Trở về - Nguyễn Nga

03.06.2014
“Ông ngáo ộp kìa! Chạy nhanh lên tụi bay”. Đám trẻ lao nhao cả lên khi thấy xe đạp ông già Đen lọc cọc đầu hẻm. Chúng xô nhau chạy, đứa nọ ngã chồng lên đứa kia.

Ông già Đen bước lại gần, gương mặt cả đám xanh xám lại. Bộ râu ông quăn tít, rậm rì, lốm đốm, dính bết vào nhau. Trên gương mặt chằng chịt nếp nhăn, cặp lông mày xếch khiến ông càng dữ tợn hơn. Ông gườm gườm mắt nhìn một cậu bé. Miệng cu cậu mếu máo. Nhóc vội vã kéo quần, đứng lên, vụt chạy. Vừa chạy, thằng nhóc vừa gào khóc gọi mẹ. Già Đen nhìn đăm đăm theo cái dáng bé loắt choắt. Đôi mắt dữ dằn ấy bỗng chốc dịu lại, hiền hòa.

Trở về - Nguyễn Nga

Chiều chiều tôi thường đứng trên lan can phòng trọ, chăm chú quan sát già Đen. Ông lạnh lùng, trầm lặng và sống tách biệt với mọi người. Ông ở bên dưới phòng trọ của tôi. Có vài bận tôi bắt chuyện nhưng ông chẳng bao giờ trả lời. Dáng vẻ lôi thôi, nhếch nhác kèm gương mặt lầm lì của ông khiến mọi người ngại tiếp xúc. Ông đi từ tờ mờ sáng, đến khuya lắc lơ mới trở về phòng trọ. Đêm nào ông cũng say ngật ngưỡng. Không biết từ bao giờ, trong xóm trọ, các bà có con nhỏ thường lấy ông già Đen ra dọa nạt lũ trẻ. Con biếng ăn, họ lại chỉ vào phòng ông già Đen đe: “Không ăn cơm tao kêu ông ngáo ộp bắt giờ”. Con lì lợm, họ cũng nộ: “Không nghe lời đưa sang cho già Đen ăn thịt đi”. Vì vậy hễ thấy loáng thoáng bóng ông già Đen, lũ nhỏ lại kéo nhau chạy trốn.

“Làm vài ly không?”. Cái giọng khàn khàn, lè nhè của ông bất ngờ vang lên cuối phòng. Tôi rùng mình. Cạnh cầu thang, nửa gương mặt người nhô lên. Tôi chỉ kịp thấy hai con mắt đỏ ngầu cùng nửa mái tóc bù xù. Tôi chưa ừ hử lấy nửa lời thì ông già Đen đã nhanh nhẹn tuột xuống đất. Thời tiết se lạnh khiến người ta muốn xích lại gần nhau hơn. Một gã thanh niên trùng trục như tôi mà nhiều khi còn nhớ nhà đến ứa nước mắt huống hồ là ông lão.

- Có một mình mà phòng nhiều đồ quá vậy bố?

Tôi cố tình hỏi chuyện để cả hai ông cháu thấy gần gũi, tự nhiên hơn. Tôi không mong đợi có câu trả lời. Vì ông lão vẫn kiệm lời. Nhưng lạ thật, tối nay ông lại rất hào phóng lời nói.

- Ba cái đồ ve chai… không ai mua để trong phòng cho vui mắt - lão thật thà.

- Mấy cái đồ vô tri này sao giải khuây được bố? Kiếm bà nào xồn xồn về phòng… mới vui…

Tôi đưa cặp mắt leo nheo nhìn ông. Câu nói ẩn ý nửa đùa, nửa thật chẳng biết có làm ông lão phật lòng không. Tôi hồi hộp chờ đợi ông phản ứng lại. Ông im lặng, đưa ly rượu lên làm một hơi. Tôi nghe cái ực trơn tru, ngọt lịm. Ông khà một tiếng dài. Hình như có kèm theo tiếng thở dài trong đó. Gương mặt ông lặng tờ, những nếp nhăn rũ xuống.

- Già rồi, hơi sức đâu mà vui…

Sau câu nói ấy, gương mặt ông lão trở nên lạnh lùng. Thoáng ái ngại, tôi dừng ngay ý nghĩ nói đùa. Có lẽ ông lão không thuộc típ người thích đùa. Cụng nhẹ vào ly tôi, ông già lại khà thêm một hơi.

