Đà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc Thanh

30.01.2018

Vào ngày 8/3/1965 và những ngày sau đó khi những đơn vị đầu tiên của quân Mỹ rùng rùng đổ bộ lên cửa biển Đà Nẵng với những phương tiện vũ khí tối tân thì không những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đà Nẵng mà cả nước băn khoăn, lo lắng: “Làm thế nào để đánh Mỹ và thắng Mỹ?”. Từ lãnh đạo cao nhất của đất nước đến từng chiến sĩ, từng người dân đều tìm cách trả lời câu hỏi đó. Bằng những suy nghĩ, bằng những hành động thiết thực, cả dân tộc ta đã tìm ra con đường đi của mình. 

Đà Nẵng - Tết Mậu Thân 1968 - Ngọc Thanh

Đó là cuộc chiến tranh nhân dân, động viên nhân dân cả nước quyết tâm: Đánh Mỹ và thắng Mỹ. Những chiến thắng của quân dân ta trong 2 chiến dịch mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967 ở miền Nam cũng như hàng ngàn máy bay Mỹ bị bốc cháy trên bầu trời miền Bắc đã làm cho Mỹ-ngụy thất bại đến thảm hại, ê chề...

Từ trên đỉnh cao của những thắng lợi đó, Trung ương Đảng nhận định có thể chuyển cách mạng miền Nam sang một giai đoạn mới - Giai đoạn Tổng tiến công giành thắng lợi quyết định. Tháng 12/1967, Bộ Chính trị vạch rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân toàn dân ở cả hai miền, đưa chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. Thời gian tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy được xác định là đúng vào dịp Tết Mậu Thân 1968 với chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định và Trị Thiên - Huế. Riêng ở Nam Trung bộ, Khu ủy V quyết định chọn Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng làm chiến trường trọng điểm. Do vậy, tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng được hợp nhất thành Đặc khu Quảng Đà do đồng chí Hồ Nghinh làm Bí thư Đặc khu ủy. Gần Tết Mậu Thân, Khu ủy cử đồng chí Trương Chí Cương, Phó Bí thư Khu ủy trực tiếp làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà để các chủ trương của Khu xuống tỉnh và những quyết định lúc cần thiết được thực hiện nhanh nhất. Đồng chí Hồ Nghinh và Trần Thận làm Phó bí thư Đặc Khu ủy. Đặc khu ủy Quảng Đà đề ra yêu cầu cơ bản của công tác chuẩn bị Tổng công kích, tổng khởi nghĩa là đẩy mạnh phong trào cả 3 vùng, 3 mũi giáp công lên thế tiền khởi nghĩa, tạo mọi cơ sở chính trị, tư tưởng, tổ chức thực hiện và đảm bảo giành thắng lợi.

Trong tháng 12/1967 và tháng 1/1968, ở Quảng Đà, công tác chuẩn bị cho Tổng công kích, tổng khởi nghĩa mà Đà Nẵng là trọng tâm đã trở nên sôi nổi, khẩn trương. Với quyết tâm “Tất cả cho Tổng công kích, tất cả cho Tổng khởi nghĩa”, “Tất cả để đuổi Mỹ, lật ngụy, giành chính quyền về tay nhân dân”, “Thiệu Kỳ chưa đổ, không giỗ không tết”, nhân dân Quảng Đà đã thi đua dồn sức người, sức của, tập trung mọi tiềm lực, khả năng cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Các đoàn thể cách mạng vận động nhân dân vùng giải phóng và vùng ven đào hầm bí mật, làm phên đôi để rấm quân, đào hầm chôn cất vũ khí, kêu gọi quyên góp tiền gạo, mua sắm lương thực, thực phẩm, xăng dầu phục vụ cho chiến đấu. Khu ủy và Đặc khu Quảng Đà chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền: ra báo, may cờ, hướng dẫn các địa phương cách tuyên truyền vận động quần chúng, bảo vệ nuôi nấng bộ đội, cán bộ chuẩn bị nhập thị, động viên nam nữ thanh niên đi dân công hỏa tuyến để chuyển vũ khí từ chiến khu về điểm tập kết, phiên chế lực lượng đấu tranh chính trị nổi dậy thành các đại đội, tiểu đội sẵn sàng xuống đường nhập thị. Các đoàn văn công, điện ảnh, từ Khu về phối hợp với lực lượng này ở tỉnh tổ chức biểu diễn, chiếu phim phục vụ nhân dân. Các nhà báo Trần Văn, Nguyễn Đình An, Hải Học... viết ký và phóng sự về những hoạt động của quân dân ta lúc đó. Nhà thơ Thu Bồn đã viết bài thơ “Đà Nẵng gọi ta” đầy khí thế tiến công. Các nhà thơ: Dương Hương Ly viết “Đà Nẵng ơi, mùa xuân”, Vương Linh với “Gió vùng sâu”, Ngân Vịnh với “Cô gái Cà Tu”, Hoài Hà với “Đà Nẵng trước mặt”... ca ngợi những con người, những đơn vị đang khẩn trương công tác và chiến đấu để góp phần cho sự nghiệp lớn...

