Chiếc khăn xanh trên cửa sổ - Truyện ngắn Đỗ Trung Lai

24.09.2012
-Anh ạ! Hơn ba mươi năm trước, tôi phải ra đi. Nạn lớn quá, cả nhà tôi không thể ở lại, dù chúng tôi không hề phạm pháp. Đức mở đầu câu chuyện như vậy. Anh hay “Anh ạ!” một cách rất gia giáo. - Anh không kêu cầu gì ư? - Tôi hỏi. - Không! Anh ạ! Không thể kiện thời cuộc được. Nói rồi, Đức nhìn lên trời đêm. Trời đêm đầy sao, cao và vô ngôn. - Rồi do đâu mà anh lại “quy cố hương?” - Anh ạ! Cử đầu vọng minh nguyệt - Đê đầu tư cố hương(1), Cố viên đông vọng lộ man man(2). ở trời tây, ba mươi năm nay, cảnh tôi là thế. Bây giờ không thể thế được nữa. Tôi về.

Chiếc khăn xanh trên cửa sổ - Truyện ngắn Đỗ Trung Lai

Im lặng. Tôi lấy thuốc ra hút. Đức xin một điếu. Anh vốn không hút. Lửa lập loè. Khuôn mặt trắng xanh của Đức lúc tỏ lúc mờ.

Dưới chân chúng tôi là mảnh sân hẹp, lát đá phiến. Đá đen thẫm, đầm sương. Những khe đá lát, lúc cuối chiều, còn thấy địa y mọc mịn màng. Qua sân là ngôi nhà nhỏ hai tầng, cũng bằng đá, một trong vài chục nhà nghỉ xây từ thời thuộc địa ở đây, nay đã được sửa lại. Người ta cũng vừa xây thêm mấy nhà nghỉ mới, to cao hơn, sơn trong, lại sơn ngoài, chẳng ăn nhập gì với các kiến trúc cũ. Chúng tôi đứng tựa vào dãy lan can gỗ ngoài trời. Bên kia lan can là vực sâu ngàn thước.

- Anh ạ! Nhưng tôi về, cũng còn vì một người con gái. - Đức đột ngột lên tiếng.

- Một chuyện tình ư?

- Vâng! Anh ạ! Một chuyện tình.

Đêm đã rất sâu. Chỗ chúng tôi đứng chỉ thấp hơn đỉnh núi Du Lịch vài chục mét. Đỉnh núi in lên trời, đen thẫm, dốc đứng. Có một chùm sao đậu quanh nó. Sương bay, mây bay, đỉnh núi và chùm sao lúc tỏ lúc mờ. Hai cây mộc cổ trước cửa nhà nghỉ toả hương ngào ngạt. Không khí ẩm mát, thơm như được ướp hoa.

Tôi rút thuốc. Đức lại xin một điếu. Tôi khẽ hỏi:

- Chuyện ấy, tôi nghe được không?

- Vâng! Anh ạ! Để mãi trong lòng cũng chỉ buồn thêm.

Rồi kéo một hơi thuốc dài như một người yêu thuốc chính cống, Đức kể:

