Mẹ tôi - Vũ Ngọc Giao

08.03.2019

Mẹ tôi - Vũ Ngọc Giao

Năm tôi học lớp Sáu, một lần cô giáo ra đề tập làm văn tả người mẹ và nêu những cảm nghĩ về mẹ.

Đã hơn 10 phút trôi qua, ai cũng cắm cúi làm bài, tôi vẫn loay hoay chưa biết phải làm sao. Tiếng ngòi bút của các bạn cào rột rột vào giấy làm tôi phát hoảng. Cô bạn Hoàng Dung ngồi kế bên thì thầm “Hay là Giao lên nói thiệt với cô, xin cô cho làm đề khác, chứ Giao không có mẹ làm sao mà tả”. Tôi nghe nỗi buồn ứ lên mắt nhưng im lặng không nói gì. Lẳng lặng lấy giấy ra, tôi bắt đầu viết...

Tôi tả người mẹ đã qua đời của tôi trong tưởng tượng, qua hình ảnh mẹ tôi để lại. Tôi kể rằng, mẹ em đẹp lắm, mẹ có gương mặt trái xoan, đôi mắt hiền lành và buồn buồn, cái miệng chúm chím xinh xinh. Tả đến đó tôi tắc tị. Ký ức của đứa trẻ hơn một tuổi chẳng giữ nổi được gì. Tôi bần thần nhìn các bạn xung quanh và thầm ghen tị. Lúc đó, tôi chợt nhớ đến người mẹ kế của tôi. Tôi tự hỏi, tại sao không? Người phụ nữ đã bước vào cuộc đời bố con tôi và dừng lại... Nghĩ vậy, tôi viết...

Mẹ của em qua đời đã lâu, nhưng có một người phụ nữ đã bước vào cuộc đời em và yêu thương bố em vô bờ bến. Người phụ nữ đó đã hy sinh rất nhiều chỉ là để được sống cùng bố em, nên em gọi người đó là Mẹ. Mẹ của em có gương mặt chữ điền với cái miệng rộng, mỗi khi cười như mùa thu tỏa nắng. Tóc mẹ em không dài thướt tha mà uốn loăn xoăn thả xuống vai, mắt mẹ cận nên phải đeo kính... Vừa viết tôi vừa ngọ nguậy liên tục, vì bài văn sao nghe nó “khô khô” thế nào. Suy nghĩ hồi lâu, tôi viết tiếp...

Tôi kể rằng, mẹ tôi là một phóng viên. Ngày đầu tiên bước chân về nhà, nhìn thấy tôi, mẹ đã ôm tôi vào lòng, nâng gương mặt tôi lên ngắm nghía và hôn, rồi quay sang bố tôi thầm thì “Con bé có đôi mắt của anh”. Ngày đó mẹ chưa biết nấu cơm, khi nấu thì chỗ sống chỗ chín, nhưng giờ thì mẹ nấu ngon rồi. Tôi kể, vào cái thời mà đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cho cuộc sống, gia đình tôi luôn túng bấn, nên ngoài giờ làm việc, bố mẹ tôi thường cuốc đất trồng rau. Một lần, mẹ tôi gánh rau ra chợ bán, tôi lon ton chạy theo. Gần trưa, gánh rau vẫn còn nguyên, chẳng ai mua. Ai đi qua cũng tò mò dừng lại “xem” mẹ tôi, tóc uốn xõa xuống vai, bộ đồ mặc trên người thật thời thượng với đôi giày cao gót. Mọi người chỉ “xem” thôi, chẳng thèm mua. Đến trưa mẹ phải gánh rau về dưới cái nắng chang chang. Kín đáo liếc nhìn gương mặt mẹ, tôi thấy nước mắt mẹ chảy ra. Mẹ khóc. Lúc sáng, mẹ bảo tôi rằng, bán rau xong, trưa về mẹ sẽ mua cho tôi một que kem. Nhưng giờ rau chẳng bán được nên trên tay tôi cũng chẳng có que kem nào. Vốn là một đứa bé ngoan nên tôi vẫn vui vẻ nhảy chân sáo bên cạnh, vì được ra ngoài là tôi thích rồi.

Kỷ niệm ngày giải phóng thành phố, bố đưa tôi đi xem diễu hành. Giữa một biển người, nhìn lên tôi thấy mẹ đứng trên nóc chiếc xe ô tô đang chạy chầm chậm và cầm máy quay phim. Thấy bố con tôi, mẹ đưa tay vẫy vẫy. Chiều về, vào bếp nấu cơm, hết củi, mẹ mang những khúc củi to ra ngồi chẻ say sưa.

Vào những năm tháng trên đất nước Campuchia, đi đâu cũng có thể gặp súng đạn, mẹ của các bạn có lẽ chẳng mấy ai quan tâm đến điều này, vì ai cũng loay hoay việc gia đình. Còn mẹ tôi thì đến nơi ấy, ghi lại những thước phim hay để làm tài liệu. Mẹ bảo rằng, nơi mẹ đi qua đạn bay “chéo chéo” nhưng mẹ vẫn trở về bình an.

Đôi khi bố tôi cần sự yên tĩnh để viết lách nên đêm đêm tôi đưa mẹ vào núi chơi trên con đường mòn tràn ngập ánh trăng. Trên con đường đó, tôi và mẹ gần nhau hơn, tôi kể cho mẹ đủ thứ chuyện trên đời.Và tôi không quên chuyện tôi đến trường, được ngồi bàn đầu (vì thuộc loại suy dinh dưỡng), chuyện tôi rất sợ đoạn đường đến trường và về nhà, vì tụi trẻ con thường xuyên chặn đường trêu chọc. Mẹ bảo tôi rằng “Từ nay có mẹ rồi, đừng sợ nữa”. Cũng trên con đường mòn ngập ánh trăng đó, mẹ kể cho tôi nghe chuyện “Cô bé bán diêm”, chuyện “Chú lính chì dũng cảm”, chuyện bạn Rêmi trong “Không gia đình”... Càng viết tôi càng “say”. Đến khi cô giáo đến bên nhẹ nhàng nhắc tôi nộp bài, thì các bạn cũng đã rời khỏi chỗ cả rồi.

Ngày trả bài, cô khen lớp làm bài tốt, đặc biệt có một bài cô cho điểm tối đa, vì bài viết có cảm xúc, chân thành. Cô nhìn tôi, còn tôi thì nhìn ra cửa sổ, miên man...

Bài văn đầu tiên trong đời tôi đạt điểm tối đa. Sau này lên cấp III tôi cũng có nhiều bài văn đạt điểm tối đa, nhưng tôi nhớ mãi lần đó, năm tôi học lớp Sáu, tôi nghĩ về mẹ tôi bằng tất cả tình cảm của một đứa con riêng đối với một người mẹ kế. Và tôi hiểu rằng: Mọi thứ tình trên đời này, nếu thiếu sự chân thành cũng trở nên vô nghĩa. Tôi đã đi hơn nửa cuộc đời, tôi thấy sự chân thành cần thiết biết bao. Và tôi đã sống cho mình, bằng sự yêu thương cho mọi người, vì chỉ có sự yêu thương mới làm mềm được trái tim, để từ đó lòng nhẹ nhàng hơn và tất nhiên, tôi luôn là người Hạnh Phúc...

V.N.G

Bài viết khác cùng số

Chuyện nhặt trên phây - Dân HùngMẹ tôi - Vũ Ngọc GiaoNhớ mẹ - Võ Duy DươngCâu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn VĩnhThành phố tháng Ba - Nguyễn Thị Ngọc LanChúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh QuếMột chuyện tình - Khin Hnin Yu Làm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích NhànTháng ngày lặng lẽ - Thu LoanBạch Hạc - Trần Như LuậnHậu chiến tranh - Thu HiềnKham nhẫn Võ Nguyên Giáp(*) - Thái Bá LợiTình yêu thời chinh chiến - Xuân CừMùa xuân tìm tháng ngày rơi - Trương Công MùiMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtTràn hương nắng mới -Tần Hoài Dạ VũSự rời bỏ dịu dàng đến thế này ư - Bạch DiệpBản hợp đồng tình yêu quá hạn - Nguyễn Nho Thùy DươngÁnh sáng tình yêu - Lê Thị ĐiểmMẹ - Thiều HạnhCó khi thấm mệt - Phan Hoàng PhươngNgồi khâu nỗi nhớ - Võ Kim NgânSắc trời giêng mơ - Huệ ThiThơ Phùng HiếuHội An gió - Trần Trúc TâmThơ Thụy SơnThương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu PhướcNhững đóng góp của các soạn giả, nghệ sỹ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đối với sân khấu tuồng cách mạng - Thúy HườngMãi đừng xa tôi - Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm TrâmThơ của Thúy: nồng nàn, thấu tận - Nguyễn Thị PhúAnh là Quang Kháng - Huỳnh Trương Phát