Nhớ hội đua ghe trên sông Thu Bồn - Huỳnh Viết Tư

04.11.2016

Làng tôi ở ven sông Thu Bồn. Từ xa xưa, thờ nhiều thần linh như miễu Âm hồn, lăng Ông để thờ cá ông, miễu ông Bùa, miễu thờ Thành hoàng, đình làng thờ các vị Tiền hiền…. Gắn liền với những di tích ấy là các lễ hội hằng năm thường tổ chức vào dịp xuân hay thu tùy theo lệ làng. Các lễ hội đều có cúng bái để cầu cho không có lụt to và người chết đuối khi làm ăn, bơi lội trên sông, cầu mưa thuận gió hòa, dân làng mạnh khỏe, làm ăn tấn tới…

Nhớ hội đua ghe trên sông Thu Bồn - Huỳnh Viết Tư

Họ cúng những người chết bất đắc kỳ tử, các oan hồn vô danh không nơi nương tựa, không người cúng giỗ, chết vì nhiều lý do như thiên tai thuỷ ách, tai nạn, rủi ro dọc đường, vì chiến tranh hoặc lỡ bước trên đường tha hương cầu thực, để những linh hồn đó siêu thoát. Thường mỗi lễ hội diễn ra hai phần, phần lễ xong là tới phần hội. Người lớn lo tất bật mọi thứ, còn đối với bọn trẻ con chúng tôi là dịp tụ tập xem phần lễ bái và chầu văn.

 

Cứ như là diễn kịch. Người ta tái hiện cảnh sông nước trên cạn, cũng ghe cũng chèo và những ngư dân bình thường hàng ngày trở thành diễn viên phường múa, hát theo bài văn cúng. Phần hội cũng rất vui, chúng tôi kéo nhau đến không thiếu một đứa nào, đứng dọc hai bên bờ sông Thu Bồn để cổ vũ cho đội ghe đua thôn mình. Trong làng chia làm bốn thôn, mỗi thôn một đội. Giải đua ghe hằng năm tại làng nhân ngày lễ hội cầu Ngư, nghinh Ông là một nét văn hóa đặc sắc, thu hút phần đông người trong làng tham dự, nhất là đám trẻ con chúng tôi.

 

Trong hội đua ghe, ban đầu người ta dùng loại ghe đánh cá, ghe chở hàng lên nguồn xuống biển để đua. Qua một thời gian thi thố trên sông, muốn chiến thắng đối thủ, họ phải cải tiến dần chiếc ghe của mình.  Khi đua ghe đã trở thành lệ hàng năm, việc làm một chiếc ghe đua đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật cao hơn như nhẹ, chắc để có thể lướt nhanh hơn, rẽ nước tốt hơn, ngay cả cây dầm để bơi cũng được cải tiến. Trước khi đóng ghe hay lúc hạ thủy cũng phải cúng bái thần sông, lúc thi đấu xong mang về cất ở trong đình, trong chùa như một linh vật. Ghe đua được chia làm 3 loại: ghe ngang, ghe lỡ và ghe tiến. Ghe ngang dài khoảng 27 đến 28 thước mộc, số lượng người ngồi trên ghe từ 12 người đến 15 người. Ghe lỡ dài khoảng 28 đến 35 thước mộc, số lượng người ngồi trên ghe từ 20 người đến 23 người. Ghe tiến dài khoảng 40 đến 45 thước mộc, số lượng người ngồi trên ghe chừng 40 người.

 

Trên ghe đua, ngoài những con bơi còn có người chèo đốc, chèo xeo, sau cùng có người lái sọt chèo cạy phụ với chèo xeo. Mỗi đà ngang trên ghe có hai người. Người bơi dầm phách, phía trước mũi là phách nhứt, phách nhì, nếu phách nhứt rớt thì phách nhì lên thay. Thông thường, ban tổ chức chọn hành trình đua từ đầu làng đến cuối làng, có lúc mời thêm các đội ở các xã lân cận như Xuyên Long, Xuyên Thọ (huyện Duy Xuyên), Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Châu…tham gia. Những lúc vặn tiêu có nhiều ghe bị lật nhào. Lúc ấy, các tay đua phải tự xử lý tình huống, nhanh chóng đưa ghe lên mặt nước để sớm trở lại đường đua. Ghe nào không còn sức bơi được thì bỏ cuộc. Người trên bờ cũng hòa theo tiếng xướng, tiếng xô rộn rã theo nhịp dầm:

 Ra đi vọng vái cầu bà,
- Hố khoan!
 Cho ăn giải nhứt,
- Hố khoan!
Về nhà làm heo,
- Hố khoan là hồ khoan!
...

