Anh là Quang Kháng - Huỳnh Trương Phát

11.03.2019

Anh là Quang Kháng - Huỳnh Trương Phát

Mỗi năm cứ đến ngày 29/3 chúng ta lại nhớ đạo diễn Phạm Quang Kháng, anh vĩnh biệt chúng ta đã hơn 20 năm. Trong quãng thời gian ấy trên sàn tập cũng như trên sân khấu Quảng Nam, chúng ta không còn thấy anh đổ mồ hôi, sôi nước mắt cùng với anh em diễn viên chuyên nghiệp, nghiệp dư. Không còn thấy anh ngày đêm trăn trở với vai diễn, với kịch bản. Thế nhưng trong tâm khảm của anh em, đồng nghiệp, đồng sự, anh chị diễn viên vẫn cứ mường tượng hình bóng của anh còn phảng phất trong mỗi thời khắc luyện tập, biểu diễn; vẫn như thấy anh còn ngồi với bạn bè bên chén rượu, ly trà...

Tìm lại hình ảnh đạo diễn Quang Kháng như một nén tâm nhang tưởng nhớ anh, tôi cố gắng liên hệ nhiều anh chị em cùng thời, đồng môn của anh ở Đà Nẵng, Quảng Nam như đạo diễn Trần Thanh Việt, nguyên Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam; anh Phạm Văn Quyên, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành; diễn viên Quốc Tín, Kim Anh, Lê Minh, ở Nhà Văn hóa huyện Núi Thành; anh Nguyễn Văn Chấn, nguyên Trưởng đoàn Kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng (1982-1986), diễn viên Hoàng Hải nay là Nghệ sĩ ưu tú, diễn viên Văn Phàn; diễn viên Tấn Vũ, đoàn Kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng. Thật quý hóa và cảm động khi anh Nguyễn Văn Chấn, vợ chồng cặp diễn viên Tấn Vũ - Võ Nga, diễn viên Văn Phàn, đã còn giữ nhiều khoảnh khắc về Quang Kháng. Quang Kháng có đôi lời chúc mừng đôi tân hôn Tấn Vũ - Võ Nga, diễn viên của đoàn, trong ngày hạnh phúc năm 1983. Quang Kháng với anh chị em nghệ sĩ đoàn kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng đoạt Huy chương Vàng, Hội diễn nghệ thuật sân khấu kịch nói toàn quốc tại Hải Phòng, (vở Đường bay của tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Lê Hùng, họa sĩ Quang Phiến, nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang). Quang Kháng với diễn viên Trường Văn hóa - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng trong vở diễn tốt nghiệp Đứa con tôi của Sĩ Hanh, (Quang Kháng làm đạo diễn, họa sĩ Lê Huy Quang, nhạc sĩ Phó Đức Phương), đây là vở diễn lớn và cũng là vở diễn đầu tiên của đoàn, vở diễn tốt nghiệp của học sinh - diễn viên Trường Văn học Nghệ thuật Quảng Nam -  Đà Nẵng; Quang Kháng với diễn viên Lớp kịch khóa I năm 1978; ...là những khoảnh khắc khó quên.

Tôi và anh Nguyễn Văn Chấn ngồi với nhau trong đêm Thanh Thủy - Thuận Phước, Đà Nẵng, để nhớ về đạo diễn Quang Kháng. Trong ký ức của mình, anh Nguyễn Văn Chấn vẫn còn đó một Quang Kháng đồng nghiệp, người con của Hoài Nhơn, Bình Định, rất đỗi thân thương. Đó là một Quang Kháng tài năng ngay khi còn học ở Trường Đại học sân khấu quốc gia. Quang Kháng là học trò cưng của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Việt Nam. Tốt nghiệp, Quang Kháng về với anh chị em văn nghệ miền Trung, làm diễn viên Đoàn Ca múa nhạc kịch Quân khu V và sau đó trở thành đạo diễn số 1 của ngành sân khấu kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng. Biết Quang Kháng là một đạo diễn tài năng, anh Nguyễn Văn Chấn mời Quang Kháng về dựng một số vở cho đoàn như vở kịch ngắn Cho tôi nhìn rõ được tôi, Nỗi đau hạnh phúc của Hồ Hải Học. Nỗi đau hạnh phúc là một vở diễn để đời của tác giả Hồ Hải Học và đạo diễn Quang Kháng, khi chạm đến được trái tim của công chúng về sự hy sinh của người dân Tư Yên, Chóp Chài thượng nguồn Tam Kỳ để có được Hồ chứa nước Phú Ninh, đem lại những mùa vàng vùng hạ lưu.

