Nhớ mẹ - Võ Duy Dương

08.03.2019

Nhớ mẹ - Võ Duy Dương

Mẹ tôi sinh ra và lớn lên tại làng Đồng Tràm (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn). Làng Đồng Tràm là một vùng đất sông nước hữu tình, với nhiều bàu nước rộng liên tiếp liền kề trên các nổng cát, trảng cát ngút ngàn, kế tiếp nhau. Làng Đồng Tràm được bao bọc giữa ba dòng sông hợp lại, sông Ly Ly, sông Bà Rén và sông Trường Giang. Đồng Tràm là địa danh trước đây thời cha ông ta đi mở cõi ngút ngàn là tràm, sau nhiều năm vùng đất bị biến cải để tạo thành ruộng đồng trù phú, nên Đồng Tràm chỉ còn cái tên chứ không còn cây tràm nào cả. Làng Đồng Tràm cũng được mệnh danh là làng “cận giang” vừa “cận thị” với nhiều chợ nổi tiếng ghi tên vào địa danh Xứ Quảng. Làng được chợ bao bọc tứ phía, phía Tây chợ Hương An, Mộc Bài, phía bắc chợ Bà rén, phía Đông bắc chợ Bàn Thạch, phía Đông chợ Bà và phía Đông Nam xa xa một tí là chợ Được, xuôi về hướng Đông Bắc là phố cổ Hội An. Kể như vậy cũng biết vùng này nơi giao thương của nhiều thương lái, rất nhiều sản vật phong phú, mọi vùng miền đất nước, từ miền ngược, đến miền xuôi, vùng biển, đồng bằng đều hội tụ tất tần tật về đây để họp chợ mua bán, trao đổi sầm uất một thời.

Mẹ cũng như cây tràm, một nắng hai sương, cả đời bươn chải, tảo tần cày - bừa - cấy - gặt để nuôi chồng con. Mẹ tôi là một cô gái quê và lớn lên có chồng như mọi người đàn bà quê đậm chất Quảng Nam. Mẹ sinh đặng được chín người con, tôi thứ mười là con út trong nhà.Tôi nghe phong phanh mọi người kể lại rằng Mẹ tôi sinh tôi ra đúng trận bão lụt năm Thìn. Năm ấy quê tôi và toàn bộ Xứ Quảng Nam bị bão lụt to lắm nhiều ngôi nhà bị trôi ra biển, nhiều  làng xóm xóa sổ, người chết vô kể, mấy ông bà già mỗi khi ngồi lại nhâm nhi ly rượu, miếng trầu, uống bát nước chè xanh, cùng nhau kể về trận lụt năm Thìn, ai cũng hãi hùng khiếp sợ vì trận bão lụt có nhiều nhà rơi vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất, Cha mất con, vợ mất chồng có cả gia đình bị nước lũ cuốn trôi chết hết tạo ra một cảnh tượng bi thương nhiều thập niên người dân làng tôi mới gượng dậy được.

