Thơ là gì và ở đâu?

22.07.2021
Đức Thuận
1. Câu hỏi tưởng như mòn nghĩa này đã đi suốt hơn hai nghìn năm nay kể từ khi Aristoteles viết các công trình của ông. Người ta, bằng tất cả những cách có thể, đã cố gắng định nghĩa thơ; nhưng thơ như một chất lân tinh luôn theo những kẽ tay chảy ra khỏi sự trì níu, càng cố nắm chặt thì nó càng dễ biến mất. Thơ, vì thế, đã luôn ở trong một tình trạng lưỡng thê: vừa thân thuộc vừa xa lạ, vừa hiền lành vừa nổi loạn, vừa bếp bênh vừa vững chãi… Đó là một tình thế hóc búa của thơ, cũng là một thách thức của đời sống.

Thơ là gì và ở đâu?

Lịch sử thơ ca Việt cũng bao phen tròng trành như thế. Thời viết những câu lục ngôn trong bài bát cú có lẽ Nguyễn Trãi đơn độc lắm! Nhưng thơ trung đại (may hay không may), như một lời nguyền bất diệt, đã giam cầm cả một nền thi ca trong niêm luật cứng nhắc, và vì thế mà không có trận “thi chiến” nào nổ ra suốt ngàn năm đằng đẵng ấy. Rồi, một ngày nọ, trong năm 1932, ông Phan Khôi viết Tình già, phát động cuộc chiến tranh với ngàn năm thơ cũ. Một thời đại mới đã ra đời.

Những tưởng mọi thứ đã xong xuôi, nhưng không, vào giữa thế kỉ XX, thơ lại tiếp tục lâm trận trong những xung đột sinh tử của nó. Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam, Trần Dần, Lê Đạt… ở miền Bắc thành những “thương binh”. Lịch sử của thơ cũng là lịch sử của người. Nhưng sau những trận lụt là phù sa, thơ đã ở lại một lần nữa như đã nhiều lần ở lại, với một linh hồn mới được tái sinh. Ngày nay, những người trẻ vẫn làm thơ, nhưng họ muốn nói tiếng nói của chính mình bằng thứ ngôn ngữ của thế kỉ XXI - đó là thanh âm của một thời đại đổ vỡ những đại tự sự, cho sự lên ngôi của những mảnh vỡ trên màn hình smartphone. Sau cuối những tai ương cố hữu, những tiếng nói lạc điệu ở vùng biên địa đã rền vào lòng phố, làm thành một âm giai của cõi người, giữa bao nhiêu tình tự hỗn tạp rã riêng.

Những “tròng trành mà/và tiến tới” (chữ dùng của Đỗ Lai Thúy) ấy không phải chỉ là đặc sản của thơ Việt. Chúng ta im ắng hơn nhiều, và cũng đi chậm hơn nhiều. Có lẽ không cần nhắc lại nữa những cuộc cách mạng ngôn từ của nhân loại mà chỉ cần nhận chân một điều về sự biến dịch, vô thường của đường chữ.

 

2. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thơ là gì?” nhiều khi còn khó khăn hơn cả việc làm thơ, cũng giống như việc định nghĩa cuộc sống thường nguy khốn hơn là chính sự sống. Nhưng không phải vì thế mà nhân loại bó tay thúc thủ. Người ta đã dùng đủ mọi phương cách để chắt ra cái tinh cốt của thơ, bằng chứng là cơ man lí thuyết văn học cứ nối/gối nhau ra đời. Tất cả đều đúng và đều sai. Đúng vì chúng là những lưỡi dao của Bào Đình mổ xẻ thân thể thi ca một cách hữu dụng, nhưng sai vì chúng ảo vọng sở đắc chân lí.

Cuộc tranh cãi của thơ và về thơ chưa bao giờ ngớt. Điều ấy vốn không phải là cái gì nguy hại hay cần phải chấm dứt. Cái hệ trọng lại nằm ở chỗ phải tìm ra sự tương sinh giữa thơ và cuộc đời. Nhưng không phải bằng những giáo điều hay những sự cưỡng bức gồng gánh thiên chức to tát kiểu “vị nhân sinh” thô sơ chán nhàm. Một tác phẩm nghệ thuật đích thực thì phải xa lạ với những thứ vị lợi hữu dụng mưu toan phi nghệ thuật.

