Dòng xưa chuyện kể - Tường Linh

13.11.2017

Họ gồm sáu người trẻ tuổi, bốn nam, hai nữ. Tất cả đều là người gốc Quảng Nam nhưng sinh ra tại Sài Gòn vì cha mẹ họ vào học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định rồi ở luôn lập nghiệp tại đây. Nhóm trẻ này cùng tuổi nên cũng vừa tốt nghiệp đại học. Từ nhỏ thường nghe cha mẹ kể, họ háo hức về thăm quê nội một chuyến dài ngày. Gia đình họ đều khá giả nên không phải bận tâm về kinh phí. Họ nhờ cha mẹ giúp mời thầy Mẫn cùng đi. Thầy Mẫn người huyện Quế Sơn. 

Dòng xưa chuyện kể - Tường Linh

Sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm Sài Gòn, thầy ở lại cùng hai bạn đồng hương mở một tư thục trung học và thầy làm hiệu trưởng. Cha mẹ sáu sinh viên vừa tốt nghiệp đều học tại trường này và trực tiếp học các môn do thầy Mẫn dạy. Đó là thời gian trước Bảy lăm. Thầy Mẫn đã nghỉ dạy từ lâu.

Thầy Mẫn biết nhóm trẻ mời thầy cùng đi là muốn nhờ thầy làm “hướng dẫn viên” đáng tin cậy cho tour du lịch hành hương về thăm cội nguồn của họ.

Bảy người đáp máy bay về tới Đà Nẵng rồi tạm chia tay nhau để về thăm bà con quê nội của mỗi người.

Sau ba ngày, đúng hẹn, mọi người gặp nhau tại Vĩnh Điện thuộc thị xã Điện Bàn. Điểm đầu tiên để thăm thú, du ngoạn là sông Thu Bồn. Họ thuê riêng một chiếc ca-nô để ngược xuôi theo sông, lên đến Hòn Kẽm đá dừng mới quay trở lại.

Ông chủ ca-nô trạc tuổi thầy Mẫn, khỏe mạnh, nói năng xởi lởi, vui vẻ. Khi nghe mục đích chuyến đi của nhóm trẻ từ xa về, ông sốt sắng nhận lời và chỉ lấy giá thuê phương tiện phải chăng. Bà vợ của ông cũng đi theo để trợ lực chồng khi cần và phục vụ ẩm thực cho khách. Bà đã mua đầy hai giỏ thực phẩm đem theo.

Ca-nô rời bến. Ngồi phía sau cầm lái, ông chủ ca-nô nói sang sảng, giọng nói của người quen gào với sóng gió:

- Tôi sẽ cho ca-nô đi chậm để các cháu quan sát đôi bờ.

- Dạ, cảm ơn ông.

Từ lúc này, khi thì một cô, lúc một cậu thi nhau hỏi để thầy Mẫn giải thích. Họ bắt đầu chụp ảnh.

- Xin thầy cho chúng cháu biết về các địa danh hai bên sông.

- Được, nhưng thầy chỉ nhớ những tên làng cũ, còn tên các xã mới bây giờ thầy không biết nhiều. Phần lớn những xã mới bây giờ do mấy làng cũ nhập lại.

- Thưa thầy, cha mẹ cháu thường nhắc nhiều tên đất, tên làng dọc sông này được ông bà ta đặt hay lắm.

- Ví dụ như Hòn Kẽm đá dừng, nơi chúng ta sẽ đến thăm đó, thưa thầy.

Thầy Mẫn nói:

- Địa danh ấy gần đầu nguồn sông Thu Bồn. Các cháu đến đó sẽ biết, bây giờ kể trước mất hay. Có điều là từ xưa nơi đó đã nằm trong câu hát: “Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Lại có hai câu nối: “Thương cha nhớ mẹ thì về/ Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”. Câu này có tính bóng gió của chồng dặn vợ hay ngược lại. Cụm từ “thương kiểng nhớ quê” là thương nhớ ai đó đã thành cố nhân ở quê nhà. Một kiểu ẩn dụ khá “ẩn” và độc đáo.

Nhóm trẻ vỗ tay reo:

- Câu hát dân gian như ca dao của xứ mình mà hay đến thế huống chi là thơ phải không, thưa thầy?

