Hai người bạn - Truyện ngắn Thanh Quế

07.06.2012
Nghề làm báo cho phép tôi có điều kiện đi đây đi đó, gặp được nhiều loại người, nghe được nhiều câu chuyện vui có, buồn có. Nhưng có một câu chuyện cứ làm tôi suy nghĩ mãi, không thể nào cắt nghĩa nổi.

Hai người bạn - Truyện ngắn Thanh Quế

Dạo năm 1971, tôi được các anh phụ trách tờ báo Quân khu cử về công tác tại xã Lân Vũ. Đây là một xã anh hùng ở vùng sâu. Muốn đến xã Lân Vũ phải vượt ba trục đường: đường xe lửa, đường số một và đường nội tỉnh. Từ căn cứ Huyện đội đến Lân Vũ phải đi mất hai ngày. Ngày đầu, tôi theo giao liên đi từ Huyện đội đến một rừng cây, sát đường xe lửa chờ đêm đến vượt qua. Sau đó nghỉ lại ở đội du kích xã Lân Hà. Đêm hôm sau vượt tiếp hai trục đường nữa mới đến Lân Vũ. Lân Vũ nằm sát biển. Trước đây, vùng này là một rừng dương xanh mát. Nhưng sau này, do nhiều lần càn quét vào xã bị đau đòn của du kích, nên bọn giặc căm tức thả hàng ngàn tấn bon, cày ủi hàng chục lượt, giờ đây chỉ còn là một bãi sa mạc hoang vu, cát bỏng cháy hừng hực trong nắng. Bà con bị chúng dồn vào những khu tập trung hay chạy tản mát vào thành phố. Đội du kích phải vùi mình trong những bụi cỏ lùng mọc ven bờ một con sông nhỏ. Đôi lúc phải chuyển đến ở dưới những lùm dứa dại hoặc chôn mình dưới những động cát bỏng. Bọn giặc đóng nhiều đồn bót ở trong xã, luôn mở những cuộc lùng sục.

Tôi đã hòa nhập vào đội du kích rất nhanh. Đơn vị có khoảng mười hai người, hầu hết là nữ, xấp xỉ trên dưới hai mươi, cùng lứa tuổi tôi. Vì thế, suốt ngày, các cô cứ vây lấy tôi mà trêu chọc anh "nhà báo”. Phải nói, tôi không đẹp trai, nhưng được cái gọn gàng, linh hoạt và vui tính. Tôi cùng sinh hoạt, cùng đi phục kích với họ. Người chỉ huy đội du kích là chú Tám, tuổi ngoài năm mươi, dáng người to ngang, tiếng nói oang oang như vốn có ở những người miền biển. Sau chú là hai chị bằng tuổi nhau, khoảng ba mươi: đó là chị Tâm và chị Lãm. Chị Tâm người dong dỏng cao, da ngăm đen còn chị Lãm to ngang, thấp người nhưng nước da lại trắng trẻo. Hai chị rất thân nhau. Cả hai chị đều chưa có chồng. Ở đây một thời gian, tôi được hai chị nhận làm em nuôi.

Hai chị thường kể với tôi rằng, nhà họ chỉ cách nhau một hàng rào bông bụt. Từ nhỏ, hai người đã cùng nhau chơi nẻ, cùng rủ nhau đi bắt còng. Lớn lên, họ cùng sinh hoạt một chi đoàn, cùng vào du kích xã. Chị em trong đội thường cười bảo: "Họ như hai vợ chồng”, bởi lúc vào làng, khi đi phục kích, họ luôn ở bên nhau. Sau những lúc công tác, họ thường ngồi bắt chấy cho nhau, rồi ôm nhau ngủ. Cả hai chị đều có thành tích diệt giặc nhưng chị Tâm trội hơn. Tính chị lại hiền lành, bẽn lẽn, khiêm nhường hơn.

Chị em du kích kể rằng: Có một lần, hai chị cùng chú Tám chôn người trên một động cát để săn trực thăng Mỹ. Họ nằm từ sáng sớm cho đến trưa. Trời mỗi lúc một nắng. Người họ như bị rang trên cát. Ai cũng mệt mỏi, bứt rứt. Họ định quay về thì có một đàn trực thăng từ phía biển bay vào. Nó nghênh nghênh ngáo ngáo nhòm ngó khắp nơi. Một chiếc bay thấp trên động cát. Chị Tâm giơ súng bắn liền ba phát. Nó phụt cháy, chúi xuống động cát bên cạnh. Lập tức chị Lãm bắn bồi phát nữa. Chuyện là như vậy mà khi về, chị Lãm lại nói chị là người bắn đầu tiên. Chị Tâm bảo với cả đội:

- Đúng rồi, Lãm bắn trước. Thành tích đó là của Lãm.

Vốn biết chị Tâm khiêm tốn hay nhường thành tích cho bạn, chú Tám nói:

- Bây giờ ta sẽ xử. Chính tao thấy con Tâm bắn trước. Đây là công của Tâm.

- Lãm bắn trước chớ - Chị Tâm bênh vực.

- Im đi. Chuyện rõ ràng mà cãi tao - Chú Tám bực tức.

Một lần khác, họ phục giặc bên một bãi dứa dại. Hôm ấy, bọn địch từ trên bốt xuống ba thằng, trong đó có một thằng đeo ống nhòm, có lẽ là chỉ huy. Khi chúng đến gần, chị Tâm nổ súng bắn vào thằng chỉ huy. Tên này ngã quỵ xuống. Hai thằng kia bỏ chạy một đoạn rồi bắn lại. Đội du kích đuổi theo. Chị Tâm bị trúng một viên đạn vào bắp chân nên phải nằm lại giữa đường. Một lúc sau, họ diệt được hai tên kia và đưa tên chỉ huy bị thương về căn cứ của đội du kích. Trong một cuộc họp bình công, chị Lãm nói:

- Việc bắt được thằng chỉ huy là công của tôi. Tôi đã bắn qụy nó xuống và xông tới bắt nó.

- Đúng rồi. Tôi thấy Lãm nổ súng và chạy đến chỗ nó đầu tiên. Lúc ấy, tôi bị thương nên không làm gì được - Chị Tâm phụ họa.

Có biết bao nhiêu câu chuyện na ná như vậy mà tôi được chị em du kích kể cho nghe. Không rõ thực hư thế nào. Có thể họ thương chị Tâm hơn vì chị ăn nói nhỏ nhẹ còn chị Lãm lại hay "chanh chua”. Có điều, tôi được biết hai chị rất thân nhau và cùng rất quý tôi.