Trong lúc đó, ở thành phố Đà Nẵng công nhân lao động và quần chúng đã xây dựng các kho chứa vũ khí, hầm bí mật tại nhà để đón súng đạn và lực lượng từ bên ngoài vào thành nhằm phối hợp với lực lượng tại chỗ để làm Tổng công kích và nổi dậy. Cơ sở và quần chúng cách mạng ở nội thành đã vượt qua lưới kiểm soát dày đặc, gắt gao của địch để chuyển gạo, mắm, thuốc men cho lực lượng bên ngoài đồng thời chuyển súng đạn, bằng cách giấu vào bao than, những bó lá chuối, lá gói bánh tết, ruột quả bầu để vào thành phố...

Vào đầu tháng 1/1968, phương án Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở Đà Nẵng được phê duyệt. Thường vụ Khu ủy và Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định tập trung nỗ lực cho trọng điểm Đà Nẵng. Trong Tổng tiến công và nổi dậy ở Đà Nẵng ta sẽ lấy quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền làm chính.

Theo phương án Tổng tiến công và nổi dậy ở Đà Nẵng, về quân sự, ta chủ trương đánh mạnh ở các vùng ven, bên ngoài thành phố là chính, đồng thời sử dụng một bộ phận bộ binh phối hợp với biệt động Đà Nẵng đánh chiếm một số mục tiêu chủ yếu trong thành phố nhằm hỗ trợ cho lực lượng khởi nghĩa nổi dậy chiếm lĩnh một số mục tiêu quân sự, chính trị của địch theo kế hoạch đề ra. Trong lúc đó, về khởi nghĩa vũ trang Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định đưa các đội quân khởi nghĩa ở nông thôn vào thành phố, dùng lực lượng từ bên ngoài vào kết hợp với nòng cốt bên trong để vận động quần chúng xuống đường. Ta dự kiến huy động từ 8 đến 9 vạn quần chúng nổi dậy, sử dụng bạo lực của quần chúng là chủ yếu để lật đổ chính quyền địa phương. Tại trung tâm thành phố, ta xác định chùa Tỉnh Hội là điểm nổi dậy và từ đây sẽ bung ra phối hợp với các điểm khác. Lực lượng tài xế, thợ máy và tiểu thương được phân công chiếm lĩnh bến xe và ngã tư chợ Cồn, sẵn sàng phối hợp với lực lượng ở chùa Tỉnh Hội. Huy động công nhân, lao động, ngư dân quận III - Sông Đà kéo sang chiếm tòa thị chính, làm chủ đường Bạch Đằng, khu vực chợ Hàn. Huy động quần chúng khu vực Tân Hòa, Thuận Thành chiếm Đài phát thanh; quần chúng cách mạng ở Thạc Gián, trong đó phần đông là lực lượng nhập thị sẽ tràn xuống các điểm ở trung tâm thành phố, phối hợp với công nhân lao động chiếm nhà máy điện Liên Trì, cảng Đà Nẵng, Hỏa xa Đà Nẵng. Nhân dân ở Trung Lương, Hòa Long, Hòa Hải đã vận động hàng trăm ghe thuyền sẵn sàng chở bộ đội và lực lượng đấu tranh chính trị vượt sông Cẩm Lệ đổ bộ qua khu Khuê Trung, Hòa Cường. Trong thành phố, biệt động triển khai hành động, công nhân lao động, học sinh, thanh niên và quần chúng các khu phố tập trung đến chùa Tỉnh Hội, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống loa phóng thanh, viết biểu ngữ và truyền đơn...