- Ờ, tùy các cháu nhận xét. Các nhà thơ tỉnh mình, nhất là những thi nhân ở dọc sông này mỗi người đều có ít nhiều bài thơ về sông Thu Bồn.

- Chúng cháu có đọc một số bài thơ ấy, bài nào cũng hay. Con sông quá đẹp như thế này mà không có nhà thơ và các nhà thơ không ca ngợi nó mới là lạ.

Thầy Mẫn nói:

- Không phải ở thời nay mà từ xưa cũng đã có những bài về sông này nhưng gần như hầu hết là theo thể Đường luật, biền ngẫu chứ ít có thơ mới. Ví dụ như cụ Tú Quỳ sinh năm 1828 mất năm 1926. Cụ tên thật là Huỳnh Quỳ ở làng cũ Giảng Hòa huyện Đại Lộc. Cụ có bài thơ “Cồn Con” tả một cồn nhỏ giữa sông ở đoạn gần tới Hòn Kẽm. Lại có một câu đối của cụ Tú Chinh cùng quê và là bạn thân của thân phụ thầy. Câu đối của cụ Tú làm hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, nội dung ca ngợi núi sông, đất và người Quảng Nam:

Ngũ Hành sơn địa linh sinh nhân kiệt;

Thu Bồn giang thủy tú phát văn tài.

Nhóm trẻ lại hoan hô. Một cậu hỏi:

- Tỉnh ta có nhiều nhà thơ lắm hả thầy?

- Không biết nên cho là nhiều hay ít. Năm 2005, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Nam đã biên soạn, ấn hành tuyển tập thơ lấy tên “Trăm năm thơ đất Quảng”, lấy điểm khởi từ đầu thế kỷ 20, có 166 tác giả, mỗi tác giả chỉ được tuyển mấy bài, thế mà cũng đến 447 bài thơ.

Nhóm trẻ lắng nghe và hết sức thán phục.

Ca-nô ngược dòng giữa hai viền làng mạc vườn tược xanh mướt. Hễ làng bên này có bãi cát thì làng bên kia không có. Đôi bờ sông cứ tiếp tiếp như thế.

- Sông này có nạn cát tặc không thầy?

- Phải gọi là sa tặc mới đúng danh từ kép Hán tự. Sông này cũng có bọn xấu ấy, nếu chính quyền không mạnh tay với chúng thì đôi bờ sông sẽ bị sạt lở.

Ca-nô ghé một bến đông ghe thuyền phía hữu ngạn. Thầy Mẫn nói:

- Đây là làng cũ Thu Bồn thuộc huyện Duy Xuyên tơ lụa.

- Sao đã có sông Thu Bồn lại còn có tên làng y như vậy, thưa thầy?

- Thì đó cũng là cái hay của ông bà ta xưa. Hồi thầy còn nhỏ có biết tên sông Thu Bồn chỉ từ đây trở lên lấy tên làng Thu Bồn làm mốc. Song song đó, bên kia có làng cũ Ô Gia ngang làng Thu Bồn này. Sông Vu Gia của huyện Đại Lộc thời trước dân gian gọi là sông Ô Gia. Cũng như làng Thu Bồn, làng cũ Ô Gia là mốc của sông Vu Gia ở điểm kết nguồn. Phía dưới điểm hợp lưu của hai con sông này không xa có làng cũ tên Giao Thủy, nghĩa là nơi hai nguồn nước gặp nhau. Từ đây ra tới biển, cũng theo cách gọi của dân gian thời trước, quãng sông dài này gọi là sông Cái. Vậy mới có câu hát: “Phải chi sông Cái có cầu/ Ta ra ta giải cơn sầu (cho) bạn nghe”. Ngày nay sông Cái được gọi chung là Thu Bồn.

Bà vợ ông chủ ca-nô lên chợ Thu Bồn rồi trở xuống cười vui nói với bảy vị khách:

- Tôi tìm mua được hai con cá rói sống nhăn. Thầy và các cháu ở xa về mà không ăn mì Quảng là một thiếu sót lớn. Trưa nay mọi người dùng mì cá rói, một loại cá chỉ có ở sông này để làm nhân mì thì không có loại nước nhân nào bì kịp.

