Jon Fosse: Với tôi viết là một cách sống

13.08.2018

Jon Fosse được gọi là Ibsen đương đại. Hiện nay ông là nhân vật số 1 của văn học Na Uy, từng đoạt giải văn học của Hội đồng Bắc Âu và giải thưởng quốc tế mang tên Ibsen, tương tự như giải Nobeltrong sân khấu. Các cuốn tiểu thuyết của Fosse đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ, kịch của ông đã được dàn dựng ở nhiều nước khác nhau. Năm 2007, tờ Daily Telegraph gọi Fosse là “thiên tài sống”.

Jon Fosse: Với tôi viết là một cách sống

Từ ngày 6-9 tháng 4 năm 2018, tại Saint-Petersburg (LB Nga) đã diễn ra Liên hoan kịch đầu tiên của Jon Fosse. Sự kiện chính của Liên hoan này là giới thiệu tuyển tập kịch mới của Fosse “Khi thiên thần xuất hiên trên sân khấu” được xuất bản ở Nga. Nhân dịp này phóng viên Elena Smorodinova có cuộc trò chuyện với nhà văn, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Phóng viên: Ông tuyển chọn các vở kịch cho tuyển tập in ở Nga theo nguyên tắc nào?

Jon Fosse: Ý tưởng xuất bản tuyển tập bằng tiếng Nga thuộc về dịch giả của tôi Elena Rachinskaya. Tôi buộc đồng ý với đề nghị của chị - thu thập tất cả các vở kịch đã dịch trước đây ra tiếng Nga và dịch thêm các vở mới: “Những cái bóng”-vì tại LH vào tháng 4 năm nay, nó được dàn dựng trên sân khấu nhà hát Vakhtangov, “Tôi là gió” – vì nó là một trong những vở kịch xuất sắc của tôi và tôi muốn được dàn dựng ở Nga, và “Đứa trẻ”, vở kịch đầu tay nổi tiếng của tôi được Nhà hát quốc gia ở Oslo dàn dựng và cả hai chúng tôi đều rất thích.

 

 * Ông mơ ước dịch kịch Chekhov, vở nào vậy? Ông định bắt đầu từ đâu?

         - Vâng, có một ước mơ như vậy. Tôi đã đọc và xem, có lẽ, tất cả  kịch của Chekhov ở các nhà hát khác nhau. Tôi mơ ước cùng với ai đó giỏi tiếng Nga, dịch một trong những vở kịch vĩ đại của Chekhov. Tôi muốn chọn “Cậu Vania”. Có lẽ, vì tôi đã  xem vở này được dàn dựng rất xuất sắc ở Budapest.

 

Ông công nhận rằng Dostoyevsky luôn luôn là thiên tài đối với ông, vậy các nhà văn nào của Nga và thế giới có ảnh hưởng tới ông?

- Có hai nhà văn tôi chịu ảnh hưởng, và tôi coi tác phẩm của mình là sự đối thoại với họ, tất nhiên với rất nhiều lý do. Một người là Samuel Beckett (Ireland), vở kịch nổi tiếng nhất của ông là “Đợi Godot”. Không phải ngẫu nhiên mà vở kịch đầu tay, và có lẽ, nổi tiếng nhất của tôi được gọi là “Có ai đó sắp đến”.

Nhà văn thứ hai là Tarjei Vesaas (Na Uy), cũng như tôi ông viết bằng tiếng Na Uy mới, và tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, nhưng tôi không biết ở Nga ông nổi tiếng như thế nào. Trong tác phẩm của ông, tôi rất mê cái giọng nói nhỏ nhẹ và đồng thời hết sức chính xác và trong trẻo. Tôi coi tiểu thuyết xuất sắc nhất của ông là “Những con chim”.

Tôi còn rất thích một nhà văn nữa, nhưng tôi không chịu ảnh hưởng của ông. Đó là Knut Hamsun (Na Uy). Ông là người độc nhất vô nhị. Tôi biết ông rất nổi tiếng ở Nga.

 

Hồi nhỏ ông thích những truyện cổ tích nào?

- Tối nào cũng vậy, trước khi ngủ, mẹ kể cho tôi và em gái nghe về một gia đình chuột sống trong cái kho thuyền bên bờ vịnh, cách nhà chúng tôi không xa. Và buổi tối nào tôi với em gái cũng háo hức chờ đợi phần tiếp theo của câu chuyện. Mẹ tôi là một người kể chuyện rất hay. Nhưng mẹ không bao giờ nghĩ tới việc viết truyện cổ tích.

