Truyện ngắn nữ Việt: Một vài phác thảo

13.03.2024
Phạm Thị Thanh Phượng
Không thua kém các nhà văn nam, những cây bút nữ đã có một cái nhìn trực diện, thẳng thắn khi phơi bày mặt trái của xã hội đương thời. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn cho rằng “phụ nữ bắt mạch thời đại nhanh hơn nam giới”(3).. Chỉ có điều, trên những trang văn nữ, “tiếng vọng của thời thế, có khi chỉ là những va chạm nhỏ, những xao động khẽ” của cuộc đời…

Truyện ngắn nữ Việt: Một vài phác thảo

Nhìn lại nền văn học trung đại nước nhà, Phan Khôi nhận ra tình trạng “rỗng” và “lép” của đội ngũ tác giả nữ. Con số nhà thơ nữ có thể tính trên đầu ngón tay (Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Ngọc Hân công chúa), còn sáng tác văn xuôi theo những thư tịch cổ được lưu lại thì chỉ có trường hợp Đoàn Thị Điểm với Truyền kì tân phả. Sang những năm đầu thế kỉ XX, với sự tiếp thu tư tưởng tiến bộ đến từ phương Tây, vị thế người phụ nữ Việt Nam đã có một bước ngoặt mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học. Người phụ nữ biết chữ và viết văn – điều lạ lùng hiếm có trong thời kì trung đại – đã trở nên quen thuộc và để lại dấu ấn trong đời sống văn hóa, văn học đương thời. Sự xuất hiện của họ khiến cho diện mạo nền văn học nước nhà trở nên sinh sắc hơn bởi sự đa dạng về giới với tư cách chủ thể sáng tạo.

Trong thơ, khắc ghi những tên tuổi làm xôn xao thi đàn một thời: Tương Phố, Vân Đài, Anh Thơ, Mộng Tuyết, Hằng Phương, Ngân Giang… Ở văn xuôi, các nhà văn nữ cũng đã xông xáo thử sức trên nhiều thể loại: tiểu thuyết (Kim Tú Cầu – Đạm Phương, Một linh hồn – Thụy An, Răng đen – Anh Thơ…), truyện ngắn (Tặng bạn chán đời – Tương Phố, Đi mót tư tưởng ngoài đồng ruộng – Nguyễn Thị Kiêm…), bút kí (Ra cù lao yến – Phan Thị Nga)… Các cây bút nữ mỗi người một dáng vẻ, một giọng điệu, góp mặt đầy đủ trên các địa hạt văn học, nhưng dấu ấn để lại trong thơ vẫn đậm nét, mang nhiều âm sắc hơn. Các sáng tác văn xuôi (trong đó có truyện ngắn) của họ nhìn chung chỉ được ghi nhận về giá trị nội dung – tư tưởng. Đúng như nhận định của Hồ Khánh Vân, “Trên một lát cắt ngắn ứng với giai đoạn đầu thế kỉ XX cho đến năm 1945, sự hiện diện của gương mặt nữ giới đông đảo hơn, xôn xao hơn cả mười thế kỉ trước cộng lại”, nhưng trên trục vận động của chiều dài lịch sử văn học dân tộc thì “sự tồn tại ấy chưa đủ để tạo thành các vết khắc sâu về số lượng, về giá trị vào kí ức văn chương”(1).

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công là một mốc son quan trọng trong sự vận động của truyện ngắn nữ nói riêng và sáng tác của các tác giả nữ nói chung. Với tư cách công dân của một nước độc lập, dân chủ, người phụ nữ đã được giải phóng và hoàn toàn bình quyền với nam giới trong mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ (1945 – 1975), đặc biệt từ những năm 60, giới nữ đã khẳng định được bản lĩnh cũng như tài năng của mình khi góp phần không nhỏ tạo dựng nên nền văn xuôi cách mạng của dân tộc. Hòa vào mạch văn sử thi của dân tộc thời kì này, các nhà văn nữ như Mộng Sơn, Lê Minh, Bích Thuận, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Như Trang, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Vũ Thị Thường… đã khắc họa được những bức chân dung rất đẹp về người lính, đặc biệt là những cô gái thanh niên xung phong (Hoa rừng – Dương Thị Xuân Quý, Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê…), về những người mẹ, người chị, người em ở hậu phương (Bám biển – Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Ốc biển – Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nụ cười thánh thiện – Lý Thị Trung…). Điều đáng quý là đằm sâu trong những trang viết, các nhà văn nữ đã tỏ ra “cặn kẽ, tinh tế trong việc miêu tả những tâm lí thuộc về nền nếp của một thời, từ cách cư xử ngoài xã hội đến câu chuyện trong tình yêu riêng tư”(2) (Cô Tím – Thanh Hương, Cái lạt – Vũ Thị Thường…).