Quang Kháng của một thời cơ cực, gian truân. Anh Nguyễn Văn Chấn đã nhắc đi nhắc lại nỗi niềm này như là một bước ngoặt trong cuộc đời Quang Kháng. Cuộc đời của một nghệ sĩ tài năng bạc mệnh. Thời bao cấp chuyện đói no là một ám ảnh trong tất cả những ai từng sống chung với nó. Trong đó có Quang Kháng. Anh làm việc trong cơn đói. Anh làm việc trong bệnh hoạn. Ngón chân hoại tử. Anh chị em nghệ sĩ trong đoàn thương quý Quang Kháng bởi Quang Kháng đã sống hết mình với anh chị em nghệ sĩ, hết đời với nghệ thuật sân khấu kịch nói. Ăn cái gì, uống cái gì, một chén cơm, một tô canh, một gói mì tôm, một ly nước giải khát, anh chị em nghệ sĩ đều nhớ anh, để dành cho anh. Ai biết được ở đâu có lá thuốc nam chữa bệnh hoại tử, chủ yếu là rễ cau, cũng đi tìm về cho anh. Gian phòng nhỏ anh ở tạm tại Nhà Chứng tích Đế quốc Mỹ, góc đường Bạch Đằng - Phan Đình Phùng, thành phố Đà Nẵng, luôn đầy chật tình người, tình nghệ sĩ, nơi từng đêm, từng ngày Quang Kháng vắt óc để sáng tạo nghệ thuật trong đói khổ, phục vụ công chúng. Hôm nay, cho dù cái Nhà Chứng tích ấy người ta đã đập phá hết rồi. Nhưng hình ảnh Quang Kháng vẫn còn đó đi về, nương náu mỗi ngày mỗi đêm.  

Ban Liên lạc Đoàn kịch nói Quảng Nam - Đà Nẵng được hình thành. Trưởng ban là nguyên Trưởng đoàn Nguyễn Văn Chấn, Phó ban là diễn viên Văn Phàn. Anh Nguyễn Văn Chấn cho biết hiện tại Ban Liên lạc đã về với nhau sáu, bảy chục người. Có được nơi trở về, anh chị em nghệ sĩ rất vui. Đây là mái nhà hạnh phúc cho những người nghệ sĩ kịch nói Quảng Nam, Đà Nẵng đã từng và đang yêu nghề như máu thịt của mình. Mỗi lần gặp lại nhau là mỗi lần đong đầy nụ cười và nước mắt. Và không thể nào quên được hình ảnh người nghệ sĩ tài năng, đồng nghiệp một thời cơ cực, gian khó – đạo diễn Quang Kháng. Nhìn lại sự nghiệp văn nghệ của anh, chúng ta càng thấy tiếc: Quang Kháng là một trong ba đạo diễn duy nhất của QN-ĐN (cũ) là đạo diễn Vĩnh Huế và đạo diễn Trần Thanh Việt - nguyên trưởng đoàn ca kịch Quảng Nam. Phạm Quang Kháng là một đạo diễn trẻ, có kinh nghiệm. Năm 14 tuổi tài năng của anh đã thể hiện xuất sắc ở năng khiếu diễn kịch, được tuyển vào làm diễn viên kịch Đoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ, rồi biên chế vào đoàn Văn công quân khu 5. Phục vụ khắp chiến trường khu 5 trong những năm đánh Mỹ và sau ngày giải phóng miền Nam.

Đối với anh chị em diễn viên đội thông tin văn nghệ các huyện trong tỉnh cũng mãi mãi mang theo mình một nỗi nhớ khôn nguôi về đạo diễn Quang Kháng. Anh đã về với họ, về với những mùa hội diễn. Giọt mồ hôi của Quang Kháng đã từng thấm đẫm trên sàn tập, sàn diễn, là những giọt ký ức lăn hoài trong nỗi nhớ.

