Người ăn phố - Phạm Thị Hải Dương

11.06.2019


Tan sở. Điện thoại báo tin nhắn Hoài, màn hình hiện địa chỉ lạ. Chị đang đợi tôi ở chỗ mới. Tòa nhà thênh thang chỗ chắc không còn ai ngoài con Phốc và chú Liêm bảo vệ. Lúc xe ra khỏi hầm, ngó trật thấy chú đang lặng lẽ mở cà mèn, mùi thịt kho quyện mùi cơm còn âm ấm xổ vào không khí. Tính nói, hay chú ngồi lên đây, con đèo đi ăn bữa chiều. Ngồi đây một mình quạnh quẽ. Suy nghĩ ấy, diễn ra thì nhiều chữ, nhưng đến và đi trong nháy mắt. Tôi khập khừng rồi lên ga đến chỗ hẹn.

Người ăn phố - Phạm Thị Hải Dương

Hoài đã đợi tôi tự bao giờ. Có khi là lúc tôi mải nghĩ đến việc đưa ông bảo vệ công ty đi ăn cùng. Hay là khi tôi đang len bánh trước vào khoảng trống giữa hai chiếc xe đang cùng đợi đèn xanh phía trước ở ngả tư cuối trước khi vào quán. Hoài ngồi, theo thói quen cũ, quay mặt ra đường. Hoài thích nhìn xe cộ lướt qua khi ăn. Theo lý của Hoài, khi con người duy trì sự sống thì cũng đồng thời phải thấy sự sống đang hiện diện trước mắt, thế thì công việc duy trì sự sống mới thấy...ngon. Nhưng bây giờ, chị không nhìn ra đường, Hoài đang nói gì đó với phục vụ. Thế nên Hoài không thấy tôi bước vào quán, chầm chậm tiến lại chỗ chị.

Tràn trề trên bàn là mực hấp sả, ốc hương xào me, nồi nước nghi ngút sôi tỏa ra vị chua đặc trưng của gói gia vị nấu lẩu. Tôi đồ rằng Hoài đọc được status thèm hải sản của tôi ban trưa trên facebook nên mới gọi tôi đến chốn này. Tôi nhẹ nhàng kéo ghế ngồi xuống, đối diện với Hoài, quay mắt vào mảng tường màu ti gôn. Chúng tôi vốn rất ít lời với nhau trong những lúc thế này. Hoài rà rà gì đó trên ipad chọn món của nhà hàng, trong lúc tôi nhìn bàn thức ăn, nhờn nhợn.

Trưa, mưa rả rích đủ nhòa ô cửa kính, làm tòa cao ốc đối diễn giãn ra, lòe nhòe. Hơi lạnh len lén tràn khiến tôi mơ màng nghĩ đến mấy món mà Hoài để sẵn trên bàn. Ăn trong mường tượng, ngon và đẹp như eo lưng cô gái Sầm Nưa của nhạc sỹ Trần Tiến từng thủ thỉ trong chương trình Giai điệu tự hào. Thế mà bây giờ khi sắp được thưởng thức thật, bằng giác quan đang hiện hữu, tôi thấy thức ăn cứ tênh hênh như mấy bà sồn sồn vụng về dặm phấn, phô bày hớ hên phần da thịt đã chảy xệ, đã giấu rồi dưới lớp kem trộn. Cảm giác thèm thuồng tiêu biến.

Hoài vẫn kiên trì lướt chọn thêm món. Tôi muốn ngăn chị lại nhưng không đủ lí do. Bữa này là tôi đòi, dù không đích danh người mời là chị. Hoài có toàn quyền vì đã nhắn tôi đến đây. Tôi nhìn Hoài qua màn khói lờ nhờ đang quyện lại từng mảng bốc lên ngun ngút. Mùi nhập nhằng quấn quíu lấy nhau tạo thành thứ dị hương đặc trưng của nhà hàng hải sản. Tôi bắt đầu nghe nhờn nhợn ở chân tóc, chân lông như người bệnh lâu năm đánh hơi thấy mùi thuốc bắc từ đằng xa đang len lén tiến lại gần.

Tranh thủ khi Hoài chăm chú, tôi từ tốn vẫy phục vụ, bảo anh cho em dĩa bí ngô xào tỏi. Bí nhiều, tỏi cũng nhiều. Xào kiểu món chính, cho em chén cơm. Hoài nghe tôi nói, chị ngẩng đầu lên ngơ ngác liền mấy giây. Quán tính, Hoài thò tay sang cốc nhẹ lên đầu tôi, nhíu mày dấm dẳng. Mây làm sao thế, gọi Mây tới đây đâu phải để ăn bí đỏ với cơm trắng. Lúc này, tôi không biết giải thích thế nào với chị, không thể nói trưa em thèm lắm nhưng giờ không tài nào nuốt được. Hay tụi mình ra bãi chơi đi Hoài. Chỗ chân cầu ấy. Hoài dựng chống đứng cho em ngồi, em chỉ sang bên kia sông, chỗ sáng sáng đó là văn phòng của em, chỗ sáng xanh bên kia là nhà Hoài. Màu xanh của cánh cổng dưới bóng cao áp hắt lên và đổ vào mắt em. Em thích bí đỏ xào tỏi, càng cua trộn gỏi với tôm đồng, mình mua bỏ hộp giấy, ra đó ăn. Ngồi ở đây chừng tiếng nửa em sẽ chết ngộp mất.

