Kiến trúc đền tháp Ấn Độ: Đóng góp cho di sản thế giới thông quađền tháp Hindu Giáo ở Champa (Việt Nam) - Rakesh Tewari(*)
Sự có mặt của văn minh Ấn tại Champa (Đại Chiêm) được biết đến ít nhất từ thế kỷ 1-2 sau công nguyên (Sharma 1997:26). Những di dân đến đây có thể từ cả vùng bắc và nam Ấn Độ và đến bằng đường bộ lẫn đường thủy. Có nhiều ghi chép về các cuộc hành trình trên biển trong các văn bản cổ Phật giáo. Một mảnh gốm được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Nền Chùa, tỉnh Kiên Giang, đồng bằng sông Mê-kong (chia sẻ trên facebook Alex Giang) có hình nổi một phụ nữ đang sử dụng nhạc cụ là một hiện vật đáng chú ý. Về mặt so sánh phong cách, hiện vật này thuộc vào khoảng thế kỷ 4 sau Công nguyên và có lẽ đã được mang đến khu vực này bằng đường biển từ Bắc Ấn Độ thông qua vịnh Bengal.
J.C. Sharma, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, đã có cuốn sách đáng chú ý về đền tháp Hindu ở Việt Nam (1997). Tuy nhiên, với số lượng nhiều đền tháp được xây dựng trong gần 1500 năm thì cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc, nghệ thuật của các đền tháp này trong mối quan hệ so sánh với các đền tháp Ấn Độ. Bài viết này muốn nêu một vài nhận xét liên quan đến chủ đề này.
Sharma (1997: 26-30) đã suy luận xác đáng rằng có hai nguyên nhân chính của việc người Ấn Độ đến vùng Đông Nam Á là thương mại và du hành tín ngưỡng. Trong các hoạt động đó, các tu sĩ, giáo sĩ, thầy thuốc, thợ thủ công, shilpis, v.v... đã đến các quốc gia này và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động tín ngưỡng và xây dựng các đền tháp.
Căn cứ các ghi chép trên văn bia
tại Mỹ Sơn (khoảng thế kỷ 5 sau Công nguyên), có thể biết là Dharma Maharaja SriBhadravarman đã tạo dựng một linga-shiva hoàng gia đầu tiên tại Mỹ Sơn dâng cúng cho Shiva, vị thần được gọi là “Bhadresvar Swami”. Mặc dù tên gọi này của Shiva - Bhadresvara - và đền tháp dâng cúng cho Shiva dưới tên gọi này cũng phổ biến ở Ấn Độ như đền Bhadesarnath (ở quận Sant Kabir Nagar, U.P), Bhadohi ở gần Varanasi... nhưng trường hợp được biết sớm nhất có nhắc đến tên gọi này là ở Mỹ Sơn, Việt Nam.
Có thể phỏng đoán rằng, ngay cả trước khi xây dựng ngôi tháp được đề cập đến trong văn bia nói trên, rất có khả năng về sự tồn tại của hoạt động xây dựng đền tháp ở Việt Nam. Những đền thờ này có thể có hình thức các cấu trúc thế tục địa phương như nó đã xảy ra ở Ấn Độ. Sau đó, với sự xuất hiện của văn bản kiến trúc, thợ thủ công và kiến trúc sư từ Ấn Độ, các loại đền tháp cổ điển ở Bắc và Nam Ấn Độ đã được áp dụng. Tuy nhiên, các yếu tố địa phương ban đầu của nghệ thuật, họa tiết và nghi thức chắc hẳn đã được hợp nhất trong các cấu trúc đó. Quá trình tương tự dường như đã xảy ra ở các nước Đông Nam Á khác và phía tây bắc của tiểu lục địa Ấn Độ.