Vào những ngày cuối cùng của đợt công tác, tôi có thêm một người bạn mới. Đó là anh Vĩnh, một cán bộ làm công tác thi đua ở Quân khu xuống tìm hiểu tình hình, chuẩn bị cho đợt phong anh hùng. Thời gian này địch càn quét liên miên. Chúng tôi phải sống lưu động lúc chỗ này, khi chỗ khác. Có lúc, chúng tôi phải ngụp mình suốt ngày dưới dòng sông. Có khi lại phải vùi người trong cát, nằm giữa trời nắng. Đêm đến, chúng tôi mới được thơ thới, ra biển ngồi hứng gió. Những lúc ấy anh Vĩnh thường hỏi chuyện chị Tâm và chị Lãm. Tôi thấy chị Tâm thường ít nói, còn chị Lãm luôn bu lấy anh ta, nói rất nhiều, tôi nghe anh nói với chị Tâm:

- Qua mấy ngày tìm hiểu, tôi thấy chị với chị Lãm đều có thành tích. Có thể thành tích của chị còn trội hơn chị Lãm. Nhưng cha chị có một thời gian làm Liên gia trưởng, nên tôi muốn đề nghị chị nhường cho chị Lãm...

Chị Tâm reo lên:

- Lãm khá hơn tôi nhiều chớ. Lãm xứng đáng hơn tôi.

Anh Vĩnh ngồi im một lúc rồi tiếp:

- Nghĩa là tôi muốn chị để cho chị Lãm báo cáo gộp thành tích của cả hai người vào thành tích của chị Lãm. Như vậy, thành tích chị Lãm dày hơn, dễ được cấp trên chấp nhận phong anh hùng hơn. Vì có đề nghị chị cũng không...

Chị Tâm nghĩ ngợi một lúc rồi nói:

- Đúng, phải như vậy.

Tôi trở về đơn vị rồi được điều đi công tác ở một nơi khác. Mãi gần một năm sau tôi mới trở lại Lân Vũ. Tôi không còn gặp chị Tâm và chị Lãm nữa. Cả hai chị đều bị địch bắt. Chị Tâm bị bắt trong một lần bám vào làng công tác. Mấy hôm sau, chị Lãm lại bị địch bắt ở một nơi thật bất ngờ: chỗ chị em thường ngồi quan sát để chờ vào làng. Chị em bảo rằng: Chỗ đó chỉ có người trong đội du kích mới biết. Vậy đã có người khai? Ai khai?

Tôi từ biệt chị em trở về đơn vị. Dọc đường tôi bị một trận bom B.52, bị thương và được cho ra miền Bắc điều trị.

*

* *

Sau một thời gian nằm viện, tôi được điều về công tác ở một tờ báo Trung ương. Vì vừa ở chiến trường ra, nên lãnh đạo phân công tôi viết những bài có liên quan đến miền Nam. Tôi thưòng đến K5, K15 là nơi cán bộ miền Nam ra điều dưỡng để lấy tài liệu. Một hôm, tôi bất ngờ gặp một du kích xã Lân Vũ: chị Hà. Chị ra Bắc chữa bệnh vì bị thương ở lồng ngực, phải cắt mấy đoạn xương sườn. Chị bị thương trong một lần địch tập kích vào nơi bí mật nhất của đội du kích tại một làng hoang. Nơi đây là vị trí cuối cùng, lúc tình thế khó khăn nhất, đội du kích mới đứng chân. Tại đây, dưới những lùm dứa dại, đội đã đào sẵn những hầm bí mật. Chung quanh bố phòng bốn lớp mìn, chỉ chừa một ngõ để đi vào. Vậy mà địch ập vào đúng cái ngõ ấy, nổ súng khi họ đang ngủ. Cả đội bị tiêu diệt. Riêng chị Hà liều lĩnh phóng ào qua bãi bố phòng. May sao thoát được. Nhưng địch bắn đuổi theo làm chị bị thương.

Chị bò vào nằm trong một đám cỏ. Trời tối nên chúng không tìm ra. Đêm hôm sau, chị bò mãi mới lên được căn cứ đội du kích Lân Hà. Vậy là có kẻ chỉ điểm. Nhưng kẻ đó là ai? Chị Hà ngồi trên giường bệnh, nhìn tôi chăm chăm:

- Theo tin của Chi bộ từ nhà tù báo ra thì chị Tâm đã khai báo và nhận việc địch giao. Vì vậy, địch đã tập kích đúng nơi đội du kích đóng...

Chị Hà vừa nói vừa nhăn mặt tỏ vẻ bực tức. Còn tôi, tôi sững sờ đến nỗi giật mình đánh thót, làm rơi cả bút và quyển sổ cầm tay. Tôi cúi xuống nhặt để giấu nỗi xúc động. Nhưng suốt hồi lâu, tay tôi vẫn còn run. Chị Tâm với dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt phúc hậu, lúc nào cũng mỉm cười khiêm nhường bỗng hiện ra trước mắt tôi. Tôi hỏi chị Hà mà nghe giọng mình khản đặc:

- Có thật thế không chị?

Chị Hà á lên một tiếng. Có lẽ vết thương ở xương sườn làm cho chị đau. Một hồi lâu trên mặt chị hiện lên vẻ đau đớn cùng cực. Chị nhờ tôi đưa giùm cốc nước đặt ở đầu giường. Chị uống mấy hớp, người có vẻ tỉnh táo hơn.

- Sao lại không thật. Đấy chính là tin tức từ nhà tù do cơ sở của ta báo ra - Chị nghiến răng nói tiếp - Tôi không ngờ một du kích giỏi như chị Tâm lại sa sút như vậy. Nhưng có lẽ việc ấy cũng có gốc tích của nó. Cha chị ta từng làm Liên gia trưởng cho địch...

Chị xin phép tôi nằm xuống giường. Khi lưng vừa chạm vào mặt nệm, chị lại á lên một tiếng. Cái đau đớn của chị đã nói lên biết bao điều. Tôi im lặng nhìn chị. Một lúc sau mới khẽ hỏi:

- Còn chị Lãm?

Mắt chị Hà bỗng sáng rực lên. Chị nói rất tự hào:

- Người ta phong chị anh hùng là rất đúng.Đáng lẽ phải phong cho chị một lần thứ hai nữa. Chị Tâm phản bội, khai chị Lãm nên chị bị tra tấn rất dã man. Nhưng chị đã vượt ngục ra được. Anh biết chị vượt ngục bằng cách nào không? Chị đã dùng một cái thìa Mỹ, đào mãi đào mãi chân tường thành một con đường hầm để thoát ra ngoài.

