Hai bài thơ về Vĩnh Điện

01.03.2023
Nguyễn Minh Hùng

Hai bài thơ về Vĩnh Điện

Thị trấn Vĩnh Điện

Miền đất nào dù là nơi sinh ra hay chốn từng gắn bó đi về, đối với thi sĩ tài năng vốn có, khi cảm hứng đã chín, sẽ là cơ duyên cho bài thơ hay xuất hiện. Khi trở về Vĩnh Điện của Nguyễn Nho Nhượn (1946-1969) và Vĩnh Điện của Hà Nguyên Dũng là hai bài thơ đã ra đời theo cách ấy.

1.Từ bao giờ, dấu ấn gì và những biến động nào khiến cái tên Vĩnh Điện mỗi lần nhắc đến đều khiến cho người từng sống hay kẻ xa quê bồi hồi? Cơn cớ trước hết bắt nguồn từ lịch sử. Có lẽ kể từ năm 1832, vua Minh Mạng quyết định dời Dinh trấn Thanh Chiêm đến làng La Qua, tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn - một phần đất nằm trên Vĩnh Điện ngày nay, và đổi tên là Thành tỉnh Quảng Nam. Thành quách, tường cao hào rộng, dinh thự quan Bố chánh sứ, quan Án sát, Lãnh binh, ty phiên, ty niết, nhà lao, trại lính cai ngục, gia cư quan chức, đồn trú, trạm lính canh, lính tuần tiễu,… dựng lên; chợ búa rộn ràng, cuộc sống náo động, đua chen bắt đầu… Một miền quê yên ả bỗng chốc hóa bụi khói kinh thành/ đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe(Nguyễn Bính).

Đất này vốn không bình yên. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai được phát động, chính quyền cho “tiêu thổ kháng chiến”, Thành tỉnh Quảng Nam náo nhiệt một thời trong giây phút trở thành Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch
dương (Bà Huyện Thanh Quan). Rồi qua 20 năm đạn lửa 1954 - 1975 và cũng gần chừng ấy năm thời bao cấp. Thị trấn đổi thay theo mỗi bước chân thời cuộc, theo được mất riêng trong mỗi lòng người. Bây giờ thị trấn thành phường, là trung tâm thị xã. Súng thần công già nua, văn bia lỗ chỗ vết đạn, khánh đồng hoen rỉ… nằm nghĩ ngợi trong bảo tàng; mảnh đất có dinh thự quan Lãnh binh và các trại lính xưa bây giờ là trụ sở Chi cục Thuế Điện Bàn. Trong bài Điệu tình thứ nhất, Nguyễn Nho Nhượn cũng đã thốt lên: Vĩnh Điện u trầm rợn nét rêu phong. Đúng là bãi biển nương dâu...

Nhắc chuyện xưa để thấy Vĩnh Điện là một miền văn hóa, mang dấu ấn lịch sử ngàn năm. Vĩnh Điện là trung tâm của phủ Điện Bàn văn vật vang danh một thuở với những danh nhân hào kiệt. Vĩnh Điện còn là nhân chứng chiến tranh tan nát và phục hồi hậu chiến. Vĩnh Điện hóa ra thương nhớ, khó quên, trở nên vùng ký ức đầy ắp kỷ niệm buồn vui. Vĩnh Điện thành đối tượng của thi ca. Một Vĩnh Điện như thế, làm thơ về đất và người nơi đây thật dễ nhưng khó… hay! Thi sĩ nhiều nơi và tại chỗ có không ít câu thơ, bài thơ viết về Vĩnh Điện, viết cho Vĩnh Điện, viết cho mình và cho cả những người yêu dấu nhưng còn mấy bài thơ sống cùng năm tháng?

2. Nguyễn Nho Nhượn sinh ngày 12/3/1946 tại thôn Bồng Lai, làng La Qua, Điện Bàn, Quảng Nam - ngay tại trung tâm quan phủ một thời nay chỉ còn phế tích. Hồn thơ nở sớm ấy sinh ra và lớn lên làm sao mà không ảnh hưởng - Lòng ta là những hàng thành quách cũ/ Tự ngàn năm bỗng vọng tiếng loa xưa. Anh đi học cấp 2 ở Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn và vào cấp 3 Trường Trung học Trần Quý Cáp, Hội An. Người ấy đi về, nhớ nhung, ốm đau và làm thơ trong cơn biến động dữ dội của quê nhà, đất nước. Nên bài thơ Khi trở về Vĩnh Điệnkhông hề mộng mơ yên ả như hoàn toàn có thể đối với chàng trai đang lứa tuổi học trò:

