Gió - Truyện Ý Nhi

23.04.2013

Ông vừa khúc khắc ho vừa lẩm bẩm, tệ quá, chẳng gió máy gì mà cũng viêm họng, rồi nhoài người ra bên ngoài cửa sổ, nhìn kìa, cây cối im phắc như đã chết vậy. Vợ ông, một phụ nữ mảnh mai, tóc bạc búi lại thành búi nhỏ sau gáy, bưng một tách trà còn nóng, đến bên ông, nhỏ nhẹ, ông có nhìn thấy dãy cờ xanh, đỏ, tím vàng trước cổng công ty BM bên kia đường không. Ông hơi giật mình, quay lại, tại sao không.

Gần đây, ông vẫn có cách trả lời bằng một câu hỏi như vậy. Bà bảo, mấy lá cờ đang bay phần phật trong gió đấy, lá màu xanh kia còn muốn tơi tả ra vì sức gió quá mạnh. Ông đáp, giọng bất bình, mắt tôi còn tốt mà. Làm gì có chút gió nào. Bà cười nhẹ, tôi biết, chỉ có mắt tôi dạo này tệ quá. Thôi, ông vào đi kẻo...

Gió - Truyện  Ý Nhi

 Bà dừng lại, không thốt ra chữ “gió máy” để tránh một cuộc cãi cọ, ông uống chút trà gừng cho đỡ ho. Ông đỡ lấy tách trà, mắt gườm gườm nhìn vợ rồi bỏ đi sang phòng bên cạnh. Thấy máy tính của bà đang mở, ông ghé mắt nhìn. Trong hộp thư có hàng lô hàng lốc những thư mời hội thảo: Đánh thức con người vĩ đại trong mỗi chúng ta, Khai thác sức mạnh tiềm tàng trong mỗi cá nhân, Cách thức thu phục nhân tâm, Phương pháp tiếp cận đối tượng hiệu quả nhất, Cách học tiếng Anh siêu tốc... Ông chồm người tới, vừa di chuột delete vừa hầm hừ, điên hết cả rồi. Hội thảo, hội thảo cái... ông dừng lại một chút rồi nói to, vô bổ. Bà chạy vội đến, quả thật hội thảo nhiều quá, tốn tiền quá. Ông quay lại, vẻ thách thức, vấn đề không phải là nhiều, không phải là tốn tiền mà là vô bổ. Một đống người chen chúc trong những phòng họp kín mít thì chỉ nói ra được những lời của kẻ ốm dở, của kẻ sắp chết ngạt mà thôi. Bà nhắc, ông uống trà đi kẻo nguội. Ông nhấm một ngụm trà rồi đặt đánh cạch chiếc tách xuống bàn, cầm lấy cái điện thoại di động đang nhấp nháy sáng với hàng chục lời mời chào: xin chúc mừng bạn, bạn đã có người bầu bạn, xin hãy gọi... bạn sẽ trúng hai trăm triệu nếu tham gia vào cuộc chơi này, hãy gọi ngay kẻo tuột mất cơ hội... bạn đang đứng trước thời khắc vàng, gọi ngay... Ông mạnh tay xóa sạch các tin nhắn, lặp lại câu nói quen thuộc, điên hết cả rồi, lúc nào cũng tiền, ở đâu cũng tiền, rồi mạnh tay vứt điện thoại vào góc nhà. Ông quay lại khi nghe tiếng bước chân vợ, bà có nghĩ vậy không. Bà mỉm cười, ra dấu thuận theo ông. Nhiều tháng nay câu chuyện giữa họ chỉ quẩn quanh vậy và bà bao giờ cũng thuận theo ông. Họ quen nhau khi ông đến thư viện, nơi bà làm thủ thư. Bữa đó, sau hai lần tìm cuốn sách đại cương địa - vật lý của một học giả người Pháp mà không được, ông ghé hú họa một lần nữa thì gặp bà. Bà cầm phiếu đề nghị của ông, đi rất lâu rồi mang cuốn sách trở về, đặt trước mặt ông. Ông cảm động nói, cám ơn cô nhiều lắm. Bà đáp, không có chi. Sau câu chào từ biệt, ông đã bước ra đến cửa, bỗng quay lại, cô là người thủ thư tuyệt vời nhất mà tôi từng biết. Bà đỏ mặt, không đáp. Ông nhiều lần mượn sách, trả sách, thường vào đúng giờ làm việc của bà. Mỗi lần, ông nán lại một chút, lần sau lâu hơn lần trước, cho đến khi họ cùng ra về trên con đường phủ đầy bóng mát những cây xà cừ, cây sấu. Hóa ra họ gần như ở đối diện với nhau, qua một mặt hồ. Ông sống trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể của viện nghiên cứu bên này hồ. Bà sống cùng cha mẹ tại một trong những căn phòng của ngôi nhà lớn do ông bà nội để lại, phía bên kia hồ. Căn nhà đẹp đẽ, sang trọng thời trước giờ đã trở nên bề bộn, chật chội bởi cha của bà, rồi lần lượt các cô chú đều đã có gia đình riêng và họ cùng nhau tề tựu dưới mái nhà đó, mỗi người mỗi phòng, rồi người thì cơi nới thêm cái bếp, kẻ che thêm gian phòng trên sân thượng, người lại chiếm chỗ làm sân phơi. Mỗi lần ông đến thăm, gần như phải giáp mặt gần hết các cô chú, dì dượng và lũ em họ. Sau khi cưới, họ dọn từ căn nhà tập thể của gia đình sang căn phòng tập thể của viện nghiên cứu. Căn phòng mười lăm mét vuông, chỉ đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn làm việc. Các công trình nghiên cứu quan trọng của ông đều được viết tại đó, bên cạnh chiếc bếp dầu đầy muội khói, trong tiếng khóc của đứa con trai. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, bà vẫn thấy mình chỉ là cô thủ thư nhỏ bé trước ông, nhà khoa học tài năng. Có lẽ, chính cách nghĩ đó của bà đã giúp cho cuộc sống gia đình họ trôi qua yên ấm, ngay cả trong những ngày tháng khó khăn, vất vả. Mười mấy năm trước, sau khi tiễn đứa con trai duy nhất đi du học, hai vợ chồng trở về nhà, ngồi trong căn phòng bỗng chốc đã thành trống trải, vắng lặng. Khi bà mang đến cho ông một tách trà, ông bảo, bà ngồi xuống đi. Rồi ông nói thêm, bà biết không, nhược điểm lớn nhất và duy nhất của bà chính là ở chỗ bà không ý thức được vị thế của mình. Bà không biết rằng bà vô cùng quan trọng với tôi, với con, với gia đình này. Ông đi vòng ra sau lưng bà, vỗ nhè nhẹ vào vai vợ. Bà khóc lặng lẽ, đôi vai hơi rung lên. Giờ đây, bà cũng khóc lặng lẽ khi nhìn ông đi đi lại lại qua những căn phòng như một kẻ mộng du.

