Vết xước trên cát - Truyện ngắn Nguyễn Bá Hòa
Hắn là họa sĩ. Bạn bè gọi hắn là họa sĩ “sông nước” bởi hầu hết hắn chỉ vẽ thúng ghe, buông câu, thả lưới, dòng sông, con đò, bến nước... Căn phòng trọ chưa được mươi mét vuông chật ních tranh. Bức tranh “Đò chiều” gác hờ hững trên cái bệ xi măng cũ rích. Mô tả bức tranh này như thế nào nhỉ? Một con sông, dĩ nhiên rồi, một con sông oằn mình cam chịu. Và nắng, nắng vô tâm sợi trong sợi đục vây quá rộng phận người. Sóng tỉ mẫn, gợn lòng, lăn tăn, vấn vít, vỗ khúc nhặt thưa như những làn roi yêu ghét. Chiều gấp gãy. Con đò nhóm bếp. Hắt hiu. Mông lung. Ngó chừng con khói cũng thắt lưng buộc bụng. Kết thúc ngày bươn chải, đôi mắt mẹ đứng gió héo xàu, đôi tay cha keo kết cờn cợn tanh nồng nước lợ.
Bức tranh gam màu buồn gắn với tuổi thơ của hắn.
Hắn sinh ra từ xóm đò. Ăn ngủ, tiểu tiện, chơi đùa trên con đò mà buổi sáng là đầu sông, buổi chiều là cuối sông và đêm là bụi bờ nào đó ven sông. Hắn từng thấy trăng lên trăng xuống huyền hồ cùng tiếng cú kêu đêm rờn rợn, từng buông giấc mơ chớp giật phía trời xa.
Cha mẹ hắn gương mặt mộc mạc đến ngờ nghệch. Luôn cụm rụm khép nép trước ồn ả cuộc đời, đứng ngoài thị phi, nhục vinh, mưu toan giăng mắc. Bới sông tìm cái ăn, bới gió tìm ngọn mát lòng. Chút tôm tép nhỏ nhoi là kỳ vọng lớn lao cận kề phúc hạnh. Họ tay chèo tay lưới. Kẽo kẹt tiếng dầm đưa. Sờ soạng đêm. Xô lệch vầng sáng đọng trước mui đò. Trăng sao sủi bọt. Con đò nhích khuya chia lòng sông thành hai mảnh: ngóng vọng - lụi tàn.
Trên đầu giường ngủ của hắn là bức tranh “Bất biến”. Một cô bé da râm ran đen đủi, khê khét tóc nắng. Nụ cười ngái ngủ, có lẽ vừa thức dậy sau một cơn chưa đẫy giấc. Cô bé không biết được đêm qua mình đã xập xình lềnh bềnh trôi chóng vánh qua mấy nhánh sông, qua cội lòng cha mẹ. Cứ ngỡ mình bất biến. Nếu ai hỏi quê đâu, gốc gác đâu, chắc cô bé sẽ giãn mặt ra cười, nụ cười màu cớm răng lẫn khuất trong màu sông nước. Cái thần của bức tranh nằm ở đôi mắt. Tưởng chừng cô bé đang nhìn xuống dòng sông dây dưa bóng mình. Không phải, cô bé đang nhìn trời. Trời thì chót vót gió, ken chật mây, liu riu nắng. Cũng không phải, cô bé đang ngó ra những dây mây tưa sợi ở mũi đò.
Hắn yêu bức tranh này nhất, bởi cô bé trong tranh chính là con Bống, bạn thuở nhỏ, bạn thân thiết nhất của hắn. Ngủ chung đò, tắm chung sông. Trần truồng phơi trăng phơi gió. Hắt nước, ném bùn vào mặt nhau rồi toe toét cười hiền lành nguyên thủy. Hình như hắn yêu con Bống từ thuở lên năm lên bảy nên mới vẽ được đôi mắt ma mị đến như vậy! Hắn đã từng thú nhận với bạn bè con Bống là bất biến trong hắn và hắn đang đi tìm cái bất biến ấy.