Từ năm 1975 đến trước thời kì Đổi mới 1986, trong không khí giao thời của xã hội cũng như của văn học, truyện ngắn nữ đã xuất hiện những mầm mống của sự đổi mới. Trong chặng “hậu chiến” và “tiền đổi mới” này, một số tên tuổi mới nổi lên như Phạm Thị Minh Thư, Ngô Thị Kim Cúc, Dạ Ngân… báo hiệu truyện ngắn nữ sẽ có những chuyển động mạnh mẽ. Và quả thế, từ lác đác những đốm sáng nhỏ, sau năm 1986, sáng tác của các nhà văn nữ đã bùng lên thành ngọn lửa lớn có sức lan tỏa mãnh liệt. Những nữ nhà văn xuất hiện và nổi lên trong giai đoạn cuối thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX có Phạm Thị Minh Thư, Dạ Ngân, Trần Thị Trường, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Ấm, Đoàn Lê, Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Hải Âu, Trần Thanh Hà, Lý Lan, Võ Thị Xuân Hà, Phạm Sông Hồng, Trầm Hương, Trần Thùy Mai… Bước sang thế kỉ XXI, đội ngũ “phái đẹp” sáng tác truyện ngắn vẫn tiếp tục được bổ sung, trẻ hóa lực lượng bởi những nữ tác giả thế hệ 7x, 8x và 9x như Nguyễn Thị Châu Giang, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Cao Nguyệt Nguyên, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Khắc Ngân Vi… Các cây bút nữ nhiều thế hệ này đã dấn thân vào mọi đề tài của truyện ngắn đương đại, với những ưu thế riêng của giới mình, họ đã góp một cách nhìn rất sâu sắc, rất “phụ nữ” về một hiện thực trong tính toàn vẹn của nó.

Nhìn lại chiến tranh không phải là “độc quyền” của nam giới trong sáng tác. Tuy không chiếm một tỉ lệ lớn, nhưng những tác phẩm viết về đề tài này của các cây bút nữ đã phản ánh thật thấm thía, xúc động thực trạng tinh thần của con người và xã hội những năm sau chiến tranh. Đặc biệt, họ nghiêng hẳn sự đồng cảm, xót thương về “nỗi đau thời hậu chiến” ở những người cùng giới với mình. Một nỗi đau rất âm ỉ, rất “đàn bà”: nỗi đau của tình yêu đầu đời với những liệt sĩ cứ để lại di chứng mãi trong tâm hồn những người đàn bà sâu sắc (Chuyện thời con gái – Nguyễn Thị Như Trang), nỗi đau đầy bi kịch trong cuộc sống hôn nhân – gia đình bởi chiến tranh đã xóa đi tuổi thanh xuân và tàn nhẫn cướp đi cả khả năng làm mẹ của người phụ nữ (Phận đàn bà – Thùy Dương). Không chỉ dừng lại ở những bi kịch góa bụa, lỡ làng, sâu sắc hơn, các nhà văn nữ còn cho thấy một bi kịch đầy chua xót, đầy những giằng xé nội tâm: bi kịch của những con người vỡ mộng, lạc lõng giữa cuộc đời. Hình ảnh “lầm lũi với cây chổi trong tay, mặt cắm xuống đất, né tránh mọi cuộc tiếp xúc với bất cứ ai trong cơ quan” của người đàn bà tên Tuân trong truyện ngắn Những giấc mơ có thực của Vũ Thị Hồng có lẽ là tình cảnh của không ít người phụ nữ bất hạnh vì chiến tranh.

Không thua kém các nhà văn nam, những cây bút nữ đã có một cái nhìn trực diện, thẳng thắn khi phơi bày mặt trái của xã hội đương thời. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn cho rằng “phụ nữ bắt mạch thời đại nhanh hơn nam giới”(3). Chỉ có điều, trên những trang văn nữ, “tiếng vọng của thời thế, có khi chỉ là những va chạm nhỏ, những xao động khẽ” của cuộc đời…