Đền tháp Champa, xây bằng gạch nung, gồm một tháp chính (tiếng Chăm gọi là kalan), một số tháp phụ và các kiến trúc phụ trợ. Chúng được xây dựng trên các ngọn đồi, ở đồng bằng, dọc theo các tuyến đường và trong các khu vực cư trú. Nhìn bên ngoài, ta thấy các ngôi tháp có bình đồ hình vuông với một cửa hoặc đôi khi hai cửa (thường quay về hướng đông và đôi khi về hướng tây). Kiểu trang trí trên mặt tường ngoài của tháp và vòm cửa, với đường nét hoa lá hoặc các nhân vật, bộc lộ rõ những dấu ấn bản địa. Các trụ cửa, bậc cửa, dầm cửa và trụ ốp tường bằng vật liệu sa thạch làm tăng thêm độ vững chắc cho ngôi tháp. Kalan được nối với cửa ra vào bằng một lối đi có vòm che và đôi khi được nối tiếp với một gian phía trước cũng bằng một lối đi có vòm che. Một tổ hợp tháp còn bao gồm các tháp nhỏ dành cho các vị thần nhỏ và một số kiến trúc phụ, như là koshagraha hoặc chỗ chứa nước. Ở một vài tổ hợp tháp, đối diện với kalan còn có một Nata-mandira theo chiều đông - tây với mái lợp ngói và nhiều cửa sổ.
Các tháp Hindu ở Champa chủ yếu chịu ảnh hưởng Bà la môn giáo của Ấn Độ, ở đó bên cạnh các linga-shiva, còn thấy cảnh chạm khắc Shiva múa, Ravana, Uma, Bhagavati, Ganesha, Kartikeya, Nandi... Và cũng ảnh hưởng của giáo phái Vishnu thể hiện ở các chạm khắc về câu chuyện của Krishna, Ramayana, Vishu đản sinh Brahma...
Các đền tháp này bộc lộ ảnh hưởng của kiến trúc tháp cả Nam và Bắc Ấn Độ. Việc xây dựng bằng gạch nung và cách trang trí hoa lá chịu ảnh hưởng từ Bắc Ấn Độ. Các tháp bằng gạch đã được xây dựng ở Bắc Ấn từ thế kỷ 1 trước và sau Công nguyên. Cách trang trí trên gạch nung đã xuất hiện ở các đền tháp từ thời đại Gupta. Việc sử dụng các khung cửa và các bộ phận kiến trúc bằng đá cũng là nét chung của các tháp đương thời ở Bắc Ấn và ở Việt Nam.
Bình đồ của tháp Champa giống với bình đồ cơ bản của đền tháp thời kỳ liên - Ấn với hình vuông (chaturasra) và hình chữ nhật (ayatasra) (Hình 2). Tuy nhiên, cấu trúc mái (sikharas) của tháp chính (kalan) chịu ảnh hưởng của Nam Ấn khi thường có 4 tầng (chatur taliya hoặc chaturbhaumtika). Một số tháp Champa có mái hình kim tự tháp vươn lên trực tiếp trên các bức tường của tháp chính, trên đỉnh là một amalaka theo phong cách Nagara. Trong khi biến thể thứ ba của sikhara là dạng mái cong hình thuyền (valabhi, khakhara, vaita hoặc gajaprashtha sikhara) phía trên ngôi tháp, được gọi là koshagraha.
Tiếp xúc giữa Ấn Độ và Champa diễn ra trong một thời gian dài, trong khoảng thời gian ấy không chỉ kinh sách tôn giáo mà cả những tài liệu về kiến trúc, nghệ thuật Ấn Độ đã được truyền đến Champa. Các nghệ sĩ và thợ thủ công địa phương ắt hẳn đã học hỏi được qua sách vở và thực tiễn từ các chuyên gia Ấn Độ. Ảnh hưởng của họ được nhìn thấy rõ qua sự tương đồng trong khái niệm kiến trúc, trong bình đồ và tầng bậc. Các nguyên tắc chính và các biểu tượng mang tính tôn giáo cũng tương đồng với các văn bản về tiếu tượng học Hindu. Tuy nhiên, cách thiết kế, xử lý về kỹ thuật vẫn thể hiện những ảnh hưởng rõ nét mang tính địa phương.
Trong bối cảnh này, có thể chú ý đến một vài đặc điểm chung của những ngôi đền gạch Champa và những ngôi đền gạch Ấn Độ với những biến thể rõ nét. Các khung cửa bằng đá trong một ngôi đền ở phía bắc Ấn Độ tại Bahua (Fatehpur, U.P. Hình 3.) cho thấy miêu tả chi tiết nữ thần sông Ganga và Yamuna với hai người hầu ở hai bên. Ngạch cửa (trang trí mandaraka với các họa tiết chủ yếu là hoa), trụ cửa (bao gồm Pancha-sakhas: như Sakha naga, Roop Sakha, Sakha srivraksha, sakhas Patra và puspa Sakha), và lanh-tô (uttaranga) chạm khắc hình ảnh Brahma, Siva và Visnu, Navagrahas và các họa tiết khác. Các hình ảnh của các vị thần, chín hành tinh và hoa văn cũng được nhìn thấy trong các thành phần kiến trúc của đền tháp Champa. Tuy nhiên, vị trí chính xác của chúng trong một ngôi đền cần được xác định chắc chắn. Một vài tấm đá ở Champa, bao gồm mô tả Sheshsayi Visnu và các vị thần khác, chỉ ra rằng chúng có thể đã được đặt tại vòm shukanasa phía trên antarala (lối đi vào garbhagraha, còn được gọi là kapili) của một ngôi tháp.