Bà không thể trả lời câu hỏi tại sao và từ khi nào về cảm giác “không có gió” của ông. Chiều nọ, ông từ viện nghiên cứu trở về, ở rất lâu trong phòng riêng rồi bỗng chạy ra mở tung hết các cánh cửa lớn bé trong nhà, kêu to lên, sao chẳng có chút gió nào thế này, giữa lúc mùa đông chớm về, gió đang lay động tất cả các cánh rèm và nhiệt độ đang xuống thấp.

Theo thói quen, bà không gặng hỏi, không cãi lại, bà nghĩ chắc ông đang bực bõ điều gì, rồi mọi thứ sẽ qua. Nhưng bà đã nhầm. Cảm giác thiếu gió đã thành một căn bệnh, mỗi lúc một mạnh hơn, giống như những ngọn gió đã hợp thành cơn bão vậy. Mà là một cơn bão không thuyên giảm, không tan. Hầu hết các bác sĩ đều cho rằng đó là một trạng thái tâm lý và nhất thiết cần phải biết nguyên cớ thì mới mong có thể chữa chạy. Thế nhưng  ông không bao giờ hé lộ chuyện gì đã xảy ra trong buổi chiều đó hay trong những ngày tháng đó. Ở viện nghiên cứu, một số người cho rằng có thể do thất bại của một công trình nghiên cứu về địa chấn mà ông đã mất nhiều công sức, số khác lại suy đoán có lẽ do sự bất đồng sâu sắc trong quan điểm làm khoa học giữa ông và viện trưởng. Bà không nghĩ vậy. Ông là một người từng trải, những sai sót, những khó khăn, những thất bại trong công việc cũng như sự bất hòa triền miên giữa ông và những người lãnh đạo là điều quá bình thường với ông, chúng không thể quật ngã ông theo một cách khốc liệt thế này.