Để hỗ trợ và phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Đà Nẵng, chủ lực Quân khu V đã đánh mạnh ở các vùng ven thành phố là chính, nhằm kéo quân Mỹ ở bên trong ra bên ngoài thành phố để đánh một số trận tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Lực lượng từ nông thôn vào thành phố gồm 6 mũi và được chia làm 3 cánh quân.

Theo kế hoạch, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở Đà Nẵng sẽ nổ ra vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam tức đêm 29 rạng ngày 30/1/1968. Nhưng đến ngày 29/1/1968, Đặc khu ủy Quảng Đà và Mặt trận 4 nhận được lệnh hoãn giờ nổ súng sang đêm 30 rạng 31/1. Song lệnh hoãn chỉ có một số đơn vị nhận được nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Đà Nẵng vẫn nổ ra vào đêm 29 rạng 30/1/1968.

Lúc này, tại Đà Nẵng, đúng vào lúc 2 giờ 20 phút ngày 30/1/1968, quân ta nã 120 quả đạn pháo DKB vào sân bay Nước Mặn phát lệnh Tổng tiến công và nổi dậy. Đồng thời ta pháo kích tới tấp vào sân bay Đà Nẵng, trận địa pháo Thanh Vinh, Tổng kho hậu cần Bàu Mạc, kho xăng Liên Chiểu. Thành phố Đà Nẵng và các vùng phụ cận rung chuyển trong làn đạn pháo của quân ta. Lúc này, phối hợp với bộ đội chủ lực, quần chúng công nhân lao động các khu phố, các công sở đã có chuẩn bị trước, đồng loạt gây tiếng động bằng những vật dụng hằng ngày như thùng, thau, xoong nồi... làm cho quân ngụy hoảng hốt vì thấy dường như nơi nào cũng có quân giải phóng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, “ủy ban khởi nghĩa” của công nhân lao động và quần chúng Đà Nẵng gia nhập các nhóm liên lạc bí mật, chỉ đường dẫn lối cho các đơn vị lực lượng vũ trang đánh vào các cứ điểm quan trọng của địch như sân bay, Sở chỉ huy quân đoàn 1...

Ở bên ngoài thành phố, ta đã chiếm 1 trong 3 cao điểm của Mỹ ở núi Phước Tường, phá nát khu ra đa, khu thông tin, làm rối loạn hệ thống phòng ngự của địch ở phía tây Đà Nẵng. Tuy nhiên, mũi chủ công chính diện đánh vào thành phố của quân ta vấp phải nhiều trở ngại và bị tổn thất nặng. Các cánh quân khởi nghĩa của các huyện Hòa Vang, Điện Bàn không thể tiến vào thành phố để phối hợp với lực lượng nổi dậy đang ém sẵn ở bên trong vì do địch phản kích, rải quân chặn đường và do không nắm được thông tin chính thức về giờ nổ súng.

Ở khu vực trung tâm thành phố khi biết được lực lượng vũ trang và các cánh quân hỗ trợ không vào được nội thành nên lực lượng khởi nghĩa rơi vào tình trạng lúng túng, bị động...

Sáng ngày 30/1/1968, tức mùng một Tết Mậu Thân, tại chùa Tỉnh Hội, ta đã huy động được 400 đến 500 quần chúng, học sinh tổ chức biểu tình với tinh thần tiến công khởi nghĩa song địch đã đem quân đến bao vây đàn áp khốc liệt đoàn biểu tình. Lúc này do chủ trương: “Bước đầu cần tránh đổ máu để quần chúng khởi nghĩa khỏi ngần ngại, không dám sáp vào” nên cuộc đấu tranh ở đây chỉ diễn ra với hình thức tấn công chính trị và binh vận. Địch nổ súng đàn áp. Cuộc biểu tình phải giải tán.

Cùng với chùa Tỉnh Hội, sáng mùng một, tại quận I ta huy động được 1.000 quần chúng xuống đường nhưng bị địch chặn ở ngã ba Cai Lang nên phải giải tán. Ở quận III, đêm 29 rạng 30/1/1968, dựa vào danh nghĩa phật giáo, ta huy động được 3.000 quần chúng sẵn sàng trong tư thế chờ vượt sông Hàn tham gia cướp tòa thị chính Đà Nẵng song do không nhận được tín hiệu ở khu vực trung tâm nên lực lượng này cũng phải tự giải tán...

Sau này, vào năm 1971, trong giờ giải lao tại một cuộc hội nghị về công tác nổi dậy, tác giả bài này có gặp đồng chí Bí thư Đặc khu ủy. Ngồi nhắc lại những chuyện đã qua, tác giả hỏi:

- Thưa anh, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Đà Nẵng ta chưa đạt những mục tiêu đề ra, anh cho biết vì sao vậy?

- Trong quá trình thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy ta còn những thiếu sót. Thứ nhất, công tác chuẩn bị của ta là khẩn trương và công phu, nhưng ta chưa lường hết sự phản ứng của địch. Ta nghĩ như trong 76 ngày đêm năm 1966, ta chỉ cần tập hợp quần chúng nổi dậy là làm chủ thành phố nên lần này, ta chủ trương dùng một lực lượng nhỏ quân sự từ ngoài đánh vào để hỗ trợ quần chúng nổi dậy mà thôi. Thứ hai, việc thay đổi giờ G cũng làm kế hoạch tấn công của ta bị lộ, không còn gây yếu tố bất ngờ. Trong khi ấy, địch lại mạnh, tập trung đối phó ta kịp thời nên lực lượng vũ trang và quần chúng khởi nghĩa của ta dù ở trong tư thế sẵn sàng hy sinh, dũng cảm chiến đấu vẫn không giành được những thắng lợi như ta mong muốn. Lực lượng ta lại bị tổn thất nặng nề - Đồng chí dừng lại một chút rồi tiếp - vì thế, công tác xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng trên địa bàn thành phố chúng ta bị rơi vào tình trạng khó khăn và bế tắc trong một thời gian dài sau đó...

- Thưa anh, có người nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Đà Nẵng cũng như cả miền Nam của ta gây quá nhiều tổn thất, đáng ra không nên thực hiện, anh thấy thế nào?

- Tôi không thống nhất điều đó. Dù có những tổn thất nhưng những thắng lợi của chúng ta là to lớn, là không thể phủ nhận được. Anh nghĩ coi, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Đà Nẵng cùng với cả miền Nam đã làm tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Bọn Mỹ bị một cú “choáng” đột ngột, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến mà chúng dự định. Nó như một tiếng sét lớn làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam mà còn làm rung chuyển cả nước Mỹ. Ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay, chiến lược “chiến tranh cục bộ” của chúng bị đánh bại, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris. Anh nhớ chứ, sau Tết Mậu Thân, Mỹ buộc phải tuyên bố “ném bom hạn chế ở miền Bắc”. Ở trong mình, chúng thay chiến lược quân sự hùng hổ trước đó (tìm và diệt) bằng một chiến lược đầy lúng túng và bị động (quét và giữ). Chúng lo sợ ta nện nên buộc phải tăng quân và triển khai xây dựng “hàng rào điện tử Mắcnamara” - con mắt thần để tăng cường phòng thủ các trung tâm đầu não của chúng. Chúng còn đẩy mạnh lập vành đai trắng bằng những thủ đoạn đánh phá ác liệt các vùng phụ cận Đà Nẵng. Vì vậy bây giờ ta có hội nghị này để tìm cách đối phó đây...

- Sắp tới ta sẽ “đi” như thế nào, thưa anh?

- Chúng ta sẽ đi bằng “3 chân”: quân sự, chính trị (trong đó có sự nổi dậy của quần chúng, và đấu tranh ngoại giao để tiến tới - Anh dừng lại mỉm cười - để tiến tới một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy hào hùng hơn, lừng lẫy hơn trước...

- Để giải phóng miền Nam.

- Phải giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nói xong, Bí thư Đặc khu ủy đứng dậy nắm tay tác giả: “Thôi ta vào họp tiếp đi anh”...

N.T