Nghĩ thế nhưng tôi nào nói được gì, ậm ừ rồi day day đôi đũa, trong lúc mắt chắm xuống bàn, giọng nhạt dần bởi vụng về bào chữa. Hoài biết rồi mà, em vốn dân nhà quê, thèm bí thèm rau là chuyện dễ hiểu. Tới lúc này thì Hoài không nhịn nữa, giọng chị xẳng gằng lộ vẻ bực bội. Dân quê nào ăn khôn như Mây. Người thành phố mới ngán cá thịt, thèm rau trái kiểu như Mây thôi. 

Hoài nói phải, tôi cứ mong mình cứ hoài quê kiểng, chân tay lóng ngóng, ráng giữ tim mình khỏi bay ra khỏi lồng ngực mỗi lần tới chỗ sang trọng hay chốn của giới trung, thượng lưu. Nhưng tôi đã phố thị hẳn hoi, trong cả dáng đi, thế đứng. Trong những giấc mơ gần, lúc ngả đầu thiêm thiếp trên ghế xoay giữa trưa, tôi hay thấy bóng một người đàn bà đứng trong mắt mình. Người đàn bà ấy đang lóng ngóng ở mé sông, rướn thân theo con xuồng ba lá đang tan dần trong sương sớm. Bà chấp chới rướn mình đưa tay ra bắt lấy vô hình. Tôi tỉnh lại, thấy nắng xiên qua cửa kính, đổ lên bàn ghế, giấy tờ chỗ tôi ngồi. Nắng gắt gao vón cục đè lên mình buốt nhói. Sau đó ít lâu, tôi có kể giấc mơ đó cho Hoài nghe vào một buổi chiều như chiều nay, Hoài xoa đầu tôi, khẽ khàng: Mây sắp xếp về quê ít hôm đi nhé!

Tôi không theo lời Hoài được. Công việc như một vòng tròn kín từ ngày này sang ngày khác. Từng vòng tròn kết lại với nhau tạo thành một sợi dây xích dài như chiều dài của tháng năm ở phố. Sợi xích cùm chân tôi vào việc làm cơ quan, vài mối quan hệ lấp lửng, nhì nhằng cùng một hai chuyến công tác mỗi tháng. Những hôm trống giờ, tôi nằm thiêm thiếp dưới sàn gạch, nghĩ thèm một lát cá ồ kho mắm thật keo trong cái nồi thiếc mòn vẹt. Buổi đó, tôi xới hết cơm nguội đổ vào nồi cá, day day từng miếng cơm vào đáy nồi cho hạt cơm dính hết chất ngọt sền sệt của nước cá. Mùi thơm lưng lửng tan vào không khí. Tôi ngồi chàng hảng trong bếp, bỏ nồi cơm dưới sàn, xúc từng muỗng lớn nhai lấy nhai để. Ngậm chặt mà nghe vị tanh nồng của cá thiếu ớt, tiêu quyện với vị ngọt đằm thắm của từng hạt ngọc.

Tôi nghĩ tới Hoài, người tâm giao với tôi hiếm hoi ở phố. Hoài, người duy nhất để tôi ung dung cười khóc, yêu và chiều thói nắng mưa không dự báo được của tôi. Hoài từng chứng kiến tôi kiệt sức nắm níu quê mùa trong bản ngã và xoa dịu mỗi lần tôi đối diện với giông gió. Cũng như hôm nay, là Hoài nhất thời tức nước vỡ bờ chứ hơn ai hết chị hiểu rõ thói ba bữa đực, ba bữa cái của tôi. Càng không phải vì tiếc cả bàn thức ăn mà mình không đụng đũa nên chị dấm dẳng.

Hoài nói gì đó, tiếng chị rơi khỏi vòng suy nghĩ của tôi. Tôi đang nhìn mình, cẩn trọng như nhìn người lạ phải quan tâm, xét nét từng chút một. Tôi thảng thốt, sao mình lạ hoắc trong lớp áo thành thị, cô độc với chính mình. Cuộc luân lạc này khiến tôi quăng quật tả tơi. Đến cả chút cốt cách thảo thơm của nhà quê cũng không nắm níu được.

Hôm kia, tôi có chuyến dài ngày với cơ quan, lúc ô tô lướt qua ruộng rau nằm lấp xấp bên mé quốc lộ, tự dưng mình ngoái trật ót ra sau, nhìn mải miết. Khóm rau xanh mù mù chìm dần sau kính chiếu hậu, còn lại một vùng giăng trắng đục mờ. Lòng tôi sôi réo như vô tình thoáng thấy người cũ còn vương đang đi giữa phố đông, lần khần định tiến lại gần cho thỏa vương vấn. Bần thần nghĩ, phải chi không sấp sải chạy theo việc, chắc sẽ lay nhẹ anh tài xế. Anh tấp vô cho em xuống mua mấy bó cải. Mốt về luộc chấm mắm nêm. Và với cơm nguội, phải ngon hết sẩy.

Như lần nào trong chừng đã qua, đối tác cancel phút cuối. Tôi lân la tìm về quán quen vì cổ họng khô khốc khi nghĩ tới ly chanh dây mật ong. Cô chủ líu ríu vẫn công thức cũ theo ý Mây, một mật ong rừng, chanh một nửa. Tôi ngồi yên trên chiếc bàn gỗ phết sơn xanh nước biển, ngó qua quầy pha chế, thấy mấy lọ mật xinh xinh đề rừng Tây biên giới. Bấy nhiêu thôi, chưa cần uống cũng đã nghe ngọt thanh từ đầu lưỡi xuống đáy dạ dày.  Chừng ấy ví dụ để tôi dỗ mình đã phố dần theo ngày, theo tháng. Y hệt bây giờ mình kệ mặt Hoài nhăn nhúm như tờ giấy lộn, khi đĩa bí xào bưng lên, mình kệ hết ốc xào, lẩu cá…

P.T.H.D