Có không nỗi buồn văn chương

01.03.2023
Phạm Xuân Hùng

Có không nỗi buồn văn chương

 Đó là cách nói mượn theo cách đặt tên tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh. Một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ phải tự hỏi, liệu có một ngày không xa, văn học/văn chương do con người sáng tạo sẽ phải nói lời cáo chung? Về mặt đời sống, đó là một thực tế khó lòng chấp nhận. Nhưng xét về mặt triết học, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, trong một thế giới kỹ trị và công nghệ phát triển như vũ bão, từng bước thay thế những hoạt động của con người, kể cả sáng tạo nghệ thuật. Dù cho, ngay từ thời cổ đại, lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật trong đó có văn chương được cho là địa hạt huyền bí, thậm chí có cả bàn tay của thần linh dẫn dắt.

Cách đây hơn 5 năm, năm 2016, khi Deepmind của Google đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo AlphaGo thi đấu và giành chiến thắng áp đảo 4-1 trước Lee Sedol (Hàn quốc) - kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới, đã khiến chúng ta ngả mũ thán phục. Những nước cờ của AlphaGo biến hoá, kỳ ảo đến nỗi có một nước đi trong ván đấu thứ hai của AlphaGo khiến Lee Sedol phải bước ra khỏi phòng thi đấu và mất 15 phút sau mới lấy lại được bình tĩnh. Lee Sedol kinh ngạc nói: “Đó không phải là nước đi của một con người”. Tại thời điểm đó, dù thán phục AlphaGo nhưng con người vẫn lạc quan, trí tuệ nhân tạo có thể chiến thắng con người trong các phép toán, trong các lĩnh vực cần sự chính xác, logic... nhưng không thể thay thế con người trong lĩnh vực sáng tạo.

Trong khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo hay còn gọi trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence, viết tắt là AI) dùng để chỉ “trí thông minh” của máy móc do con người tạo ra, trái ngược với trí thông minh tự nhiên của con người. Sản phẩm máy móc dùng AI thường gặp nhất chính là robot. Cách đây chưa lâu, không mấy ai nghĩ, trí tuệ nhân tạo và robot có thể trở thành nhà văn. Tuy nhiên, cũng vào năm 2016, trong cuộc thi văn chương tầm cỡ quốc gia Nikkei Hoshi Shinichi của Nhật Bản, một tác phẩm đã vượt qua vòng loại đầy ấn tượng đối với Ban Giám khảo. Tác phẩm dự thi là cuốn tiểu thuyết có tên The Day Computer Writes A Novel (Ngày chiếc máy tính tự viết tiểu thuyết). Đồng tác giả với “nhà văn ảo” này là nhà khoa học Hitoshy Matsubara và nhóm cộng sự tại trường Đại học Tương lai Hakodate. Hitoshy Matsubara cho biết, anh và nhóm cộng sự chỉ đơn giản đưa cho AI một tập hợp từ và câu, sau đó lập trình cho AI cách viết chúng thành những đoạn văn hoàn chỉnh và một cốt truyện có ý nghĩa. Chỉ vậy thôi AI đã cho ra đời tác phẩm văn học khá hoàn hảo. Nhà văn Satoshi Hase cho biết, do bản thảo dự thi không ghi tên tác giả nên ông và các thành viên trong Ban Giám khảo không hề hay biết tác phẩm đó do máy tính viết. Ông còn nhận xét: “Tôi thực sự ngạc nhiên vì đây là cuốn tiểu thuyết có cấu trúc khá tốt. Rất tiếc còn một đôi chỗ chưa ổn như việc miêu tả tâm lý nhân vật. Chính điều đó khiến cuốn tiểu thuyết không giành được giải thưởng cao nhất”.

Chuyện AlphaGo đánh bại Lee Se Dol dẫn đến, sau cuộc thi này, một nhóm chuyên gia của Hàn Quốc đã quyết định đầu tư 860 triệu đô la vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trong đó có cả việc tạo các phần mềm sáng tạo nghệ thuật. Và không phải đợi lâu, vào tháng 8 năm 2021 một sự kiện được mọi người chú ý: Nhà xuất bản Parambook đã phát hành cuốn tiểu thuyết mang tên The World From Now On (Tạm dịch: Thế giới từ nay). Cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn do một “nhà văn” AI tên là Birampung viết bằng tiếng Anh. Cũng theo thông báo, “tác giả” Birampung do Công ty khởi nghiệp AI Darumda và Công ty xử lý ngôn ngữ tự nhiên Namaesseu đồng phối hợp và phát triển. Nhà văn Kim Ta-yaon cũng là chuyên gia máy tính được phân công “dạy” Birampung viết văn. Ông cho biết đã “hướng dẫn” Birampung bằng cách phác thảo chủ đề, bối cảnh, nhân vật của cuốn tiểu thuyết tương lai, phần việc còn lại do Birampung thông qua quá trình “học sâu” (deep learning).