Anh chị em diễn viên huyện Núi Thành, yêu thương Quang Kháng như là người anh Cả, mỗi mùa liên hoan đưa thông tin về cơ sở là họ lại gặp nhau trên sàn tập, sàn diễn để chuẩn bị chương trình dự thi ở tỉnh, ở trung ương, ở khu vực cũng là lúc họ nhớ nhiều về anh. Nhà sáng tác, dàn dựng Ngọc Kỳ thương tiếc bảo: “Hồi còn Quang Kháng tôi đỡ lắm. Anh em hỗ trợ nhau để hoàn thiện nội dung kịch bản, hoàn thành vỡ diễn... Giờ đây Kháng không còn trên cõi đời, tôi cảm thấy lẻ loi mỗi khi sáng tác - dàn dựng. Mới đó mà đã hai năm, Kháng bỏ chúng tôi ra đi. Giá mà hôm nay còn Kháng thì anh em đội thông tin văn nghệ Núi Thành và cả tôi nữa, yên tâm biết chừng nào. Với Kháng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Không chỉ sau ngày đất nước thống nhất mà hồi còn ở chiến khu, cùng sáng tác, cùng diễn với nhau. Về cuộc sống riêng thì mỗi người đều có những cái khác, nhưng trên lĩnh vực nghệ thuật thì luôn luôn đồng cảm về ý tưởng và sự quyết tâm ...” Anh Quốc Tín - diễn viên đội thông tin văn nghệ Núi Thành nhớ lại: Lần đầu tiên tôi gặp anh Quang Kháng là khi anh vào Núi Thành dựng vở “Bì thư chu du ký” của tác giả Hồ Hải Học, để tham gia liên hoan kịch ngắn, kịch vui, tấu nói toàn tỉnh (QNĐN cũ). Hồi đó là năm 1992 anh tập cho diễn viên Công Tráng từ bước đi cho đến cách thoại lời. Với tôi, tôi rất quý trọng và thương anh khi anh không nghĩ mình là một đạo diễn cấp này, cấp nọ để đầu tư công sức dựng một vở kịch nhỏ của một người sáng tác nghiệp dư như chúng tôi, dàn dựng có nội dung nghệ thuật cho lễ phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đợt 1; hội thi thanh niên thanh lịch. Riêng với Núi Thành, anh luôn mong sao phong trào thông tin văn nghệ phát triển mạnh. Anh đã dàn dựng và góp phần đem về cho Núi Thành nhiều huy chương với các vở như “Giao chia”, “Hoa Núi Thành”, “Trước tượng đài dũng sĩ Núi Thành”... Thật đau lòng cái ngày anh vĩnh biệt chúng tôi là ngày anh đang dở dang công việc dàn dựng lại vỡ diễn Báo động xanh cho đội chúng tôi. Vở này đã từng được chọn tham gia liên hoan toàn quốc ở Nghệ An (1993), ở Đồng Nai (1994) và Ninh Thuận (1997). Lần đi liên hoan ở Ninh Thuận là lần không có anh”. Nhớ về đạo diễn Quang Kháng, Kim Anh một trong nhiều diễn viên trưởng thành từ phong trào thông tin văn nghệ Núi Thành thương tiếc: “Anh Kháng chết tụi em như mất đi một cái gì đó lớn lao khó mà tìm lại được. Tụi em trưởng thành như hôm nay cũng nhờ anh Kháng. Anh Kháng rất vui nhưng cũng rất nghiêm khắc khi làm việc”.

Nhận được tin Quang Kháng qua đời, bạn bè đồng nghiệp của anh đang tham dự lễ hội văn hóa - thể thao miền biển ở Cù Lao Chàm (Hội An) bàng hoàng, xót xa, không tin đó là sự thật. Nhìn tấm ảnh chụp chung với Quang Kháng trong lần tổng kết công tác năm 1996 của phân hội sân khấu tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và tách phân hội ra làm hai theo hai đơn vị hành chính Quảng Nam và Đà Nẵng, nhạc sĩ Trần Hồng nói: “Tôi không ngờ đây là hình ảnh cuối cùng của anh em văn nghệ chúng tôi với Quang Kháng. Chúng tôi vô cùng thương tiếc anh và mãi mãi không còn gặp được người con trai xứ dừa Bình Định, người đạo diễn trẻ có tài năng và đầy triển vọng... Vĩnh biệt anh!”.

H.T.P

Bài viết khác cùng số

Một chuyện tình - Khin Hnin Yu Làm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích NhànTháng ngày lặng lẽ - Thu LoanThành phố tháng Ba - Nguyễn Thị Ngọc LanCâu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn VĩnhChúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh QuếHậu chiến tranh - Thu HiềnChuyện nhặt trên phây - Dân HùngMẹ tôi - Vũ Ngọc GiaoNhớ mẹ - Võ Duy DươngKham nhẫn Võ Nguyên Giáp(*) - Thái Bá LợiBạch Hạc - Trần Như LuậnThơ Thụy SơnBản hợp đồng tình yêu quá hạn - Nguyễn Nho Thùy DươngÁnh sáng tình yêu - Lê Thị ĐiểmSự rời bỏ dịu dàng đến thế này ư - Bạch DiệpMẹ - Thiều HạnhCó khi thấm mệt - Phan Hoàng PhươngNgồi khâu nỗi nhớ - Võ Kim NgânSắc trời giêng mơ - Huệ ThiThơ Phùng HiếuHội An gió - Trần Trúc TâmTình yêu thời chinh chiến - Xuân CừMùa xuân tìm tháng ngày rơi - Trương Công MùiMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtTràn hương nắng mới -Tần Hoài Dạ VũNhững đóng góp của các soạn giả, nghệ sỹ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đối với sân khấu tuồng cách mạng - Thúy HườngMãi đừng xa tôi - Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm TrâmThơ của Thúy: nồng nàn, thấu tận - Nguyễn Thị PhúAnh là Quang Kháng - Huỳnh Trương PhátThương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu Phước