Trong xu hướng đi vào cảm hứng đời tư, thế sự của văn xuôi hôm nay, truyện ngắn nữ đã có một “đất diễn” rất rộng trong mảng đề tài tình yêu, hôn nhân và gia đình. Dường như được trở về “đúng nghĩa trái tim em”, các cây bút nữ đã tung hoành khai phá muôn mặt phức tạp của cái tầng vỉa hiện thực rất đa đoan, đa sự, đầy cái “lỉnh kỉnh dở dang” của đời sống thường nhật này. Trong những trang đời đó dư âm niềm vui ít hơn nỗi buồn, bi kịch nhiều hơn hạnh phúc. Nhưng người đọc chúng ta thì không mất niềm tin bởi có lẽ chính “thiên tính nữ” đã lưu giữ rất bền chặt tinh thần nhân văn trong mỗi trang viết: tình yêu dù nhiều cung sắc như thế nào vẫn tồn tại vĩnh cửu trong sự bao dung vị tha (Cuối mùa nhan sắc – Nguyễn Ngọc Tư, Con sóng Đồng Tháp Mười – Nguyễn Thị Phước…); người phụ nữ dù có những phút giây xao lòng, có những cách hành xử theo tiếng gọi của bản năng, khát khao trần thế nhưng cuối cùng họ vẫn tìm lại, đứng vững trong cái thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình (Mùa đông ấm áp – Nguyễn Thị Thu Huệ, Sau chớp là giông bão – Y Ban, Hiu hiu gió bấc – Nguyễn Ngọc Tư…). Phải chăng, chính “thiên tính” ấy đã giúp phái nữ tự cân bằng, trong văn chương và trong cuộc đời – một cuộc đời vốn nhiều cái thô nhám, xô lệch, cằn khô…

Cầm bút viết như một sự giải tỏa những cảm xúc, ẩn ức, các nhà văn nữ đã mang đến một bức chân dung tinh thần tự họa rất ấn tượng về giới mình. Có thể nói, chưa bao giờ, mảng hiện thực của những “cái tôi đàn bà” phong phú, phức tạp và sâu sắc lại được khám phá một cách tận cùng như vậy. Trong cuộc sống hiện đại với sự đề cao tự do, dân chủ, người phụ nữ đã biết sống cho mình, vì mình nhiều hơn. Họ cũng nghĩ về mình nhiều hơn. Về những khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc, thậm chí là những khát khao mang tính chất nhu cầu bản năng rất chính đáng của con người: Hoa muộn – Phan Thị Vàng Anh, Sau những mùa trăng – Đỗ Bích Thúy, Cát đợi – Nguyễn Thị Thu Huệ… Họ không còn cam chịu, dè dặt mà cất tiếng đòi hỏi, quẫy đạp giành lấy: Bức thư gửi mẹ Âu Cơ – Y Ban, Vu quy – Đỗ Hoàng Diệu… Nhưng như một hằng số muôn đời, bao giờ đối diện với chính mình, một phút tách mình ra khỏi thiên chức hàng ngày để sống riêng với thế giới nội tâm của mình, người phụ nữ cũng thấy buồn, cô đơn: Cam ngọt – Phạm Sông Hồng, Cuối ngày – Trần Thị Trường, Trăng góa – Lê Minh Hà… Chỉ những người cùng giới mới có thể “tự ăn mình” để phơi bày ra một hệ lụy rất riêng của phái nữ như thế. Như là sự “rút ruột”, các nhà văn nữ đã kể, đã nói rất thật, rất sâu sắc về những góc khuất đầy bí ẩn trong tâm hồn của giới mình.

Mặc dù còn tồn tại những hạn chế thuộc về giới trong sáng tạo nghệ thuật (hạn chế ở sự đa dạng của đề tài, ở tầm khái quát hiện thực xã hội rộng lớn…), nhưng với một thế mạnh khác (tư duy thiên về hướng nội), truyện ngắn nữ đương đại đã mở rộng phạm vi hiện thực phản ánh cho văn học bằng cách riêng của mình: đi sâu vào những số phận, cuộc sống, tâm hồn của những con người rất bình dị, nhỏ bé (thậm chí là cá biệt) xung quanh ta. Truyện của họ chỉ là những lát cắt cuộc đời, nhưng đó là lát cắt rất “ngọt”, đằm sâu, nhiều trắc ẩn, dư ba…