- Hiện nay chị Lãm ở đâu?

- Lúc tôi còn nằm bệnh viện Quân khu thì nghe nói huyện điều chị về làm Chính trị viên Huyện đội.

Tôi im lặng nhìn chị Hà. Trong đầu tôi, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao một con người có nhiều thành tích, biết nhường nhịn người khác như chị Tâm lại khai báo và nhận nhiệm vụ của địch? Có phải sự dịu dàng nhường nhịn là cái vỏ che đậy một tâm hồn yếu đuối, mà nay trước thử thách của nhà tù mới hiện ra nguyên hình không? Tôi chưa hiểu được. Tôi thấy chị Hà thở dài, nói như vừa bắt được ý nghĩ của tôi:

- Có ai dè một người anh dũng, vượt qua mọi gian khổ ác liệt, tính tình dịu dàng khiêm tốn như chị Tâm lại phản bội lại bạn bè đồng đội như vậy. Tôi nghĩ mãi. Lúc đầu tôi không thể tin được, cho rằng có gì nhầm lẫn trong đó. Nhưng khi được một anh Huyện ủy lên Khu họp cho biết là cả Huyện ủy cũng bị tập kích, may phát hiện ra nên thoát được thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Theo lời anh Huyện ủy thì họ đã thẩm tra lại các cơ sở trong lòng địch: chị Tâm đã chịu đòn không nổi nên không những khai báo về đội du kích mà còn khai báo cả Huyện ủy nữa...

Chị Hà nói xong lại ôm ngực, mặt nhăn nhó. Tôi nhìn chị và bất giác nghĩ rằng: Chính sự phản bội của chị nuôi tôi đã gây nên đau đớn cho người phụ nữ này.

*

* *

Sau bao nhiêu năm xa, nay tôi mới có dịp trở lại chiến trưòng cũ. N là một tỉnh khá ở vùng ven biển miền Trung. Những cánh đồng bị cày ủi, bỏ hoang hóa nay đã xanh ba vụ lúa. Cả dải bờ biển hoang vắng như sa mạc, cháy hừng hực trong nắng nay đã biến thành một rừng dương liên hoàn từ xã này sang xã khác, huyện này sang huyện khác.

Tôi về tỉnh N lần này với nhiệm vụ viết về một số đơn vị anh hùng mới sau mười năm xây dựng. Sau khi làm việc với Ủy ban Tỉnh, các anh mời tôi xuống thăm huyện Nghĩa Lân, một huyện khá, đã kết hợp công nông lâm ngư tốt. Tôi rất vui mừng vì được các anh cho biết chị Lãm đang là Chủ tịch Huyện. Theo các anh, chị Lãm là người lãnh đạo biết đi sát dân, biết dựa vào tập thể để tiến hành mọi công việc, đưa huyện đi lên. Ngoài việc ấy ra, tôi muốn gặp chị Lãm để hỏi thêm một số chi tiết về chị Tâm mà đến nay tôi vẫn còn thắc mắc.

Khi tôi đến Văn phòng Ủy ban Huyện thì chị Lãm đang xuống xã công tác.

Một tiếng sau, chị trở về. Thấy tôi, chị có vẻ sững sờ, không vồn vã, cười nói vỗ vai tôi như ngày nào. Có lẽ do cương vị công tác hiện nay chị cần phải trầm tĩnh. Mặt khác, tôi cũng không còn là một "cậu bé” như ngày nào. Chị đưa tôi sang phòng làm việc, rót nước mời tôi uống rồi quay ra nói gì với một cô nhân viên Văn phòng. Cô ta đi ra phố một lúc, quay về với bao thuốc "Du lịch” trong tay. Chị Lãm đẩy bao thuốc đến trước mặt tôi: Chị vốn biết tôi nghiện thuốc. Tôi ngồi nhìn chị đăm đăm. Chị không được khỏe mập như xưa. Giờ chị gầy, da xanh, nếp nhăn hiện ra nhiều ở đuôi mắt. Tôi thấy ngay có một điều khác xưa: Mắt chị luôn ngó xung quanh hay ngó xuống bàn, không nhìn thẳng, vui vẻ và hóm hỉnh với người đối diện như xưa. Chị nói khô khan:

- Bây giờ em cần gì nào?

- Chị nói cho em nghe về việc kết hợp công nông ngư nghiệp ở huyện nhà.

Chị bỗng sôi nổi hẳn lên. Chị mở tủ lấy ra một bản báo cáo, có lẽ chị từng đọc ở đâu đó. Nhưng chị không xem, mà nói như mình đã từng làm, từng tổng kết rồi. Chị nói liên tục hàng tiếng liền, không nghỉ, không uống nước.

Nghe chị báo cáo tôi sung sướng thấy rằng, huyện Nghĩa Lân từ một vùng cát bị địch tàn phá nặng nề đã dám nghĩ dám làm đi lên một cách vững vàng: Huyện đã sáng tạo trong việc làm thủy lợi ở vùng cát, đã trồng dương, lợp lại màu xanh lên vùng đất chết, đã biết tận dụng cát làm nguyên liệu xây dựng xí nghiệp thủy tinh, đã biết dựa vào sức người sức của trong nhân dân, lập nên một đoàn thuyền đánh cá, có thể đi tận những miền xa. Trong những công việc đó, ở đâu, lúc nào bóng dáng người Chủ tịch Huyện cũng xăng xái, bám công việc, bám dân, không chịu ngồi yên trên ghế xa lông tiếp khách. Hình ảnh người anh hùng từ chiến tranh bước ra lại lăn lộn vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là chủ đề mà các anh phụ trách tờ báo giao cho, tôi đã gặp ở đây, ở người chị nuôi của tôi.

- Em cần hỏi gì nữa không?- Chị Lãm mỉm cười nói.

- Dạ em ghi cả đây - Tôi chỉ vào cuốn sổ - Em sẽ mang về phòng nghỉ để nghiên cứu, có gì cần em xin hỏi chị thêm. Bây giờ có việc nhỏ này, ở ngoài Bắc em có gặp chị Hà. Chị cho em biết chị Tâm đã phản bội. Em băn khoăn quá, thắc mắc quá. Chị cho em biết.