Theo lời khuyên của bác sĩ, bà đưa ông về quê, hy vọng sự thay đổi cảnh quan sẽ giúp ông thoát khỏi những ám ảnh. Bà đặt ghế trước hiên nhà cho ông ngồi, mắc võng vào thân hai cây xoài lớn để ông nằm nghỉ rồi đưa ông đi dạo dọc bờ sông nhỏ... Bà nói dè dặt, dễ chịu quá, gió ở quê mới thực là gió. Ông lim dim, gật gù vẻ như lắng nghe vợ rồi bất thần mở to mắt, nhìn bà, tôi đâu phải là đứa trẻ lên ba để bà dỗ dành, phỉnh nịnh. Đâu, gió đâu, ông hỏi dồn dập, giọng thách đố. Thấy vợ im lặng, ông cười đắc thắng, rõ ràng là chẳng có tí gió nào. Rồi vừa đưa tay vò rối mái tóc chớm bạc ông vừa càu nhàu, bức bối không chịu nổi.

Trở lại thành phố, bà đành an phận với cuộc sống có phần bất thường của mình. Trong từ điển của bà không có từ gió. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, bà thì thầm dặn dò để tránh những kích động không cần thiết. Lần nọ, người em trai của ông ở xa về, ghé thăm, đã làm nổ tung cả căn nhà vì một câu nói vô tình. Vừa bước vào nhà, ông em đã cất giọng hào hứng, ở thành phố mà có được mảnh vườn, nắng gió tràn trề thế này thì quá hạnh phúc, quá may mắn. Bà vừa đưa tay ngăn lại, ông đã từ trong phòng xăm xăm bước ra, chẳng kịp chào hỏi, chú bảo sao, gió hả, gió đâu chú chỉ tôi xem. Bà nhẹ nhàng, chú ấy nhầm. Thôi hai anh em uống nước chanh cho mát.

Người em nghe chuyện, bất bình, không thể sống như vậy được, phải có cách thoát khỏi tình cảnh này chứ. Anh ấy hao mòn đi mà chị cũng cạn hết sức lực rồi. Bà hỏi, giọng mệt mỏi, chú bảo cách nào đây. Người em ngồi thần người một lúc rồi bật kêu lên, đưa anh ấy sang Pháp, chỗ cháu T. đang sống ấy. Thời buổi người ta có thể dùng nhịp tim để điều khiển điện thoại di động, người ta có thể sản xuất ra Graphene (1) mà một chứng tật khơi khơi thế này đành bó tay sao.

Sau gần cả tháng trời chạy đôn chạy đáo, lo các thủ tục cần thiết cả ở Pháp và Việt Nam, ông bà cùng người con trai ra phi trường. Ông có vẻ hơi ngơ ngác nơi chốn đông người qua lại nhưng không có phản ứng gì đặc biệt. Chỉ đến khi bước vào khoang máy bay mọi chuyện mới xảy ra. Ông đứng chắn ngay cửa ra vào, chỗ cô hướng dẫn viên mặc áo dài đỏ xinh đẹp đang tươi cười đón khách. Ông kêu lên, giọng khản đặc, ngột ngạt quá, làm sao mà chịu nổi, cô làm ơn đi. Cô nhân viên nhã nhặn, dạ, cháu có thể giúp gì cho bác ạ. Ông vẫn không hạ giọng, giúp gì ư, giúp đưa tôi ra khỏi chỗ ngột ngạt này. Cô nhân viên đỏ bừng mặt, nhìn vợ ông và người con trai cầu cứu, thế này là sao ạ. Sau lưng ông, hành khách đã dồn đống lại, vài người nghển cổ lắng nghe câu chuyện. Có ai đó nói nhỏ, giáo sư K. kìa. Chắc ông ấy đi dự hội nghị khoa học. Có ai đó chép miệng, ủa, tôi mới thấy ông ấy nói chuyện trên TV mà sao hôm nay lại gầy yếu thế kia nhỉ. Bà và con trai bối rối xin lỗi rồi đưa ông trở lại nhà ga. Người phụ trách lịch sự lắng nghe câu chuyện của họ nhưng từ chối nhận một hành khách như ông, để bảo đảm an ninh cho chuyến bay. Người con trai hỏi, có cách chi khác không. Người phụ trách cười, không rõ là đùa hay thật, phải thuê một chuyên cơ.

