Hậu chiến tranh - Thu Hiền

08.03.2019

Hậu chiến tranh - Thu Hiền

Bà Tư là một đứa bé tội nghiệp, bi kịch được bắt đầu từ những năm tháng đất nước còn chiến tranh, vì bị bom nên có nhiều vết sẹo nằm ngay ở gương mặt. Cuộc đời bà biến động từ đó, trút hết mọi giận hờn vào nước mắt, bao nhiêu tủi nhục đắng cay bà gánh chịu một mình. Bà Tư là trung tâm cho bọn bạn trong làng trêu chọc, lấy bà ra làm trò đùa. Khi bà ngày càng lớn mới phát hiện ra, bà không hề có một mối tình vắt vai như những bạn cùng lứa. Khi bà Tư đến tuổi lỡ thì thì khát khao được làm mẹ trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Bà Tư nhận lời cầu hôn với một anh thương binh nặng. Khi con trai bà còn nhỏ xíu, chồng bà qua đời do vết thương chiến tranh tái phát.

Tú con trai bà Tư tốt nghiệp đại học, làm việc cho công ty liên doanh với nước ngoài. Ở đó Tú quen và yêu một cô gái người Mỹ tên Marry.  Khi biết được thắc mắc của người yêu về gương mặt tàn tật của mẹ, Tú đã giúp nàng hiểu được sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh khi hướng dẫn cô vào trang wed về tội ác của đế quốc Mỹ, về chất độc màu da cam, về các trại thương binh nặng. Marry hiểu được sự hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam trong đó có bố mẹ Tú, nàng khóc thành tiếng với lời xin lỗi. Marry bàn với Tú đưa mẹ đi thẩm mỹ lại gương mặt...

Trở ngại cho cuộc hôn nhân của Tú là sự phản đối quyết liệt của bà Tư, với lý do vợ sắp cưới của con trai là người Mỹ. Bà Tư bảo rằng chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng vết thương vẫn âm ỉ trong lòng. Bằng chứng là mấy chục năm qua bà không dám soi gương, cho dù bây giờ khuôn mặt bà đã hết đáng sợ do thẩm mỹ. Là cuộc đời ngắn ngủi và cái chết đau đớn của ông Tư. Bà Tư bảo rằng Tú là kẻ có tội khi kết hôn với kẻ thù, bố ở suối vàng sẽ không chấp nhận con dâu Mỹ, cháu nội lai Mỹ thờ cúng, thắp hương cho mình...

Đùng một cái, Tú được công ty mẹ ở Mỹ điều động về trụ sở làm việc. Marry khăn gói về Mỹ theo Tú, bắt đầu một tình yêu không biên giới, hạnh phúc đích thực như lời Tú tuyên bố với nét mặt đầy mãn nguyện. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, bà Tư gọi Tú đưa Marry về Việt Nam làm đám cưới. Khi biết Tú chuẩn bị lấy vợ là dân tây, họ hàng mừng lắm, nghĩ Tú vớ được quả bẫm. Hôm chuẩn bị đám cưới họ hàng nhà trai đòi đón dâu bằng xe xịn, đãi khách ở khách sạn xịn nhất vì cưới tây cơ mà phải hoàng tráng chứ nhưng bà Tư nhất quyết không chịu, chỉ làm gọn nhẹ ấm cúng chủ yếu theo lễ cưới truyền thống Việt Nam mà thôi. Còn Tú thì yêu cầu không rườm rà, không mời nhiều khách vì nhà gái sẽ rất ngạc nhiên nếu đám cưới là một bữa tiệc ngàn ngạt người ăn ăn, uống uống, rồi còn dô dô 100%... Bà Tư ức lắm, lần đầu tiên được đứng ở cương vị mẹ chồng vậy mà khách mời phải hết sức hạn chế. Ngày đầu tiên nhìn thấy cô dâu ngoại, họ hàng ai cũng trố mắt nhìn và bật cười khi nghe giọng lớ lớ, bập bẹ của cô. Nhìn con dâu ngoại luống cuống thắp hương vái lạy trên bàn thờ, nét mặt căng thẳng đến tội nghiệp, bà Tư cứ thấy chạnh lòng. Nhưng mọi việc diễn ra khá ổn và mọi thứ thật giản đơn vì quan điểm của bà Tư luôn là nhất trời nhì con. Bà Tư cố làm ra vẻ hạnh phúc, vui vẻ về cuộc hôn nhân của con trai mình.

