái tim nhạy cảm với tình yêu đôi lứa, là sự khao khát yêu, thậm chí là “vội vã” yêu đến mãnh liệt và thơ tình của anh cũng là một điểm nhấn khó phai trong lòng người đọc từ trước đến nay.

Thơ Lê Huy Hạnh nhìn chung dung dị, gần gũi về mặt câu từ, nhưng rất giàu hình ảnh và tứ thơ, bởi khả năng tạo hình vốn là thế mạnh không thể bàn cãi của một hoạ sĩ như anh. Chủ thể trong thơ anh luôn có sự biến đổi không ngừng về dáng dấp, trang phục, hình thể biểu cảm và cả sự vận động theo dòng chảy của không gian và thời gian. Và riêng với mảng thơ tình thì cảm xúc luôn được bắt nhịp ở khoảnh khắc tinh tế nhất của cuộc sống đời thường.

Thơ tình của Lê Huy Hạnh gắn chặt với hình ảnh của mùa xuân, bởi có lẽ, mùa xuân là mùa của tình yêu, mùa của sự sinh sôi nảy nở. Và mùa xuân ấy đối với người lính luôn bắt đầu từ nỗi nhớ song chiều giữa hậu phương và tuyền tuyến, mà nỗi nhớ ấy, bao giờ anh cũng dành cho Mẹ trước:

Em ơi xuân về

Lối ngõ hoa chừng đã nở

Đò nhỏ Mẹ thường sang bãi dâu

xanh mắt nhớ

Về người con Hải đảo xa

(Lối nhỏ)

Mùa xuân đến với sắc hoa ngập tràn nơi ngõ nhỏ, trên con đò sang bãi dâu xanh ngát ở quê nhà mắt mẹ đã nhòe đi vì nhớ con. Rồi từ nơi “đầu sóng ngọn gió ấy”, đứa con cũng gửi niềm thương nỗi nhớ về quê nhà yêu dấu khi mùa xuân đã đến:

Sân đình đêm nay sân đình đêm qua

Vang vọng tiếng trống chèo rộn rã

Những gương mặt thân quen những

gương mặt lạ

Cho lòng bâng khuâng

Xuân về trời đất mênh mang

Những câu hát xoan,

những lời hát ghẹo

Đuôi mắt lá răm, cơi trầu cánh phượng

Cô Tấm lại về trong tiếng hót

 vàng anh

(Lối nhỏ)

Ký ức quê nhà hiện lên trong thơ Lê Huy Hạnh rất bình dị, gần gũi, đậm truyền thống văn hóa làng quê Việt. Trong không gian xuân mang đậm dấu ấn văn hóa của một vùng quê Bắc Bộ ấy, với sự dồn dập của tiếng trống chèo, bên cạnh nỗi nhớ Mẹ, nhớ quê, nỗi nhớ về những gương mặt thân quen thì còn có cả những gương mặt “lạ” đến “bâng khuâng”. Có lẽ, đây chính là lúc “Em” xuất hiện. Em có thể là “cô gái làng bên” mê mẩn tiếng trống chèo làng anh mà lần sang xem. Rồi cũng từ đó, sân đình, tiếng trống chèo mùa xuân là nhịp cầu để họ đến với nhau cho đến khi “Anh” lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Hành trang tinh thần một thời đuổi giặc của người lính là những dòng thơ và tình yêu mộng mơ ban đầu trong vắt, nguyên sơ và thánh thiện.

Nói đến tư duy thơ ca là nói đến tư duy hình tượng. Thơ Lê Huy Hạnh nói chung và thơ tình của anh nói riêng đã sử dụng một hệ thống hình tượng chủ thể phong phú và độc đáo, phong phú vì nó phản ánh một cuộc sống đầy biến động của thời chiến, độc đáo vì nó mang cảm quan sử thi, cổ tích dân tộc một cách đậm nét. Chúng ta dễ dàng tìm thấy những hình tượng mang tính biểu trưng ấy qua hình ảnh: cô Tấm, Vàng anh, cơi trầu cánh phượng… Cứ thế một miền cổ tích luôn hiện hữu trong thơ tình của anh. Tình yêu đôi lứa của một người lính như anh luôn gắn chặt và bắt nguồn từ tình yêu dân tộc rồi từ đó giao hòa với cảm xúc thăng hoa của mùa xuân mà nảy nở, lớn lên theo năm tháng:

Mùa xuân về cho anh nói yêu em

Cho anh nói yêu em, em nhé

Lúa giêng hai mướt xanh đến thế

Cánh cò bay chấp chới cánh cò bay

(Lối nhỏ)

Tình yêu là sự thăng hoa của cảm xúc, khi yêu ai cũng có thể trở nên “điên loạn, khờ khạo”, nhất là khi mùa xuân về với bao cảm xúc trào dâng. Nhưng Lê Huy Hạnh lại khác. Anh rất “tỉnh” khi yêu, nhẹ nhàng, lịch sự “xin phép” để được nói lời yêu, một sự điềm tĩnh hiếm có thể hiện sự trân trọng với người con gái mình yêu và cũng thể hiện sự tôn trọng tổ chức của những người lính trong quân ngũ. Có lẽ sự điềm tĩnh đó là vốn quý mà trời đã ban cho những họa sĩ, những nhà điêu khắc, bởi chỉ một nét cọ sai, một nhát búa không đúng vị trí thì mọi tác phẩm đều trở nên vô nghĩa.