Cả bà và con trai, không ai ngờ rằng chuyến đi bất thành lại là dấu mốc cho sự thay đổi tâm tính của ông.

Ông không còn nói đến sự thiếu gió nữa mà là nói đến việc có gió, rất nhiều gió ở một nơi nào đó. Đương nhiên, đó không phải là một quốc gia có tên tuổi, có vị trí, có ngôn ngữ, có diện tích, có số dân... trên bản đồ thế giới mà ai cũng biết. Ông ngồi bên máy tính, gõ vào tất cả các trang mạng, hy vọng có thể tìm thấy dấu vết của xứ  Gió - ông đặt tên cho vùng đất mơ ước của mình như vậy. Ông để bên cạnh một cuốn sổ nhỏ, một cây bút và ghi lại những dấu hiệu, những chi tiết, những chỉ số có liên quan đến gió. Ông vào xem cả cuốn phim hoạt hình Gió có họ hàng với mèo, chăm chú nghe lời thoại của con cáo và con mèo khi gió cuốn phăng những con cá của mèo đến chỗ cáo và gió lại cuốn phăng mấy miếng xúc xích của cáo tới chỗ mèo. Ông ghi vào sổ tay: Gió - cáo - mèo. Ở trang bên cạnh, là một số câu thơ, được ghi cách đoạn để đánh dấu những tác giả khác nhau: Khi tôi về qua khu phố nhỏ/gió mùa cũng trở về... Ngồi đây nhớ gió muôn trùng/nhớ em mọi nhỏ trên rừng xưa kia... Mây trắng bay đi cùng với gió/Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ... Đêm thẫm tối dịu dàng chỉ có gió là tự do trong khu vườn rộng... Gió phần phật bất ngờ bứt tung lá úa/và bẻ hướng đàn chim như những mũi tên bay... Ôi buồn sao trên bến bờ này/anh chỉ một thân cây không cành lá... Ở một ga lẻ/Tôi thấy mình bước ra khỏi vở kịch... (2)Có hôm bà mang sữa vào phòng, thấy ông đang chăm chú xem những bức tranh vẽ cảnh gió bão trên biển của một họa sĩ Nga nổi tiếng. Không biết có vợ bên cạnh, ông vừa xem tranh vừa ngâm nga, Đi đến đó dường như ta có hẹn/hẹn cùng ai, không nhớ rõ là ai (3)... Bà lẳng lặng đặt ly sữa rồi đi ra. Bà không biết trước năm 25 tuổi, tức là trước ngày quen bà, ông đã đọc, đã xem những gì nhưng từ bấy đến giờ, bà chỉ thấy ông đọc các loại sách chuyên ngành hẹp và một số ngành khoa học tự nhiên có liên quan. Việc ông đọc tiểu thuyết, đọc thơ, xem tranh, xem phim khiến bà thấy ngỡ ngàng. Bà có cảm giác một con người khác đã nhập vào ông hay ông đã bỗng dưng thay đổi thành một con người khác. Bà thấp thỏm chờ đợi một kết cục, theo linh cảm của bà, một kết cục không mấy vui vẻ.