- Thế bố sống có một mình à?

- Ừ… Ông lão trả lời gọn lỏn.

- Vợ con bố đâu?

Ông lão dừng ly. Câu hỏi của tôi như một luồng điện đột ngột dí thẳng vào người lão. Một thoáng hoảng hốt, đau đớn đến tê dại phủ lên gương mặt lão. Nhưng rất nhanh, dòng cảm xúc ấy lặn vào trong. Duy chỉ còn lại đôi mắt lão, chứa đầy nỗi sầu muộn.

Quê lão thuộc miền Tây, vùng mênh mông sông nước. Mới ba tuổi, lão đã tắm mương. Bước chân ra cửa là chạm nước. Nhà lão nghèo đến độ một tấc đất cắm dùi cũng không có. Cha mẹ lão ở mướn trên đất của người ta. Khi cha mẹ chết, người ta đòi lại đất. Lão lủi thủi một mình ra cuối cánh đồng cất chòi. Cái chòi thấp đụp, đi ra đi vô cũng đụng đầu. Lão nghèo nên mãi 40 tuổi mới lấy được vợ.


- Nhà bả cũng nghèo lắm. Ngày hai bữa bả đi gặt lúa thuê cho người ta. Bả thấy tui mồ côi cha mẹ giống hoàn cảnh bả nên mới thương.

Lão dừng câu chuyện, đưa ly rượu lên miệng làm cái rột. Lão nối tiếp câu chuyện…

Trong căn chòi thấp lè tè ấy, niềm vui của hai con người cùng cảnh ngộ nhân lên khi đứa con trai đầu lòng chào đời. “Đến mùa nước nổi, tui đóng ghe cho vợ con ở. Hôm nào mưa lớn, tui ở nhà ru con. Thằng nhỏ ngoan lắm. Mỗi lần tui hát chưa xong câu à...ơi...dí...dầu...là nó ngủ mất tiêu”. Con trai lão lên 10 hay 12 tuổi gì đó. Lão sờ trán, bóp nắn. Lão cố nhớ năm sinh của nó. Hồi ấy, lão và vợ quanh năm bám mặt với sông nước, ruộng đồng nào có để ý gì đến ngày tháng. Lão chịu thua. Lão không tài nào nhớ chính xác con trai lão bao nhiêu tuổi. “Tầm lũ trẻ lóc nhóc bên này…”, lão so sánh. Tôi nhanh miệng: “Khoảng 12 tuổi”. Lão gật đầu: “Nhưng hồi đó, tui không có đủ cơm cho nó ăn. Tối ngày thằng nhỏ đi kéo lưới thuê cho người ta. Nó đen nhẻm. Người đẹt ngắc à. Nhìn nó giống con chàng hiu lắm”. Lão quẳng cái vỏ chai rượu vào tường. Chưa bao giờ tôi thấy gương mặt lão hiền từ đến vậy.

- Cậu biết không? Con trai tôi ấy, nó ốm ròm vậy thôi nhưng bơi lội giỏi lắm. Con nít trong làng không ai bơi lại nó đâu. Vậy mà…

Lão bỏ lửng câu nói. Lão nhắm mắt lại. Tôi thấy ri rỉ nước dưới hai mí mắt lão.

- Hôm ấy trời cũng mưa như vầy. Mưa trắng xóa cả một vùng...

Cơn bão lớn nhất trong lịch sử miền Tây. Không ai tin miền Tây có bão nhưng bão lại đến thật sự. Trời mưa tầm tã. Gió quần quật cả ngày. Mấy ngày trước nhà hết gạo nên con trai lão vẫn phải nai lưng đi phụ lưới thuê. Vợ lão đang gặt dở ngày công thì phải về vì mưa lớn quá. Lão đi đánh cá mướn ở xa. Gần năm giờ chiều. Gió xoay hướng, tạt ngược chiều. Chiếc ghe của chủ lão đang mấp mé vào bờ lập tức bị đánh dạt ra xa bờ. Gió phang mạnh vào ghe, nó lắc lư, chao đảo. Sóng đánh bật nước vào bụng ghe. Cả đám người lao vào tát nước. Cuối dòng sông đó, con trai lão cũng đang hì hục tát nước. Cả trưa không ăn gì, chạy lăng quăng trên ghe, thằng nhỏ mệt lả. Nó ôm bụng đói, mặt nhăn nhúm. Chủ ghe tưởng thằng nhỏ trốn việc, ông quát mắng um xùm. Cậu bé lại vội vã tát nước.

