Trương Đăng Dung từ đời sống qua khoa học đến nghệ thuật – Nguyễn Thanh Tuấn

11.04.2013
...

Phó giáo sư Lê Huy Bắc đã từng nói: “Tôi không tự kiêu nhưng tôi cũng chẳng việc gì phải quá khiêm tốn, tôi cứ sống đúng với chính những khả năng của tôi và chính bản thân tôi”.  Đối với Trương Đăng Dung, có lẽ cũng vậy người chưa bao giờ tự kiêu nhưng người có quyền hãnh diện lắm chứ... Riêng với học viên, ông là một tấm gương đáng để học tập cả về phong cách sống cũng như cách làm việc mặc dù sự nghiệp và công việc chính của ông là khoa học   .....

Trương Đăng Dung từ đời sống qua khoa học đến nghệ thuật – Nguyễn Thanh Tuấn

1. Trương Đăng Dung, nhà giáo

 

PGS. TS. Trương Đăng Dung sinh ngày 08 tháng 05 năm 1955 tại một làng quê nghèo thuộc xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học và nghị lực vượt khó này đã nuôi dưỡng ông thành một Trương Đăng Dung luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn để học giỏi và chinh phục những ước mơ. Sau khi hoàn thành chương trình PTTH, ông sang học tập và tốt nghiệp khoa Ngữ văn thuộc Trường đại học Tổng hợp Budapest – Cộng hòa Hungari (Tốt nghiệp năm 1978). Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Trương Đăng Dung trở về đất nước và làm việc tại Viện Văn học rồi trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Trong quá trình làm việc và nghiên cứu, ông tự nhận thấy phải tiếp tục nâng cao trình độ hơn nữa mới có thể phục vụ tốt nhất những yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực khoa học nghiên cứu văn học, Phải tích cực góp phần đưa khoa học dần tiến kịp với thế giới… Trương Đăng Dung trở lại Hungari nghiên cứu sinh rồi bảo vệ luận án Tiến sĩ tại đây (Năm 1984). Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, ông có đủ cơ hội và khả năng để cống hiến nhiều hơn, năm 1996 được phong tặng học vị phó Giáo sư văn học. Những nỗ lực của ông được thể hiện bằng các trọng trách quan trọng tại Viện Văn Học.

Với mong muốn truyền đạt những kiến thức học được từ nước ngoài và những kết quả mà mình nghiên cứu bằng tất cả tâm huyết cho thế hệ trẻ, Trương Đăng Dung tích cực tham gia giảng dạy sau đại học và nghiên cứu sinh ở các Viện văn học, các trường đại học trên cả nước. Đối với ông, đến với học viên luôn là một niềm hạnh phúc: “Khi đi dạy, được gặp gỡ những người trẻ như các em thầy cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì nhìn thấy các em học tập và nghiên cứu, thầy như trẻ lại, như được trở về với những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ở Hungari. Hạnh phúc hơn nữa là thầy được truyền đạt những kiến thức đã tích luỹ được từ phương Tây và cả những kiến thức mà thầy đã dành nhiều công sức để nghiên cứu. Thầy rất hi vọng các em sẽ là người có đủ khả năng làm cho nền khoa học văn học nước nhà phát triển kịp với thế giới”.

Học viên học được từ thầy nhiều bài học bổ ích ngay trong đời sống hằng ngày. Ông nói: “Trong cuộc sống phải rất nghiêm túc, nghiêm túc với chính bản thân mình: lao động nghiêm túc, học tập nghiêm túc, sinh hoạt nghiêm túc… nhất là trong nghiên cứu khoa học lại càng phải nghiêm túc gấp trăm lần”. Quả đúng như thế, ở con người ấy toát lên phong thái của một nhà khoa học từ cách ăn ở sạch sẽ ngăn nắp trong sinh hoạt và có kế hoạch trong làm việc, nghiên cứu, ngay trong những ngày ở khách sạn, hoặc ở nhà nghỉ của các trường đại học mà ông đến giảng bài cho đến giờ giấc và nhiệt huyết đối với công việc và học viên.

Phó giáo sư Lê Huy Bắc đã từng nói: “Tôi không tự kiêu nhưng tôi cũng chẳng việc gì phải quá khiêm tốn, tôi cứ sống đúng với chính những khả năng của tôi và chính bản thân tôi”.  Đối với Trương Đăng Dung, có lẽ cũng vậy người chưa bao giờ tự kiêu nhưng người có quyền hãnh diện lắm chứ... Riêng với học viên, ông là một tấm gương đáng để học tập cả về phong cách sống cũng như cách làm việc mặc dù sự nghiệp và công việc chính của ông là khoa học.