Có thể so sánh giữa các mô tả theo mô típ gọi là Kirttimukha thường được miêu tả ở Ấn Độ và đền thờ Champa. Hình minh hoạ (hình 4) cho thấy một ví dụ từ Mỹ Sơn (Champa) và từ Jagesvara (Uttara Khand, Ấn Độ). Khái niệm cơ bản về Kirttimukha trong cả hai ví dụ là giống nhau nhưng sự mô tả của chúng có nhiều khác biệt. Các nhân vật ở Mỹ Sơn cho thấy dấu ấn bản địa rõ rệt trong cách thể hiện đôi mắt tròn, mũi, miệng hở, răng, lông mày và tóc. Bất kỳ người nào có kinh nghiệm trong việc quan sát những mô típ này có thể dễ dàng phân biệt Kirttimukhas Champa ngay khi mới nhìn thấy.
Các so sánh khác có thể thấy ở cách mô tả nhân vật có đồ đội, các vòm và các họa tiết hoa bằng gạch khắc trên vedibadha (bệ thờ, hình 5). Một lần nữa khái niệm này là phổ biến nhưng các đường nét mang tính địa phương.
Các đền thờ gạch ở Ấn Độ thường bao gồm các họa tiết chạm khắc rất đẹp trên bề mặt bên ngoài. Trong đó có một số họa tiết rất sắc sảo và phức tạp. Ngoài ra, trong một số trường hợp bề mặt cũng được xử lý bằng một mảng ốp mỏng (hình 6). Tôi không rõ liệu truyền thống sử dụng mảng ốp với các họa tiết chạm khắc có mang tính phổ biến ở khu vực Champa.
Một quan sát quan trọng liên quan đến các cấu trúc hình chữ nhật (koshagrhas hoặc tháp phụ trợ) cũng rất đáng được chú ý. Như ở Ấn Độ, nó thường được xây dựng như một cấu trúc phụ trợ xung quanh ngôi đền chính (kalan, thường bao gồm một bình đồ hình chữ nhật và cấu trúc phần mái cho thấy ảnh hưởng của Nam và Bắc Ấn Độ hòa hợp với các xu hướng địa phương). Các đền thờ có bình đồ chữ nhật đã được xếp vào nhóm các đền thờ Valabhi trong các văn bản kiến trúc cổ Ấn Độ với các đặc điểm và tên gọi khác nhau (Kramrisch 1946, Mitra 1960: 1, Tewari 2010: 6-11, 16-30). Hầu hết các đền thờ của loại hình này ở Ấn Độ bao gồm một garbhagraha hình chữ nhật đơn giản với cửa vào ở chính giữa của mặt tường dài. Trong trường hợp các đền thờ Champa với bình đồ hình chữ nhật thì cửa vào thay vì ở giữa lại được bố trí lệch về một bên. Ngoài ra, bên trong còn có một gian nhỏ được bố trí ở phía bên trong garbhagraha.
Những điều này cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các đền tháp Champa và các đền tháp của Ấn Độ Valabhi. Cần phải nhấn mạnh ở đây là các văn bản kiến trúc Ấn Độ cổ đại đã đề cập đến những ngôi đền có bình đồ hình chữ nhật thuộc nhóm ayatasra trong loại Valabhi, bao gồm nhiều tiểu loại khác nhau và những đền thờ có lối vào ở giữa cạnh lớn hơn là một trong những loại này. Do đó, các đền thờ Champa có bình đồ chữ nhật và valabhi sikhara có thể được xếp vào nhóm đền thờ Valabhi nhưng việc xác định các tiểu loại cụ thể cần được xác định trên cơ sở các mô tả trong các văn bản kiến trúc cổ.