khi trở lại thấy tường xiêu ngói đổ

nền trơ vơ đón đợi bước chân về

dáng ai đó ngập ngừng bên khung cửa

nhặt từng hòn gạch vụn tái tê

khi trở về con đường cây lá rụng

quán ngày xưa ôi bè bạn đâu rồi

nghe hoang vắng nỗi kinh hoàng

thất thủ

hồn đa sầu giữa lòng phố âm u

tìm đâu nữa bóng em cùng sách vở

ngôi trường xưa còn mũi súng lăm le

anh bỡ ngỡ tìm về thôn xóm cũ

dấu điêu tàn xơ xác những lũy tre

mẹ gượng vui đón mừng sau mái rạ

đàn em cười - còn may mắn anh ơi

bom đạn nổ nhưng căn nhà vẫn đứng

dáng yêu đời còn đọng lại trên môi

buổi chiều xuống đầy vọng âm

tiếng súng

thấy hắt hiu cánh đồng trống bao la

căn hầm nhỏ nhốt bao niềm hy vọng

mong mặt trời xoa dịu nỗi xót xa

khi trở về thấy ngại ngùng cuộc sống

nỗi ưu tư cửa đóng với then cài

thương số phận con phố buồn ngủ gục

chờ ánh đèn soi thấu được ngày mai 

Bài thơ ra đời khoảng những năm 60 mươi. Vĩnh Điện là nơi làm việc của chính quyền và quân đội miền Nam, cùng với trường học, bệnh xá, chợ Mai, chợ Chiều, nơi quốc lộ Bắc Nam xuyên qua và điểm giao thông huyết mạch của Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc - Trung Phước (cả đường bộ và đường thủy qua sông Vu Gia và sông Vĩnh Điện). Vĩnh Điện năm tháng ấy cũng là nơi giao tranh, tiếng bom đạn ngày đêm quen thuộc với thị trấn và vùng lân cận. Đổ nát là không tránh khỏi, cuộc sống luôn bất an; thanh bình được đợi chờ trong vô vọng…

Khi trở về, cảm giác một Vĩnh Điện tan hoang chợt lấp đầy trong lòng anh học trò thuở ấy - một sự đổi khác mau chóng khác thường so với hôm nào ra đi. Cả bài thơ khổ nào cũng giật mình về những tan nát vừa nhìn thấy vừa cảm thấy mà anh gọi là nghe hoang vắng nỗi kinh hoàng thất thủ - một câu thơ tả tâm trạng độc đáo bất ngờ hiếm có. Nào là tường xiêu ngói đổ/ nền trơ vơ/ điêu tàn xơ xác những lũy tre/ hắt hiu cánh đồng trống bao la… Khung cảnh thiên nhiên dội thêm u uất trên những phai tàn: con đường cây lá rụng/ lòng phố âm u/ con phố buồn ngủ gục;… Nguyễn Đình Thi, khi từ biệt Hà Nội đi kháng chiến, tả Những phố dài xao xác hơi may nghe thấm thía nhưng vẫn quen thuộc. Còn gọi Vĩnh Điện ngày tháng đó là con phố buồn ngủ gục thì rất lạ. Lạ thì chưa chắc hay, nhưng hay trong thơ trước hết phải lạ!

Rồi anh thẩn thờ đi tìm những thân quen đang lắt lay, đang dần mất hút: dáng ai đó ngập ngừng bên khung cửa/ nhặt từng hòn gạch vụn tái tê; quán ngày xưa ôi bè bạn đâu rồi; tìm đâu nữa bóng em cùng sách vở… Đặc biệt, hai lần anh ám ảnh bởi chết chóc; súng và tiếng súng đều sẵn sàng có mặt vừa như một chứng nhân vừa như một phương tiện hữu hiệu tiêu diệt sự sống: ngôi trường xưa còn mũi súng lăm le; buổi chiều xuống đầy vọng âm tiếng súng…

