Truyện khoa học viễn tưởng Việt Nam: Bức tranh còn nhiều khoảng trống
Hình ảnh tại Tọa đàm “Jules Verne và những ảnh hưởng đến khoa học giả tưởng Việt Nam”. Ảnh: Trần Hoàng Minh.
Truyện khoa học viễn tưởng và những định nghĩa “mở”
Đến thế kỷ XIX, truyện khoa học viễn tưởng là một khái niệm rất mới. Nhà văn Mỹ Edgar Allan Poe (1809-1849) được coi là người đầu tiên phác thảo nên những đường nét căn bản của thể loại văn học đầy ắp tính sáng tạo, mở ra thế giới tri thức kỳ diệu, giấc mơ lãng mạn về khoa học tương lai này.
Vậy bản chất của thể loại văn học này là gì? Có nhiều quan niệm khác nhau về truyện khoa học viễn tưởng. Benjamin Appel cho rằng: “Khoa học viễn tưởng phản ánh tư duy khoa học, một kiểu hư cấu về những điều-sẽ-đến dựa trên những điều-trong-tầm tay”1. Terry Carr định nghĩa: “Khoa học viễn tưởng là thứ văn học về tương lai, nó kể những câu chuyện về những vật kì diệu mà chúng ta hi vọng nhìn thấy, hoặc là để cho con cháu chúng ta được nhìn mai sau, trong thế kỉ tới, hoặc trong khoảng thời gian bất tận”2.. Hugo Gernsback quan niệm: “Khi nói đến truyện khoa học viễn tưởng, tôi muốn nói đến Jules Verne, H. G. Wells, và Edgar Allan Poe, một kiểu truyện - chất lãng mạn quyến rũ hòa trộn với thực tế khoa học và tầm nhìn mang tính tiên tri”3. Từ điển Thuật ngữ văn học định nghĩa: “Viễn tưởng là một phương pháp miêu tả đặc thù, sử dụng những dạng hình tượng (những khách thể, những tình huống, những thế giới), trong đó những yếu tố của thực tại được kết hợp với nhau theo lối siêu tự nhiên, kì lạ, khó tin... Kiểu viễn tưởng chủ đạo ở thế kỉ XX là viễn tưởng khoa học. Nó kế thừa yếu tố duy lí của viễn tưởng lãng mạn, tạo ra những hình tượng dựa trên các giả thiết và quan niệm khoa học”4.
Qua một vài định nghĩa kể trên, có thể thấy khái niệm văn học khoa học viễn tưởng tuy rất rộng nhưng dựa trên cốt lõi chủ yếu là năng lực tưởng tượng và sự am hiểu khoa học của nhà văn.
Thị trường sách khoa học viễn tưởng ở Việt Nam - “hàng ngoại” lấn át “hàng nội”
Một thực tế là trên thị trường sách khoa học viễn tưởng ở Việt Nam hiện nay, đa phần truyện “ngoại” chiếm ưu thế “áp đảo” so với truyện “nội”. Tiêu biểu có thể kể đến Truyện khoa học viễn tưởng chọn lọc gồm 10 truyện ngắn của 7 tác giả của châu Âu và châu Mỹ: Ray Bradbury (Mỹ, 1920-2012), Robert Sheckley (Mỹ, 1928-2005), Manuel Garcia-Vieo (Tây Ban Nha), H.Hargreaves (Canada), Liubendilov (Bungari), Max Raynold (Mỹ), Henri Troyat (Pháp); hay 11 cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hay nhất hiện nay cho người mới bắt đầu cũng không thấy “lọt” vào một cái tên tác giả người Việt nào, mà chỉ xuất hiện những cái tên truyện/ tên tác giả “ngoại”, đó là: Hai vạn dặm dưới biển (Jules Verne, 2018, Nxb Hồng Đức); Trạm tín hiệu số 23 (Hugh Howey, 2018, Nxb Văn học); All You Need Is Kill - Cuộc chiến luân hồi (Hiroshi Sakurazaka, 2017, Nxb Hội Nhà văn); Bí kíp quá giang vào ngân hà (Douglas Adams, 2017, Nxb Lao động); Sáu đợt thức tỉnh (Mur Lafferty, 2019, Nxb Văn học); Người về từ sao Hỏa (Andy Weir, 2016, Nxb Hội Nhà văn); Người truyền kí ức (Lois Lowry, 2014, Nxb Hội Nhà văn); Cô gái vượt thời gian (Yasutaka Tsutsui, 2017, Nxb Thế giới); Animorphs - Người hóa thú (tập 1): Cuộc xâm lược (Katherine Applegate, 2018, Nxb Hội Nhà văn); Kẻ trộm giấc mơ (Yasutaka Tsutsui, 2018, Nxb Hà Nội); 451 độ F (Ray Brabury, 2018, Nxb Văn học); trong 14 sách khoa học viễn tưởng hay dành cho mọi thế hệ người đọc, toàn bộ các tác phẩm đều của các tác giả nước ngoài, với một số cái tên tiêu biểu: Cỗ máy thời gian (H.C.Wells); Tôi là người máy (Isaac Asimov); Frankenstein (Mary Shelley); Tam thể (Lưu Từ Hân); Xứ cát (Franklin Patrick Herbert).