- Anh ạ! Ngày ấy hai đứa tôi học cùng trường. Tôi lớp mười - cuối cấp. Nàng học sau tôi một lớp. Quen nhau, thân nhau rồi yêu nhau qua những lần cùng đi sinh hoạt đoàn trường, những dịp qua nhà nhau vì bài vở, những lần cùng đi lĩnh thưởng học sinh giỏi trong trường và đi dã ngoại - ngày ấy, chưa có khái niệm picnic. Nhà tôi trong phố cổ. Cha mẹ tôi bán thuốc bắc. Đó là nghề, không, nghiệp mới đúng, mà tổ tiên tôi đã mang sang đây từ ba trăm năm trước. Ba trăm năm, anh ạ! Thế liệu đã đủ để tôi trở thành một người Hà Nội gốc chưa? Nhà nàng kề khu phố cũ, bên đường sắt. Cha mẹ nàng đều là viên chức hoả xa. Ngôi nhà nhỏ một tầng của họ, mỗi lần tàu qua, lại rung lên bần bật. Nó như chạy ngược lại với đoàn tàu, nhanh dần đều rồi chậm dần đều và chỉ dừng lại khi tiếng máy tàu, tiếng bánh sắt va đập vào những chỗ nối ray, tắt hẳn. Tiếng tàu hoả đi về, bao nhiêu năm, đã là tiếng đồng hồ, tiếng thời gian nhà nàng. Tôi đã yêu nàng, yêu tiếng tàu ấy, đường tàu ấy, ngôi nhà ấy biết bao! Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in, những lần hai đứa áp tai vào tường nhà nàng, thi "nghe tàu đoán giờ”, tức là thi xem ai đoán đúng hơn, còn bao nhiêu phút nữa thì tàu sẽ về qua. Cỏ hoa bên đường ray, tầm thường là thế, mà tôi, bao lần, đã ngắt về, cắm lọ, đặt trên bàn học của mình trong phố cổ, khiến mẹ tôi nhiều lần phải lắc đầu, mỉm cười. Ôi mẹ tôi! Đến tận bây giờ, ở trời tây, người vẫn rất xót thương cho mối tình của chúng tôi!

Đức ngừng kể, lại xin tôi một điếu thuốc nữa. Chùm sao đã xuống thấp. Đỉnh Du Lịch như càng cao trên trời đêm. Mây và sương ngày một dày. Lưng vực thấp thoáng màu sữa loãng. Rồi Đức hỏi:

- Mà tôi chưa kể anh nghe nhỉ? Nàng rất đẹp.

- Tôi cũng nghĩ thế.

- Phải, anh ạ! Nàng rất đẹp. Mỗi khi nàng đứng áp tai vào tường để "nghe tàu đoán giờ”, mái tóc nàng chảy dọc tường, chạm cả xuống nền gạch đỏ. Gạch đỏ, tường trắng, tóc nàng xanh đen và mượt mà, như một ngọn thác đêm. Đôi mắt rất to và biết nói của nàng nhắm nghiền lại để nàng thật chú tâm. Đôi môi thanh tú của nàng hơi cong lên, tinh nghịch, vẻ như đã nắm chắc phần thắng. Rồi khi đã thắng, thường là thế, nàng nhìn tôi cười bảo:

- Thấy chưa? Người phố cổ chỉ học giỏi thôi.

Đức khẽ cười. Cười mà như thở dài. Rồi Đức tiếp lời:

- Một lần như vậy, nàng đọc:

Có lần tôi thấy một người đi

Không biết đi đâu, nghĩ ngợi gì

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc chia ly.(3)

Đang vui, sao nàng lại đọc những câu thơ buồn bã ấy. Lòng tôi dờn dợn buồn theo.

Đức ngừng lời. Gà ở xóm núi bên kia đã gáy ba lần. "ở đây có giống gà trống sáu cựa. Mỗi cựa một canh. Sáu cựa, đêm, gà ở đây gáy sáu lần” - người phụ trách nhà nghỉ, ban chiều, bảo thế. Cũng thì một đêm, nơi thì năm canh, nơi lại sáu canh. Chả biết thế nào! Ngày xưa, Hùng Vương thách cưới Mỵ Nương "gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Nếu thế thật, thì đêm Phong Châu ngày ấy có những chín canh sao? "Hồng mao”, chỉ ngựa hồng mới có. "Chín hồng mao”, hay là Hùng Vương đòi chín chú ngựa hồng? Hay là lúc bình minh hoặc hoàng hôn, mây trắng Ba Vì được nhuốm hồng mà thành ra bờm ngựa? Thật chả biết thế nào!