Nhiều người đọc cho rằng bài thơ buồn bã, chất chứa bi quan. Không đúng, không hẳn là như vậy. Khi trở về Vĩnh Điện là nỗi ưu tư, ưu hoài, là tiếng kêu than của phận người trong cơn binh biến, là lòng mến yêu ở chiều sâu nhất đối với con người và cuộc sống, là tiếng nói phản chiến; để từ đó cất lên niềm khao khát thanh bình, ao ước tự do. Thậm chí, đọc kỹ, sẽ thấy một tâm hồn Nguyễn Nho Nhượn trong veo, khắc khoải nhưng tràn đầy niềm tin - niềm tin vào con người, vào điềm lành, vào sự sống. Nao lòng là những hình ảnh phát lộ thiên lương trong các khổ thơ cuối:

mẹ gượng vui đón mừng sau mái rạ

đàn em cười - còn may mắn anh ơi

bom đạn nổ nhưng căn nhà vẫn đứng

dáng yêu đời còn đọng lại trên môi

căn hầm nhỏ nhốt bao niềm hy vọng

mong mặt trời xoa dịu nỗi xót xa

Ngay cả trong ưu tư, ngại ngùng, lòng anh vẫn hằng tin:

khi trở về thấy ngại ngùng cuộc sống

nỗi ưu tư cửa đóng với then cài

thương số phận con phố buồn ngủ gục

chờ ánh đèn soi thấu được ngày mai.

Những năm sáu mươi và cho đến hôm nay, tìm một bài thơ về Vĩnh Điện, vừa trăn trở suy tư vừa chói chang hy vọng, vừa phản đối chiến tranh vừa yêu chuộng hòa bình, vừa cảm xúc chân thành vừa tài hoa ngôn ngữ như Khi trở về Vĩnh Điện của Nguyễn Nho Nhượn là hiếm thấy, nếu không muốn nói là chưa thấy!

  1. Nếu Nguyễn Nho Nhượn ở tuổi đôi mươi làm thơ cho Vĩnh Điện về những ngày khói lửa thì Hà Nguyên Dũng (quê Gò Nổi, Điện Bàn, cùng sinh năm 1946) lại viết bài thơ Vĩnh Điện khi đã vào tuổi 50 (sáng tác ghi ngày 23/12/1995), lúc đất nước đã 20 năm ngưng tiếng súng.

Thời điểm tác giả trở về vô tình hay hữu ý lại là một ngày cuối năm, trong không gian mùa đông, khiến nỗi xót xa quê càng thêm se sắt:

Vĩnh Điện tôi về ngày cuối năm

mùa đông buồn như một đám tang

khéo co cho mấy lòng vẫn lạnh

nỗi xót xa quê cứ rỉ tràn

Vĩnh Điện của Nguyễn Nho Nhượn đổ nát, Vĩnh Điện của Hà Nguyên Dũng xót xa. Trong Thu giang tống khách, trên bến Tầm Dương, Bạch Cư Dị muốn uống thật say để không phải cảm thấy Yên ba sầu sát nhân (Khói sóng khiến người buồn muốn chết); còn ở Hoài thượng biệt hữu nhân thì Trịnh Cốc không thể làm gì để khỏi nhìn Dương hoa sầu sát độ giang nhân (Hoa dương liễu khiến kẻ sang sông buồn muốn chết). Xét về hình ảnh, Hà Nguyên Dũng chẳng giống hai thi nhân đời Đường nhưng về ý đều tả nỗi buồn kinh khủng, buồn không… tả nổi! Nỗi buồn ấy không từ cảnh vật mà băng giá tự lòng người. Với Hà Nguyên Dũng đó là cảm thương về “kiếp nghèo” nên mới “giấy trắng tâm tư”:

Vĩnh Điện bao năm còn nghèo khổ

Vĩnh Điện khéo ăn vẫn không no

Hà Nguyên Dũng rất giỏi so sánh: những ngôi nhà như người luống tuổi/ lọm khọm hai bên vẻ ngóng chờ. Trong bài Hội An (6/2011) của ông, ta gặp lại motif này: Hội An như một người cao tuổi buồn… Theo diễn biến tâm lý kẻ tha hương về lại nơi từng gắn bó thời trẻ dại, Vĩnh Điện hiện dần lên bao khuôn mặt thân quen. Hình bóng mẹ hiện về, tôi của ngày thơ trẻ lững thững bước ra từ dĩ vãng:

tôi vịn vai cầu ôn chuyện cũ

nhớ xót xa thủa mẹ tảo tần

Thủa đó tôi thường lũn cũn theo

gánh trì vai mẹ bước liêu xiêu

tay quơ như níu vào mưa nắng

mẹ cố trườn qua nỗi ngặt nghèo

Vĩnh Điện như một bàn tay gầy

chợ đong không đầy được nửa ngày

tôi ngồi dụi dụi vào vai mẹ

bóng mẹ hiền thơm tựa bóng cây…

Một lần nữa, Vĩnh Điện héo hắt với so sánh của Hà Nguyên Dũng: Vĩnh Điện như một bàn tay gầy. Từ đó, ông hình dung và mô tả vừa chính xác về địa lý vừa ẩn dụ hình tượng quê hương:

