Con yêu của mẹ - Outhine Bounyavong

01.06.2019

Con yêu của mẹ - Outhine Bounyavong

Outhine Bounyavong là một trong những nhà văn đương đại nổi bật nhất ở Lào. Ông sinh năm 1942 ở Sayabouri, một tỉnh ở miền tây bắc Lào. Mặc dù được học dưới mái trường thời thuộc địa, được giảng dạy bằng tiếng Pháp, và môn văn học chỉ tập trung vào các tác phẩm của người Pháp nhưng Outhine là một trong những nhà văn viết bằng tiếng Lào đầu tiên đương đầu với những ảnh hưởng tàn khốc của chế độ thực dân và những khó khăn trong việc duy trì những giá trị truyền thống của Lào.

Những truyện ngắn của ông trong tập Mother's Beloved (Con Yêu Dấu Của Mẹ) mô tả bức tranh sinh động của đời sống xã hội đang thay đổi của người Lào, qua đó ông nêu cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của nhân dân Lào. Truyện của ông ca ngợi đức tính đơn giản, lòng nhân ái, sự tôn trọng tuổi tác và những tập quán làng bản của người Lào. Ông phê phán công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã đánh mất những giá trị ấy. Ông cảnh báo việc phát triển kinh tế dẫn đến suy thoái môi trường. Ông lên án nạn tham nhũng đã tạo nên một nhóm nhỏ thượng lưu giàu có đối chọi lại với đa số dân nghèo. Ông cũng chê bai thói ích kỷ và tôn thờ vật chất. Sự tàn khốc của chiến tranh cũng là một trong những chủ đề của ông.


Tạp chí Non Nước giới thiệu truyện ngắn “Con yêu của mẹ” của Outhine Bounyavong qua bản dịch của Nguyễn Khắc Phước.

 

Chúng tôi đi bộ theo đường mòn rộng vừa đủ một chiếc xe bò. Sau hai giờ băng rừng, chúng tôi đến một đồng cỏ khoảng khoát. Về phía phải bên kia con đường là những ruộng bông vải, mè, dưa leo, và những  thứ cây đáng giá khác. Xa hơn nữa là những cây dừa phủ bóng lên những cây nhỏ hơn. Thấp thoáng trong rặng cây có hai hoặc ba mái nhà, và còn có vài mái nhà khác núp sau tán lá dày. Cuối cùng, chúng tôi đang tiến gần nơi muốn đến.

Có hai nhà báo cùng đi với chúng tôi. Họ đến lấy thông tin về tỷ lệ người biết chữ ở làng, trong khi mục đích của tôi là ghi âm những chuyện dân gian truyền khẩu có thể dùng làm tài liệu giảng dạy.

Khi tôi đi trên đường mòn, nhiều tình cảm và kỷ niệm chợt bùng lên. Tôi nhớ mình đã rời đi rồi trở lại nơi sinh quán ra sao. Cùng với những hồi ức gây xúc động bất chợt đó, tôi ngửi thấy mùi hăng hắc của cỏ khio thoảng trong gió. Tôi nghe tiếng kẽo kẹt từ những ngọn tre... Từ rất xa, vọng đến tai tôi bản nhạc tưng bừng của những cánh ve. Tất cả âm thanh đó gợi lên không khí quen thuộc nơi sinh quán của tôi. Nhưng thực ra, tất cả chúng tôi đều đang trở về nơi sinh quán của Bounkham, một bạn đồng hành với chúng tôi.

Vừa khi trông thấy làng mình, Bounkham xúc động nói, “Hai chục năm rồi từ khi tôi rời chốn này! Khi tôi thấy con đường mòn, tất cả mệt nhọc hình như tan hết. Chẳng khác gì một bức tranh đã chạm vào ký ức tôi.” Giọng Bounkham có vẻ sung sướng.