 

2. Nhà khoa học

            Sự mẫu mực trong đạo đức và lối sống có nguyên tắc là nền tảng cho những thành công trên con đường nghiên cứu khoa học của Trương Đăng Dung. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, các công trình khoa học của ông lần lượt được công bố: Các vấn đề của khoa học văn học” (chủ biên, 1990), Văn học và hiện thực” (viết chung, 1990), Từ văn bản đến tác phẩm văn học” (1998), “Tác phẩm văn học như là quá trình” (2004).  Với mong muốn nền văn học Việt Nam được phổ biến đến bạn đọc trên toàn thế giới, ông đã nỗ lực dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Hungari (1984) và ngược lại dịch các tác phẩm: tiểu thuyết Đứa trẻ mồ côi” của Moricz Zigmond (1987), Lâu đài” của F.Kafka (1998), Thằng điên và quỷ sứ” của Sarkadi Imre (2000). Ngoài ra còn dịch một số tác phẩm nghiên cứu và lý luận văn học khác sang tiếng Việt.

            Các công trình khoa học của ông được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học có uy tín đánh giá cao về mọi mặt. “Là người được đào tạo một cách chính quy và bài bản nên cách làm khoa học của Trương Đăng Dung có bài bản cũng là điều dễ hiểu. Những ai không tường tận cách làm này sẽ thấy sốt ruột, còn Trương Đăng Dung thì không. Anh cứ lẳng lặng một mình một ngựa “Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”. Trương Đăng Dung là người có ý thức về công việc của mình và thực trạng nghiên cứu lý luận ở Việt” (GS. TS. Nguễn Đăng Điệp). Với các công trình: Từ văn bản đến tác phẩm văn học” (1998), “Tác phẩm văn học như là quá trình” (2004)… Trương Đăng Dung đã thực sự khai mở cho khoa học văn học Việt Nam nguồn ánh sáng lý luận mới về văn bản và tác phẩm văn học.

Bằng công trình nghiên cứu “Tác phẩm văn học”, những ý tưởng học thuật về phương thức tồn tại của tác phẩm văn học đã được khai triển, đào sâu và làm phong phú thêm. “Trên cơ sở những phát hiện mang tính bản lề trong khoa học nghiên cứu văn học thì những gì nhà văn viết ra chưa thể gọi là tác phẩm văn học. Có chăng đó chỉ đơn giản là văn bản văn học mà thôi! Nếu xem những gì mà nhà văn viết ra bằng sự kết hợp giữa hai yếu tố thực tại tự nhiên, xã hội và tâm hồn, trí tuệ, sự rung cảm của nhà văn là văn bản văn học thì cái văn bản văn học ấy chỉ trở thành tác phẩm văn học khi và chỉ khi có hoạt động cụ thể hoá của người đọc. Văn bản văn học muốn trở thành tác phẩm văn học trước hết nó phải có một đời sống riêng, đời sống ấy chỉ thực sự bắt đầu khi có sự cụ thể hoá của người đọc” (Nguyễn Thanh Tuấn). Khi nghiên cứu về văn bản văn học và tác phẩm văn học, Umberto Eco cho rằng: “Văn bản văn học như là lá thư bỏ vào cái chai nút kín, sau khi tác giả thả cái chai xuống nước thì anh ta hiểu rằng từ phút đó sự cắt nghĩa thông điệp của anh ta không còn tuỳ thuộc vào ý đồ của anh ta nữa, cũng như không phụ thuộc vào ý đồ của cá nhân người nhận nào đó. Văn bản từ đây như là khả năng mời gọi đối với một công đồng người đọc”. như vậy tác phẩm văn học phải là sự quện hòa vi diệu giữa ba yếu tố: một là thực tại tự nhiên, xã hội, hai là tâm hồn - trí tuệ - sự rung cảm của nhà văn, ba là là sự cụ thể hoá của người đọc.