Vĩnh Điện có hai đường ngã ba

một ngược lên đụng núi dội ra

một xuôi gặp biển sóng xô lại

quốc lộ chạy qua rước hết, và

Trong liên tưởng của tác giả, Vĩnh Điện đang nằm giữa sơn hà xô dạt hay chính tâm hồn người lãng du trở về gặp cơn tiến thoái lưỡng nan? Bài thơ kết lại cho một Vĩnh Điện chạm đến tận cùng thương nhớ, tận cùng của nỗi cô đơn:

Vĩnh Điện như một người neo đơn

mùa đông trông thiệt dễ mủi lòng

tôi trong Vĩnh Điện sao côi cút!

tôi ngoài Vĩnh Điện sao bồn chồn?

Về giữa thương yêu mà vẫn xót xa nghi ngại, nên đau lắm: Tôi coi Vĩnh Điện như người thân/ Vĩnh Điện ngờ tôi là tha nhân. Nguyễn Nho Nhượn ám ảnh nhiều câu thơ buồn, Hà Nguyên Dũng ấn tượng những dòng thơ đau...

Căn cứ vào thời điểm sáng tác cuối năm 1995 sẽ không ít người thắc mắc: Hà Nguyên Dũng viết về Vĩnh Điện ngày đó sao tái tê đến vậy? Vĩnh Điện không chiến tranh đổ nát như thời Nguyễn Nho Nhượn của hơn 30 năm trước. Vĩnh Điện cũng không đến mức bi thương như hình ảnh so sánh độc đáo mà ông dụng công khắc tạc. Không phải! Vĩnh Điện trong Hà Nguyên Dũng và trong thơ Hà Nguyên Dũng hoàn toàn khác, thậm chí có thể đối chọi, với một Vĩnh Điện có thật đang hiện hữu (thời điểm đó). Nhà thơ không mô tả tình cảnh, không ghi phóng sự, không ngợi ca hay phê phán thực trạng, mà giãi - bày - tâm - trạng của một sắc thái cảm xúc và trạng thái tâm lý xâm chiếm trong khoảnh khắc duy nhất của cảm hứng thơ. Do đó, phương tiện ngôn ngữ chuyển tải rất gần với bút pháp “tả cảnh ngụ tình” vốn có từ ngàn năm (ai nói không còn hữu dụng với thơ ca đương đại?) để giúp người đọc bước vào (lạc vào) miền tâm tưởng. Đọc Vĩnh Điện theo cách ấy để thấy một con người tuy không sinh ra ngay trên đất này nhưng Vĩnh Điện vẫn gắn bó máu thịt với nhà thơ Gò Nổi, gắn bó thiết thân đến mức phải lên tiếng hoài nghi: tôi trong Vĩnh Điện sao côi cút!/ tôi ngoài Vĩnh Điện sao bồn chồn?... Không yêu đến thiết tha không có và không mô tả được cảm xúc lạ lùng ấy. Từ đó, cái Đẹp của hoài niệm, của niềm cô đơn bỗng chiếu sáng rực rỡ cho một Vĩnh Điện trong thơ và trong lòng người đọc nhiều thế hệ. Sau Nguyễn Nho Nhượn, Hà Nguyên Dũng góp thêm một bài thơ nữa cho Vĩnh Điện - một cái tên, một miền đất vốn được mô tả vài nét khô khan trong dư địa chí đã trở thành nguồn thi hứng cho bao nhiêu thi sĩ.

Hai bài thơ đã vĩnh viễn hóa Vĩnh Điện bằng ngôn ngữ riêng của hai thi sĩ Điện Bàn. E rằng, phải chờ rất lâu nữa cũng chưa chắc đã có một bài thơ về Vĩnh Điện tương xứng.

N.M.H