Tôi nghe mọi người kể rằng: Mẹ sinh tôi ra đúng ba tháng mười ngày Mẹ tôi mất. Thời ấy trong làng ai cũng biết tôi mới sinh còn đỏ hỏn, mất bầu sửa Mẹ, là mất luôn nguồn nuôi sống. Ai cũng nghĩ không biết tôi có sống thêm được mươi ngày nữa không hay đi theo luôn với Mẹ. Nhưng thật kỳ diệu, được sự chăm sóc, đùm bọc tận tình, của bà cô và các anh chị tôi và bà con lối xóm. Đặc biệt được sự giúp đỡ cho bú nhờ của các Cô, Dì, Thím làng trên, xóm dưới và sự phù hộ độ trì của Mẹ nên tôi được sống và lớn lên phát triển bình thường như mọi đứa trẻ có Mẹ. Nhà tôi đông con, nhà nghèo, Cha đi kháng chiến, các anh tôi lớn hơn cũng đi theo Cha biền biệt ở trên núi không về. Các anh chị tôi còn nhỏ thì đi ở nhờ giữ bò cho người xóm bên kia sông để kiếm hai bữa cơm đắp đổi qua ngày, nên Mẹ không có người đỡ đần khi sinh nở, Mẹ phải làm việc quần quật suốt ngày sau khi sinh nở dẫn đến kiệt sức sinh bệnh, thời đó nhà Mẹ tôi nghèo lắm, trong nhà không có cái gì đáng giá để bán lo thuốc thang cho Mẹ, bà con hàng xóm ai cũng nghèo đều như nhau, họ tốt bụng chạy ngược chạy xuôi ra sau vườn hái lá thuốc giã với muối hột, sắc chưng với đường phèn cho Mẹ uống, còn lại cái đắp lên trán và chân Mẹ, nhưng bệnh tình Mẹ vẫn không thuyên giảm. Mẹ ốm liệt giường ba ngày sau Mẹ tôi mất. Từ ấy trở về sau tôi mất vĩnh viễn mất bầu sửa Mẹ. Một năm sau ba tôi hy sinh. Phận mồ côi của tôi bắt đầu từ đấy và mãi mãi về sau.

Từ nhỏ mỗi lần giỗ Mẹ, tôi đã nghe lén phéng mọi người thân và bà con hàng xóm kể về Mẹ với tất cả những niềm thương yêu kính trọng song vì tôi quá nhỏ chưa thấu hiểu hết nguồn cơn của câu chuyện và sự đời nên không quan tâm để ý. Khi lớn lên một chút tôi đi học xa nhà, sau có vợ có con thì tôi mới đi tìm hiểu, những người ở gần với Mẹ từ xa xưa  nay đã rơi rụng, đi xa dần, phần nhiều về với tổ tiên, ông bà nên tôi không được biết nhiều về Mẹ. Những hình ảnh Mẹ sống trong tiềm thức, trí nhớ, được tôi góp nhặt qua những câu chuyện của người thân, bà con lối xóm mỗi khi tôi về thăm quê, giỗ Mẹ, giỗ Cha.Tôi trân trọng ấp ủ, giữ gìn, cất giữ những hình ảnh kỷ niệm đẹp về Mẹ như một báu vật thiêng liêng nhất, nó được nuôi dưỡng trong trái tim và lớn dần theo năm tháng tuổi đời của tôi.