Bắt mạch rất nhanh vào sự vận động của văn xuôi đương đại, truyện ngắn nữ “vào hội” với một dung nhan sớm chín bởi sự mẫn cảm bản năng của người cầm bút. Dường như mọi biến đổi về hình thức nghệ thuật của văn xuôi đương đại đều có thể quan sát thấy ở mảng sáng tác này. Điều quan trọng, truyện ngắn nữ nhập cuộc với một bản sắc riêng in đậm dấu ấn của giới tính trong sáng tạo nghệ thuật. Dễ nhận thấy là dạng thức người kể chuyện ngôi thứ nhất chiếm một tỉ lệ lớn trong sáng tác của các cây bút nữ. Người kể chuyện xưng “tôi”, đa số là cái “tôi” trải nghiệm – tự kể về mình (khác với cái “tôi” chứng kiến – kể chuyện người khác), và đa số mang giới tính nữ. Điểm nhìn trần thuật này đã nhuộm “chất nữ” lên toàn bộ cấu trúc truyện, từ cấu trúc sự kiện đến cấu trúc lời văn. Tính chất tâm tình, giãi bày đậm nét. Cốt truyện nhiều khi là sự xâu chuỗi các cảm xúc, tâm trạng của nhân vật; sự kiện, tình tiết rất mờ nhạt. Kí ức được khoan sâu, chắp nhặt từng mảnh vỡ để hoàn thiện dần bức tranh nội tâm của con người. Cái cảm giác giống như đang được nghe “buôn chuyện” mà người ta cảm nhận khi đọc truyện của Y Ban là một nhận xét rất trúng với những truyện ngắn nữ viết từ điểm nhìn trần thuật này: Gà ấp bóng – Y Ban, Biển ấm – Nguyễn Thị Thu Huệ, Trăng góa – Lê Minh Hà…

Muốn khẳng định thực tài của mình, các nhà văn nữ rất hào hứng với chủ trương “viết nội dung” hơn là “kể nội dung”. Vì vậy trong sáng tác của mình, họ không đề cao việc xây dựng một cốt truyện chặt chẽ với sự triển khai logic các sự kiện, tình tiết, với những mâu thuẫn, xung đột lớn, đẩy lên cao trào, “thắt nút” rồi “mở nút”… Ngay cả yếu tố tình huống – vốn có vai trò rất quan trọng trong thể loại truyện ngắn, họ cũng lựa chọn những sự việc rất bình thường xảy ra trong cuộc sống: một buổi lên thành phố đi chợ phiên của một cô gái ở vùng quê hẻo lánh (Lúa hát – Võ Thị Xuân Hà), sự tưởng nhầm mình có thai của một cô gái trẻ chưa có gia đình (Có con – Phan Thị Vàng Anh), một chuyến về thăm quê ở vùng cao của một người con đi học xa nhà (Sau những mùa trăng – Đỗ Bích Thúy)… Thay vào đó, các nhà văn nữ rất chú tâm miêu tả các chi tiết, đi sâu vào phân tích tâm lí nhân vật, và lạ hóa văn chương bằng những cách diễn đạt giàu cá tính của mình. Họ thuyết phục người đọc bằng sự tinh tế, nhạy cảm, sâu sắc, am tường nội tâm con người – nhất là người phụ nữ, và bằng cả sự “quyến rũ” duyên dáng, hiện đại trong giọng điệu, ngôn ngữ. Nhiều người đã nhận xét ngôn từ trong truyện ngắn của phái đẹp mang đậm sắc thái nữ – nó gắn với cách cảm thụ thế giới mang tính chất trực cảm, duy cảm, gắn với công việc tề gia nội trợ, với thiên chức làm vợ, làm mẹ của họ. Rõ ràng, giới tính có ảnh hưởng không nhỏ tới cá tính sáng tạo của các nhà văn nữ.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, sự đa đoan, đa cảm sẵn có trong tâm hồn, phái nữ đã mang đến những cấu tứ, những thủ pháp viết truyện ngắn độc đáo, ám ảnh. Sự bất ngờ trong những tình tiết, những cách kết gây dư chấn: Ngọa sinh – Võ Thị Xuân Hà, Kẻ dự phần – Phong Điệp… Sự đa tầng ý nghĩa trong cách cảm thụ hình tượng: Gióng – Lê Minh Hà, Bóng đè – Đỗ Hoàng Diệu, Tự – Y Ban… Những thủ pháp huyền ảo tạo nên kiểu truyện “giả cổ tích”: Hạnh – Nguyễn Minh Dậu, Bức tranh thiếu nữ áo lục – Quế Hương, Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ – Y Ban… Tất cả những thử nghiệm đó đã góp phần tạo nên sự bung phá, biến ảo của thể loại truyện ngắn hiện nay.

“Văn chương không phải là nghề như mọi nghề mà đó là con đường khổ ải cho những người đàn bà cầm bút” (Dạ Ngân). Vượt qua bao giới hạn, khó khăn của “phái yếu”, các cây bút nữ đã đăng đàn một cách đầy tự tin, tự chủ, cống hiến những thành quả không nhỏ cho sự vận động, biến đổi của văn xuôi đương đại. Họ đã làm cân bằng (và thậm chí là lấn lướt) tính âm – dương trong đời sống văn học. Phải chăng, sự thăng hoa của họ trong sáng tác, nói như Huỳnh Như Phương, là “một cách thế hiện diện ở đời”(4)

(Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội)