Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Bùi Văn Tiếng

01.06.2019

Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Bùi Văn Tiếng

Qua nghiên cứu quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này của Thành ủy Đà Nẵng cũng như của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố, văn nghệ sĩ thành phố đã nhận thức được những nhiệm vụ đặc thù của giới văn học nghệ thuật trong việc góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện nêu trong Nghị quyết: “Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên...”. Nghị quyết cũng nêu những nhiệm vụ đặc thù của giới văn học nghệ thuật trong việc góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa: “Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật (...) đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả (...) có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình”. Đây cũng chính là những nhiệm vụ trọng tâm mà các đại biểu văn nghệ sĩ thành phố đã nhất trí thông qua trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố nhiệm kỳ 2014-2019.

 

Để thực hiện những nhiệm vụ đặc thù của giới văn học nghệ thuật trong việc góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng như trong Nghị quyết Đại hội Liên hiệp Hội, năm năm qua văn nghệ sĩ thành phố đã tích cực góp phần “giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên” thông qua việc không ngừng đổi mới cách thức tổ chức Ngày Thơ Việt Nam hằng năm theo hướng tạo điều kiện để đông đảo công chúng có thể tiếp cận được những thành tựu thi ca. Nhận thấy Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII năm Ất Mùi 2015, với chủ đề chung của cả nước: “Hướng về biển đảo Tổ quốc”, mặc dầu lần đầu tiên được tổ chức khá hoành tráng trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương, có kịch bản hẳn hoi, phối hợp nhịp nhàng giữa thơ với âm nhạc và vũ điệu, nhưng sức lan tỏa vẫn còn hạn chế, Liên hiệp Hội đã quyết định tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IX năm Bính Thân 2016, cũng với chủ đề Mắt Biển - cách gọi khác của chủ đề “Hướng về biển đảo Tổ quốc”, theo hướng cùng một kịch bản nhưng kết hợp diễn một đêm trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương để đảm bảo tính chuyên nghiệp và diễn một đêm trên sân khấu ngoài trời tại quận Ngũ Hành Sơn nhằm thu hút đông đảo khán giả là nhân dân của một địa phương từng là nơi kéo Hoàng Sa vào đất liền từ năm 1969. Trên cơ sở đó, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ X năm Đinh Dậu 2017 được tổ chức phục vụ nhân dân hai quận Sơn Trà và Thanh Khê; Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XI năm Mậu Tuất 2018 được tổ chức phục vụ nhân dân quận Liên Chiểu, và mới đây nhất Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XII năm Kỷ Hợi 2019 được tổ chức phục vụ nhân dân quận Sơn Trà, ngay tại Công viên Biển Đông và đúng vào ngày 17 tháng 2, tức tròn 40 năm ngày quân và dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương, khi bọn bành trướng Trung Quốc bất ngờ tấn công ồ ạt dọc biên giới dài 1.200km của nước ta.

Đưa thơ và thơ phổ nhạc đến với công chúng rộng rãi để góp phần “giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên” là việc làm thường niên của văn nghệ sĩ thành phố. Thế nhưng thường xuyên hơn là việc các nhà văn/ nhà thơ tổ chức các buổi giao lưu giữa tác giả và độc giả sách văn học vào Ngày Sách Việt Nam 21 tháng 4 hằng năm; thường xuyên hơn là việc các họa sĩ/ nhà điêu khắc/ nhiếp ảnh gia tổ chức nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh nghệ thuật - trong đó đáng nhớ và đáng quý nhất là việc Hội Mỹ thuật thành phố tham gia hình thành Kiệt bích họa số 75 đường Nguyễn Văn Linh, hay việc Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố tổ chức triển lãm rồi tặng toàn bộ ảnh nghệ thuật đã triển lãm để treo trong các phòng bệnh của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; thường xuyên hơn là việc Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố tổ chức các hoạt động sân khấu - cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp theo hướng đại chúng hóa, từ việc “đưa tuồng xuống phố” cho đến việc về tận quận huyện/ xã phường diễn cho dân xem những tiểu phẩm nhằm thông qua sức hấp dẫn của nghệ thuật sân khấu mà tuyên truyền vận động dân làm theo các chủ trương của đảng bộ và chính quyền thành phố về xây dựng nếp sống văn hóa, về bảo vệ môi trường sinh thái, về an sinh xã hội... 

 

Để thực hiện những nhiệm vụ đặc thù của giới văn học nghệ thuật trong việc góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI cũng như trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Liên hiệp Hội, năm năm qua Liên hiệp Hội đã “đổi mới phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả” như định hướng của Nghị quyết số 33-NQ/TW, đã tổ chức được nhiều chuyến đi thực tế dành cho văn nghệ sĩ, giúp văn nghệ sĩ tiếp cận được với những đổi thay nhanh chóng của thành phố, trong đó có không ít đổi thay có thể được xem là kỳ tích; đồng thời cũng giúp văn nghệ sĩ tiếp cận được với những số phận con người, trong đó có không ít số phận khiến cho trái tim nghệ sĩ vốn giàu trắc ẩn và cực kỳ nhạy cảm không thể dửng dưng.

 

Lao động nghệ thuật của văn nghệ sĩ, nhất là giới văn nghệ sĩ sáng tác, có một đặc điểm cơ bản là tính cá thể rất cao. Cho nên có người từng nói một cách hình ảnh rằng văn nghệ sĩ phải đủ cô đơn để sáng tạo. Đặc điểm này đòi hỏi người nhạc sĩ nhất thiết phải có được những giây phút một mình cầm đàn đối diện với khuông nhạc, đòi hỏi người họa sĩ nhất thiết phải có được những giây phút một mình cầm cọ đối diện với tấm vải bố và với bột màu, đòi hỏi người viết văn/ làm thơ/ viết kịch nhất thiết phải có được những giây phút một mình cầm bút đối diện với trang giấy trắng - tất nhiên thời @ trang giấy trắng này nằm ngay trên màn hình computer... Thế nhưng thời điểm tìm kiếm cô đơn của các văn nghệ sĩ hầu như không trùng nhau, bởi lúc người này đang cần thâm nhập thực tế để đủ cảm hứng và chất liệu mà cầm đàn/ cầm cọ/ cầm bút thì lại là lúc người kia đang cần cô đơn/ tĩnh lặng/ một mình để sáng tạo, và cũng là lúc người khác nữa đang mong tìm gặp công chúng đông đảo/ đang muốn sớm thoát khỏi cô đơn sau sáng tạo để kịp quảng bá tác phẩm đã hoàn thành... Điều đó khiến việc tổ chức cho văn nghệ sĩ thành phố thâm nhập thực tế trở nên không đơn giản, đòi hỏi Liên hiệp Hội phải không ngừng “đổi mới phương thức hoạt động” theo hướng chú trọng nhiều hơn đến phương thức xã hội hóa và nhất là phương thức liên kết với cấp ủy/ chính quyền các quận huyện trên địa bàn thành phố, kể cả Ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa.

 

Nghị quyết số 33-NQ/TW đòi hỏi Liên hiệp Hội phải “có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình”. Cho nên để văn nghệ sĩ không cô đơn trước và sau thời điểm sáng tạo, Liên hiệp Hội đã tiến hành những hoạt động định kỳ như mở trại sáng tác văn học nghệ thuật, như trao giải thưởng văn học nghệ thuật thường niên và ngũ niên, như đầu tư in ấn/ xuất bản/ biểu diễn tác phẩm văn học nghệ thuật; đặc biệt nhiệm vụ chính trị mà Liên hiệp Hội đề ra hằng năm và qua mỗi nhiệm kỳ luôn hướng ngòi bút, cây cọ, phím đàn của văn nghệ sĩ Đà Nẵng đến với những chương trình giàu chất nhân văn của thành phố bên sông Hàn như “Năm Không”, “Ba Có”, “Bốn An”, đến với quần đảo Hoàng Sa đang còn bị ngoại bang chiếm đóng...