Mắt chị ngó xuống rồi đảo một lượt rất nhanh khắp căn phòng. Chị bỗng mím môi lại, khuôn mặt hơi tái, giọng run run:

- Đó là việc rất đau lòng, vì theo em biết, Tâm là bạn thân của chị. Càng đau hơn là sau đó, Tâm được bọn địch cho ra tù và bị du kích diệt vì tội phản bội. Chuyện Tâm bị diệt ra sao chị không rõ vì lúc đó chị còn ở trong tù.

- Chị Tâm khai báo trong trường hợp nào?

Chị im lặng một lúc rồi mới nói:

- Ở trong nhà tù, chị và Tâm ở khác phòng nhau. Chị không biết chúng có tra tấn gì Tâm nhiều không. Riêng chị, chúng đánh đập luôn vì có người khai chị là anh hùng quân đội. Người nào khai thì chị không rõ. Có điều, chẳng bao giờ chị nghĩ là Tâm khai. Một hôm, chúng đưa chị vào phòng hỏi cung. Ngang cửa, chị gặp Tâm bước ra dáng ủ rũ, mắt cụp xuống khi gặp mắt chị, bước nhanh như chạy ra khỏi phòng. Chị vừa vô phòng thẩm vấn thì chúng đánh chị ngay. Chúng bảo chị là anh hùng mà không nhận, còn ngoan cố. Chúng khuyên chị nên làm như Tâm: khai báo và nhận việc chúng giao thì sẽ được tha. Chúng đưa cho chị xem một bản khai của Tâm về căn cứ của xã và của Huyện ủy. Đúng chữ của Tâm y sì ...

Chị choáng váng cả người nhưng một mực từ chối. Chúng đánh chị chán lại đưa về phòng, dội nước lạnh cho tỉnh lại rồi đánh tiếp. Nhớ lại chuyện Tâm chị bực mình lắm. Thế rồi tin Tâm khai báo được chị Hồng lãnh đạo của ta ở nhà tù thông báo và đề nghị mọi người cảnh giác với Tâm - Chị mỉm cười, mặt tái mét - Sau đó chị bị đưa đi nhà giam Chí Hoà còn Tâm thì được chúng thả ra.

Chị Lãm nói tới đây thì có một anh cán bộ vào xin chị ký giấy gì đó. Tôi nghe chị bảo: " Để bàn đã”, rồi quay sang nói với tôi :

- Trưa rồi, em nghỉ ăn cơm đã. Còn em muốn biết rõ chuyện Tâm thì sang Hội Phụ nữ gặp chị Hồng. Chiều nay chị bân họp.

Chiều hôm đó, tôi tìm sang Hội Phụ nữ. Chị Hồng đã lớn tuổi, tóc hoa râm. Da chị xanh. Mắt chị rất sáng, luôn mỉn cười nhìn thẳng vào mắt người nói chuyện. Hồi ở tù, chị nổi tiếng là một nguời gan dạ, đứng đầu trong mọi cuộc đấu tranh với địch. Đôi mắt nghề nghiệp báo cho tôi biết, đây là một người trung thực, đáng tin cậy.

- Cậu hỏi về chuyện chị Tâm à ? - Chị mỉm cười nói - Đúng là chị ta đã khai báo như chị Lãm nói. Hôm đó, sau khi chị Tâm ra, chị Lãm vô thì tôi đang ở buồng bên cạnh đợi đến lượt thẩm vấn. Qua bức tường mỏng, tôi được biết, lúc đầu chúng còn nhỏ nhẹ với chị Lãm. Sau đó, chúng tra tấn dã man. Tôi nghe thân người đổ phịch, bàn ghế ngã ầm ầm. Chúng vừa đánh vừa nói :

- Đây nè, con Tâm khai cả căn cứ xã, căn cứ Huyện ủy, khai cả mày là anh hùng nè. Mày còn chối làm gì ?

Tôi nghe chị Lãm gào to :

- Tôi không biết Tâm tiếc nào cả .

Chúng lại tra tấn nữa. Có lẽ chúng đạp vào người chị Lãm. Tôi nghe mà đứt cả ruột. Một lúc sau, giọng nói cộc cằn của thằng Ba Đen, thằng cảnh sát ác ôn nhất Quận này quát :

- Vứt nó sang phòng bên cạnh , dội nước lạnh cho nó tỉnh, để tra tiếp. Con mẹ ghê gớm quá .

Khi tôi bước vào phòng thẩm vấn thì nghe tiếng nước xối ào ào ở phòng bên cạnh. Sau khi trở về phòng giam, tôi thông báo ngay cho tất cả anh chị em trong nhà tù biết về việc phản bội của chị Tâm để mọi người cảnh giác chị ta. Cậu biết không ? Lúc đó tôi là Bí thư Chi bộ nhà tù, tôi phải có trách nhiệm. Tôi còn nhờ một anh lính ngụy là cơ sở của ta thông báo ra bên ngoài việc này để Huyện uỷ và xã Lân Vũ đề phòng. Nhưng không kịp nữa rồi ...

Rời phòng chị Hồng, tôi về lại Ủy ban tìm gặp lại chị Lãm để hỏi thêm vài điều mà tôi băn khoăn. Nhưng chị em ở Văn phòng bảo tôi chị đang đi viện. Chị em cho tôi biết rằng, chị bị tra tấn nhiều nên thỉnh thoảng xúc động lại lên cơn. Trưa nay, sau khi gặp tôi, chị ra khỏi phòng thì ngã xuống ngất. Chị cứ giãy giụa kêu to :

- Không phải hắn. Không phải hắn.

Tôi hỏi :

- Chị Lãm có hay bị lên cơn không ?

Cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, mua thuốc cho tôi hồi sáng nói :

- Lâu lâu mới có một lần. Lần đầu là sau khi một người xưa từng làm cảnh sát ở Quận, đi cải tạo về, xin gặp chị. Chị với hắn ta nói gì với nhau găng lắm . Có lẽ hắn xin xỏ chị cái chi đó, bị chị phản ứng. Tụi em ngồi ở Văn phòng nhìn vô, thấy mặt chị đỏ bừng rồi tái mét. Có lẽ chị giận giữ lắm. Rồi thì hắn cười gằn bước ra. Còn chị thì lên cơn. Lần nữa .. hình như là sau khi chị đọc một lá thư của ai đó gửi cho chị, do một anh cán bộ từ xa đến công tác chuyển giùm. Sau những lần ấy, chẳng ai hỏi chị vì sao lên cơn, chị cũng chẳng bao giờ nói với ai điều gì cả. Mọi người chỉ phỏng đoán, có lẽ chị bị tra tấn nhiều nên giờ dễ xúc động, căng thẳng thần kinh thì lên cơn thôi. Rồi mọi người quen dần đi. Còn lần này - cô ta cười - là do anh đấy. Anh làm việc gì căng thẳng mà anh vừa đi khỏi độ mười phút là chị ấy lại lên cơn .

Có một ý nghĩ gì đó vụt loé qua đầu tôi, nhưng tôi chưa nắm bắt được. Tôi nhờ cô nhân viên chỉ đường đến bệnh viện thăm chị. Nhưng người gác cổng không cho tôi vào vì chị đang mệt. Tôi lững thững trở về. Giữa đường, tôi không ngờ gặp một người bạn cũ. Đó là cậu Mai, xưa từng làm Cảnh vệ ở Quân khu. Cậu là một nguời cao lớn, da ngăm ngăm, ít nói, nhưng chăm chỉ trong mọi việc. Cậu ta nổi tiếng là dũng cảm, đã nhiều lần cứu các đồng chí lãnh đạo thoát khỏi vòng vây của địch. Bây giờ cậu đang công tác ở huyện đội. Cậu ta rủ tôi vào một quán nhỏ bên đường uống cà phê :

- Lâu nay cậu bỏ anh em cũ hay sao mà không thấy vào đây công tác. Bây giờ cậu làm gì ở đây ?

- Mình vào công tác. Huyện cậu khá thật !

- Cậu đã đi những đâu rồi ?

- Chưa đi, nhưng nghe chị Lãm báo cáo. Chị Lãm thật xứng đáng là một anh hùng quân đội. Hiện nay chị vẫn tiếp tục ...

Cậu ta mỉm cười :

- Chẳng giấu gì cậu. Huyện này khá thì khá thật , mình chẳng địa phương chủ nghĩa đâu. Còn chị Lãm thì ...

Tôi trố mắt nhìn cậu :

- Thì sao nào ?

- Thì báo cáo giỏi chứ biết làm việc gì ra việc gì đâu. Suốt ngày chị ta cứ đi xuống xã, hoặc dự các cuộc họp của ngành này ngành nọ có vẻ xăng xái lắm, sát dân, sát phong trào lắm, cấp trên xuống thấy chị ta như vậy thì khen tít mù . Thực tình năng lực chị ta yếu lắm. Nhờ cái danh hiệu anh hùng mà cấp trên đưa lên Chủ tịch, cán bộ phải phục tùng chứ chị ta chẳng biết giải quyết công việc gì cả, mọi việc do mấy ông "phó” làm. Nếu có ai đề đạt vấn đề gì, chị ta cứ bảo "để bàn đã”, "để suy nghĩ đã” làm cho người ngoài hay cấp trên mới nghe tưởng chị trầm tĩnh chín chắn lắm. Kỳ thực chị ta chẳng biết giải quyết sao, chờ hỏi các ông phó. May là các đồng chí ấy tốt và có năng lực, nếu kẻ xấu thì họ chơi xỏ chị ta ngay. Có khi chị ta đưa những vấn đề đó ra cuộc họp thảo luận. Lúc ấy, chị ta ngó trước ngó sau, bên nào đông người ủng hộ thì chị ta quyết theo bên ấy.

Tôi ngập ngừng một lúc rồi hỏi:

- Tớ hỏi thật, cậu có thành kiến, có bực mình việc gì với chị Lãm không? Tại sao ông Chủ tịch tỉnh khen chị là người sáng tạo, quả quyết, còn cậu thì...

Cậu ta vỗ vai tôi:

- Cậu biết tính tớ rồi đấy. Xưa giờ tớ chẳng hề nói xấu, thêm bớt cho ai. Có gì tớ nói nấy, riêng chị Lãm tớ chẳng có gì thành kiến bực mình cả. Hồi còn ở Quân khu, nghe chị lên báo cáo thành tích, được phong anh hùng, tớ rất kính trọng chị, rất tự hào vì có một người đồng hương như vậy. Nhưng từ khi về đây, tớ thấy có những điều người ta đề cao chị hơi quá. Cậu không tin tớ thì cứ đi hỏi khắp cả huyện này thử đúng không. Cậu là nhà báo, cậu có quyền làm vậy chớ - Mai dừng lại nhìn thẳng vào mắt tôi rồi tiếp - Còn ông Chủ tịch Tỉnh khen chị thì cũng đúng thôi. Ai nghe chị báo cáo mà không thích, mà không cho rằng chị lãnh đạo rất cừ. Vả lại, các ông ấy đã nâng đỡ chị lên thì các ông ấy phải khen chớ. Cậu nghĩ coi, ai mà không thích ở tỉnh mình có hình ảnh một người anh hùng bước ra từ chiến tranh lại tiếp tục trở thành người anh hùng thời xây dựng. Xin hỏi thật, tờ báo của cậu có thích mẫu người như thế để tuyên truyền không?

Tôi từ biệt cậu ta với tâm trạng nửa tin nửa ngờ. Nghề làm báo đã dạy tôi rằng, trong việc tìm hiểu tài liệu để viết bài, mình không thể nắm có một chiều, nghe theo một số người mà phải dựa vào tổ chức và dư luận của quần chúng. Nắm vấn đề, sự việc thật kỹ, sau đó tuỳ yêu cầu, mức độ mà phản ánh.

Tôi trở về Văn phòng Ủy ban, ngồi tỉ tê nói chuyện với các cô nhân viên. Tôi được biết chị Lãm là người hay xuống cơ sở, ít thích ngồi ở cơ quan. Có lẽ chị bị địch tra tấn nhiều nên không được khoe, tuổi đã cao mà chưa lấy chồng. Tính chị thường ủ rũ, ít cởi mở tâm sự với anh chị em cùng cơ quan. Tôi dò hỏi những điều cậu Mai nói thì các cô chỉ mỉm cười nhìn nhau rồi bảo:

- Tụi em là nhân viên làm sao biết được chuyện cấp trên.

Ở lại thêm mấy ngày nữa, làm việc với một số ban, ngành trong huyện, tôi đã xác nhận lời cậu Mai nói là có căn cứ. Một lần, sau khi làm việc xong, tôi hỏi anh Sáng, Trưởng ban Nông nghiệp huyện:

- Tại sao các anh không đề nghị lên trên thay mà cứ để chị Lãm làm Chủ tịch? Chị có thành tích trong kháng chiến thì thưởng công ở chỗ khác chứ?