Chập choạng tối, cơn lốc xoáy đã di chuyển xa hơn. Các ngư dân thở phào nhẹ nhõm. Sau một ngày đánh vật với cơn bão, nhiều người tranh thủ chợp mắt. Một giờ sau, bất ngờ dông gió nổi lên, mưa phủ kín trời. Gió biến thành chiếc quạt khổng lồ, thổi tung mọi thứ lên khoảng không. Nhiều căn nhà tốc mái, tôn bay rào rào trên không trung. Con trai lão vừa bưng chén cơm lên thì “rắc rắc”, “ầm ầm”. Cả chiếc ghe lớn bị lật úp xuống lòng sông...

Nhà lão gió quật ngã rồi, có người đi ngang nói vào tai lão. Lão cuống cuồng chạy. Hình như có vài người đang xúm xít quanh đống đổ nát ấy. Trống ngực lão đập liên hồi. Lão gần như hụt hơi khi đến nơi. Ngôi nhà giờ là một đống cây cọc lộn xộn, bừa phứa. Người ta dắt tay lão lại chỗ tấm chiếu lùm xùm. Nơi có ba nén nhang đang tỏa khói. Họ chỉ cho lão biết người nằm trong tấm chiếu đó là vợ lão. Lão bưng mặt khóc hu hu. Ai đó xầm xì bên tai lão: “Tội nghiệp bà ấy, đi mà không gặp được mặt chồng con lần cuối”.

- Rượu vẫn còn để tui đi lấy.

Lão đi như chạy. Chai rượu ở đây vẫn còn lưng lửng. Tôi biết đi lấy rượu chỉ là cái cớ. Lão chạy đi lau nước mắt. Lão sợ tôi thấy lão khóc. Gương mặt lão lúc này như chiếc lá ướt rượt sau cơn mưa.

Vỏ chai rượu nằm lăn lóc dưới nền nhà. Cả tôi và lão đều tỉnh táo. Không ai lè nhè hay gật gù. Mưa vẫn gào ngoài cửa sổ. Thi thoảng có những ánh chớp lập lòe.

- Còn con trai bố? Tôi sốt ruột hỏi.

- Nó cũng bỏ tôi đi trong trận bão ấy.

Tôi lặng người, không đủ can đảm để hỏi thêm câu nào nữa. Tôi không ngờ, cuộc đời lão lại như trận bão năm ấy.

- Cậu biết một thằng đàn ông chỉ trong một đêm tận mắt chứng kiến vợ con chết thì sẽ ra sao không?

Lão vò tóc. Lão đang tìm từ để diễn đạt.

- Khi đó tui nghĩ nếu chết được có lẽ sẽ bớt đau đớn hơn. Nhưng chắc tại kiếp trước tui ở ác. Kiếp này ông trời cứ bắt tui sống mãi để trả nợ.

Lão khóc tức tưởi như một đứa trẻ. Từ khi vợ con mất, lão bỏ quê lên thành phố, chưa một lần về quê. Ngày hai bữa lão đi lượm ve chai. Lão trở nên trầm lặng, không còn buồn chuyện trò với ai.

- Bố không thể cứ sống thế này mãi. Bố định kéo lê cuộc đời mình đến bao giờ? Tự nhiên tôi gắt gỏng. Lão cười gằn:

- Tôi không kéo lê cuộc đời mà chính đời đang kéo lê tôi.

Bất chợt, lão dừng lại nhìn tôi. Nước mắt lão thôi không chảy nữa. Lão nhè nhẹ vỗ vai tôi:

- Cảm ơn cậu. Hôm nay tui vui lắm.

Khi tôi trở mình dậy, chiếc áo ấm bằng bông nặng trình trịch phủ trên người tôi. Có lẽ là áo của ông già. Tôi cất tiếng gọi. Nhưng không một tiếng đáp lại.

Cạnh chai rượu, có vài dòng chữ nguệch ngoạc, sai dấu chính tả. Cuối cùng lão cũng về quê, về lại mảnh đất đã làm lão đau thương cả nửa đời người. Lão về để thắp cho người vợ và đứa con trai xấu số một nén nhang. Ngày mai là ngày giỗ. Lão đã thôi không trốn chạy quá khứ. Hóa ra tận cùng của đau khổ, tận cùng cái chết vẫn là sự sống.

N. N

Nguồn: phunuonline.com.vn