Bounkham kể rằng anh được sinh ở đây. Đây cũng là nơi mẹ anh đã qua đời khi anh chỉ mới tám tuổi. Bố anh tục huyền, lấy một người phụ nữ làng khác làm vợ, và cả gia đình bỏ làng này sang làng nọ trong những năm chiến tranh và xung đột tàn phá đất nước. Mãi cho đến hôm nay, Bounkham mới có dịp trở về. Người cậu, em của mẹ, vẫn còn ở trong làng, nhưng đã già lắm rồi. Bounkham đã mua hai lon sữa đặc làm quà để bày bỏ lòng kính mến cậu. Anh không không thể mang nhiều hơn hai lon bởi con đường mòn gập ghềnh và thêm một lon nữa thì quá nặng.

 “Có ai trong làng còn nhớ anh không?” tôi hỏi.

“Có lẽ không còn ai nhớ, nhưng tôi sẽ hỏi dân làng xem nhà cậu tôi ở đâu, vì tôi không nhớ chính xác.”

Chúng tôi tiếp tục vừa đi vừa ngắm vẻ tươi tốt của những vườn rau và cây ăn quả. Thế rồi, từ một khu vườn bên trái, một phụ nữ có bầu xuất hiện, mang một rổ nhiều thứ rau.

 “Chào Dì, nhà Dì ở đâu?” Bounkham lễ phép hỏi.

“À, gần đây thôi,” bà rụt rè trả lời,  vẻ nghi ngờ những khuôn mặt lạ.

 “Chúng tôi từ thành phố đến đây. Con là dân làng này nhưng đã đi xa nhiều năm rồi. Hôm nay con trở về thăm,” Bounkham giải thích, hy vọng làm bà ấy bớt nghi ngờ.

 “Ồ, vậy hả? Tôi không nhớ ai cỡ tuổi cậu lớn lên ở đây. Thế cậu con cháu nhà ai?”

Chúng tôi giới thiệu tên mình. Bounkham còn nêu tên cha mẹ và cậu của anh. Người phụ nữ có bầu bảo Bounkham rằng bà biết rõ cậu của anh: ông ở phía nam của làng. Bà ở phía bắc và tên bà là “Mae Poon” Bounkham có vẻ như chưa bao giờ nghe tên bà. Nhưng anh cẩn thận đáp, đường như anh biết tên bà: “Ồ, Mae Poon này, làng mình bây giờ ra sao?”

 

Bà bầu trả lời rằng mọi người đều ổn. “Họ có đủ ăn và kiếm tiền đủ sống. Chúng tôi bán nhiều sản phẩm nhưng kiếm được chẳng bao nhiêu tiền vì đường sá khó khăn.” Sau khi nói, bà đi xuống đám ruộng phía bên phải. Bà nói phải hái rau để cho heo ăn.

Bounkham lấy một lon sữa đặc và gọi bà, “Đợi đã, Dì ơi! Dì nhận giúp con cái này. Dì nhận giúp con cái lon sữa này nhé.”

“Cảm ơn, con,” bà bầu nói. Sau khi cảm ơn, bà đi về một hướng khác.

Chúng tôi tiếp tục theo con đường mòn. Tôi khen Bounkham tốt bụng. Anh mua hai lon sữa đặc biệt dành tặng cậu mình nhưng anh đã cho người lạ một lon.

Trong câu trả lời của Bounkham, tôi nghe có niềm hãnh diện và hạnh phúc.

“Trong gia đình, chúng tôi được dạy làm điều này, đặc biệt là tôi. Mẹ dạy rằng nếu khi ta mang theo thực phẩm mà gặp một phụ nữ có bầu thì ta phải chia một phần cho người ấy. Không kể ít hay nhiều cũng phải cho bà một chút. Đó là truyền thống của chúng tôi. Nhiều người trong làng này làm như vậy.

 “Bố tôi kể cho tôi nghe một chuyện mà mẹ đã kể với bố,” Bounkham tiếp tục nói. “Bố nói rằng khi mẹ mang bầu tôi, bà thích ra phía ngoài làng. Một hôm khi đang đi trên đường mòn, bà tình cờ gặp năm, sáu người làng vừa đi săn về. Họ đã lột da con nai và bắt đầu chia thịt. Mấy người thợ săn chia cho mẹ một phần, bằng phần hầu hết mọi người. Đây là quyền của phụ nữ có bầu, theo truyền thống của làng. Người được phần lớn hơn là người thợ săn có súng. Anh ta nhận phần gấp đôi, bao gồm cái đầu, bốn chân và bộ da.