Anh mỉm cười:

- Đó là ý kiến của cấp trên. Chị ấy vừa là anh hùng vừa là phụ nữ nên rất hợp với cơ cấu nhân sự của tổ chức. Nghe nói sắp tới chị còn lên nữa - Anh dừng lại, châm một điếu thuốc rồi tiếp - Ở nước ta, việc ban thưởng đi đôi với việc cất nhắc về chức vụ, chưa tách bạch ra: Người có công thì được thưởng, người có năng lực thì phải đặt đúng vị trí. Tôi đọc lịch sử, thấy có gì giông giống với một số triều đại phong kiến xưa, anh là nhà báo, anh thấy tôi nói có đúng không?

*

* *

Nghề làm báo đưa tôi đi từ nơi này sang nơi khác. Một lần tôi được cử đi công tác ở Gia Lai-Công Tum. Sau khi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trưa hôm ấy, tôi được giới thiệu đến một làng gần thị xã Plâycu.

Đó là một làng định canh định cư kiểu mẫu của tỉnh. Ở đây không còn thấy những ngôi nhà sàn, phần trên chật hẹp, mù khói bởi có một bếp lửa to ở giữa, phần dưới nhầy nhụa phân heo. Giờ đây là những ngôi nhà gỗ, sạch sẽ khang trang mọc hai bên con đường làng chạy thẳng băng. Những chuồng súc vật và hố xí hai ngăn được xây dựng cách xa nhà, rất hợp vệ sinh. Khi tôi đến, hầu hết người làng đều đi cấy lúa nước ở cánh đồng bên cạnh. Nhờ có đập nước Đắc Bla nên cánh đồng này đã gieo cấy được một năm hai vụ. Dân làng đã có lúa ăn, có quần áo mặc đủ ấm, không còn cảnh ăn sắn, bắp, lạt muối và cởi truồng đóng khố như xưa. Thú nhất là trong làng có đường dây câu điện từ thị xã vào. Tôi đã gặp những ông bà già ở nhà ngồi đan lát nong nia. Với một giọng lơ lớ, chưa sõi tiếng Kinh, họ khoe với tôi rằng: Có sự thay đổi trong làng là nhờ có vợ chồng Bí thư Chi bộ Nhun gương mẫu đi trước, hướng dẫn mọi người làm theo. Tôi háo hức muốn gặp ngay người Bí thư Chi bộ này. Những người già bảo: vợ chồng Nhun đang ở ngoài đồng bày vẽ cho mọi người cách cấy lúa thẳng hàng.

Xẩm tối hôm đó, tôi mới gặp được anh Nhun. Đó là một người đàn ông gần năm mươi tuổi, người tầm thước, da ngăm đen, trên mặt có nhiều vết sẹo. Anh sơ lược kể cho tôi nghe quá trình thực hiện định canh định cư của làng, rồi cầm tay tôi, giọng chắc nịch:

- Anh về nhà mình chơi, gặp vợ mình luôn. Vợ mình cũng người Kinh đấy. Vợ mình bày cho mình nhiều thứ lắm. Ngay đến việc đắp đập Đắc Bla cũng do vợ mình nói cho mình nghe, mình đưa ra Chi bộ, Chi bộ đồng ý hết...Anh về gặp vợ mình đi, nó kể hay hơn mình.

Ngôi nhà của anh Nhun cũng bằng gỗ, có nhiều cửa sổ thoáng mát như bao ngôi nhà trong làng. Khi bước vào sân, một người đàn bà Kinh có dáng cao dong dỏng, tóc lốm đốm bạc vui vẻ chào tôi. Tôi sững sờ nhìn chị. Chị cũng ngơ ngác nhìn tôi. Một câu hỏi bất ngờ, không kịp nghĩ trước, bật ra khỏi môi tôi:

- Chị quê Lân Vũ phải không?

Chị nhào tới ôm chầm lấy tôi:

- Phú! Chị là Tâm đây.

- Sao người ta bảo chị chết rồi...

Chị Tâm đưa tay quệt vội đôi mắt rồi mỉm cười gượng gạo:

- Chuyện dài lắm. Em vô nhà đi rồi chị kể cho em nghe.

Đang nói, thấy chồng có vẻ ngơ ngác nhìn hai chị em, chị quay sang giải thích:

- Đây là Phú, em nuôi của em từ hồi ở quê. Lúc nào em kể anh nghe.

Anh Nhun gật gật đầu:

- Hay quá. Hay quá. Mình biểu anh về nhà mình gặp vợ mình đúng quá mà.

Trong bữa cơm theo kiểu nông thôn miền Trung, có cá đồng kho khô, măng xào, rau luộc tôi được biết thêm hai chú bé con chị. Một đứa độ mười tuổi, đứa kia chừng sáu tuổi. Chúng mặc quần đùi, da ngăm ngăm như da của bố, nhưng mắt chúng lại giống mắt chị.

- Mời cậu ăn cơm đi - Chị bảo hai con.

- Mời cậu ăn cơm - Hai đứa vừa nói vừa thò đũa gắp lia lịa.

Đêm ấy, anh Nhun mượn cớ để hai chị em lâu ngày gặp nhau nói chuyện, dẫn hai con đi xem văn nghệ xã. Ngồi bên một chiếc bàn gỗ vừa uống nước chè tươi, chị em tôi vừa ôn lại chuyện cũ:

- Cho đến bây giờ - Chị Tâm mỉm cười - Ở quê ai cũng nghĩ là chị đã chết rồi. Chỉ có một người biết chị còn sống.

- Ai? Cha mẹ chị à?

Chị lắc đầu:

- Chị không còn anh em cha mẹ gì nữa.

- Thế thì ai?

- Đó là chị Lãm.

Tôi trố mắt nhìn chị:

- Trời ơi, em đã gặp chị Lãm. Chị ấy kể chuyện chị lúc ở tù và bảo chị chết rồi.

Chị Tâm khoát tay:

- Để rồi chị kể cho em nghe.

Chị kể rằng: Trong nhà tù, chị không hề khai báo. Chị tin chị Lãm cũng vậy. Chị ấy là anh hùng mà, phải vững hơn chị chứ. Đột nhiên, một hôm, mọi người nhìn chị với con mắt khinh bỉ. Chị ngạc nhiên lắm. Nhưng chưa rõ vì sao. Đột ngột, chị được bọn chúng cho ra tù. Chị mừng lắm, như vậy là chị được tiếp tục hoạt động. Nhưng vừa về đến xã, chị bị du kích bắt ngay. Chị hỏi vì sao lại bắt chị? Họ trả lời trong tù chị phản bội, cơ sở đã báo ra nên huyện ra lệnh bắt. Ngay đêm ấy, họ trói chị, giao cho một anh du kích dẫn đi bắn. Anh này có họ với chị, không tin chị phản bội. Anh dẫn chị ra một động cát, cởi trói cho chị rồi nói:

- Cô đi đi, đi càng xa càng tốt. Đừng bao giờ về quê nữa. Cô về tôi sẽ bị treo cổ đấy. Cô đi xong, tôi sẽ nổ súng và làm mộ giả cho cô.