Thơ đã đi từ có vần đến không vần, từ khuôn khổ đến không khuôn khổ, từ “sự bùng nổ của cảm xúc” đến sự lạnh tanh của ngôn từ, từ “hiện thực” đến hoang đường, từ trăng hoa tuyết nguyệt đến bẩn bã uế thải, từ đạo đức đến vô luân… “Biên giới để tách tác phẩm thi ca với cái không phải thi ca còn không ổn định hơn cả biên giới những khu vực hành chính của nước Trung Hoa” (Jakovson).

Thơ là gì? Thơ là một loại hình nghệ thuật ngôn từ. Nhưng, theo câu trả lời vừa rồi thì nghệ thuật ngôn từ không chỉ có thơ! Làm thế nào để phân biệt thơ với các thể loại nghệ thuật ngôn từ khác? Các nhà hình thức chủ nghĩa đã trừu xuất sáu chức năng cơ bản của một thông điệp, trong đó có chức năng thi ca của lời nói. Một phát ngôn thực hiện chức năng thi ca, khi nó không phải là hướng vào trong chủ thể, cũng không phải là hướng tới đối tượng hay mục đích ngôn trung, mà là hướng vào chính nó.

Thơ lấy ngôn từ làm cứu cánh. Bởi thói tự động hóa của tư duy khiến mọi thứ sẽ xơ cứng đi theo thời gian. Mà con người tư duy bằng ngôn ngữ. Nghĩa là, ngôn ngữ trở thành một vật thay thế cho thế giới hiện tồn. Khi tiếp xúc với thế giới qua lăng kính của ngôn ngữ, người ta rơi vào một bi kịch: vừa không thể chạm vào sự thật, lại cũng không thể chạm vào chính mình. Sự nói năng của loài người bao giờ cũng tạo thành thói quen, tức một quá trình tha hóa tất yếu để dẫn tới những tử thi đời sống. Người ta không còn ngạc nhiên về thế giới nữa trong khi theo đuổi những “mục đích nói”. Thế giới chìm đi, và con người chìm đi giữa một cuộc đời nổi váng của những giáo điều. Chính ở chỗ này mà thơ sống dậy như một vị cứu tinh. Và người ta gọi đó là tính thơ/ chất thơ…

“Những cái poéticité (thi tính) được biểu hiện ra như thế nào? Chính trong cái ấy từ mới được cảm nhận như từ, chứ không phải là cái thay thế giản đơn của đối tượng được gọi tên, cũng chẳng phải là sự bùng nổ cảm xúc. Chính trong cái ấy mà những từ ngữ và cú pháp của chúng, ý nghĩa của chúng, cái hình thức bên ngoài và bên trong của chúng mới không phải là những chỉ số (indices - dấu hiệu) vô tâm vô tính (indifférents) của thực tại, mà là mang được trọng lượng và giá trị riêng của chúng” (Jakovson).

Trong mỗi từ ngữ đều hàm chứa khái niệm và thực tại. Nhưng cái khái niệm và thực tại ấy lại là do con người gửi vào bên trong vỏ vật chất của ngôn ngữ. Ở đâu có sự đánh gục những nội hàm xơ cứng đã tồn trữ và nô dịch con người bằng các xiềng xích ấy của ngôn ngữ, ở đó có thơ. Từ ngữ thì vốn không có gì mới cả, cái mới mà nó có được là do cách người ta dùng nó trong những ngữ cảnh và văn cảnh mới. Khi một từ ngữ xuất hiện bất thường trong một câu văn cũ kĩ, nó lập tức sống dậy, vụt đứng lên, gây ngạc nhiên và làm kinh động. Việc đặt một từ như thế vào dòng chảy cũ mèm của ngôn ngữ, người ta gọi là “làm thơ”.

Như thế, ở đâu có sáng tạo lấy ngôn từ làm mục đích tự thân, ở đó có thơ. Một văn bản được cấu trúc cho hàng loạt từ ngữ và câu nói đột hiện một cách khác lạ, và gây nên những xáo trộn của tri kiến và hiện sinh người, đó là một bài thơ. Như thế, thơ chống lại sự han rỉ, chống lại cái chết của giác quan người; thơ làm mất ngủ và đẩy con người vào một thế giới khác - cái thế giới mà họ chưa từng sống.