Chiều nọ, sau mấy tháng ở lì trong nhà, ông bắt đầu ra phố, đi dạo dưới hàng cây bằng lăng đang nở hoa tím. Ông hào hứng, hoa bằng lăng đẹp quá bà ạ, cả dãy phố rực rỡ hẳn lên, sáng sủa hẳn lên. Ông đi chậm rãi, đầu hơi cúi xuống như chăm chú đếm bước chân của chính mình, hoàn toàn không để ý đến dòng người ồn ã, tấp nập dưới lòng đường. Đi hết đoạn vỉa hè xuôi xuống con dốc nhỏ, ông quay trở lại chỗ góc đường có cửa hàng bách hóa lớn, rồi lại trở về lối cũ. Cứ như vậy, mỗi chiều ông lại ra phố và chỉ trở về khi trời đã xâm xẩm tối với vẻ bồn chồn trong ánh mắt, trong cử chỉ. Ông nói, như để trấn an bà, đi bộ là cách tập thể lực tốt nhất cho người cao tuổi nhưng ông không rủ bà cùng đi. Bà biết ông đang chuẩn bị cho một việc nào đó nhưng không thể biết đích xác là việc gì. Trong một buổi chiều như vậy, khi quay gót, ông vấp phải thanh sắt chìa ra từ một tảng bê tông của ngôi nhà đang phá vứt ra ngoài lề đường. Ông tập tễnh về nhà, vẻ lo lắng, tệ quá, sao lại xảy chuyện vào lúc này chứ. Bà nghe hai chữ lúc này có vẻ gì rất đặc biệt nhưng chỉ lẳng lặng rửa vết đau và băng bó cho ông, nói nhỏ nhẹ, vài bữa là ông sẽ đi lại được thôi. Thế nhưng vết thương  sưng tấy khiến ông phát sốt và phải đưa vào viện vì sợ trùng uốn ván. Ông nằm đó mê man trong cơn sốt, mặt đỏ bừng bừng, mắt nhắm nghiền, đôi lần thốt lên những câu nói rời rạc khó hiểu: Hãy tin vào cơn đau của mình... Cây cầu hay dòng sông... Trước ta hay sau ta... Bà ngồi trên chiếc ghế nhỏ, nhìn từng giọt, từng giọt dung dịch trong suốt truyền vào cơ thể ông. Nước mắt của bà cũng rơi từng giọt từng giọt mặn chát qua đôi môi đã se khô.

Rồi cơn sốt qua đi. Ông về nhà, chiều chiều lại ra phố. Bà thường đứng bên ô cửa nhỏ nhìn ông, cảm thấy hết sự bất lực của mình. Dù không nói ra, cả hai đều ý thức họ đang từ từ tách biệt khỏi nhau và đều biết rằng đó là điều không thể cứu vãn. Chiều nọ, lúc bà đi thăm một người bạn bị ốm trở về, ông đã đi khỏi. Trên bàn làm việc của ông, bà nhìn thấy bức thư viết tay: Anh đi đây.  Anh tin là em hiểu anh như đã từng hiểu anh mấy chục năm qua.  Với số tiền chúng ta dành dụm cho tuổi già, em hãy chăm lo việc ăn uống, thuốc thang. Em có thể thu xếp sang sống với con. Phần dưới bức thư, ông ghi lại câu thơ của Paul Eluard: Dans l’amour la vie a toujours/Un coeur léger et renaissant/Rien n’y pourra jamais finir/Demain s’y allege d’hier (Trong tình yêu cuộc sống mãi mãi có/ một trái tim nhẹ tênh đang hồi sinh/ở đó không có gì kết thúc bao giờ/ở đó ngày mai nhẹ bớt gánh nặng hôm qua) (4). Rồi lại viết thêm một đoạn nữa: Anh không nhớ đã đọc hay đã nghe ở đâu đó câu nói này: văn chương là thứ tuyệt nhất được phát minh ra để tránh bất hạnh. Bấy giờ anh không để ý lắm nhưng giờ đây thì anh thấy đó là một nhận xét xác đáng. Văn chương bày cho ta một cách sống khác, đem cho ta những hy vọng khác. Đem toàn bộ tài liệu của anh tặng lại viện nghiên cứu hoặc thư viện khoa học tự nhiên và hãy đặt trên giá sách của em những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ của Dostoievxki, Camus, Paul Eluard, Kawabata... Anh. Bà đọc bức thư một lần nữa, dừng lại một chút chỗ mấy câu thơ của P. Eluard rồi gấp thư, đặt vào cuốn album gia đình. Bà không khóc. Bà không tin rằng ông ra đi mãi mãi. (Còn nữa)

Truyện ngắn của Ý Nhi

 
(1) Vật liệu công nghệ cao, được tạo thành từ một nguyên tử carbon, cứng hơn thép, nhẹ hơn lông chim. Vật liệu siêu nhẹ này sẽ làm nên cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin, nghiên cứu vũ trụ, y tế...
(2) Thơ của Nguyễn Xuân Thiệp, Bùi Giáng, Xuân Quỳnh, Đinh Thị Như Thúy, P. Neruda, G. Lorca, Vũ Thành Sơn.
(3) Thơ Tô Thùy Yên
(4) Thơ Paul Eluar, Huỳnh Phan Anh chuyển ngữ.

Nguồn: thanhnien.com.vn