Nói như vậy không có nghĩa không có nhà văn Việt Nam viết truyện khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, đội ngũ tác giả viết thể loại văn học này ở Việt Nam đến nay còn rất mỏng. Vậy nguyên nhân của hiện tượng trên là gì? Trước hết, đây là dòng văn học “kén” cả người viết và người đọc, đặc biệt đòi hỏi người viết phải sở hữu những phẩm tính đặc thù như có năng lực văn chương, có tư duy khoa học và tri thức khoa học, có trí tưởng tượng phóng khoáng và năng lực dự cảm tương lai. Nói cách khác, để thành công, người viết thường phải là nhà khoa học say mê văn chương hay nhà văn thích thú với khoa học. Điều này quả thực không đơn giản, và có lẽ là một trong những lí do khiến dòng văn học khoa học viễn tưởng ở Việt Nam trong khoảng vài thập kỉ gần đây hầu như không phát triển, hoặc rơi vào tình trạng “hàng nội bị lấn át bởi hàng ngoại”. Ngoài ra, nhiều nhà xuất bản trong nước vì chạy theo doanh thu nên thường chọn giải pháp ít mạo hiểm là nhập những tác phẩm nước ngoài đã nổi tiếng. “Ở Việt Nam, chúng ta hầu như chưa có những dòng tác phẩm kỳ ảo, viễn tưởng cho riêng mình (...) Nỗi sợ lớn nhất khi viết và xuất bản sci-fi (truyện khoa học viễn tưởng) ở Việt Nam là do nó vốn chưa có tiền lệ. Các nhà xuất bản thường chọn phương án an toàn là nhập các tác phẩm sci-fi đã có tiếng trên thế giới về bán hơn là trao cho các tác giả trẻ một cơ hội chứng minh khả năng”5.
Phác thảo chân dung tác giả Việt Nam tiêu biểu
Trên thế giới, truyện khoa học viễn tưởng có lịch sử hình thành, phát triển, thành tựu từ rất lâu với Edgar Allan Poe - “ông tổ” của thể loại truyện khoa học viễn tưởng, với tác phẩm kinh điển Cuộc phiêu lưu độc nhất vô nhị của một ngài Hans Phaall nào đó, H.G.Wells với Cỗ máy thời gian, A.R.Belyaev với Người cá... Trong khi đó, “cộng đồng” các nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng ở Việt Nam cũng như vị trí của thể loại văn học này trong văn học nước ta còn rất nhỏ bé, với một vài tên tuổi như Phạm Cao Củng, Lưu Văn Khuê, Phạm Ngọc Toàn, Vũ Kim Dũng, gần đây có Lê Toán, Nam Thanh và một vài tên tuổi khác.
Tiêu biểu hơn cả phải kể đến Viết Linh. Đối với những ai say mê truyện khoa học viễn tưởng của Việt Nam, đặc biệt là các độc giả thiếu nhi, thì chắc chắn Viết Linh là một tên tuổi rất thân quen. Ông là tác giả của những tập truyện khoa học viễn tưởng nổi tiếng như Quả trứng vuông (1970) và Hành tinh kỳ lạ (1990), Bí mật của nhà thôi miên (1962), Giấc mơ bay (1976)... Truyện Quả trứng vuông gợi mở một ý tưởng khoa học đầy thú vị dù ngày nay, con người chưa khiến cho gà, vịt đẻ được “trứng vuông” nhưng đã tạo ra những loại “quả vuông” như dứa vuông, dưa hấu vuông. Hành tinh kì lạ mô tả một nền văn minh kỳ lạ và thú vị ở một hành tinh xa xôi. Bí mật của nhà thôi miên tiết lộ bí mật của thuật thôi miên nhờ vào chiếc máy A.V.S công nghệ hiện đại. Giấc mơ bay gắn với trí tưởng tượng bay bổng, trong trẻo của trẻ thơ và thuật “đơn giản hóa” cách nhớ những bài học khoa học. Có thể nói, Viết Linh nằm trong số rất ít nhà văn Việt Nam lựa chọn sáng tác và có dấu ấn ở thể loại văn chương “kén” độc giả này. Điều thú vị là, nhiều chủ đề trong truyện khoa học viễn tưởng của Viết Linh rất giống với các chủ đề phổ biến trong truyện khoa học viễn tưởng của Poe như: du hành trong không gian, thôi miên, người chết sống lại, khám phá hành tinh ngoài trái đất… Là một nhà văn say mê khoa học, Viết Linh hẳn biết tới những câu chuyện khoa học viễn tưởng của Poe - người khai sinh thể loại văn học này. Tác phẩm của Poe, có thể, đã truyền cảm hứng để Viết Linh viết nên những câu chuyện khoa học viễn tưởng đặc trưng Việt Nam, phù hợp với đối tượng độc giả Việt Nam, đồng thời, vẫn thấp thoáng bóng dáng của Poe - con người và tác phẩm đã trùm bóng lên văn chương thế giới trong nhiều thế kỉ.
Để bức tranh văn học khoa học viễn tưởng Việt Nam ngày càng hoàn thiện, với những “khoảng trống biểu cảm” hợp lí, cần sự phối hợp hiệu quả của nhiều nhân tố, từ đội ngũ sáng tác, nghiên cứu phê bình văn học, các đơn vị xuất bản phát hành, và nhất là tình cảm yêu mến của các độc giả dành cho dòng “văn học của tương lai” này.
1. Definitions of Science fiction, http://scifi.about.com/od/scififantasy101/a/SCIFIdefs.htm (20.1.2013).
2. Definitions of Science fiction, tlđd.
3. Gernsback, Hugo, 1926, Amazing stories, http://pulpmags.wordpress.com/2012/02/10/new-issues-2102012-hugo-gernsbacks-amazing-stories-1-6/
http://pulpmags.wordpress.com/2012/02/10/new-issues-2102012-hugo-gernsbacks-amazing-stories-1-6/ (20.1.2013).
4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), (1992), Từ điển Thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, tr.288-289.
5. Truyện khoa học viễn tưởng Việt hút độc giả, https://tienphong.vn/truyen-khoa-hoc-vien-tuong-viet-hut-doc-gia-post1253754.tpo.
(Văn nghệ số 11/2024)