Chị dừng lại thút thít khóc:

- Sau này, chị nghe tin anh ấy hy sinh lúc đi công tác. Chị thương quá. Nhờ ảnh mà chị còn sống đến bây giờ - Chị rút chiếc khăn lau mặt vắt sau ghế lau mắt rồi tiếp - Còn chị, lúc đó, chị băng cát, chạy thục mạng về đường số một.

Chị nằm lại ở giữa một cánh đồng sát đường chờ cho trời sáng, vì lên đường cái ban đêm sẽ bị bọn giặc đi tuần bắt ngay.

Sáng hôm sau, chị đón một chiếc xe khách đi cao nguyên để lên đây. Lúc bấy giờ, ở vùng này, đồng bào Kinh bị giặc bắt đi dinh điền sống rất nhiều. Chị đổi họ, đổi tên, nói với họ gia đình chị bị pháo dập chết cả, chị khổ cực, lên đây tìm việc sinh sống. Bà con thông cảm hoàn cảnh chị, giúp đỡ chị mọi thứ. Dần dần, chị biết trong bà con có tổ chức cách mạng. Chị đã tham gia...

Mãi sau ngày miền Nam giải phóng, chị mới bí mật nhờ người liên hệ với gia đình. Trời ơi, gia đình chị không còn ai nữa cả. Sau khi cùng bà con phá rã khu dồn để về quê, mới được có nửa tháng, cả nhà chị bị một quả pháo rơi trúng vào mâm cơm lúc mọi người quây quần ngồi ăn. Chị đã khóc rất nhiều. Chị đâm mê tín: Có phải chị nói với bà con ở đây là gia đình chị bị pháo dập chết cả mà sự việc xảy ra như vậy...

Từ đó, chị coi vùng này là quê hương thân yêu của chị. Chị lấy anh, một người cùng hoạt động trong tổ chức bí mật với chị. Chị lao vào công tác địa phương, chủ yếu là vận động bà con định canh định cư, trồng lúa nước và xây dựng nếp sống văn hóa mới ở một vùng đồng bào dân tộc. Nhiều lần, tỉnh đã trao bằng khen cho chị...Chị cố gắng dứt bỏ quá khứ để lao vào công tác hiện tại. Lòng chị thanh thản. Đôi lúc nghĩ lại việc cũ, chị cho đó chỉ là một sự nhầm lẫn đáng tiếc mà thôi.

Chị Tâm mỉm cười, đôi mắt mở to trong sáng nhìn thẳng vào mắt tôi. Trong đôi mắt ấy, tôi thấy hiện ra một vòm trời hiền hậu bao la.

- Thế rồi một hôm, chị nghe được một câu chuyện thật là...thật là...- Chị ngừng lại, khuôn mặt lộ vẻ xúc động và bối rối - Ở cạnh làng chị, sau giải phóng, một số đồng bào dưới xuôi lên lập khu kinh tế mới. Thời gian đầu, bà con thiếu kinh nghiệm làm ăn nên đời sống vất vả. Làng chị bàn nhau mang gạo, sắn đến giúp đỡ bà con. Nhà chị được phân công giúp cho một gia đình nghèo túng nhất. Gia đình này vốn đông con, anh chồng ngày xưa là lính nguỵ, cả nhà ăn theo nên không quen lao động chân tay. Ngay bữa đầu, khi chị mới bước chân vào nhà, anh chồng, một người cao gầy, khuôn mặt sáng sủa nhưng xanh xao cứ nhìn chị vẻ sửng sốt. Trong khi chị tặng quà, hỏi thăm tình hình gia đình, anh ta vừa trả lời vừa nhìn chị đăm đăm. Chị hơi lấy làm lạ nhưng không tiện hỏi vì sao như vậy. Mãi sau này, khi hai nhà đã thân mật với nhau, một hôm như vô tình, anh ta hỏi:

- Xin hỏi thật, chị đã từng ở nhà tù H phải không?

- Sao anh biết?

Anh ta ấp úng một lúc rồi nói:

- Dạ cũng thưa thiệt, tôi làm cảnh sát ở đó...

Câu chuyện mỗi lúc thêm cởi mở. Anh ta kể rằng, hồi làm cảnh sát, anh ta được chứng kiến việc chị Lãm khai báo về đội du kích xã, về Huyện ủy để cho địch đến đánh úp. Chị Lãm đã bàn với bọn cảnh sát giả vờ đánh đập chị ta, tìm cách cho tù nhân nghĩ rằng chị đã khai báo để đánh lạc hướng tổ chức và việc chị ta nhận làm việc cho địch như thế nào...

Nghe anh ta kể, chị hoảng hồn thật sư. Tự đáy lòng chị có một tiếng thầm của ai đó bảo chị là sự việc xảy ra đúng như vậy. Nhưng chị cố gạt đi. Chẳng lẽ Lãm lại cùng bọn địch đóng trò đổ vấy cho chị, lừa gạt cả tổ chức? Lãm đã không chịu được tra tấn, đã khai báo lại còn muốn mình trong sạch trước Đảng để tiếp tục tiến thân sau này nữa ư? Có thể như thế được không? Chị không hiểu nổi. Trong đời chị, chị coi trọng chữ "tín”. Đối với bạn bè, đồng chí, bao giờ chị cũng đặt lòng tin.

- Xin lỗi anh, tôi không tin chuyện đó.

Anh ta cười:

- Tôi rất quý lòng tin bạn bè của chị. Ngay từ hồi ở nhà tù, tôi cũng rất phục chị, khinh bỉ chị Lãm. Nhưng mọi chuyện tôi kể là có đấy. Chị nên tin rằng tôi làm cảnh sát cũng vì miếng cơm manh áo, như vậy là tôi có tội với nhân dân, tôi không chối, nhưng không phải tôi xấu hết đâu. Tôi cũng có lòng trung thực của tôi chớ - Anh ta im lặng một lúc rồi tiếp - Tôi nói oan cho chị Lãm, khen chị để được cái gì? Chị Lãm bây giờ làm chức to, tôi nói không khéo dễ bị cắt cổ ấy chớ. Còn chị thì...