Còn nhớ rất rõ, năm hai đứa lên mười một thì chính quyền địa phương giải phóng xóm đò. Con sông hoang sơ mấy cụm lục bình được nạo vét khơi thông dòng chảy. Cái cồn nhỏ rách nát giữa sông được chằm vá trang điểm lại. Bờ sông được nâng cấp, lau lách mọc ven bờ được thay bởi cây xanh hoa lá. Hơn mười hộ nhà đò phải lên bờ. Lên bờ. Khái niệm đơn giản, động tác cũng chẳng khó khăn gì mà sao đã thay đổi cuộc đời đến chóng mặt không ngờ. Nhà đò của hắn được cấp đổi cho một miếng đất tới gần cả trăm mét vuông ở một khu dân cư mới cách sông cũng chẳng bao xa. Nhưng cha mẹ hắn không còn buông câu thả lưới mà chuyển sang buôn bán. Hắn được diện đồ tinh tươm đến trường. Cha mẹ con Bống bỏ sông về với biển. Được hỗ trợ vốn liếng, vẫn theo nghề, theo bà con giong khơi bám biển.
Những năm học cấp ba, nhiều lần hắn đi biển. Con Bống vẫn ngu ngơ như xưa, vẫn gọi hắn là thằng Cua, vẫn ném cát mặn vào mặt, vẫn dìm đầu hắn vào nước biển rồi cười nghiêng ngả. Chẳng thay đổi gì!
Hồi chuẩn bị vào trường Đại học Mỹ thuật, nghe tin con Bống đi lấy chồng, hắn đâm ra lú lẫn chẳng thèm viếng thăm chào hỏi, xách ba lô lên tàu đi thẳng vào thành phố. Nơi thị thành ồn ả nhưng hình ảnh thằng Cua, con Bống, tiếng gọi đò trưa í ới chợt đến chợt đi trong trái tim ngỡ như im lặng của hắn. Dòng ký ức quê như con sông lờ lợ nỗi niềm mang yêu thương chảy về đâu? Phía đầu nguồn hay cửa biển?
Bặt tin nhau từ đó, nhưng con Bống vẫn bất biến trong tâm hồn nghệ sĩ và trong những bức tranh sông nước của hắn.
Loay hoay với những gam màu tối sáng ở chốn phồn hoa đô thị, hắn đâu biết được cuộc đời của con Bống nổi trôi chìm đắm ra sao.
Con Bống đã có chồng, hắn chỉ biết có thế.
Cuộc mưu sinh của vợ chồng Bống bắt đầu từ bấp bênh mây gió, gập ghềnh sóng nước. Mỗi sáng khi con sóng còn mơ ngủ Bống tiễn chồng ra khơi rồi lầm lũi trở về với những đứa con đen đủi khét khê mùi nắng chát mặn nụ cười. Dấu chân sót lại trên bờ cát hoằn sâu sau mỗi lần đưa tiễn. Biển khơi vô tận và lòng dũng cảm của chàng trai đã cưu mang mẹ con nhà Bống cho đến một ngày... cánh buồm xa dần, xa mãi và mất hút. Anh ấy đã ra đi hòa vào lòng đại dương bão bùng giông gió, gởi lại bờ cát dấu chân tiễn đưa chồng chất, gởi lại thảm rêu đình làng dấu chân chim ngóng đợi, gởi lại giọt sương nơi đọt lá non mơ ánh mặt trời quên lời trăng trối, gởi lại cõi người đêm mồ côi, đôi tay yếu mềm, đôi vai gầy rét bấc.
Bống vẫn đợi vẫn chờ. Giữa trái tim con sóng lặng im ủ ngày ủ tháng. Trên ngọn dương con chim nhỏ lẻ loi nhìn chiều rớt chậm. Nắng tắt trong đôi mắt vọng phu.
Nhưng rồi một ngày, khi giọt nắng chưa tượng hình, những con chim chưa kịp hát ca chào ngày mới, mặc bóng kinh hoàng còn trùm lên đêm đen, mặc tiếng thất thanh của sóng, mặc gió mặn quất xác vào nỗi đau cồn cào xé thịt, Bống tự mình giong buồm ra khơi. Cuộc mưu sinh lại bắt đầu. Tiễn Bống là những đứa con với vành khăn trắng vẫn khét khê mùi nắng chát mặn nụ cười. Bằng nghị lực, tình yêu biển khơi, cái ăn cái học cho con cái, Bống đã vượt qua sóng cả, vượt lên nỗi đau khơi tìm nguồn vui từ những cánh buồm đi về lộng gió. Những lúc, có chút thời gian rảnh rỗi Bống lại nhớ về thời thơ ấu của mình. Nhớ con đò nhỏ xíu trôi trên sông quê hiu quạnh. Nhớ thằng Cua, mà trong mắt Bống, là thằng bạn khù khờ đến tội nghiệp, luôn bị Bống ăn hiếp mỗi lần chộ mặt.
