Về giáo dục âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình Quang

01.06.2019

Về giáo dục âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình Quang

Người giáo viên giảng dạy âm nhạc trước hết phải là người giỏi về lý thuyết, tìm tòi hiểu biết nhiều về các loại hình âm nhạc, đồng thời phải biết tham gia trực tiếp vào hoạt động âm nhạc trong thực tiễn. Nếu giáo viên cứ bám mãi nề nếp cũ khô khan, cứ giảng dạy như cách mà họ đã được học, không tự học hỏi để nâng cao những kiến thức và kỹ năng thực hành thì rất khó truyền đạt cho trẻ em tình yêu âm nhạc.

Ngày nay, giáo dục âm nhạc của trẻ em thường qua ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất gọi là “trước khi học xướng âm” hoặc ngắn gọn hơn “những âm thanh” hay chính xác hơn “rèn luyện cảm giác âm nhạc”. Đây chính là chu kỳ làm việc của giác quan nhằm vào sự việc thực và cụ thể, vào nhận thức các âm thanh và các phẩm chất của chúng như độ cao, độ dài, không dành một vị trí nào cho trừu tượng. Giai đoạn này thuộc lứa 6 đến 9 tuổi.

Giai đoạn thứ hai có tên “Học ký âm” hoặc “Những nốt nhạc” hay “Xướng âm” nhưng luyện tập về giác quan vẫn tiếp tục.

Các khả năng mới được hình thành ở trẻ em từ 9 đến 12 tuổi. Trí tuệ phát triển. Sự luyện tập của thị giác hướng vào những ký hiệu - những trừu tượng - đòi hỏi sự chú ý đặc biệt, cho phép biết thứ chữ quy ước của âm nhạc và xây dựng một vốn tri thức.

Giai đoạn thứ ba ở nhà trường mang tên một từ rất có đặc tính: “phức điệu” hoặc bằng một từ “hợp âm”. Giai đoạn này cũng vẫn đi lại những con đường đầu tiên, tiếp tục học xướng âm và ngay từ khi bắt đầu, luôn luôn đề cao tầm quan trọng của bài tập phức điệu, nghe nối tiếp các hợp âm, ngày càng cần thiết hơn, vì các bài tập này tạo điều kiện hình thành cảm giác đồng ca, hợp xướng. Người ta mắc một sai lầm lớn là chờ đến khi các em vào độ tuổi 12, 15 mới dùng đến những phương tiện có tính chất âm nhạc nhất, tới phát âm nhiều giọng, tới đồng ca, hợp xướng và trình bày các tác phẩm. Những lợi ích đã khẳng định phải đặt tác phẩm hợp xướng vào vị trí hàng đầu.

Các nhà sư phạm âm nhạc rất có lý khi dặn dò sử dụng phương pháp “cụ thể và sinh động” nhằm đảo trật tự thường vẫn dùng và thực hiện giáo dục giọng và tai, trước khi bắt đầu học lý thuyết âm nhạc. Không được có những giải thích trừu tượng của những từ ngữ âm nhạc, trước khi cho trẻ em được học hát nhiều, trước khi tăng cường nhiều kinh nghiệm cho trẻ em về nghe và hát. Hơn nữa, chỉ cho các em biết những ký hiệu, đồ thị (khuông nhạc, vị trí các nốt trên khuông, hình nốt, dấu lặng...) của ngôn ngữ âm nhạc vào lúc trẻ nắm bắt được đầy đủ thực tiễn của ngôn ngữ này.

T.Đ.Q

Bài viết khác cùng số

Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Bùi Văn TiếngPhước Trà một thuở - Nguyễn Bá ThâmBiền dâu sông lụa - Kỳ NamCó một dòng sông... không chảy - Vũ Ngọc GiaoĐêm pháo hoa - Đoàn Thạch BiềnĐồng tiền rong chơi - Nguyễn Thị Liên TâmThailand du ký - Mai Hữu PhướcCon yêu của mẹ - Outhine BounyavongThơ Nguyễn Tấn SĩNgười đàn bà với chiếc gương soi - Thiều HạnhNgày bình yên - Nguyễn Hải LýMột ngày không chờ - Ngân VịnhThơ Nguyễn Đông NhậtThơ Nguyễn Hoàng ThọChú khỉ ở vườn thú - Thanh QuếNữ thần Thiên Y Ana và sự tiếp giao văn hóa tại các miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị TrangTranh Trần Trung Sáng: một hiện thực siêu thực - Trần Phương KỳKiến trúc đền tháp Ấn Độ: Đóng góp cho di sản thế giới thông quađền tháp Hindu Giáo ở Champa (Việt Nam) - Rakesh Tewari(*)Giao lưu giữa vương quốc Chiêm Thành (Champa) và đế chế Chola dưới triều vua Harivarman và Jaya Harivarman thế kỷ 11 và 12: Dẫn chứng từ lịch sử nghệ thuật - Trần Kỳ PhươngVề giáo dục âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangMong nhạc sĩ Đà Nẵng sinh thành nhiều tác phẩm mới được công chúng đón nhận, yêu thương - PV