Tối hôm đó gia đình tôi được ăn thịt nai. Gần sáng, mẹ tôi sinh được một thằng, chính nó bây giờ đang đi bộ về sinh quán của nó.”

Chúng tôi cảm thấy hết sức thú vị. Một nhà báo hài hước, “Con nai đó hẳn đã tái sinh thành Bounkham!”

“Dân làng nghĩ vậy đó. Nếu nai tái sinh thành nai, có lẽ nó lại sẽ bị bắn. Như tôi đã nghe dân làng nói mãi, rừng trong vùng này chẳng còn con nai nào,” Bounkham nói.

 “Tổn thất ghê gớm thiệt,” Tôi thêm, và Bounkham tiếp tục kể.

“Một bà bầu phải ăn nhiều để nuôi con trong bụng. Khi bà bầu thấy ai có thức ăn, bà bị cái đói thôi thúc, tưởng rằng có thể ăn hết một con voi. Một bà bầu đã kể tôi nghe chuyện này. Và nếu người ta không chia phần cho bà, bà sẽ không bao giờ quên. Bà sẽ mãi mãi thất vọng về người không có lòng nhân ái với bà.

“Theo lời bố tôi, mẹ thương con nai bị bắn. Chính bà không bao giờ ăn thịt thú rừng, nhưng bà mang phần về để cho chúng tôi được dịp ăn thịt. Từ khi tôi sinh ra, mẹ đặc biệt thương tôi lắm. Nhưng bà không có dịp để nhìn thấy con trai khi nó trưởng thành. Bà đặt tên tôi là 91 Bounkham, nhưng bà thích gọi tôi là 91 Con Yêu Của Tôi hoặc Con Yêu Của Mẹ.”

Vào lúc ấy, chúng tôi đến gần

cổng làng. Con đường gồ ghề, và cảm thấy phấn chấn bởi câu chuyện của Bounkham, tôi nhìn lui về hướng của người phụ nữ có bầu.  Bà đã đi khuất vào trong cánh đồng, nhưng hình ảnh bà vẫn còn trong trí nhớ của tôi.  Lần đầu tiên, tôi thấy mình phải có nghĩa vụ giúp đỡ  những sinh linh bé nhỏ sắp chào đời.

O.B

Dịch từ bài “Mother's Beloved” đăng trên trang Lao Short Stories -

http://www.seasite.niu.edu/lao/LaoLiterature/short_stories/Laoshortstory.htm.

Bài viết khác cùng số

Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Bùi Văn TiếngPhước Trà một thuở - Nguyễn Bá ThâmBiền dâu sông lụa - Kỳ NamCó một dòng sông... không chảy - Vũ Ngọc GiaoĐêm pháo hoa - Đoàn Thạch BiềnĐồng tiền rong chơi - Nguyễn Thị Liên TâmThailand du ký - Mai Hữu PhướcCon yêu của mẹ - Outhine BounyavongThơ Nguyễn Tấn SĩNgười đàn bà với chiếc gương soi - Thiều HạnhNgày bình yên - Nguyễn Hải LýMột ngày không chờ - Ngân VịnhThơ Nguyễn Đông NhậtThơ Nguyễn Hoàng ThọChú khỉ ở vườn thú - Thanh QuếNữ thần Thiên Y Ana và sự tiếp giao văn hóa tại các miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị TrangTranh Trần Trung Sáng: một hiện thực siêu thực - Trần Phương KỳKiến trúc đền tháp Ấn Độ: Đóng góp cho di sản thế giới thông quađền tháp Hindu Giáo ở Champa (Việt Nam) - Rakesh Tewari(*)Giao lưu giữa vương quốc Chiêm Thành (Champa) và đế chế Chola dưới triều vua Harivarman và Jaya Harivarman thế kỷ 11 và 12: Dẫn chứng từ lịch sử nghệ thuật - Trần Kỳ PhươngVề giáo dục âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangMong nhạc sĩ Đà Nẵng sinh thành nhiều tác phẩm mới được công chúng đón nhận, yêu thương - PV