Trong các truyện cổ dân gian Na Uy nổi tiếng, tôi rất thích truyện “Ba con dê”.  Ở Na Uy, người ta thường xuyển kể truyện này cho trẻ em. Có thể vì vậy mà cho đến nay tôi vẫn còn nhớ.

 

Thị hiếu văn học của ông thay đổi như thế nào từ tuổi thiếu niên tới khi trưởng thành?

- Mỗi độc giả có những nhà văn của mình thời trẻ, đối  với tôi một trong những nhà văn như vậy là Dostoyevsky. Ngoài ra còn có nhà văn Na Uy Jens Bjørneboe. Tác phẩm của ông có vai trò lớn đối với tôi, khi tôi còn thiếu niên, nhưng từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn chưa đọc lại. Mấy năm trước, tôi mê tác phẩm của nhà văn và nhà viết kịch Áo Thomas Bernhard. Nhưng sau đó tôi không muốn đọc nữa.

Những năm gần đây, tôi đọc lại văn học cổ điển, bi kịch Hy Lạp. Tôi đọc lại cả Franz Kafka và dịch một số truyện vừa và truyện ngắn của ông. Thời gian gần đây, tôi cũng đọc nhiều tác phẩm của nhà văn Thụy Điển Torgny Lindgren, và nhà văn, nhà viết kịch Áo Peter Handke.

 

Ông đọc sách giấy hay sách điện tử?

- Chỉ sách giấy! Một lần tôi thử đọc sách điện tử, nhưng tôi không thích. Không thể chịu được. Tôi cần ghi chú bằng bút chì bên lề trang sách, đánh dấu những từ hay câu văn, những ý tưởng mới. Ai đó nói rằng một số phát minh vĩ đại đến mức chúng không bao giờ lùi sâu vào dĩ vãng, trong  đó có sách và bánh xe. Tôi hoàn toàn đồng ý

 

* Ông có ghi chép các trích dẫn ư?

                 - Tôi dùng bút chì đánh dấu những ý tưởng quan trọng và ghi chép bên lề sách. Sẽ có lúc tôi xem lại những ghi chú này. Tập thơ mới nhất của tôi “Thơ. Theo mô-típ của Henrik Wergeland” được hình thành từ những ghi chú như vậy bên lề tập thơ của ông.

 

* Hàng ngày ông đọc gì? Có một chỗ riêng biệt để ông đọc sách hay ông có thể ngồi đọc bất cứ đâu?

                 - Tôi không xem truyền hình và hầu như không bao giờ nghe đài, tôi cũng không nghe nhạc. Trừ khi đi xem biểu diễn. Tôi với vợ thích đến nhà hát xem biểu diễn nhạc cổ điển. Nhạc sĩ xuất sắc nhất của mọi thời đại và mọi dân tộc đối với tôi là Bach.

            Nhưng tôi cũng thích nhạc sĩ đương đại Arvo Pärt (Estonia). Tôi yêu nhạc dân tộc Na Uy. Tôi đọc các loại sách khác nhau, và đề tài cũng thay đổi định kỳ. Trong 6-7 năm gần đây, tôi đọc nhiều sách về thần học, về nhạc thánh của Meister Eckhart và về ông.

 

* Đọc kịch và đọc sách là một hay khác nhau?

- Đối với tôi không có gì khác nhau. Phần lớn các nhà viết kịch mà tôi thích, đều sáng tác các thể loại khác, ví dụ như Beckett. Và họ luôn luôn giữ được sự độc đáo của mình, không phụ thuộc vào việc họ viết văn xuôi, kịch hay thơ. Các nhà văn tôi thích đều có một giọng điệu đặc biệt, bất kể họ viết thể loại gì.

 

Theo ông, độc giả và khán giả Nga và Na Uy khác nhau như thế nào?

- Tôi biết quá ít về độc giả và khán giả Nga để phát biểu ý kiến về họ. Tôi đã xem vở “Giấc mơ về mùa thu” [1]do Klim dàn dựng ở Saint-Petersburg và vở “Một lần vào mùa hè”[2] do Färit Bikçäntäyef dàn dựng ở Budapest. Tuy cách dàn dựng rất khác nhau, nhưng mỗi vở có cái hay riêng.