Tú đăng ký visa thăm người thân cho mẹ, thời gian là 6 tháng lưu lại Mỹ. Sáng hôm đầu tiên sau khi thức dậy tại nhà con trai trên nước Mỹ đúng ngày cuối tuần,  khi con dâu ngoại đang ngồi xem ti vi còn Tú thì đang nấu ăn ở trong bếp. Xót con trai nên bà Tư có nhắc nhở Marry vào phụ bếp nhưng dâu ngoại lại để ngoài tai. Đến một lát sau, thấy dâu ngoại cứ ngồi ỳ ra đấy xem phim truyền hình, tim bà Tư đau thắt lại, chạy ngay vào bếp phụ con trai một tay. Bà Tư là một người phụ nữ Việt Nam truyền thống, hồi con trai còn sống với mẹ tại Việt Nam đến cái nồi cơm điện nó cũng không biết nấu. Vậy mà hôm đó, bà Tư tròn xoe cả mắt khi nhìn thấy con trai giản dị thoải mái trong quần shorts áo phông loay hoay ở bếp. Con trai tất bật trong bếp trông mới đáng thương làm sao. Thử hỏi tất cả các bà mẹ Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào khi nhìn thấy thằng con trai của mình đang hì hục nấu ăn cho vợ, mà con vợ nó thì cứ nằm chình ình ra đó xem ti vi không chịu làm gì cả thì sao nhỉ? Trời ơi, chắc là mẹ chồng nổi cơn tam bành tống con dâu ra khỏi cửa... Nhưng khổ nổi đây là dâu ngoại trên đất nước Mỹ nên bà Tư đã nuốt cục tức vào trong, có mặt mẹ chồng ở đây mà dâu ngoại còn lấn lướt chồng như vậy, thì hàng ngày chắc con trai mình làm ôsin cho vợ cũng nên. Vậy rồi chỉ sau đó ít phút bữa ăn đã hoàn thành, con dâu ngoại chỉ có mỗi một việc dọn bàn ăn trong khi con trai thì chuẩn bị nước uống. Bà Tư vừa ăn vừa xuýt xoa ngon quá, mắt thì rơm rớm nước... Sáng cuối tuần kế tiếp,  khi dâu ngoại còn đang say giấc nồng, con trai đã dậy sớm lăn ra lau dọn cả ngôi nhà, rồi còn chuẩn bị bữa ăn sáng cho ba người nữa. Bà Tư phán ngay:

- Thằng này để cho vợ trèo lên đầu lên cổ ngồi mất rồi, đúng là cái đồ sợ vợ...

Mỗi buổi sáng trong tuần, sau khi bà Tư thức dậy, vợ chồng con trai để phần ăn sáng lên bàn và bận rộn  đến công sở. Bà Tư một mình ngồi lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, sau khi ăn no, sẽ tự về phòng của mình không khác gì bị giam lỏng, vậy mà vợ chồng con trai làm như không thấy không biết gì hết. Bà ngắm tuyết rơi ngày này qua ngày khác, nỗi nhớ nhà cồn cào trong tim. Có một lần, bà Tư thấy thằng bé hàng xóm còn nhỏ xíu  mặc ngược chiếc quần, bà vội vàng chạy đến muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Tú cản lại:

- Không phải việc của mẹ, ở nước Mỹ, quản giáo chăm sóc con cái là việc của cha mẹ chúng, người ngoài không nên nhúng tay vào, bất kể là trường hợp nào cũng không ngoại lệ, coi chừng lại phạm tội quấy rối trẻ vị thành niên...

Không còn cách nào, bà Tư chỉ còn giữ im lặng mà thôi, nghe nói đến phạm tội trên đất Mỹ thì bà sợ lắm lắm, coi chừng lại bị tù như diễn viên Minh béo thì gay to... Nhưng thật ra, bà Tư đã không kiềm được nỗi nhớ nhà khi nhìn thấy thằng bé hàng xóm lai Châu Á.

Cuối tuần kế tiếp, con trai bàn bạc với bà Tư, buổi tối cùng nhau nấu món ăn Việt Nam. Trong lòng bà Tư sung sướng vô cùng, con trai đặc biệt thích món ăn nào của Việt Nam, nhất định buổi tối con trai phải ăn thật ngon, thật nhiều. Buổi tối hôm đó, bà Tư trổ tài nấu ăn, làm nhiều món mà con trai thích ăn nhất, và còn sử dụng nhiều loại gia vị, nhiều loại mắm mà bà đã mang từ Việt Nam sang cho phong phú món ăn. Bà Tư rất hào hứng, chạy xuôi chạy ngược tất bật ở trong bếp.