Chiến tranh với những cuộc trường chinh không hẹn ngày về, không ai biết trước được điều gì. Tình yêu cũng vậy, sau bao ngày đợi chờ mòn mỏi trong vô vọng, tuổi xuân con gái “có thì”, con sáo rồi cũng phải sang sông để yên lòng mẹ cha. Người trở về chỉ còn biết nhớ, nhớ đôi bàn tay bịn rịn níu nhau lúc chia tay lên đường hành quân, dù mọi thứ bây giờ đã “xa ngái” phương trời. Mùa xuân vẫn về như quy luật của tạo hóa, nhưng mùa xuân nay, nỗi nhớ đã bắt đầu không còn trong veo như trước nữa:

Bằng lăng xanh bóng bên đường ấy

Hương xuân thoảng nhẹ ngất ngây say

Người xa ừ nhỉ người xa ngái?

Chợt nghe nỗi nhớ níu bàn tay

(Ngất ngây)

Câu hỏi tu từ: Người xa ừ nhỉ người xa ngái? Như một tiếng thở dài có sự buồn bã lẫn “trách móc”. Dẫu biết vì đất nước người lính chấp nhận hy sinh tất cả, nhưng làm sao có thể nói không buồn, không trách được, bởi bên cạnh tình yêu nước cao cả thì tình yêu đôi lứa cũng chính là một phần lý tưởng để họ cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ cho hạnh phúc lứa đôi của bao con người sau này.

Bước chân ra khỏi cuộc chiến, Lê Huy Hạnh vẫn giữ cho mình một tình yêu nồng cháy trong thi ca. Sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của anh dành cho tình yêu vẫn mang âm hưởng của chất lính nhưng đã có sự chuyện biến rõ rệt về cái tôi trữ tình cá nhân.

Anh đợi em như đợi mùa xuân

Làm cỏ thức lối đi về nho nhỏ

Nghe hương tóc thoảng bay trong gió

Những dấu chân vương giọt sương đêm

Ta đã gọi nhau da diết mùa xuân

Trái tim hồng trái tim nắng ngọt

Bốn bề tịnh yên lặng nghe chim hót

Lời mong manh, e ấp, bâng khuâng

(Em đợi)

Quy luật của tình yêu cũng như quy luật của cuộc đời. Sự kết thúc không hẳn là chấm hết, mà kết thúc có thể là để chuẩn bị cho sự bắt đầu. Qua mùa đông lạnh lẽo thì xuân về, lòng người lại thổn thức, con tim lại men theo lối nhỏ với sự dẫn đường của hương xuân để gọi nhau da diết. Những e ấp, bâng khuâng lại đến như thuở ban đầu, vui ca như tiếng chim mỗi sáng và theo thời gian càng trở nên mãnh liệt. Nỗi nhớ không chỉ hiện hữu mỗi khi chia xa, mà có khi nó hiện hữu ngay cả lúc còn đang nhìn thấy nhau:

Khi em xoay lưng anh đã nhớ em rồi

Lặng đếm bước chân xa dần đầu ngõ

(Xanh mãi tháng năm)

Khi đọc đoạn thơ này, tôi lại nhớ đến hai câu rất nổi tiếng trong bài Tiễn của thi sĩ tài hoa một thời Trần Quốc Thực:

Tiễn nhau một bận qua bậu cửa

Tiễn nhau lần nữa trong chiêm bao

(Tiễn - Trần Quốc Thực)

Bài thơ Tiễn và cá nhân hai câu thơ trên của Trần Quốc Thực đã một thời làm “xôn xao” khắp các mặt báo bởi việc thể hiện nỗi nhớ khi chia tay quá tinh tế. Thậm chí đã từng có giai thoại rằng một nhà thơ có tên tuổi đương thời đã từng bỏ việc làm thơ sau khi đọc hai câu thơ trên bởi theo ông “Làm được hai câu đó là thiên tài!”