- Nhưng biết đâu anh lầm hai đứa tôi với một đôi nào khác? - Tôi chống chế.

- Lầm sao được. Sau giải phóng, đi cải tạo về, tôi có gặp lại chị Lãm. Chả là hồi ấy tôi xin vào làm việc ở một xí nghiệp tại thị trấn. Người ta không cho vì lý lịch của tôi. Tôi đến xin chị Lãm giúp đỡ. Chị ta thấy tôi thì mặt mày xanh lét. Tôi nói gần nói xa việc hồi chị ta ở tù, nhưng hứa sẽ không cho ai biết, miễn chị ta giúp cho tôi có việc làm không thì nhà tôi chết đói. Chị ta ừ ừ hử hử nhưng một thời gian, tôi bị họ đưa lên đây. Có lẽ chị ta tìm cách đẩy tôi đi đấy - Anh ta dừng lại, ngó đăm đăm vào mặt chị rồi tiếp - Tôi với chị cùng bị chị ta làm khổ cả. Nhưng tôi làm chi được vì chẳng ai tin tôi. Còn chị, chị có bà con ủng hộ. Chị có muốn "trả đũa” chị Lãm không?

Chị "á” lên một tiếng, người run bắn. Từ xưa đến giờ chị có biết trả thù trả oán ai trừ bọn địch đâu. Huống hồ Lãm là bạn thuở nhỏ...

- Tôi có hồ sơ về việc khai báo và nhận việc của chị ta đấy - Anh ta nói tiếp - Còn cả chữ ký. Kể cũng lạ. Hồi giải phóng vào phá nhà tù, mọi người chạy tứ tung, giấy tờ bay lộn xộn. Chẳng hiểu sao tôi lại vớ được xấp hồ sơ này. Mà kỳ hơn là tôi lại bỏ nó vào túi chạy về nhà và giữ nó đến bây giờ...

Anh ta đi vào buồng lục lọi một lúc rồi đem ra một xấp giấy đặt trước mặt chị. Trời ơi, đúng chữ Lãm y sì không chối vào đâu được, cả chữ ký ngoằn ngoèo không ai ký thay nổi nữa. Chẳng hiểu sao, lúc ấy, chị chộp lấy xấp giấy và nói với anh ta;

- Anh cho tôi, tôi cần giấy tờ này.

Có lẽ anh ta nghĩ rằng chị sẽ tố cáo Lãm nên đồng ý ngay:

- Dạ chị cứ cầm. Tôi tin chị.

Chị Tâm ngừng kể, mở chiếc tủ đứng bên cạnh lấy ra một xấp giấy được bọc trong giấy bóng đặt trước mặt tôi. Tôi xem lướt qua rồi hỏi:

- Chị đã làm gì với tập hồ sơ này?

Chị điềm tĩnh:

- Chị chẳng làm gì cả, cứ bỏ trong tủ thôi - Chị dừng lại một lúc rồi nói tiếp - Sau đó chị có viết thư cho Lãm việc này. Chị cũng bảo Lãm yên tâm, chị không báo cáo ai đâu.

- Chị Lãm có nhận được thư chị không?

- Có chớ - chị Tâm cười - Chị nhờ một người quen đi họp, đã trao tận tay chị ấy.

- Chị ấy có gởi thơ cho chị không?

- Chị ấy có gởi một tờ giấy, trong đó chỉ ghi có hai chữ "tuỳ chị” rồi đánh dấu hỏi thôi.

Chị Tâm im lặng, đôi mắt tự nhiên như mơ mộng xa vời...Hai chị em ngồi lặng một hồi lâu:

- Em sẽ đưa việc này ra ánh sáng - Tôi nói - Dù hai chị đều là chị em, nhưng em muốn công bằng.

Chị Tâm đang ngồi im, bỗng đứng dậy, nói với tôi, giọng van vỉ:

- Thôi chị xin em. Đời chị như thế này cũng được rồi. Chị muốn em để cho Lãm yên ổn, giữ nguyên chức vị, Lãm đang có danh vọng.

Tôi giả vờ vùng vằng bắt bí chị:

- Hay chị sợ tài liệu này không chắc? Hay chính chị đã khai?

Chị nhìn xoáy vào tôi, đôi mắt như có lửa:

- Vô lý. Chị không bao giờ khai. Còn giấy tờ này, theo chị là hoàn toàn đúng chữ của chị Lãm.

- Tại sao chị không dám lên tiếng?

Giọng chị dịu dàng như tâm sự:

- Nói thật với em, hồi trước chị thấy cha chị từng làm Liên gia trưởng, chị có mặc cảm, nên chị có báo cáo thành tích lên cũng chẳng ai khen thưởng chị. Chị nhường mọi thành tích cho Lãm vì Lãm là bạn thân của chị. Lãm đã được phong anh hùng là nhờ phần lớn thành tích của chị. Vậy thì...bây giờ...Trong khi đó, Lãm...

Tôi cảm thấy bức bối, khó xử trước những sự việc của chị Tâm. Tôi xin phép chị ra sân, đứng hít thở không khí trong lành một hồi lâu. Đêm vùng cao trời đầy sao. Nhìn những ngôi sao, có ngôi sao sáng, có ngôi mờ, tự nhiên tôi nghĩ: Có phải số phận của người đời cũng như những ngôi sao này không? Có lẽ có những ngôi sao thật sáng, thật to nhưng nằm sâu trong lòng trời, khiêm nhường núp sau những ngôi sao khác nên ta không nhìn rõ... còn...

Dòng suy nghĩ lại đưa tôi đến một câu hỏi khác. Tại sao trên đời có những người chỉ biết sống dựa vào công lao của người khác, khi mình được lên cao rồi quay lại làm hại chính người đã nâng đỡ mình lên. Tệ hơn, tại sao lại có những người vui vẻ tự nguyện để người khác đứng trên vai mình rồi sau đó lại chấp nhận sự hãm hại của người đó. Có phải vì điều này đã tạo ra miếng đất màu mỡ cho những kẻ xấu, kẻ cơ hội thiếu năng lực, gặp dịp may cứ leo hết bậc thang danh vọng này đến bậc thang danh vọng khác? Trong khi đó...

Có tiếng chân nhè nhẹ sau lưng. Chị Tâm đang đứng bên tôi. Chị vỗ vai tôi, giọng thấm đầy nước mắt:

- Chị xin em, chị xin em. Em đừng nói gì cho mọi người biết chuyện này. Lãm đang còn...(1)

T.Q