Ngoài vị trí của cửa vào, một sự khác biệt đáng chú ý khác của các cấu trúc có bình đồ hình chữ nhật của Champa so với các đền thờ Ấn Độ là việc xử lý cấu trúc mái (sikhara). Ở miền bắc Ấn Độ, nó thường là hình vòm gajaprashtha hoặc vagan. Như đã nêu ở trên, các đền thờ Ấn Độ kiểu này được gọi là Valabhi, Khakhara, Shala, Kuti, Vaita và Potakara. Trong số những thuật ngữ này, hai thuật ngữ cuối (Vaita và Potakara) rất đáng chú ý, chúng có ý nghĩa là thuyền và hình thuyền. Ngôi tháp Vaital Deol ở Orissa được đặt tên dựa trên sự tương tự của sikhara (phần mái) của nó với sự hình dáng của chiếc thuyền úp ngược (Trivedi 1999). Về vấn đề này, Mitra (1960: 1) có nhận xét đáng chú ý:
“Loại đặc biệt này được gọi là vahita-kakharu (kakharu có hình dạng vaita, tiếng Phạn vahitra có nghĩa là thuyền) (ở quận Puri) và vaitalu hoặc vaitala, một dạng vaita-khakharu rút gọn (ở quận Mayurbhanj và Balasore). Cách gọi tên thứ hai là nguồn gốc tên gọi tháp Vaital Deol.”
Bản văn khắc Aparajita Guhila thế kỷ 7 ở Rajasthan đã đề cập đến việc xây dựng một potakara bhavana (tòa nhà hình thuyền) cho Vishnu. "Tòa nhà" đề cập trong bản khắc này một đền thờ Valabhi. Xem xét vị trí địa lý của Rajasthan thì sự kết hợp của kiến trúc ngôi tháp với hình dáng chiếc thuyền dường như không hợp lý. Có lẽ sự kết hợp này được du nhập từ các vị trí địa lý tiếp giáp với bờ biển như huyện Puri ở khu vực duyên hải Ấn Độ ở phía Đông, nơi có các đền thờ với vaita hoặc sikhara hình thuyền. Về hình dạng thì ngay cả sikhara của Vaital Deol cũng không hoàn toàn tương tự với một chiếc thuyền. Ngược lại, các sikharas như vậy của đền tháp Champa rõ ràng là hình thuyền thực tế. Các sikharas tương tự cũng được chứng minh từ các khu vực khác của các nước Đông Nam Á. Từ những dữ kiện này, có thể nghĩ rằng thuật ngữ này được dùng cho các sikhara có thể đã chịu ảnh hưởng bởi truyền thống Đông Nam Á.
Như đã nêu ở trên, nhiều loại đền thờ được mô tả trong văn bản kiến trúc Nam và Bắc Ấn Độ theo các nhóm Dravida và Nagara. Các tên khác nhau của chúng và các tiểu loại (như Meru, Mandar, Kailash, Vimaan, Nandan, Samudra, Padma, Garuda) cùng với các đặc điểm cụ thể của chúng cũng được mô tả chi tiết trong các văn bản này. Trong trường hợp các kiến trúc hình chữ nhật, cần có nghiên cứu để xác định các loại hình cụ thể của hai loại đền thờ, được thể hiện ở các đền tháp Chăm, dựa trên các văn bản kiến trúc Ấn Độ. Để hiểu được các yếu tố địa phương góp phần vào việc phát triển các biến thể khu vực, nếu có ở Champa, đòi hỏi phải nghiên cứu và phân tích thấu đáo. Cũng có thể tìm thấy nguồn thông tin liên quan khác từ các shilpis và thợ thủ công có kiến thức truyền thống về xây dựng đền tháp, về vật liệu xây dựng và các thuật ngữ được họ sử dụng để chỉ các thành phần khác nhau của đền tháp. Cách tiếp cận này đã mang lại kết quả đáng kể trong việc hiểu và tư liệu hóa các kiểu dáng đền thờ Ấn Độ, được khởi xướng bởi Ram Raz vào năm 1835 theo sau bởi A. K. Coomaraswamy (1927), P. K. Acharaya (1927), N. K. Bose (1932), Stella Kramrisch (1946), K. Deva (1975), M. A. Dhaky (1975), Adam Hardy (2007) và các học giả khác. Hy vọng các học giả nghiên cứu đền tháp Champa cũng đã vận dụng các hướng nghiên cứu như vậy.
R.T