Pháo ta nước chảy bao nài,
- Hố khoan!
Trống dồn, cờ  phất,
- Hố khoan!
Ngựa mình tranh tiên,
- Hố khoan là hồ khoan!


 Pháo ba, phách nhứt, phách nhì,
- Hố khoan!
Đứng lên quyết thắng,
- Hố khoan!
Phen ni đôi vòng,
- Hố khoan là hồ khoan!


Theo tiếng xướng, tiếng xô, các con bơi đẩy nhịp chèo rập ràng lúc xuất phát nhưng khi đã gần đến đích, nhịp chèo nhanh hơn, tiết tấu và giai điệu dồn dập hơn. Khi đuổi theo, cố gắng vượt ghe trước, giành chiến thắng thì người lái liền đổi ngay điệu hát, bắt điệu “xốc xạ” và con bơi cũng đổi lời hô “hố khoan” của điệu mái nhất thành lời xô “hố xạ”. Toàn bộ điệu “xốc xạ” có tốc độ nhanh, gấp, dồn dập, tiết tấu dứt khoát, tạo nên âm điệu khỏe khoắn, hứng khởi. Người xem đứng trên bờ cũng hồi hộp không kém. Đến lúc tiêu đích không còn xa mấy, hò đua ghe lại chuyển qua giai đoạn cuối: tay dầm bơi nước rút, nhịp chèo cuốc mạnh xuống mặt nước, nhanh, dứt khoát. Bấy giờ người xem trên bờ chỉ còn nghe “hố khoan!”, “hố xạ!” không còn lời xướng, lời ca như trước. Có lúc không kiềm giữ được cái thời khắc hấp dẫn nhất, hứng khởi nhất, họ cũng nhún nhảy. Đám thanh thiếu niên lấy mũ đang đội trên đầu tung lên trời, rồi hô theo “hố khoan!”, “hố xạ!” một cách hào hứng và vui vẻ.

 

              Người xướng:
- Khoan hồ khoan!

              Người xô:
- Hố khoan!

              Cứ thế mà xạ, mà khoan:
- Xạ hố xạ!
- Hố xạ!
Đúc bánh xạ!
- Hố xạ!
Xạ cho kêu!
- Hố xạ!
Xạ cho đều!
- Hố xạ!
- Khoan hố khoan!
- Hố khoan... Hê!
Quân tử đa đoan,
- A, hố khoan!
Vợ chồng là nghĩa,
- Í a... hố khoan!
Đá vàng trăm năm,
- Í a... hố khoan!
- Xạ hố xạ !
- Hố xạ!
- Phách nhứt xạ !

 

Đây là cơ hội để làng xóm quây quần sau một năm dài cặm cụi với mùa vụ và nghề nghiệp. Trong một không gian thân mật, phấn khích và vui vẻ, mọi người xích lại gần nhau hơn, bỏ qua mọi hiềm khích đời thường.

 

Tôi đã có những ngày làm kẻ xa quê, gởi lại những yêu thương đong đầy ký ức. Có lúc, chợt nghe từ trong sâu thẳm, ngày hội đua ghe trên sông nước Thu Bồn trở thành kỷ niệm khó quên trong lòng người xa xứ. Thương quá đi thôi! làng Cẩm Nam của tôi, hòn cù lao hai mùa mưa nắng, cứ âm thầm lắng đọng bùn non sau mỗi cơn lũ tràn về. Và khi ngọn gió xuân hây hẩy xôn xao gọi mời, bến sông quê vang lên nhịp chèo làm âm vang đâu đây tiếng xướng, tiếng xô, dạt dào sóng nước trong nổi nhớ quê da diết khôn cùng.

 

H.V.T