Ca-nô tiếp tục ngược dòng. Đi được một quãng ngắn, thầy Mẫn chỉ tay về phía xa xa bên hữu ngạn:

- Chỗ núi mờ mờ kia là thánh địa Mỹ Sơn cũng thuộc địa phận huyện Duy Xuyên.

Đi một lúc nữa, thầy nói:

- Chúng ta sắp đi vào quãng sông rất dài. Từ đây đến tận nguồn, sông lượn giữa hai dãy núi dài. Nơi nào, làng mạc nào cũng gần núi.

Nhóm trẻ nhìn rồi reo lên:

- Quả là núi viền sông.

- Ông thợ trời bố cục cảnh quan cho sông Thu Bồn khéo thật.

- Đúng là sơn thủy hữu tình.

Thầy Mẫn nhìn hai bên sông rồi nói:

- Chúng ta bắt đầu đi vào thủy phận của phía tây huyện Quế Sơn nay là huyện Nông Sơn, bên trái và phải đoạn sông cùng một làng cũ có tên Phường Rạnh.

- Tên làng nghe lạ quá thầy nhỉ!

- Chữ Rạnh là gì vậy thầy?

Thầy Mẫn giải thích hơi dài vì có liên hệ với một số địa danh khác:

- Làng này lập sau các làng ở đây. Khởi thủy có một số người làm nghề khai thác đá ở vùng hạ du thấy núi nơi đây có loại đá tốt. Họ đến khai thác. Họ lập lán trại tại đây rồi làm ra những vật dụng bằng đá như cối xay bột, cối giã gạo, cối đâm tiêu, mặt bàn vân vân rồi đưa về xuôi bán. Làm ăn phát đạt, họ dựng nhà, lập làng. Ban đầu họ đặt tên làng này là Phường Thạnh theo thành ngữ “buôn có bạn, bán có phường”. Sau vì thấy trùng tên khả kính của một vị nào đó, dân đời trước đời sau ở đây gọi đổi “Thạnh” thành “Rạnh”. Như ông Lỗ Tấn đã nói đại ý: “Nhiều người đi lâu sẽ thành lối”.

Dọc sông Thu Bồn, thầy Mẫn tiếp, còn có một số địa danh do dân gọi khác với chính danh văn tự. Thầy không biết tại sao người quê ta kiêng chữ “Đại”. Như làng Quảng Đại của huyện Đại Lộc bị (hay được) gọi là Quảng Đợi, làng Đại Bình ta sắp đi ngang bị đổi cả hai chữ thành Đợi Bường. Lớn như một cửa biển là Cửa Đại, dân tỉnh mình cũng gọi là Cửa Đợi. Thầy cũng thích gọi như thế vì chảy ngang phố cổ Hội An có sông Hoài, sông Hoài là sông nhớ thì cũng nên có cửa biển Đợi. Nên thơ quá!

- Còn địa danh nào dọc sông này bị gọi khác, thưa thầy?

- À, đối diện với làng “Đợi Bường” là làng cũ Trung Phước. Sau lưng làng này có dãy núi đẹp, ông bà ta đặt tên chữ là “Lập Bút Sơn”, nhưng người địa phương cứ gọi là núi Cà Tang. Ngang đầu làng này là mỏ than đá Nông Sơn, tên chữ của làng là Tứ Nông. Thế nhưng xưa nay người trong vùng không gọi Tứ Nông hay Nông Sơn mà gọi là Trươm. Có lẽ Cà Tang và Trươm là tên của người Chăm xưa đặt, thầy không hiểu nghĩa. Chúng ta ngược dòng sẽ ngang một làng cũ bên tả ngạn có tên là Dùi Chiêng. Thầy đã từng đến đây thấy hình dáng làng không có điểm nào giống cái dùi đánh chiêng. Tên thật của làng là Xuân Yên (khói mùa xuân) thì ít khi nghe ai dùng tới. Lên khỏi làng này còn có hai làng cũ là Tí và Sé, thầy cũng không hiểu nghĩa.

Một cô hỏi:

- Thưa thầy, con thấy hai bên sông từ thủy phận tây Quế Sơn trở lên nhiều nơi có triền đất bên sông, bà con ta trồng gì trên đó?

