Đáy lòng vọng tiếng xanh xưa (Đọc bài thơ Phỉ thuý của Nguyễn Ngọc Hưng)

01.03.2023
Tuệ Mỹ

Đáy lòng vọng tiếng xanh xưa (Đọc bài thơ Phỉ thuý của Nguyễn Ngọc Hưng)

PHỈ THUÝ

Xanh, xanh lắm

Tiếng gì reo văn vắt

Như lạ như quen nhuộm biếc lá vườn

Nhuộm biếc cỏ vương sương

Và nhuộm biếc

Cả trời

Cả gió

Cả làn hương...

 

Không phải ngọc

Không phải chim

Không phải vườn

Chỉ là tiếng ngọc tiếng chim tiếng vườn

Cộng hưởng nhau kết tinh thành

phỉ thuý

Xao động ngân rung vô chung vô thủy

Mà thủy chung đến tận cõi không màu.

 

 

Không thể trả về trước

Không thể trả về sau

Đôi mắt ấy

Trái tim ấy

Đành trăm năm mắc nợ.

 

Làm sao thoát ra ngoài nỗi nhớ

Khi đáy lòng luôn vọng tiếng xanh xưa?

Nguyễn Ngọc Hưng

(Tạp chí Thơ số 9 năm 2015)

 

Lời bình:

Khát khao cái Đẹp, cái Cao cả là đề tài được nhiều nhà thơ chạm bút. Viết về đề tài này, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã lấy cảm hứng từ “phỉ thuý” để thăng hoa cảm xúc. Phỉ thuý là tên một thứ ngọc quý, có màu xanh biếc (thuý) và màu đỏ (phỉ). Nhưng loại ngọc quý này đi vào bài thơ Phỉ thuý của Nguyễn Ngọc Hưng lại vô hình. Cái khác lạ này người đọc bắt gặp ngay khi mới mở cửa bài thơ “xanh, xanh lắm/ tiếng gì reo văn vắt”. Là “tiếng” xanh! “Tiếng gì” đó còn rất mơ hồ trong tên gọi  nhưng lại rất rõ ràng trong thẩm âm “reo văn vắt”. “Reo”, hẳn nhiên là âm thanh vui và trong. Không phải trong bình thường mà là trong “văn vắt”, tột cùng trong. Tiếng nghe “trong” thì có lý nhưng tiếng mà “xanh” thì… chỉ nằm trong cảm thức thẩm âm của chủ thể trữ tình. Và, xanh - trong là cái chất của “tiếng gì” mà người thơ cảm nhận được.

Vậy, “tiếng gì” kia là tiếng gì mà “xanh, xanh lắm” vậy, có khả năng: “nhuộm biếc lá vườn/ Nhuộm biếc cỏ vương sương/ Và nhuộm biếc/ Cả trời/ Cả gió/ Cả làn hương...”? Cả vũ trụ, từ bình dị, gần gũi “lá vườn”, “cỏ vương sương” đến lớn lao “trời”, “gió”; từ những cái hữu hình như “lá”, “cỏ”, “trời” đến những cái vô hình như “gió”, “làn hương” đều được “tiếng gì” kia  “nhuộm biếc”. Thật là kỳ diệu!

Nhà thơ đã lý giải điều kỳ diệu này: “Không phải ngọc/ Không phải chim/ Không phải vườn/ Chỉ là tiếng ngọc tiếng chim tiếng vườn/ Cộng hưởng nhau kết tinh thành phỉ thuý”. Lời lý giải đã phủ định cái “hình”: ngọc, chim, vườn để khẳng định cái “tiếng”: tiếng ngọc, tiếng chim, tiếng vườn. Trước, còn úp mở với “tiếng gì” thì đến đây “tiếng” đã được gọi tên cụ thể. Cái bất ngờ trong lời lý giải là tất cả các thứ tiếng ấy “cộng hưởng nhau kết tinh thành phỉ thúy”. Thì ra “tiếng gì” nói ở trên kia chính là “Phỉ thúy”. Phỉ thuý là “cộng hưởng”  “kết tinh” tất cả các thứ tiếng thiên nhiên. Một khi đã “cộng hưởng”, “kết tinh” tất cả những thanh trong lại thì… Phỉ thúy, tuyệt đỉnh của sự thanh trong!

Bởi được kết tinh từ “tiếng” nên sức mạnh của phỉ thuý vô cùng huyền nhiệm:

“Xao động ngân rung vô chung

vô thủy

Mà thủy chung đến tận cõi

không màu”

Lấy cái triết lý vũ trụ “vô chung vô thủy” để biểu đạt cho sự “xao động, ngân rung” của phỉ thuý thì thật là chí lý. Một thứ “tiếng” có khả năng “nhuộm biếc” cả vũ trụ thì đương nhiên cũng phải có sức “xao động ngân rung” đến cõi vô cùng. Đặc biệt, từ cái “vô” thi sĩ dẫn về cái “có”: “Mà thủy chung đến tận cõi không màu”. “Cõi không màu” là cõi gì cũng không thể gọi tên nhưng chắc hẳn phải là cõi tâm linh linh thiêng, huyền nhiệm, xứng đáng là “cõi” cho phỉ thuý “vô chung vô thủy”. Vậy là, ngoài xanh - trong, phỉ thuý còn được phủ lên màu linh nhiệm. Ở hai câu thơ này, với cách dụng ngôn độc đáo “vô chung vô thủy/ mà thủy chung…” cùng với sự hòa phối âm thanh (ngân rung vô chung...), ngòi bút Nguyễn Ngọc Hưng đã đưa “phỉ thúy” đến tận cõi hồn người. Quả là tuyệt bút!

