Hoa dâm bụt ngời ngợi đỏ-Truyện ngắn của Phạm Phát

11.02.2015

Ngày ấy, tôi công tác ở Hà Nội, vợ tôi làm ở Hải Phòng. Chúng tôi cưới nhau hơn năm thì nhà tôi sinh cháu đầu lòng. Nhưng dường như Thượng đế muốn thử thách chúng tôi? Người ban cho vợ chồng tôi một thằng cu thật kháu khỉnh để rồi sau đó đúng 6 tháng, lại sai Tử thần xuống bế cháu về trời.
Vợ tôi gần như  phát điên. Còn tôi thì, xin lỗi các bạn, nếu chưa tùng chịu một nỗi bất hạnh như vậy, chắc bạn khó hình dung được tôi đau khổ đến mức nào. 

Hoa dâm bụt ngời ngợi đỏ-Truyện ngắn của Phạm Phát


Ngay sau ngày cháu mất, tôi xin chuyển về Hải Phòng. Cũng chẳng phải chỉ vì nỗi đau mất con. Nếu không có câu nói bất nhẫn của vị thủ trưởng cơ quan về cái chết của con tôi thì … Nhưng thôi, tôi chẳng muốn nhắc lại chuyện ấy làm gì vì nay thì anh ấy cũng đã trở thành người thiên cổ. Vả lại, bây giờ nghĩ lại anh ta cũng trót lỡ lời chứ chẳng đến nỗi xử tệ với tôi. Nhưng hồi ấy, ở cái tuổi còn nông nổi, lại đang quá đau buồn, tôi không kìm được sự uất ức, đã kiên quyết từ bỏ công việc mà tôi đang lao vào với tất cả sự hăm hở của tuổi trẻ.

Tôi về Hải phòng xin đi dạy. Tôi hi vọng sẽ tìm được hơi ấm của trẻ em để sưởi cho quả tim giá lạnh của mình. Trẻ con bao giờ cũng tốt hơn người lớn – lúc nào tôi cũng tin như thế. Tôi được đưa về dạy ở một trường phổ thong cấp III của thành phố. Tôi xin được làm chủ nhiệm một lớp đầu cấp với ý định muốn theo dõi cả một lứa học sinh đến cuối cấp học. Vốn chỗ quen biết, anh hiệu trưởng rất ủng hộ và đưa tôi đến một lớp tám. Sau mấy lời giới thiệu vắn tắt và cảm động của thầy hiệu trưởng tôi bắt gặp nơi gương mặt trong sáng của các em những cái nhìn đầy thông cảm như muốn được chia sẻ với thầy chủ nhiệm mới của mình. Và ngay chiều hôm đó, các em rủ nhau đến thăm tôi rất đông. Nhà tôi chật, các em phải ngồi chen ra cả ngoài hiên. Các em gái thì túm tụm vào một góc, đưa mắt máy nhau nhìn lên đầu tủ sách, nơi chúng tôi thường xuyên cắm hoa tươi và thắp hương cho cháu. Các em cứ ngồi im lặng, chẳng em nào nói với tôi câu nào. Rồi chào tôi ra về. Nhưng buổi tiếp xúc ban đầu ấy đã để lại trong quan hệ thầy trò chúng tôi một âm hưởng đặc biệt.