- Ở ta gọi những triền đất ven sông ấy là nà, nhờ các trận lụt bồi bổ phù sa nên chất đất rất tốt. Các nà ấy trồng bắp và dâu. Bà con mình gọi bắp chứ không gọi ngô, chẳng nói trồng bắp mà là trỉa bắp. Nổi tiếng từ xưa là bắp Tí, Sé.

Ca-nô qua các làng vùng sâu vùng xa nhưng có tên hay như Đá Ngang, Nhũ Sơn, Thạch Bích... Mấy cô cậu tha hồ chụp ảnh.

Bỗng từ phía sau, ông chủ ca-nô nói lớn:

- Cồn Con ở phía trước đó!

Một cồn nhỏ nhô lên giữa sông mọc các loại thủy thảo chứ không có cây lớn. Ông lái cho ca-nô vòng quanh cồn để khách xem rồi mới đi tiếp. Các cô cậu Cử nài nỉ thầy Mẫn đọc cho họ nghe bài thơ Cồn Con của cụ Tú Quỳ. Thầy Mẫn đọc lớn:

Hầm đúc âm dương lẽ chẳng không?

Sinh ra cồn nọ giữa dòng sông

Cỏ phơi tóc yếu mây che đậy

Đá lố xương non sóng ẵm bồng

Thạch Bích nương cha ngàn thuở ấm

Nhũ Sơn nhờ mẹ mấy năm công?

Xa gần muốn hỏi ra tông tổ

Rằng có Bãi Bà, có Thác Ông.

Nhóm trẻ đồng thanh hét lên:

- Hay quá!

- Bài thơ cách nay ngót trăm năm theo thể Đường luật cũ mà tứ và từ rất mới!

Thầy Mẫn bổ sung bằng giọng nói như kiểu giảng văn thời còn dạy học:

- Cụ Tú Quỳ tài tình ở chỗ vì Cồn Con có chữ “con” nên tác giả đã nhân cách hóa nó thành đứa con có cha là làng Thạch Bích, mẹ là làng Nhũ Sơn. Nhũ Sơn là vú sữa của núi. Nó còn có đủ ông bà là Thác Ông, Bãi Bà. Mấy địa danh này đều có thật ở sông Thu Bồn.

Đang sửa soạn cho món mì ăn trưa, bà vợ ông chủ ca-nô nói:

- Bài thơ cụ Tú rất hay và lời giảng của thầy cũng hay. Vậy thì...

Bà cất tiếng rao đùa: mì cá rói nóng hổi vừa thổi vừa ăn đ...â...y...

Mọi người cười vang.

Thầy Mẫn nói:

- Từ đây lên khỏi Hòn Kẽm là đầu nguồn sông Thu Bồn thường có những cơn mưa bất chợt nhưng không lan rộng. Từ những nơi xa phía hạ du nhìn lên thấy màn mưa trắng xóa. Lúc sinh thời ở tại làng Trung Phước, thi sĩ Bùi Giáng đã lấy cảm hứng từ đó làm tập thơ Mưa Nguồn nổi tiếng.

Đám trẻ lắng nghe. Thầy Mẫn nói tiếp:

- Vì ít thời giờ nên thầy chỉ mới kể với các cháu một số nét tiêu biểu về cái đẹp thời bình lặng của sông Thu Bồn mà chưa kể về sự anh dũng, kiên cường của dòng sông thời kháng chiến, quân dân ta đôi bờ đã đánh đuổi quân xâm lược như thế nào; thầy cũng chưa kể khi con sông trở chứng gây lũ lụt như thế nào...

Một lát sau, bảy “du khách hành hương” bàn bạc về chuyện đi tiếp đến một số nơi của tỉnh nhà. Thầy Mẫn tư vấn: sẽ thuê một ô-tô bảy chỗ đi thăm Hội An, Mỹ Sơn, đi luôn lên Trung Phước, thăm mỏ than đá Nông Sơn, rồi trở

qua cho biết đèo Le, ra Hương An, vào

Tam Kỳ...

Hòn Kẽm đá dừng đã hiện ra ở phía trước. Đoạn sông bị thắt cổ chai giữa hai vách đá cao dựng đứng...

T.L