 

* Ông có bực mình vì phải nhường giải Nobel văn học không phải cho Umberto Eco hay Haruki Murakami, mà là cho Bob Dylan không?

- Không biết tôi có được đề cử giải Nobel văn học hay không, nhiều người khẳng định là có. Tôi cho rằng việc lựa chọn Bob Dylan là không đúng. Và từ đáy sâu tâm hồn, tôi cảm thấy Dylan cũng nghĩ như vậy. Chính ông ta đã mượn tên của nhà thơ  Dylan Thomas (xứ Uên), người không được trao giải Nobel, có lẽ vì mất sớm. Và hành vi của Bob Dylan đối với Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng không thể gọi là tốt. Thật cay đắng vì nhà thơ Mỹ xuất chúng John Ashbery nhiều lần được đề cử giải thưởng này vẫn không được nhận, và mất vào năm 90 tuổi chẳng bao lâu sau khi Dylan được trao giải

 

* Ông coi mình là nhà viết kịch hay nhà văn? Theo ông, có hay không sự khác nhau cơ bản giữa việc viết kịch và viết tiểu thuyết?

- Đối với tôi viết là một cách sống, thực ra, đó chính là cuộc đời tôi. Tôi không bao giờ cảm thấy bế tắc trong sáng tác, thiếu cảm hứng, ngược lại, có một cái gì đấy luôn luôn thôi thúc tôi viết. Viết kịch và văn xuôi là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Trong kịch điều chủ yếu là cái không thể diễn đạt, tức cái người ta không nói ra. Cái không thể diễn đạt cũng quan trọng trong tiểu thuyết, nhưng hoàn toàn theo cách khác. Có những thời kỳ tôi viết văn xuôi, mà cũng có thời kỳ tôi viết kịch. Hiện nay tôi đang viết văn xuôi. Sự thay đổi này thuận lợi đối với tôi: khi mệt mỏi vì thể loại này, tôi chuyển sang thể loại khác.

Tôi còn làm thơ, khi có cảm hứng. Và xét về mặt này, kịch giống thơ hơn tiểu thuyết. Tôi thường trích dẫn câu nói của  Lorca- kịch là thơ ca đứng dậy từ trang sách và tìm thấy máu thịt!

 * Năm 2007, báo Daily Telegraf gọi ông là “thiên tài sống”, ngoài ra ông còn được mệnh danh là “Ibsen mới”. Ông có cảm thấy áp lực không?

- Tôi tìm cách tránh xa những gì báo chí viết về tôi, và hình ảnh chính thức nào đó của tôi. Hình như tôi đã thành công. Tôi thường nói rằng tôi là ba trong một:  “tôi-người viết”, hay chính xác hơn, người viết trong tôi; tôi-nhân vật của công chúng, được ban cho những phẩm chất nhất định, không biết có chính xác hay không, nghĩa là  Jon Fosse; tôi- con người cụ thể Jon có ít nhiều điểm chung với hai nhân vật đầu tiên, nhưng cũng có khá nhiều cái khác. Trong đời riêng tôi là người rụt rè, ít giao tiếp và không thích được chú ý. Tôi rất thoải mái khi ở một mình, vì nó phù hợp với công việc viết văn của tôi.

 

* Ông mơ ước viết được cuốn sách như thế nào, nếu như nó chưa được viết bởi người khác?

- Mỗi cuốn sách hoặc mỗi vở kịch, có lẽ, trong một chừng mực nào đó, chính là cuốn sách mà tôi luôn mơ ước viết được. Viết nghĩa là mơ ước, nhìn thấy giấc mơ giữa ban ngày. Tôi không thể nói rằng muốn trở thành tác giả của những cuốn sách nào đó mà người khác đã viết, nhưng tôi cảm thấy vui mừng và biết ơn tất cả những tác phẩm văn học thực sự có giá trị mà những người khác đã viết, bất kể văn xuôi, kịch hay thơ. Chúng mở rộng và làm giàu cuộc sống của tôi và của tất cả những người quan tâm tới văn học.

 

Trần Hậu

(Theo https://gorky.media/context/vdnf-menya-pisat-eto-sposob-zhit/)
(Văn nghệ số 31/2018)