Giáo sư Trần Đình Sử nhận xét về công trình “Tác phẩm văn học như là quá trình” như sau: “Đây là một tiểu luận xuất sắc của Trương Đăng Dung”. Người đã xác lập được hệ thống của riêng mình. Không ít những luận điểm khoa học của Trương Đăng Dung đã đi vào đời sống và được nhiều người vận dụng. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao hướng tìm tòi mới mẻ và hiện đại của người. “Bản thân Trương Đăng Dung cũng luôn muốn được chia sẻ những nghiền ngẫm của mình với đồng nghiệp, với các lớp nghiên cứu sinh mà anh từng giảng dạy ở các Trường đại học và các Viện nghiên cứu trong cả nước. Trong các công trình khoa học, Trương Đăng Dung là người hay nói đến sự vận động, và bất cứ sự vận động nào cũng là một quá trình. Nếu hiểu như thế thì các ý tưởng khoa học của Trương Đăng Dung cũng chính là quá trình khiêu khích các giới hạn để vươn đến những giới hạn khác. Mà ý thức vượt lên các giới hạn thì vẫn còn nguyên vẹn trong nhiệt huyết khoa học của Trương Đăng Dung” (GS. TS. Nguễn Đăng Điệp). 

 

3. Nhà thơ

Bạn đọc không chỉ biết đến Trương Đăng Dung với tư cách là “một trong những nhà khoa học uy tín nhất Việt Nam” (TS. Mai Bá Ấn) mà còn biết đến một Trương Đăng Dung – Nhà thơ. Từ lâu, đọc giả đã được thưởng thức những vần thơ với những cách tân, hiện đại và đặc biệt ấn tượng cả về nội dung lẫn hình thức trên Tạp chí Sông Hương và các tạp chí khác. Năm 2011, tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng do Nhà xuất bản Thế giới ấn thì đọc giả thật sự ngỡ ngàng và hoàn toàn choáng ngợp. Ngỡ ngàng không phải vì lần đầu tiên được đọc những vần thơ độc đáo của nhà lý luận này mà vì nó mang đến cho người đọc nhiều khoái cảm thẩm mỹ sâu sắc. Người đọc còn thực sự choáng ngợp bởi: thời gian thơ có sức ám ảnh lạ thường, không gian thơ lạ hóa - mơ hồ, hệ thống biểu tượng thơ bắt nguồn từ chủ thể nên không còn điểm tựa ở thế giới hiện thực mà phụ thuộc vào trí tưởng tượng và quan điểm nhà thơ… Điều đặc biệt nhất trong số ấy là thế giới hiện thực. Hiện thực trong thơ Trương Đăng Dung không phải là cái hiện hữu mà là cái nằm sau hiện thực mà đọc giả phải tìm ra từ những kết nối ngầm, những mảng hiện thực đã bị xoay chiều, đảo ngược, vỡ vụn và xâm lấn lẫn nhau. Nghiên cứu về thơ Trương Đăng Dung, Hoàng Thụy Anh viết: “Tiếp cận một bài thơ, người đọc cần nhận diện các lớp sóng khuất lấp. Rồi thâm nhập, bóc tách, giải mã chúng để dần chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật. Đến với thơ Trương Đăng Dung, người đọc phải tuân theo quy trình đó. Thơ ông chứa một thế giới phi lý, nghiệt ngã, bất an. Một thế giới ngổn ngang, đầy những giới hạn. Một thế giới trống rỗng, xác xơ… Thế giới ấy được giải phẫu bằng tư duy của một nhà thơ mang tâm thức hậu hiện đại. Kiến tạo hình ảnh lạ, ít có sự tương đồng là đặc điểm chung của các nhà thơ theo tinh thần hậu hiện đại. Trương Đăng Dung cũng dấn thân vào con đường thơ hậu hiện đại bằng những chuỗi hình ảnh lạ: “Sông thanh thản kéo trời/ Chiếc ghế bỏ quên cơn mưa mùa hạ/ Dang tay đòi hái mặt trời/ Những chú chuột ăn cắp tã vá/ Mười ngón tay thức dậy trước bình minh/ Từng giọt trăng đỏ ối” Không đánh đố, “ma trận” với ngôn từ, hình ảnh trong thơ Trương Đăng Dung phần nhiều hướng đến cái phi lý, cái ngược đời được pha dung dịch humour. Chúng kết thành một trường phi lý, bung mở những cánh cửa vô hình trong thơ Trương Đăng Dung, thẩm thấu kiệt cùng của sự trống rỗng”.