Dẫu biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng khi ở đây Trần Quốc Thực đang thể hiện nỗi nhớ của mình với một người bạn chứ không phải nói đến tình yêu đôi lứa, nhưng ở đây người viết chỉ muốn đề cập đến cái tinh tế khi thể hiện nỗi nhớ trong thơ. Nếu Trần Quốc Thực phải gọi nỗi nhớ về trong “chiêm bao” để thêm một lần được nhớ về bạn thì Lê Huy Hạnh chỉ cần mới “xoay lưng” đã thấy nhớ, nghĩa là khi người còn hiện hữu đó đã thấy nhớ. Hình ảnh về nỗi nhớ trong thơ Lê Huy Hạnh là hình ảnh thực tế, rất dung dị rất đời thường của một con người khi yêu, chính việc đếm bước chân người yêu khi chia tay đó làm cho người đọc bắt gặp được chính hình ảnh của mình khi yêu, rất vụng dại nhưng cũng rất trong trẻo. Bởi tình yêu là khoảnh khắc, ở đó có sự đan xen, đối lập của cảm xúc hòa quyện tạo nên một dòng chảy “ngỡ như còn nghe” cả được trong hương gió:

Và ngỡ như còn nghe trong hương gió

Là giận hờn và chan chứa yêu thương

(Xanh mãi tháng năm)

Và rồi trong cái đẹp của đất trời vào xuân ấy, với trời trong nắng vàng, với trái tim nồng nàn ngọn lửa của tình yêu, con người lại gần nhau hơn, bàn tay siết chặt, bờ môi lần tìm để cảm nhận rõ nhất “khúc giao mùa” ấy khi tình yêu thăng hoa:

Em mang theo về trời trong veo

Với hạt nắng vàng mượt mà hơi thở

Cả trái tim nồng nàn ngọn lửa

Để bàn tay tìm lại bàn tay

….

Cho nụ hôn ấm nồng đến vậy

Lòng rưng rưng hát khúc giao mùa

(Em mang theo về)

Thơ Lê Huy Hạnh dùng ngôn từ dễ hiểu, gần gũi, bình dị nhưng không phải vì thế mà nó thiếu đi các thủ pháp nghệ thuật. Đoạn thơ trên là một minh chứng, nhà thơ đã rất tinh tế khi dùng một loạt những “mật ngữ” ngôn từ để nói về tình yêu và mùa xuân như: trời trong veo, hạt nắng vàng, ngọn lửa nồng nàn, khúc giao mùa… tất cả đã làm cho thơ anh trở nên thi vị hóa nhưng không làm người đọc cảm thấy “xa lạ, khó chịu” theo kiểu “cố tình sáng tạo” từ mới, hay dùng những hình ảnh quá ước lệ, tượng trưng để so sánh với cái đẹp đời thường như trong thơ Đường hoặc kiểu phá cách nhằm “tạo hình siêu thực” như một số trào lưu sáng tác thơ hiện nay. Trong thơ anh, dù xét trên góc độ không gian hay thời gian ta không thấy quá cũ hoặc quá mới khi nói về tình yêu và mùa xuân, cái ta thấy và dễ cảm nhận nhất vẫn là một tình yêu trong trẻo trong một không gian xuân thuần Việt của hiện thực trải dài qua nhiều thế hệ, chính vì vậy độc giả mến mộ thơ anh cũng trải dài theo nhiều độ tuổi khác nhau.

Khao khát yêu, yêu mãnh liệt, có trách móc, có giận hờn nhưng tựu trung tư tưởng xuyên suốt trong thơ tình Lê Huy Hạnh vẫn là một cái tôi biết đặt tình yêu đất nước lên trên tình yêu cá nhân, biết chấp nhận thực tế nhân sinh của tình yêu là khi yêu có thể đến với nhau hoặc có thể không, có thể tồn tại tình yêu sau hôn nhân hoặc vì một điều gì đó mà có thể “dứt mối lương duyên ấy”. Nhưng người lính ấy dẫu trong cuộc chiến hoặc khi đã bước ra ngoài cuộc chiến vẫn đến với tình yêu, đến với cuộc sống sau hôn nhân bằng tất cả sự chân thành, anh luôn tự an ủi và tìm cách tạo dựng tình yêu đôi lứa đẹp nhất, dung hòa nhất trong mọi biến trở của cuộc đời. Và mỗi độ xuân về, ta lại thấy tình yêu ấy thêm xanh:

Mai xa rồi, mai em lại về thôi

Căn phòng nhỏ thêm ấm nồng hơi thở

Anh vẽ chân dung em, bờ vai thon thả

Tóc dài xanh xanh mãi những

 tháng năm.

(Xanh mãi tháng năm)

Cảm quan mà nói, thơ tình Lê Huy Hạnh hay, giàu hình ảnh, dễ gần, dễ hiểu và người đọc rất dễ bị cảm xúc mãnh liệt yêu ấy từ anh “dẫn dụ, thôi thúc” đến với tình yêu. Cũng chính vì thế mà đâu đó ta thấy thơ tình Lê Huy Hạnh cứ như “lão ngoan đồng” dù độ tuổi nhân sinh của nhà thơ thì đã vượt “thất thập cổ lai hy”. Song “điểm trừ” này cũng chính lại là điều “dẫn dụ” người đọc đến với thơ anh nhiều hơn. Nói như vậy không phải là “chê” thơ tình Lê Huy Hạnh không có sự chiêm nghiệm, đúc rút nhưng đó là “tạng thơ” của anh dành cho thơ tình. Còn lại ở những mảng khác, thơ Lê Huy Hạnh vẫn rất giàu cảm xúc suy tư, tự thoại của một người từng trải và có nhiều duyên nợ với nghệ thuật lẫn đời thường.

T.N.Đ