Mẹ làm tất tần tật từ việc đồng áng, cày bừa, gieo cấy, mấy sào ruộng của ông bà để lại. Nhà đông miệng ăn, ruộng ít lúa gạo không nhiều nên những mùa giáp hạt Mẹ phải đi làm thuê để kiếm thêm lon gạo nuôi sống gia đình.Tôi có nhớ thím Bốn vợ ông Chú Sáu tôi kể rằng Mẹ đi cấy thuê một tuần lễ được trả công một ang gạo, trên đường về gặp Dì Ba ở xóm dưới nhà cũng nghèo đông con nhỏ dại chồng mất sớm tất bật chạy bữa ăn đắp đổi qua ngày. Hôm ấy trên đường về thấy Dì Ba cắp rổ đi mượn gạo mấy nhà cũng không được Mẹ san sẽ nửa ang gạo cho Dì Ba. Biết nhà tôi cũng túng thiếu Dì Ba lấy không đặng, Mẹ nói chị đem về thổi cơm cho lũ trẻ ăn chứ từ sáng đến chừ bụng chúng nó đang sôi ùng ục. Dùng dằng mãi Dì Ba mới nhận số gạo trên. Mẹ có tay bắt cá, quê tôi vùng sông nước nên Mẹ rất chịu khó ra đồng mò cua bắt ốc, nơm cá, tát đìa để cải thiện bữa ăn. Mẹ tôi thường dẫn các anh chị tôi theo ra đồng bắt cá, mò cua nên sau khi Mẹ tôi mất các anh chị tôi học được cách bắt cá của Mẹ nên nhà tôi mặc dù ít đi chợ nhưng thỉnh thoảng vẫn có cá ăn. Đến tháng tư, tháng năm mùa gặt xong, Mẹ tôi cùng các cô, dì trong xóm xúm nhau đi cào hến. Quê tôi trước đây xứ sở của hến,và ốc gạo. Mẹ tôi cào vài giờ đã được bao tải hến. Mẹ chia làm ba phần, hai phần để bán phần còn lại đem về đãi để nấu canh, hoặc xào xúc bánh tráng. Sau khi đem hến về rửa sạch, đổ hến và nước vào nồi sâm sấp bằng nhau để luộc. Khi con hến vừa nở bung thì đem ra đãi lấy nhân hến và nước để lắng đọng sau đó lọc lấy nước để dùng. Nhân hến và nước hến nấu với rau muống cắt nhỏ thì ngon tuyệt. Món ăn dân gian rất ư đặc sản nhà nào làng tôi ai ai cũng làm được chỉ bỏ công sức ra cào hến vài giờ đồng hồ là có bữa canh hến ngọt ngào, nghi ngút khói, một đĩa hến xào sả xúc bánh tráng thơm lừng đậm chất quê hương. Người dân quê tôi ăn khoai lang quanh năm, nên món canh hến là trợ thủ đắc lực để nuốt trôi củ khoai lang bùi, những tháng ngày giáp hạt thiếu gạo, thiếu cơm. Món canh hến ăn mùa hè ngon, bổ, giải nhiệt rất hiệu quả. Bao người xa quê biền biệt trông nhớ về thăm Mẹ chỉ mong được húp tô canh hến, xúc vài cái bánh tráng gạo với dĩa hến xào do tận tay Mẹ nấu, âu cũng niềm hạnh phúc lâng lâng, dâng trào đâu chỉ cần sơn hào hải vị.

Mẹ ban ngày ra đồng làm việc đồng áng đêm về Mẹ tranh thủ khâu vá lại áo quần cho anh em chúng tôi. Nhà có bảy trai, hai gái áo quần thằng lớn mặc xong giao cho đứa kế, suốt ngày anh em chúng tôi đi giữ trâu, giữ bò chạy nhảy, vui đùa, bơi lội làm sao áo quần lành lặn được. Nhà tôi như một tổ hợp khâu vá, đi đâu ai có áo quần cũ, rách Mẹ  cũng đem về để may sửa lại. Chắc khâu vá nhiều nên đường kim mũi chỉ đều đặn thẳng tắp trong làng ai cũng ngợi khen.     