 

Xin nói thêm, mặc dầu Liên hiệp Hội là cầu nối giữa chính quyền địa phương và văn nghệ sĩ nhằm kịp thời phản ánh những tâm tư nguyện vọng của đội ngũ trí thức sáng tạo trên lĩnh vực văn học và nghệ thuật đến với giới cầm quyền, và thường xuyên hơn là nhằm truyền đạt chủ trương/ chính sách của giới cầm quyền đến với đội ngũ này, vận động họ tham gia phổ cập những chủ trương/ chính sách ấy đến với người dân nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương với tư cách công-dân-nghệ-sĩ và bằng sức-mạnh-chạm-đến-trái-tim của từng loại hình nghệ thuật, có điều đó mới chỉ là một nửa cảm hứng/ một nửa chất liệu trong thế giới nghệ thuật của từng nghệ sĩ. Người nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo nhọc nhằn của mình còn tìm cảm hứng và chất liệu nghệ thuật từ những đề tài vĩnh cửu như tình yêu nam nữ, như khát vọng hòa bình, như cái Đẹp mong manh... Thậm chí có không ít văn nghệ sĩ cả đời chỉ gắn cảm hứng và chất liệu nghệ thuật của bản thân với một số đề tài vĩnh cửu nhất định và chỉ thế mà thôi. Nói như vậy để thấy đánh giá văn nghệ sĩ trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng nói chung và Nghị quyết số 33-NQ/TW nói riêng phải gắn với tính chất đặc thù về lao động nghệ thuật của anh chị em, không nên chỉ nhìn vào phần nổi của tảng băng trôi... Và ngay cả khi Nghị quyết số 33-NQ/TW đòi hỏi văn nghệ sĩ phải “có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật”, thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng không hề yêu cầu đơn giản rằng số lượng tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật năm sau nhất thiết phải nhiều hơn năm trước, rằng cùng một tài năng nghệ thuật thì chất lượng tác phẩm ra đời sau nhất thiết phải cao hơn chất lượng tác phẩm ra đời trước - bởi như vậy là không phù hợp với quy luật đặc thù của sáng tạo nghệ thuật.

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Bùi Văn TiếngPhước Trà một thuở - Nguyễn Bá ThâmBiền dâu sông lụa - Kỳ NamCó một dòng sông... không chảy - Vũ Ngọc GiaoĐêm pháo hoa - Đoàn Thạch BiềnĐồng tiền rong chơi - Nguyễn Thị Liên TâmThailand du ký - Mai Hữu PhướcCon yêu của mẹ - Outhine BounyavongThơ Nguyễn Tấn SĩNgười đàn bà với chiếc gương soi - Thiều HạnhNgày bình yên - Nguyễn Hải LýMột ngày không chờ - Ngân VịnhThơ Nguyễn Đông NhậtThơ Nguyễn Hoàng ThọChú khỉ ở vườn thú - Thanh QuếNữ thần Thiên Y Ana và sự tiếp giao văn hóa tại các miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị TrangTranh Trần Trung Sáng: một hiện thực siêu thực - Trần Phương KỳKiến trúc đền tháp Ấn Độ: Đóng góp cho di sản thế giới thông quađền tháp Hindu Giáo ở Champa (Việt Nam) - Rakesh Tewari(*)Giao lưu giữa vương quốc Chiêm Thành (Champa) và đế chế Chola dưới triều vua Harivarman và Jaya Harivarman thế kỷ 11 và 12: Dẫn chứng từ lịch sử nghệ thuật - Trần Kỳ PhươngVề giáo dục âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangMong nhạc sĩ Đà Nẵng sinh thành nhiều tác phẩm mới được công chúng đón nhận, yêu thương - PV