- Thế rồi - Đức kể tiếp - tôi tốt nghiệp năm trước, xuống Hải Phòng theo học Đại học Hàng hải. Nàng bảo, năm sau, nàng sẽ theo học ngành đường sắt, vì đường sắt đã chạy trong máu nàng từ bé. Nàng sẽ cho những chuyến xe lửa chở hàng xuống Hải Phòng, để tôi chở tiếp đi năm châu bốn bể, làm giàu cho đất nước mình. Tôi và nàng sẽ là một cặp trời sinh, nghề của tôi và của nàng sẽ là một cặp nghề trời sinh.

Ngừng một lát, Đức hỏi:

- Anh có nhớ "Hoài thượng biệt cố nhân” của Trịnh Cốc không?

- Dương Tử giang đầu dương liễu xuân

Dương hoa sầu sát độ giang nhân

Sở thanh phong địch ly đình vãn

Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần. - Tôi đọc. Đức hỏi:

- Anh đã dịch ra tiếng ta chưa?

- Liễu biếc đơm hoa đầu Dương Tử

Qua bến, lòng ta những chết dần

Sáo chiều ai thổi câu đưa khách

Cho kẻ Tiêu Tương, kẻ đến Tần! - Tôi đọc.

- Chúng tôi cũng vậy! - Giọng Đức buồn như chấu cắn! - Như tôi đã nói lúc đầu, nạn lớn quá, cả nhà tôi phải ra đi, đi ngay, không chần chừ được. Tiễn tôi, nàng khóc. Nước mắt hai đứa cùng những nụ hôn giã biệt, đầm đìa trên mặt nhau. Rồi nàng nói trong tiếng khóc: "Em chỉ có anh, chỉ chờ anh. Sau này trở về, cứ đi theo đường sắt, ở đâu có chiếc khăn này buộc trên song cửa sổ, ở đó có em!”.

Đấy là lần đầu tiên, nàng gọi tôi bằng anh, xưng em. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi hôn nhau.

Sợ quá buồn, tôi pha trò một cách cải lương:

- Những nụ hôn vắt qua hai thế kỷ!

Đức không để ý. Anh kể tiếp:

- Anh ạ! Chiếc khăn nàng nói, là chiếc khăn quàng tôi tặng nàng khi ấy, màu da trời, mỗi đầu thêu một nhánh dương liễu, màu xanh lục, dương liễu Hồ Gươm, không phải dương liễu Dương Tử.

Im lặng. Tôi và Đức lại hút thuốc. Điếu thuốc run lên trên tay anh.

Lát sau, ném mẩu thuốc tàn xuống vực, Đức tiếp tục câu chuyện:

- Chúng tôi ra đi như bỏ chạy. Nhưng chúng tôi không trở về nơi tổ tiên tôi đã ra đi từ ba trăm năm trước. Mẹ tôi nói: "Dù thời cuộc thế nào, người nhà ta vẫn là người Hà Nội gốc, cứ nước nào từng xâm chiếm nước mình, là chúng ta không đến ở”. Thế là chúng tôi sang Đức, lúc ấy là Tây Đức. Sang đó, định cư xong, tôi đi làm, đi học. Suốt những năm còn "cấm vận”, tôi và nàng không có tin tức gì của nhau. Liên lạc khó vì "cấm vận” đã đành, quả thực, cũng còn do tôi mệt mỏi lo kiếm sống, lập nghiệp và thất vọng trước thời gian dằng dặc nữa. Các em tôi theo nhau yên bề gia thất. Cha mẹ tôi già yếu dần và dù rất thương xót mối tình của chúng tôi, sau mười năm im lặng, cũng bắt đầu giục tôi lấy vợ. Mẹ tôi bảo: "Con là cả. Đừng chờ mãi thế! Chắc là các con không đủ duyên phận mất rồi!”.

Đức dừng lại. Màu sữa loãng nơi lưng vực đã đậm hơn. Sương lọt qua áo. Chùm sao đã xuống thấp hơn đỉnh Du Lịch nửa con sào. Hương mộc giờ này cũng ẩm hơn thì phải. Hít một hơi dài, thấy trong ngực có cả hoa, cả sương và mây, lành lạnh.

- Thế rồi tôi lấy vợ, sinh con. - Đức tiếp tục - Vợ tôi là một người cùng cảnh ngộ. Tôi kể cho vợ tôi nghe chuyện của mình. Vợ tôi cũng thương lắm và không bao giờ làm gì để tôi phải đau thêm. Thế rồi nước mình "đổi mới”. Thế rồi "cấm vận” được dỡ bỏ. Lẽ ra, tôi đã có thể về nước sớm hơn. Nhưng anh ạ! Tôi là một chuyên gia cao cấp của một tập đoàn công nghiệp - công nghệ cao cấp, lại làm ở một dự án nằm trong khu vực "Những bí mật quốc gia”. Luận án tiến sĩ của tôi cũng được coi là một "bí mật quốc gia” của họ. Mà ở bên ấy, nếu đã thế, thì phải tám năm sau khi về hưu, mới có thể chuyển đến sống và làm việc bình thường ở một nước khác được. Cách đây chín năm, tôi làm đơn xin hưu trí và từ đầu thu năm ngoái, tôi được tự do. Rồi nhân có một dự án lớn của Đức tại nước mình, tôi nộp đơn xin tham gia. Thế là, sau bao mong mỏi, tôi đã được trở về. Việc đầu tiên tôi làm, theo lời căn dặn của cha mẹ tôi, là tìm về nhà mình trên phố cổ. Ngôi nhà hai tầng xưa của chúng tôi đã có chủ mới tự bao giờ. Người chủ mới không bán thuốc bắc mà mở một cửa hàng đồ sắt ở tầng một. Tôi không vào nhà, dù rất muốn. Tôi chỉ chụp mấy bức ảnh nhà mình, rồi đi. Ngay sau đó, tôi tìm đến nhà nàng. Trên nền cũ, giờ đã là một ngôi nhà hai tầng, lợp tôn đỏ, nhưng không phải nhà nàng nữa! Người chủ mới bảo, ông mua và xây lại nó, từ một người khác, không phải là cha mẹ nàng, đã hơn mười năm rồi. Ông không biết gia đình nàng, lại càng không biết giờ họ ở đâu! "Vật đổi sao dời mà chú. Tôi không thể giúp được gì!” - ông ấy ái ngại chia tay tôi như vậy. Lúc đó, dự án của chúng tôi chưa bắt đầu, tôi quyết đi tìm nàng. Nhất định tôi phải gặp nàng. Nhất định tôi phải biết, nàng giờ sống ra sao? Tôi sẽ làm theo lời nàng dặn ngày nào - đi theo đường sắt và tìm chiếc khăn xanh xưa trên một ô cửa sổ nào đó. Tôi đã thề với mình rằng, để tìm được nàng, nếu cần, tôi sẽ đi tàu đến khi không còn một mẩu đường sắt nào để đi nữa.

- Phải - Tôi nói, vì không biết nói gì khác.

- Vâng! Nhưng anh ạ! Bắt đầu vào việc, tôi mới thấy khó. Nước mình có bảy tuyến đường sắt: Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh: 1726 km; Hà Nội - Lạng Sơn: 148 km; Hà Nội - Hải Phòng: 102 km; Hà Nội - Lào Cai: 294 km; Hà Nội - Uông Bí: 130 km; Hà Nội - Quán Triều: 75 km; Kép - Lưu Xá: 55 km. Nếu đi và về đủ cả bảy tuyến, tàu ngày, và mỗi lần đi - về, chỉ quan sát một bên đường, không lúc nào được chợp mắt, không phút nào được lơ đễnh, thì bao giờ và ở đâu, tôi mới thấy chiếc khăn xanh trên ô cửa sổ ngôi nhà nàng đang ở? Tôi nhớ lại lời nàng ngày trước, rằng nàng sẽ cho những chuyến xe hoả chở hàng xuống Hải Phòng, để tôi chở tiếp đi năm châu bốn bể, và chuyến đầu tiên, tôi chọn tuyến Hà Nội - Hải Phòng, ngồi ở cửa sổ bên trái con tàu. Tôi căng mắt mình lên mọi ô cửa sổ dọc đường. Hà Nội - Gia Lâm, Gia Lâm - Cầu Bảy, Cầu Bảy - Phú Thuỵ, Phú Thuỵ - Lạc Đạo, rồi sau đó là đường tới Tuấn Lương, Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương, Tiền Trung, Phạm Xá, Phú Thái, Du Nghĩa, Vật Cách, Thượng Lý và cuối cùng là Hải Phòng, lần lượt trôi vào mắt tôi. Thế mà anh ạ! Không ô cửa nào có một chiếc khăn xanh!