Cái ám ảnh lớn nhất trong thơ ông là hành trình tìm kiếm của con người trong kiếp nhân sinh. Trên hành trình ấy con người trở nên bơ vơ, lạc loài, chới với chơi vơi trong sự bấn loạn cực độ của nội tâm:

“Bao năm rồi anh tìm em

trong những bình minh không có mặt trời  

trong những lâu đài chỉ có cánh dơi

trong những giấc mơ không đầu không cuối

 

Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời

sông trả lời anh sông chỉ biết trôi,

anh hỏi ngọn núi

núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi

anh hỏi con người

người trả lời anh bằng nước mắt rơi”

                                                 (Ảo ảnh)

            Kiếm tìm “em” trong môi trường siêu thực với sự hư ảo, hoang tàn, rệu rã và kỳ quái. “Em” vốn là một thực thể nhưng trên hành trình kiếm tìm ấy “anh” tự nhận thức được rằng biết bao giờ mới tìm thấy em. Chính điều này làm cho không gian thơ càng trở nên hư ảo, vô lý, bất an và ma quái. Thế giới người không phải là một thiên đường trên mặt đất với: “Này đây hoa của đồng nội xanh rì/ Này đây lá của cành tơ phơ phất/ Của yến anh này đây khúc tình si/ Và này đây ánh sáng chớp hàng mi/ Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa” (Vội vàng – Xuân Diệu) mà là một cõi người với đầy rẫy những ma quái, kinh hoàng, tởm lợm, đen tối, vô vọng và cô đơn. Điều này thể hiện dấu ấn rõ rệt của tư duy hậu hiện đại, nhất là chủ nghĩa hiện sinh. Cuộc đời là những câu hỏi vô lời đáp: Em ở đâu? Hạnh phúc là gì? Anh tìm kiếm đến bao giờ… Con người chìm trong bi kịch của sự cô đơn, băn khoăn, lo lắng rồi chợt nhận ra cuộc đời là vô nghĩa, sự tồn tại của con người chỉ là hư vô, ngắn ngủi và đồng hành với phi lý, rùng rợn.

“ngày ta sinh là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện

các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời

họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu”

                                          (Những kỉ niệm tưởng tượng)

            Những câu thơ có sức ám ảnh lạ thường, tác giả phơi bày những cái ghê rợn, vô nghĩa, phi lý bằng chính nỗi đau của mình. Bằng những mảnh vỡ của cuộc sống – những lát cắt siêu thực, Trương Đăng Dung đưa người đọc chìm sâu vào một thế giới phi lý với nhiều khoái cảm thẩm mỹ mới lạ. Khi sự sống bắt đầu cũng là khi con người phải đối đầu với những phi lý, chênh vênh và hư ảo.

“Ngôi nhà muốn bay

con đường muốn trôi

dòng sông muốn dựng ngược

các sự vật muốn được gọi tên

các sự việc muốn có đời sống mới”.

                                        (Thỏa thuận)

            Tất cả rơi vào trạng thái chênh vênh, mọi quy luật thông thường của đời sống bị phá vỡ, mọi sự vật trở nên đứt mối liên hệ trở thành những mảnh vỡ lộn xộn, thao thức đi tìm một trật tự mới trong thế đối lập, lệch chuẩn một cách vô thường: ngôi nhà><bay, con đường><trôi, dòng sông><dựng ngược… tạo ra một “thế giới không thuần nhất/ bấp bênh”. “Ở một đoạn thơ khác, nhà thơ dùng kết cấu vắt dòng, nối liên tục từ câu trước sang câu sau để nỗi đau của người đang sống với người đã chết kéo dài không dứt” (Hoàng Thụy Anh).

Tôi lại nhìn thấy họ

những xác người được tìm thấy

trong lớp đất bom vùi. Những người mẹ

chết vẫn ôm con, những đứa con chết

mặt úp vào ngực mẹ

                             (Tôi lại nhìn thấy họ)

            Nhìn thấy những hình ảnh tang tóc và ghê rợn này lòng tác giả quặn đau. Cái quặn thắt không được nói bằng lời, không được thể hiện bằng những cái nhăn mặt, nhắm mắt… Phía sau giọng thơ khách quan, lạnh lùng ấy Trương Đăng Dung luôn “mai phục” một trái tim nồng ấm yêu thương và luôn thầm nguyện cầu cho cuộc sống của con người có những thiên thần đứng vây quanh, môi hé cười và khe khẽ hát ru vì ngay từ lúc mới sinh ra con người đã phải sống trong sự phi lý, chênh vênh và muôn vàn đau khổ của cuộc sống.

            Bằng những nỗ lực, phong cách trong cuộc sống, những đóng góp lớn lao trong khoa học, những cống hiến trong nghệ thuật và giáo dục, Trương Đăng Dung xứng đáng là “một trong những nhà khoa học uy tín nhất Việt Nam”, một nhà thơ có phong cách độc đáo và là một tấm gương người thầy khả kính.

 

 

                                                                                                                                               Nguyễn Thanh Tuấn