Ừ! Chẳng biết thằng Cua bây giờ ở đâu? làm gì?
Thằng Cua bây giờ chỉ có mỗi một việc là vẽ tranh hoài niệm về sông quê nơi có con Bống với nụ cười cớm răng dễ ghét và mong ngày trở về tìm gặp.
Và hắn đã trở về trong một chiều tưởng chừng biển yên gió lặng. Lạ lẫm. Dưới hàng dừa chỉ lối bây giờ mọc lên quá nhiều nhà hàng quán xá, con đường vào nhà Bống biến đâu mất.
Lang thang theo những vết xước trên cát.
Chỉ là dấu chân còng dễ gì lên trầm lên ngọc mà tìm!
Cảm xúc ùa về, hắn chọn một góc không gian đặt giá vẽ. Lũ trẻ con thấy lạ vây quanh. Hắn giật mình. Một cô bé hao hao giống Bống.
- Này cháu! Cháu có thể ngồi yên một lát cho chú vẽ hình được không? Ngồi nhìn ra bãi tắm kia kìa!
Con bé mạnh mẽ đến không ngờ:
- Dạ được! Vẽ xong chú cho cháu nghe!
Định vẽ lại Bống ngày xưa để làm kỷ niệm nên hắn ngập ngừng rồi tìm cách lảng sang chuyện khác.
- Nhà cháu có ở gần đây không? Cho chú về nghỉ trọ nhà cháu nhé!
- Dạ được! Nhà cháu chỉ có hai chị em thôi!
- Ba mẹ cháu đâu?
- Mẹ cháu đi biển, cuối tuần này mới về, ba cháu ở trên đồi dương kia không về được.
- Ba cháu làm gì trên đồi dương ấy?
Con bé xịu mặt, không nói gì. Chao ơi! Sao cái mặt xịu buồn giống con Bống đến thế. Hắn sững sờ nhìn con bé.
- Chú vẽ đi chứ, mặt trời sắp xuống rồi!
- Ừ!... Ừ!... Chú vẽ.
Hắn giật mình trả lời con bé rồi cầm bút vẽ. Bọn trẻ con có đứa bỏ ra biển tắm, có đứa bỏ về nhà, có đứa vẫn tò mò xem họa sĩ vẽ hình bạn nó. Những tia nắng chiều yếu ớt vẫn đủ cho biển kia xanh đến cuối ngày. Gió có vẻ hơi lạ, như sắp giông chiều.
- Xong rồi, cháu lại xem.
Đẩy mấy đứa bạn qua một bên, con bé ngắm tranh một chặp rồi nhận xét:
- Không giống cháu, giống mẹ cháu hơn.
Giật mình, hắn hỏi dồn dập:
- Mẹ cháu tên gì?
- Mẹ cháu là Bống!
Hắn thỏng tay, bút vẽ rơi xuống đất. Chỉ còn mấy bước chân nữa thôi hắn sẽ đặt chân vào nhà con Bống, nhưng con Bống còn ở tận ngoài khơi kia! Gió giật lấy ý nghĩ “con Bống còn ở tận ngoài khơi kia!” hất lên lật xuống quay vòng rồi ném vào đâu chẳng biết. Một lằn chớp phía sau đồi dương. Những lằn chớp nối nhau. Gió mạnh dần. Con bé sợ mưa giông quên bức tranh ù chạy về nhà.
Hắn như một pho tượng vừa được tưới tắm phép màu dõi mắt ra khơi xa. Hắn hình dung ra con Bống ngoài khơi kia không phải là con Bống mà hắn đi tìm. Cảm giác hụt hẫng, ray rứt, kiếm tìm bấy lâu nay tan biến rồi trôi theo biển chiều giông. Hắn ngộ ra được nhiều điều. Chẳng có gì là bất biến và những vết xước trên cát không bao giờ hóa ngọc thành trầm.
N.B.H