Những cái mà người ta gọi là chân - thiện - mĩ như là đặc tính của nghệ thuật và thơ ca nói riêng, thực ra đều chỉ là thứ yếu khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thơ là gì. Từ chủ nghĩa hình thức Nga với Jakovson đến cấu trúc và hậu cấu trúc luận mà đại diện là Barthes đều nói cho ta biết một điều tương tự như thế. Chỉ có điều Barthes đi xa hơn Jakovson khi đứng trên đôi vai của nhà bác học tiền nhiệm này để xây dựng một lí luận về “độ không của lối viết”. Ở đây, từ những quan điểm khởi phát của chủ nghĩa hình thức, Barthes đi đến vạch ra chân tủy của thơ hiện đại trong việc khẳng định giá trị sống còn của từ ngữ như một đồ án thẳng đứng và sừng sững.

Tất cả những điều vừa trình bày trên đây mang lại cho chúng ta một ý niệm (không phải “định nghĩa”) về thơ: Thơ là một sự làm mới từ ngữ, từ đó mà làm mới con người, làm mới cuộc sống. Chúng ta sống trong ngôn ngữ (chứ không phải trong thực tại), và như thế chúng ta sẽ chết theo ngôn ngữ nếu nó không được hồi sinh bằng những con đường đặc thù. Không phải tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, hay nghị luận mà phải là thơ mới có thể đảm nhiệm được sứ mệnh phục sinh thiêng liêng ấy.

“Tác phẩm thi ca, trong tổng hòa các giá trị xã hội, không chiếm ưu thế, không lấn lướt những giá trị khác. Nhưng không phải vì thế mà không thành trung khu tổ chức (organiteur fundamental) của ý thức hệ, thường xuyên hướng về mục đích của nó. Chính thơ ca bảo vệ chúng ta chống lại thói tự động hóa (automatisation), chống lại thứ han gỉ (rouille) đe dọa các thể thức của chúng ta về tình yêu thương và lòng căm thù, về sự nổi loạn và sự hòa giải, về niềm tin và sự hoài nghi phủ định” (Jakovson). Nhận định này chất vấn lại những “chức năng” mà sách giáo khoa vẫn gán cho thơ ca. Thơ ca lặng lẽ làm cái công việc trầm mặc mà hệ trọng: hồi sinh con người và tái sinh đời sống, bằng ngôn ngữ.

Sáng tạo, như vậy, suy cho cùng, không phải là làm ra một cái gì đó mới và khác. Sáng tạo là trả lại sự trinh bạch và ánh nhìn ngạc nhiên cho con người về thế giới bằng cách chặt đứt những xiềng xích mặc định của tư duy và cái nhìn. Và ở đây, không có gì có thể thay thế thơ.

 

3. Những lời nói thông thường được tổ chức trong một cấu trúc văn bản với những lối mòn của ngữ pháp để tái chuyển tải một “bài học đạo lí”, một “tư tưởng nhân văn” kiểu tục ngữ hay dân ca cổ xưa thì khó có thể đại diện cho một cái gì mới mẻ trong tiến trình tiến hóa của thi ca Việt. Các nhà Thơ mới đã vượt qua điều ấy gần một thế kỉ nay rồi. Đến những sáng tạo của một số “thủ lĩnh” thơ cả trong Nam cả ngoài Bắc những năm năm mươi thế kỉ trước thì đó là những đóng góp không chỉ về mặt văn hóa mà còn cho sự trưởng thành của con người trong khi khai phát những thế giới mới mẻ làm chốn cư lưu cho một tinh thần hiện đại tiếp lời.

Nghệ thuật, xét một cách sâu xa, là thành tựu kết tinh của cả một cộng đồng mà cá nhân kiệt xuất là người đại diện. Thơ là một sự tiếp nối miên viễn. Thơ chối từ sự “lại giống”. Tiền nhân đã phải trả giá cho những bước đi trên đá và mảnh chai lịch sử để làm nên tiếng nói chuyên chở đời sống và tâm hồn Việt. Chúng ta cần bắt đầu từ chỗ các bậc anh hoa đã dừng lại mà bước tiếp. Chỉ khi ấy, “thế giới mới một lần nữa được tạo lập” (Marcel Proust).

(vannghequandoi.com.vn)