Bắt đầu bữa cơm tối, cả nhà vui mừng  ngồi vào bàn. Marry  đến  lấy  dĩa và nĩa của nó:

- Mùi gì mà ghê quá, hôm trước con đã vứt mấy cái lọ mắm vào sọt rác rồi mà.

Bà Tư nghe thế thì giận lắm, vì chính bà là người đã lượm mấy lọ mắm từ sọt rác giấu đi. Con trai nhìn khuôn mặt nghiêm túc của vợ, “à” lên một tiếng rồi tất bật chạy vào bếp chuẩn bị món ăn khác cho Marry mà chưa được nếm một miếng thức ăn mình thích nào của mẹ nấu, vậy mà vợ nó không một chút động lòng. Bà Tư thấy đau lòng quá muốn nói một điều gì đó, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai, lại thôi. Nhớ lại lúc chuẩn bị đi Mỹ, bà Tư không bao giờ tưởng tượng được ra những viễn cảnh như thế này...

Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, bà Tư nhìn con trai trông thật tội nghiệp, còn con dâu thì mắt trừng trừng nhìn vào mấy cái chén mắm, vừa ăn vừa bịt mũi. Bà Tư tin rằng, nhìn con trai ăn món ăn Việt Nam  ngon hơn  ăn cao lương mỹ vị của vua chúa. Bà Tư cố nuốt nước mắt vào trong khi nói nhỏ vào tai con:

- Con thích ăn món ăn Việt Nam, tết năm nay, mẹ chuẩn bị nguyên liệu chúng ta cùng ăn một cái tết Việt trên đất Mỹ con  nhé!.

Con trai  dịu dàng lắc đầu khẽ đáp:

- Không được đâu mẹ, còn vợ con nữa chứ...

Tú nhìn vào thái độ kinh ngạc của bà Tư, bất giác mỉm cười. Sự việc này làm bà Tư đau đớn vô cùng. Ở rất nhiều gia đình Việt Nam chưa bao giờ xảy ra hoàn cảnh ngược đời như thế này. Vì không muốn xảy ra xung đột, gia đình có không khí mâu thuẫn không hòa thuận, ảnh hưởng bất lợi cho con trai mình khi ở xứ người nên bà Tư đành ngồi yên nhưng trong lòng như có lửa.

T.H

Bài viết khác cùng số

Một chuyện tình - Khin Hnin Yu Làm mẹ đơn thân - Nguyễn Thị Bích NhànTháng ngày lặng lẽ - Thu LoanThành phố tháng Ba - Nguyễn Thị Ngọc LanCâu chuyện tình cờ và người lính không có võng - Nguyễn VĩnhChúng tôi giữ gìn nhật ký của nhà văn Chu Cẩm Phong - Thanh QuếHậu chiến tranh - Thu HiềnChuyện nhặt trên phây - Dân HùngMẹ tôi - Vũ Ngọc GiaoNhớ mẹ - Võ Duy DươngKham nhẫn Võ Nguyên Giáp(*) - Thái Bá LợiBạch Hạc - Trần Như LuậnThơ Thụy SơnBản hợp đồng tình yêu quá hạn - Nguyễn Nho Thùy DươngÁnh sáng tình yêu - Lê Thị ĐiểmSự rời bỏ dịu dàng đến thế này ư - Bạch DiệpMẹ - Thiều HạnhCó khi thấm mệt - Phan Hoàng PhươngNgồi khâu nỗi nhớ - Võ Kim NgânSắc trời giêng mơ - Huệ ThiThơ Phùng HiếuHội An gió - Trần Trúc TâmTình yêu thời chinh chiến - Xuân CừMùa xuân tìm tháng ngày rơi - Trương Công MùiMùa xuân - Nguyễn Đông NhậtTràn hương nắng mới -Tần Hoài Dạ VũNhững đóng góp của các soạn giả, nghệ sỹ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng đối với sân khấu tuồng cách mạng - Thúy HườngMãi đừng xa tôi - Lời cảnh báo khẩn thiết về giá trị người - Chế Diễm TrâmThơ của Thúy: nồng nàn, thấu tận - Nguyễn Thị PhúAnh là Quang Kháng - Huỳnh Trương PhátThương tiếc nhà thơ Trương Đình Đăng (1933 - 2019) - Mai Hữu Phước