Rồi những ngày sau đó, ngoài giờ soạn bài, lên lớp, tôi dành thì giờ đến thăm nhà các em. Nhiều em thật tội. Em thì bố mất, nhà nghèo đông em, một buổi đi học một buổi ra ngồi chợ giúp mẹ. Em thì bố đi tàu, hàng tháng chỉ đảo về nhà mấy hôm, mẹ theo người khác bỏ em ở nhà với một ông nội nát rượu, em phải xơi đòn say của ông cứ như cơm bữa… Mỗi nhà một cảnh ngộ. Hình như khi đang đau khổ, đến với những người cùng đau khổ như mình thì nỗi khổ của mình như được vợi đi. Đúng như một nhà văn đã nói: một nỗi buồn cộng một nỗi buồn bằng một niềm vui. Nỗi buồn của tôi đã dần dần tìm đến với không phải chỉ một mà nhiều nỗi buồn của các em học sinh của tôi. Có phải vì thế mà thầy trò chúng tôi cứ mỗi ngày một gắn bó. Những ngày không có giờ dạy ở lớp tôi thấy nhớ. Tôi chờ đợi những tiết dạy để được nhìn thấy những đôi mắt sáng lên khi thu nhận được những điều mới mẻ trong lời giảng của tôi, được thấy các em vui mừng khi được tôi khen, ân hận khi bị tôi nhắc nhở. Đáp lại, các em luôn nhắc nhau chăm chỉ học tập và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua của nhà trường. Trên bảng chấm thi đua hang tháng, lớp tôi đã được xếp đầu ngay trong tháng đầu của năm học. Tôi thực sự ấm long khi nhận ra rằng các em muốn bằng mọi cách để tôi khỏi phiền lòng, để giúp tôi chóng khuây khoả.

Một lần, trường tôi đi gặt lúa giúp dân ở một nơi phải đi ngang qua nghĩa trang của thành phố. Trong khi gặt lúa, tôi chú ý một loài cỏ dại trên bờ ruộng có những bông hoa nhỏ xíu, trắng muốt, phơn phớt tím. Khi lúa gặt xong, những chùm hoa bị phơi ra trống trải, các cánh hoa mỏng mảnh cứ phất phơ trong gió lạnh. Bất giác tôi liên tưởng đến số phận hẩm hiu của đứa con xấu số. Và tôi tha thẩn đi ngắt những bông hoa tội nghiệp ấy lọn lại thành từng bó nhỏ. Cuối buổi lao động, sau khi dặn dò và cho các em về trước, tôi lững thững đạp xe theo sau. Giữa dòng xe đạp lũ lượt, tôi cắm cúi đạp, lòng trĩu nặng tiếc thương con. Từ ngày cháu mất, những lúc được sống với riêng mình như thế này thì tức khắc hình ảnh cháu lại chập chờn trước mắt tôi: tôi nhìn thấy rất rõ gương mặt của cháu lúc vĩnh biệt chúng tôi, đôi môi tím ngắt, hơi mím lại một bên như khó chịu về cái chết oan uổng của mình và như trách chúng tôi đã không làm hết mình để cứu cháu.

Đến nghĩa trang, dựa xe vào hàng rào dâm bụt, tôi lững thững đi về phía mộ con, lòng tan nát. Tôi đặt những lọn hoa dại lên mộ, thắp hương rồi sụp xuống bên con. Tôi không biết là mình đã ôm nắm đất chỉ bằng cái nôi úp trên mặt đất ấy trong bao lâu. Mãi đến khi nhang đã tàn, trời sập tối, tôi mới đứng dậy.

Và khi quay lại, tôi bỗng giật mình sững sờ: gần như tất cả học sinh của lớp tôi lặng lẽ đi theo lúc nào mà tôi không hay biết. các em đứng sát vào nhau, im lặng, em nào cũng cầm mấy bông dâm bụt trên tay. Tôi bật nấc lên, cổ nghẹn tắc, nước mắt dàn dụa.

Các em lần lượt đi qua trước mặt tôi, những gương mặt đau buồn, nhiều em đưa tay áo gạt nước mắt đến dặt hoa lên mộ con tôi. Trong chốc lát, ngôi mộ bé nhỏ và lạnh lẽo của cháu, phủ đầy hoa dâm bụt, bỗng lớn phổng và đỏ rực lên trong bóng hoàng hôn ảm đạm đang trùm xuống khu nghĩa địa.

Nhiều năm tháng đã trôi qua. Trong bao nhiêu kỉ niệm vui buồn của thời dạy học, màu hoa dâm bụt trên mộ con tôi buổi chiều hôm ấy vẫn ngời ngợi đỏ và ấm áp lạ lùng giữa tâm khảm tôi.

P.P