Khác với cách chiêm ngưỡng phỉ thúy qua “hình” như nhiều người, Nguyễn Ngọc Hưng chọn “tiếng” để chiêm bái phỉ thúy. Có phải với nhà thơ, “tiếng” mới có sức làm “xao động, ngân rung” lay thức tâm tư, gọi dậy lòng người hướng về những giá trị tinh thần cao cả, thiêng liêng?

Cảm xúc về phỉ thuý đang một mạch chảy, bỗng dưng ngòi bút tác giả chuyển hướng: “Không thể trả về trước/ Không thể trả về sau/ Đôi mắt ấy/ Trái tim ấy/ Đành trăm năm mắc nợ”. Một không gian khác được mở ra. Không gian có “đôi mắt”, “trái tim” “trăm năm mắc nợ” hẳn đây là không gian lòng người với món “nợ tình”. Nợ gì cũng có thể trả được chứ nợ tình thì “Không thể trả về trước/ Không thể trả về sau”. “Về trước”, “về sau”, cả vòng quay luân hồi mà cũng “không thể trả” được thì phải “đành” nghe lời phán truyền của định mệnh thôi.

Món nợ tình không thể trả đó có liên quan đến phỉ thúy? Hãy đọc hai câu cuối: Làm sao thoát ra ngoài nỗi nhớ/ Khi đáy lòng luôn vọng tiếng xanh xưa?”

Có liên quan. “Tiếng xanh xưa” nằm chỗ tận cùng của bài thơ là tín hiệu. Những gì thuộc về quá khứ mới gọi là “xưa”. Vậy ra, “tiếng xanh” (tiếng phỉ thúy) là tiếng vọng về của quá khứ. “Tiếng xanh” đó đã lặng trong tiềm thức tự bao giờ, nuôi dưỡng tâm hồn người để cho tâm thức luôn “xanh”. Như một lẽ tất yếu, khi món nợ tình “không thể trả” được thì tự nhiên nó biến thành “nỗi nhớ”. Nợ đến “trăm năm” nên nỗi nhớ cũng đeo đẳng đến hết kiếp đời không sao “thoát” được. Thoát được “nỗi nhớ” cũng đồng nghĩa với việc “tiếng xanh xưa” không còn vọng nữa. Nhưng, “tiếng xanh xưa” vẫn vọng động tận “đáy lòng” nên “Làm sao thoát ra ngoài nỗi nhớ?” cứ mãi là câu hỏi đa mang. Nói như thế có phải nhà thơ đã đặt “tình yêu” trong âm vọng của “tiếng xanh xưa”? Cũng phải. Bởi, tình yêu là món quà quý giá, thiêng liêng mà Thượng đế đã ban tặng cho loài người. Nói như nhà thơ Xuân Diệu “Có ai sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một kẻ nào”. Đúng. Có yêu thì con người mới sống Đẹp hơn. Nuôi dưỡng tình yêu cũng chính là nuôi dưỡng phỉ thuý trong lòng.

Phỉ thuý dưới ngòi bút Nguyễn Ngọc Hưng không có hình hài bởi nó được kết tinh từ “tiếng”- tiếng thiên nhiên. Mà thiên nhiên là hiện thân của cái Đẹp. Cái Đẹp thì luôn đồng hành với cái Thiện, cái Cao cả. Kiến tạo một hình tượng phỉ thuý như thế phải chăng nhà thơ muốn truyền thông điệp: Phỉ thuý vô hình nhưng không phải khó chạm tay. Phỉ thuý quý hiếm, linh thiêng nhưng không phải khó tìm. Bởi, phỉ thuý luôn hiện hữu quanh ta, chỉ cần ta mở lòng với thiên nhiên, với cuộc sống, với con người thì lòng ta có phỉ thuý.

Hình tượng “phỉ thuý” chuyển dịch trong không gian của bài thơ đã có sức dẫn dụ người đọc đồng hành cùng chủ thể trữ tình đi đến đích. Lúc đầu, chủ thể sáng tạo cho phỉ thuý “chào đời” trong không-gian-xanh vì “mẹ” của nó chính là tất cả các thứ tiếng thiên nhiên cộng hưởng, kết tinh. Sau đó, phỉ thuý được “nuôi dưỡng” trong không gian lòng người. “Đáy lòng luôn vọng tiếng xanh xưa” là minh chứng cho sự “trưởng thành” của phỉ thuý. Phỉ thuý đã lớn mạnh, thắp sáng, lan tỏa, vẫy gọi con người hướng về Chân-Thiện-Mỹ. Và, phỉ thuý trong lòng người mới chính là cái đích đến của ngòi bút Nguyễn Ngọc Hưng.

T.M