Quảng bá văn học nghệ thuật trên báo chí Đà Nẵng

22.06.2023
Bùi Văn Tiếng
Vòng đời của một tác phẩm văn học nghệ thuật bao gồm quá trình lao động nghề nghiệp của văn nghệ sĩ, bước trung chuyển của sân khấu, xuất bản, báo chí và sự tiếp nhận của công chúng - người đọc, người nghe, người xem.

Quảng bá văn học nghệ thuật trên báo chí Đà Nẵng

Tạp chí Non Nước thường xuyên đăng tải các sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình về văn học, nghệ thuật.

Chính vì thế để các tác phẩm văn học nghệ thuật có thể đến được với đông đảo độc giả, thính giả, khán giả, được đông đảo công chúng tiếp nhận và thậm chí đồng sáng tạo, rất cần vai trò trung chuyển, chức năng cầu nối của các loại hình sân khấu - từ những rạp hát, rạp chiếu phim với hiệu ứng âm thanh và ánh sáng chuẩn mực cho đến những sàn diễn lộ thiên hay những triển lãm ngoài trời; rất cần vai trò trung chuyển, chức năng cầu nối của các ấn phẩm xuất bản bao gồm sách in và sách điện tử; và thường xuyên hơn, rất cần vai trò trung chuyển, chức năng cầu nối của các loại hình báo chí từ báo in cho đến báo nói, báo hình… Bài viết này tập trung vào việc quảng bá văn học nghệ thuật trên báo chí Đà Nẵng, tìm hiểu báo in, báo nói, báo hình của thành phố bên sông Hàn thực hiện vai trò trung chuyển, chức năng cầu nối như thế nào để đưa các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng Đà Nẵng.

*

Báo Đà Nẵng là tờ báo chính trị nhưng không chỉ tập trung giới thiệu với người đọc những chủ trương chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Đảng bộ thành phố về phát triển văn học nghệ thuật, chẳng hạn như đối với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, chỉ tính 5 năm trở lại đây, ngày 28-3-2018 Báo Đà Nẵng có bài “Hoạt động văn học-nghệ thuật phát triển hiệu quả” đưa tin về hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố tổ chức, ngày 12-4-2023 Báo Đà Nẵng có bài “Văn học-nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa” đưa tin về hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết do Thành ủy tổ chức… mà còn trực tiếp quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật trên nhiều chuyên mục của cả báo in và báo điện tử. Về báo in, đáng chú ý là chuyên mục Văn học - Nghệ thuật trên Báo Đà Nẵng Cuối tuần với phần Thơ do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu, phần Văn xuôi để đăng những bút ký, tản văn và dành hẳn một trang để đăng truyện ngắn, phần Đọc sách để quảng bá những tác phẩm văn chương đã được xuất bản, và phần Cuộc sống qua ảnh giới thiệu những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật. Ngoài ra còn có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật được quảng bá trên chuyên mục Thông tin -Giải trí…

Tuy nhiên, có thể nói các tác phẩm văn học nghệ thuật được quảng bá thường xuyên nhất là trên báo điện tử, qua các chuyên mục Sáng tác và Cuộc sống qua ảnh trong phiên bản điện tử của Đà Nẵng Cuối tuần, cũng như qua các chuyên mục Văn hóa - Giải trí, Phóng sự - Ký sự, Tác giả xứ Quảng… Nhiều văn nghệ sĩ - đúng hơn là nhiều sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật - được vinh danh trong chuyên mục Tác giả xứ Quảng qua các bài viết như bài “Huỳnh Thị Bảo Hòa - người cách mệnh của nữ giới” đăng ngày 11-12-2017; bài “Phạm Hầu - Vẫy ngoài vô tận” đăng ngày 28-02-2018; bài “Cây đại thụ tuồng Hoàng Châu Ký” đăng ngày 29-4-2018; bài “Lưu Quang Vũ - bài hát còn dang dở” đăng ngày 23-9-2018; bài “Con chim vàng của nền nhạc Việt” viết về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đăng ngày 25-11-2018; bài “Trinh Đường, người khắc tia chớp lên bia mộ mình” đăng ngày 27-10-2019; bài “Phạm Lam Anh, người mở đầu văn chương xứ Quảng” đăng ngày 23-12-2019; bài “Những vần thơ từ hình khối” viết về nhà điêu khắc Lê Công Thành đăng ngày 27-4-2020; bài “Nguyễn Văn Xuân toàn tập - một di sản chữ của đất Quảng” đăng ngày 26-12-2020; bài “Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Lai: Từ chân nhắc tuồng đến nghệ sĩ bậc thầy” đăng ngày 2-7-2022; bài “Nhạc sĩ Văn Cận nặng lòng với quê hương” đăng ngày 1-10-2022…