Đức ngừng lại. Tôi không dám hỏi gì. Gà ở xóm núi bên kia đã gáy lần thứ tư. Gà sáu cựa, đêm ở đây còn hai canh nữa. Chòm sao đã khuất hẳn sau thân núi Du Lịch. Đức kể tiếp:

- Lượt về, tôi lại dán mắt vào mọi ô cửa sổ phía bên đường còn lại. Không thấy! Không thấy! Không thấy gì!... Đang thất vọng tràn trề, thì Trời Phật ạ!  Giữa một ô cửa sổ thấp bằng gỗ, trên tường hậu của ngôi nhà một tầng ngay bên ga Cao Xá, một chiếc khăn xanh đập vào mắt tôi! Ga Cao Xá, anh nghe rõ không? Đó là một ga xép. Nó cách Hà Nội 51 km và cách Hải Phòng cũng đúng bằng ngần ấy! Tôi lật đật xuống tàu rồi chạy thẳng đến ngôi nhà. Đúng ra, là chạy thẳng tới chiếc khăn.

Nắm chặt lấy chiếc khăn, tôi hau háu nhìn vào nhà, tim thình thịch đập. Trong nhà, ngay bên cửa sổ, một người đàn bà phúc hậu trạc tuổi tôi, giật mình nhìn lên. Tôi cũng giật mình nhìn lại. Nhưng trời ơi! Đó không phải là nàng! Chị ấy rời khỏi chiếc ghế đang ngồi, giọng run rẩy: "Anh... có phải... là... anh Đức?”. "Vâng! Thưa chị! Tôi... tôi là Đức... đây” - Tôi cũng run rẩy đáp lời. Chị đưa tay bưng mặt, bật khóc: "Khổ thân... em tôi!”. Chân tay tôi rụng rời.

Rồi chị đưa tôi vào nhà. Bước qua cửa chính, tôi đối diện ngay với chiếc ban thờ kê sát tường hậu, nơi mà lúc đứng bên cửa sổ, tôi không thể nhìn thấy được. Nàng trên đó, trong ảnh, cổ quàng chiếc khăn xanh. Phải! Anh ạ! Nàng ở đó với bạch lạp, hương hoa, với bao năm xa cách và bị phụ bạc! Gương mặt nàng nhợt nhạt, buồn bã. Nàng nhìn tôi. Cái nhìn úa vàng, nhưng minh bạch và kiêu hãnh. Nền nhà lát gạch đỏ. Tường nhà trắng muốt màu sen trắng, y như ở nhà nàng ngày trước.

Giọng Đức, qua cơn phấn khích, đã dịu dần lại. Gà sáu cựa đã gáy canh năm, nhưng ở vùng núi này, nhìn Đức, tôi cũng chỉ thấy lờ mờ. Đức đang nhìn vực sâu. Anh đang thầm nói gì với nó? Vực sâu cũng vô ngôn. Nó giấu lời mình dưới màu sữa đậm.