Tôi nghe người ta kể rằng Mẹ là chị dâu cả trong nhà nên trọng trách rất lớn với gia đình và gia tộc. Ngoài trách nhiệm lo nuôi ông nội, bà nội tôi và bầy con đông đúc, còn có nhiệm vụ làm bếp trưởng mỗi khi có giỗ chạp của gia đình và họ tộc. Trước ngày giỗ, Mẹ  dậy rất sớm lau chùi bàn thờ  tổ tiên, ông bà, quét dọn sửa soạn, nhà cửa cho sạch sẽ, tươm tất để chuẩn bị đón khách. Hàng chè tàu mẹ cắt, tỉa gọn lại cho bằng phẳng, sắp xếp ngay hàng thẳng lối, bờ hoa dâm bụt trước ngõ Mẹ cột, dựng lại ngay ngắn, thẳng tắp, xinh xắn. Xong việc Mẹ tôi cùng với mấy cô dì thím trong nhà đi chợ mua thịt, cá và mọi thứ cần thiết để về chuẩn bị các mâm cỗ cúng và đãi khách. Mỗi khi có giỗ nhà tôi đông vui lắm mọi người được phép nghỉ cày, cấy và mọi việc làm đồng áng, bọn trẻ được ăn cỗ và tụ tập vui đùa với nhau. Mọi người thường gọi Mẹ tôi  với cái tên rất trìu mến là chị Hai Cử. Họ kháo nhau Mẹ tôi làm món mì Quảng gà hương vị rất đậm đà ngon không lẫn với ai được. Thịt gà Mẹ tôi chặt ra từng miếng vừa vặn ướp dầu phụng hành, tỏi, tiêu, muối, ớt độ chừng hai tiếng đồng hồ để cho thịt thấm săn lại. Mẹ dùng chân gà, đầu gà và nước luộc thịt đun làm nước xúp. Sau đó Mẹ xào thịt cho thấm thía rồi mới đổ chung thịt và nước súp vào nồi to. Mẹ nêm kỷ càng rồi mới múc ra từng tô có rau sống, bắp chuối, ớt xanh... mời mọi người dùng, ai cũng tấm tắc khen ngon, ăn tô rồi thêm tô nữa. Mỗi lần về quê ăn giỗ ai cũng kháo với nhau nếu còn Mẹ thằng Út Mười thì món mì Quảng sẽ ngon hơn. Mẹ tôi đỗ bánh xèo cũng nổi tiếng vùng đất làng Đồng Tràm. Mẹ là người ăn sau cùng và gánh vác việc rửa đống chén bát. Việc này Mẹ không nhường cho bất cứ ai nếu các cô, Thím tôi nài nỉ Mẹ cho phụ việc. Mẹ nói việc làm này Mẹ quen rồi để cho mọi người lâu ngày gặp nhau hóng chuyện cho vui cửa,vui nhà.

 

Ngày 28 tháng 4 năm 2002 UBND xã Quế Phú long trọng khánh thành Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ và Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Bà nội tôi và Mẹ tôi được vinh dự đón nhận danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng và khắc tên trong Nhà bia tưởng niệm. Trong khoảnh khoắc buổi lễ tôi được anh Nguyễn Xuân Phúc nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nay Thủ Tướng Chính Phủ), trao tặng bằng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Anh biết tôi có hoàn cảnh giống anh mồ côi Mẹ từ nhỏ anh ôm tôi vào lòng và dặn dò: “Quế Phú là xã Anh hùng sản sinh ra nhiều Anh hùng Liệt sỹ và Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh em mình giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó”. Đó là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời tôi và gia đình. Mẹ tôi được nhà nước vinh danh với sự hy sinh cao cả có chồng và nhiều con hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

V.D.D

Bài viết khác cùng số

Một chuyện tình - Khin Hnin Yu Làm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích NhànTháng ngày lặng lẽ - Thu LoanThành phố tháng Ba - Nguyễn Thị Ngọc LanCâu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn VĩnhChúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh QuếHậu chiến tranh - Thu HiềnChuyện nhặt trên phây - Dân HùngMẹ tôi - Vũ Ngọc GiaoNhớ mẹ - Võ Duy DươngKham nhẫn Võ Nguyên Giáp(*) - Thái Bá LợiBạch Hạc - Trần Như LuậnThơ Thụy SơnBản hợp đồng tình yêu quá hạn - Nguyễn Nho Thùy DươngÁnh sáng tình yêu - Lê Thị ĐiểmSự rời bỏ dịu dàng đến thế này ư - Bạch DiệpMẹ - Thiều HạnhCó khi thấm mệt - Phan Hoàng PhươngNgồi khâu nỗi nhớ - Võ Kim NgânSắc trời giêng mơ - Huệ ThiThơ Phùng HiếuHội An gió - Trần Trúc TâmTình yêu thời chinh chiến - Xuân CừMùa xuân tìm tháng ngày rơi - Trương Công MùiMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtTràn hương nắng mới -Tần Hoài Dạ VũNhững đóng góp của các soạn giả, nghệ sỹ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đối với sân khấu tuồng cách mạng - Thúy HườngMãi đừng xa tôi - Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm TrâmThơ của Thúy: nồng nàn, thấu tận - Nguyễn Thị PhúAnh là Quang Kháng - Huỳnh Trương PhátThương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu Phước