*

Báo Công an thành phố Đà Nẵng - nay là chuyên trang Công an thành phố Đà Nẵng của Báo Công an nhân dân, cả báo in và nhất là báo điện tử, cũng góp phần quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật qua chuyên mục Văn hóa. Đây là một chuyên mục rất phong phú với ba phần Đời sống văn hóa, Giao lưu và Nghệ thuật, trong đó đáng chú ý là phần Giao lưu nhằm qua một số bài viết, mở rộng phạm vi quảng bá văn học nghệ thuật ra ngoài thành phố, chẳng hạn như bài “Nhiều tác phẩm chưa từng công bố của cố họa sĩ Phan Kế An sẽ ra mắt công chúng” đăng ngày 08-3-2022, như bài “Tổ chức Tuần lễ phim Ấn Độ tại Duy Xuyên” đăng ngày 19-3-2022, như bài “Đêm âm nhạc Hàn Quốc tại Đà Nẵng” đăng ngày 01-9-2022, như bài “Gặp gỡ ông hoàng trinh thám Pháp Michel Bussi tại Đà Nẵng” đăng ngày 31-10-2022, như bài “Đặc sắc chương trình giao lưu nghệ thuật giữa quận Hải Châu và thành phố Uiwang Hàn Quốc” đăng ngày 12-11-2022, như bài “Gần 600 nghệ sỹ tham gia Hội thi Hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ VII - Hội An 2023” đăng ngày 04-4-2023…

*

Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng với bộ phận chuyên trách là Phòng Văn nghệ cùng ưu thế đa phương tiện - cả báo nói và báo hình - đã đóng góp lớn vào việc quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật với chuyên mục Giải trí qua các chương trình truyền hình Câu chuyện âm nhạc, Đọc sách cùng bạn, Tọa đàm văn nghệ, Văn nghệ cuối tuần, hoặc qua chương trình phát thanh Quà tặng âm nhạc… Đặc biệt Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng không chỉ quảng bá phim tài liệu mà còn là chiếc nôi sáng tạo phim tài liệu, góp phần tạo nên thế mạnh phim tài liệu của điện ảnh Đà Nẵng với những tác phẩm nổi tiếng của đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Hùng, như phim “Trang đời huyền thoại” với nhân vật chính là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, như phim “Người giữ thành Hà Nội” với nhân vật chính là Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu, như phim “Con mắt còn có đuôi” với nhân vật chính là nhà văn Phan Khôi, như phim “Sông núi khắc tên” với nhân vật chính là Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại, như phim “Người cháu gái cụ Phan” với nhân vật chính là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình… Chưa kể nhạc hiệu các chương trình phát thanh và truyền hình cũng là cách quảng bá hiệu quả một số ca khúc, trong đó hành khúc “Người Đà Nẵng” ra đời vào năm 1968 của cố nhạc sĩ Phan Ngọc là nhạc hiệu chính của Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng: “Trong bao đau thương Đà Nẵng đứng lên cầm súng/ Hồn nước thiêng liêng - Gọi chúng ta đi/ Đây trái tim của người Đà Nẵng/ Như đá hoa cương trên chùa Non Nước - Tỏa sáng long lanh…”.  

*

Đương nhiên quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí Đà Nẵng thường xuyên và tập trung nhất vẫn là hai diễn đàn của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố - Tạp chí Non Nước và Trang tin điện tử tổng hợp Văn Nghệ Đà Nẵng, trong đó Tạp chí Non Nước giữ vai trò chủ đạo. Phổ biến trên Tạp chí Non Nước ra hằng tháng là các sáng tác thơ văn, các bài nghiên cứu lý luận và phê bình văn học, các tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh nghệ thuật, các ca khúc - hầu hết đều được kịp thời đăng tải trên Trang tin điện tử tổng hợp Văn Nghệ Đà Nẵng ngay sau khi phát hành bản in nhằm tạo thêm hiệu ứng quảng bá. Có thể nói dẫu được sự đồng hành của báo chí trên địa bàn trong việc quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật nhưng Tạp chí Non Nước và Trang tin điện tử tổng hợp Văn Nghệ Đà Nẵng vẫn phải không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng biên tập để không chỉ gánh vác vai trò một trạm trung chuyển, một cầu nối huyết mạch đưa sáng tác văn học nghệ thuật đến với đông đảo công chúng mà còn phấn đấu trở thành một thương hiệu văn nghệ tầm cỡ góp phần làm nên thương hiệu Đà Nẵng đang khao khát vươn tới mục tiêu thành phố đáng đến và đáng sống./.       

B.V.T