- Gần sáng rồi - Đức lên tiếng - tôi kể nốt anh nghe. Nhưng bây giờ là câu chuyện của chị Bình, người đàn bà mà tôi đã gặp trong nhà nàng hôm ấy. Chị bảo, chị là bạn cùng ngành của nàng, hơn nàng một tuổi, tức là bằng tuổi tôi. Chị về Cao Xá trước nàng nhiều năm. Lúc đầu, chị ấy cũng không hiểu, vì sao một kỹ sư xinh đẹp như nàng, lại xin về cái ga xép này và lại sống một mình như vậy. Thân thiết rồi, chị mới được nghe chuyện của nàng, sau lời hứa sẽ giữ kín nó. Chị ấy nói, nàng đã cho chị xem ảnh tôi và nàng nhiều lần. Anh ạ! Thì ra, sau bao năm từ chối mọi lời cầu hôn, sau khi cha mẹ nàng lần lượt qua đời, tức là sau khi chúng tôi chia tay nhau mười lăm năm, nàng bán ngôi nhà cũ, rời Hà Nội và về Cao Xá, nơi nằm chính giữa tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Nàng đã mua cả trăm chiếc khăn xanh như chiếc khăn tôi tặng nàng và lần lượt, buộc chúng lên cửa sổ nhà mình, hết ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. "Cô ấy sợ, lâu ngày không thay, khăn bạc màu, anh về sẽ khó nhận ra. Chiếc khăn anh tặng, cô ấy quàng chụp ảnh rồi giữ riêng cho mình” - Chị Bình kể thế. Rồi nàng mòn mỏi dần, và đầu thu năm ngoái, tức là khi tôi vừa được tự do, nàng mất, vào đúng ngày chúng tôi chia tay nhau, ba mươi năm về trước! "Mấy ngày cuối, cô ấy không dùng gì nữa. Mê sảng, cô ấy chỉ gọi tên anh!” - Chị Bình kể lại. Trước khi ra đi, nàng nhìn hòm khăn, nhờ chị Bình, từ đó, thay nàng buộc khăn lên cửa sổ ngày ngày. "Chị hộ em! Đừng để chúng bạc màu!”. Đó là những lời cuối cùng của nàng. Trời ơi! ở cái ga xép kia, đã bao lần, nàng phải "Một mình làm cả cuộc chia ly”! Bao lần, nhìn liễu trên khăn, nàng đã "chết dần”!

Đức gần như kiệt sức. Anh gục xuống lan can, vai rung lên âm thầm.

- "Má hồng phận bạc”! Cũng là do hai người không đủ duyên phận. - Tôi an ủi một cách thô kệch.

- Không! Không! Không! Tất cả là tại tôi. - Đức bật dậy, rên rỉ: Trời ơi! Sao tôi lại không về nước sớm hơn? Sao tôi lại có thể lấy vợ, sinh con, trong khi nàng phải sống như thế? Tôi đã phụ nàng! Chưa ai trên đời tình phụ như tôi!

*

Tôi không còn biết nói gì nữa. Gà sáu cựa đã gáy đủ sáu lần. Tiếng gáy chầm chậm, luồn qua sương và mây, đùng đục, mệt mỏi. Hương mộc đặc lại làm tôi khó thở. Vực sâu nuốt lấy lời Đức. Sao trên trời đã bỏ đi gần hết.

Sáng ấy, chờ mặt trời lên, mây tan, chúng tôi dời núi, trở về với công việc của mình. Từ đó, tôi cũng không gặp lại Đức. Anh luôn phải đi về giữa hai nước, vì cái dự án lớn của mình.

--------------

(1) "Cử đầu vọng minh nguyệt - Đê đầu tư cố hương”. Dịch ra là: "Ngẩng đầu, trăng sáng trên kia - Cúi đầu, dạ đã tìm về cố hương” (Tĩnh dạ tư - Lý Bạch - Đỗ Trung Lai dịch).

(2) "Cố viên đông vọng lộ man man / Lưỡng tụ Long Chung lệ bất can”. Dịch ra là: "Quê nhà thăm thẳm trời đông / Lệ già, tay áo lau xong lại tràn” (Phùng nhập kinh sứ - Sầm Tham - Đỗ Trung Lai dịch).

(3) Trích Những bóng người trên sân ga - Thơ Nguyễn Bính.

 

Nguồn: vanvn.net