Vậy, thuật ngữ “học sâu” là gì? Trước khi tìm hiểu thuật ngữ này cần nhắc lại, từ trước đến nay, các chuyên gia thường “huấn luyện” AI theo phương pháp tư duy và suy luận logic. Trong lĩnh vực chơi cờ chẳng hạn, người ta lập trình các nguyên tắc của trò chơi cho vào máy tính. Sau đó, máy tính dựa trên khả năng tính toán vượt trội so với con người để cho ra lần lượt các phương án (nước đi trong ván cờ) để giành chiến thắng. Tuy chiến thắng con người, song cách chơi cờ của AI vẫn tỏ ra “máy móc”, khô cứng và tẻ nhạt. Để thay đổi điều này, các thế hệ AI hiện tại được các chuyên gia “đào tạo” theo cách “học sâu” hay “học tăng cường”. Với phương pháp này, người ta cho máy tính thực hiện một nhiệm vụ lặp đi lặp lại hàng triệu, tỷ lần, chẳng hạn chơi cờ vua, cờ vây. Sau mỗi lần chơi, nó sẽ tự tích lũy kinh nghiệm, xây dựng chiến lược, tìm phương án tối ưu và chọn lựa những nước đi tốt nhất từ kết quả mỗi ván cờ. Để “học sâu” hơn và không phải mất công thi đấu với con người, các máy tính tự thi đấu với chính nó. AlphaGo như đã kể, chơi hàng triệu ván cờ, con số mà cả kỳ thủ giỏi nhất thế giới cũng không bao giờ chạm đến. Và, trong quá trình này, AlphaGo đã khám phá ra vô số những chiến lược, chiến thuật, các nước đi xảy ra trên bàn cờ mà con người không bao giờ có thể nghĩ ra. Cũng nói thêm rằng, sau AlphaGo, các thế hệ AI còn áp dụng cả cách “học tăng cường” (reinforcemen learning), kết hợp “học sâu” và “học tăng cường” thành phương pháp “học tăng cường sâu” (deep reinforcemen learning). Với những phương pháp học nói trên, AI ngày càng tiệm cận với trí thông minh của con người và xử lý tình huống giống con người xử lý, tất nhiên với tốc độ không thể so sánh được.

Trở lại câu chuyện về Birampung. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của “nhà văn” nay có 5 nhân vật chính: nhà toán học khuyết tật, doanh nhân, bác sĩ tâm thần, nhà vật lý thiên văn và một nhà sư. Câu chuyện xoay quanh hành trình nhận thức và quyết tâm của họ trong việc tìm hiểu những bí mật về sư tồn tại của con người. Chưa rõ bút lực của Birampung tới đâu nhưng theo Nhà xuất bản Parambook thì cuốn tiểu thuyết The World From Now On có “cốt truyện lay động lòng độc giả”. Đến đây, hẳn những người cầm bút trong lĩnh vực sáng tạo văn chương sẽ phải giật mình. Liệu có một ngày không xa xuất hiện hàng loạt những “nhà văn” AI và hàng loạt những tác phẩm văn chương ra đời từ máy tính sẽ khiến họ không còn hứng thú hoặc tệ hơn, không đủ dũng khí để cầm bút.

Thật khó xác quyết dự báo về sự lụi tàn của văn chương do con người sáng tạo nên. Nhưng, theo cách mà các chuyên gia trí tuệ nhân tạo chỉ ra, có thể hình dung những ngã rẽ sau: Thứ nhất, vĩnh viễn AI không bao giờ thay thế được con người bởi sáng tạo nghệ thuật trong đó có văn chương, là vô bờ bến. Còn AI, dù được trang bị “bộ nhớ” khổng lồ, “bộ xử lý” mạnh mẽ đến bao nhiêu cũng vẫn có những giới hạn (lim) nhất định; Thứ hai, chỉ những tác gia lớn, những nhà văn vượt tầm thời đại, đứa con tinh thần của họ là những tác phẩm độc sáng, độc dị... là tồn tại. Số còn lại, những nhà văn trung bình, những tác phẩm tầm tầm nhanh chóng bị thay thế bởi các “cây bút” ảo; Thứ ba, sẽ hình thành một đội ngũ nhà văn mới, phép cộng giữa con người và AI. Các nhà văn lúc này chỉ việc suy ngẫm, chọn lựa những vấn đề cốt yếu, thậm chí cả nhân vật..., phần còn lại do AI đảm trách. Trường hợp này, nhà văn và AI sẽ là “đồng tác giả”.

Chưa bao giờ trí tuệ nhân tạo được quan tâm như hiện nay. Tất cả các nhà khoa học, ở mọi lĩnh vực của đời sống đều quan tâm tới việc phát triển trí tuệ nhân tạo và không ít người âu lo về một tương lai trí tuệ nhân tạo sẽ đánh bại con người trong từng lĩnh vực, tiến tới đánh bại hoàn toàn Con người. Thật khó nói trước được điều gì, khoa học đã từng để lại trong lịch sử nhân loại nhiều bài học về sự ngây thơ, cả tin để rồi lầm lẫn một cách mù quáng. Nhưng trước khi điều đó có thể xảy ra, con người vẫn cần giữ sự tự tin, nói như nhà văn McEvan, “nếu mãi ca tụng khoa học diễu võ giương oai thì khác chi tự hạ bệ lòng tự tôn của con người và chính con người tự làm những cuộc hạ bệ để đi đến tuyệt chủng”.

Trái đất theo các nhà khoa học có vòng đời 9 tỷ năm và đã đi qua hơn một nửa. 4,5 tỷ năm còn lại là quá dài hay quá ngắn trước khi Mặt trời tự huỷ diệt? Bất luận đời sống diễn ra theo kịch bản nào thì chúng ta, trong đó có những nhà văn hãy mạnh mẽ, nỗ lực sáng tạo, sáng tạo vượt bậc, hãy để cảm xúc và lòng tự tôn trỗi dậy thì vẫn sẽ còn khả năng chiến thắng trước những cỗ máy “siêu trí tuệ” do chính con người tạo ra.

Nhưng liệu điều đó có là khe cửa hẹp để chúng ta tồn tại trong 4,5 tỷ năm còn lại?

P.X.H