Trinh Đường, nhập thân vào đất nước

25.10.2022
Nguyễn Thanh Kim
Tôi biết nhà thơ Trinh Đường rất sớm, nhưng được tiếp xúc vối ông khá muộn. Bạn bè làm thơ cùng trang lứa thường kể về ông với lòng biết ơn của "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy", khi đến với thơ với tất cả lòng thành thật của mình.

Trinh Đường, nhập thân vào đất nước

Nhà thơ Trinh Đường

Hồi đó Trinh Đường là Trưởng ban thơ Tuần báo Văn nghệ. Nói không ngoa rằng - ông là người đỡ mát tay cho hầu hết các nhà thơ lứa đầu khi cả nước bước vào giai đoạn chống Mỹ: Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Tô Hà, Vũ Đình Minh, Nguyễn Thái Vận, Thi Hoàng, Nguyễn Mỹ, Đào Ngọc Vĩnh, Anh Vũ, Trần Anh Trang...

Không thể kể hết những bài thơ hay, câu thơ hay của ông được bạn đọc đón nhận nhiệt thành. Cũng không ít điều này tiếng nọ về cá tính ông: đam mê thơ, hết lòng vì thơ, và cũng cực đoan trong thẩm định thơ.

Lúc đầu, tôi không tin lắm những lời đồn thổi về Trinh Đường, nhưng sau này tôi cũng phải "chạm" vào ông trong quá trình ông biên soạn cuốn Những gương mặt thơ mới - 2 tập - NXB Thanh niên ấn hành. Tôi được ông chọn 3 bài trong tập I, trong đó có bài Lặng yên với cỏ viết ở Đà Lạt. Ông yêu cầu tôi sửa vì bài thơ phiêu diêu quá, không có điểm tựa... Chiều ông, tôi đành phải sửa theo, nhưng trong lòng vẫn thắc thỏm không yên...

Trinh Đường "quyết liệt" trong sáng tác thơ, trong biên soạn thơ, trong bình thơ. Điều này làm cho các NXB chẳng mấy dễ chịu về ông. Cuốn Một thế kỷ thơ Việt (tập I) nếu không có nhà thơ Quang Huy, Giám đốc NXB Văn Hoá - Thông tin tài trợ thì khó lòng ra mắt bạn đọc được. Rồi tập 2, tập 3 vẫn chưa "đi" được. Nếu ông chịu nhún biên tập một chút thì đâu đến nỗi các cuốn sách này chạy lòng vòng mãi.

Tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều loại người, mẫu người, típ người nhờ nhờ như nước hến... nên càng kính trọng thái độ sống và viết của ông hơn. Nghĩ cho cùng, đã là tính cách thì khó có thể thay đổi được. Tính cách Trinh Đường là vậy!

Nhà thơ Trinh Đường đi nhiều, viết khoẻ. Từ Lũng Cú cực Bắc đến Cà Mau chót cùng cực Nam... cứ liệt kê địa danh trong những bài thơ của Trinh Đường thì không có vùng đất nào không in dấu chân ông, không để lại dấu vết trong thơ. Trinh Đường mắc bệnh xê dịch như một nhu cầu tự thân:

“Nhập thân vào đất nước/ Mới nhập thần vào thơ”

(Vĩ thanh)

Ông đi như không biết đến tuổi già xồng xộc đến với mình, giao kết cùng thiên nhiên, đặng dâng hiến cho đời:

“Hương mùa em bay sang

Hương mùa anh bay tới

Hai mùa hoa nhập lại

Thành trăm mùa mật thơm”

(Giao mùa - Lạng Giang)

Vào năm 1979, ông trở lại vùng Kinh Bắc. Cái chất nghĩa hiệp trong ông lại trỗi dậy. Trinh Đường nhắc lại không khí lịch sử với rất nhiều gươm đao, máu lửa, tàn quân chạy trốn... Ông xuất chiêu một câu thơ thần cú làm sửng sốt cả lũ làm thơ chúng tôi vốn quê Kinh Bắc:

“Quê Trương Chi hòn đất cũng đa tình”

(Lên Tam Tầng)

Khi gặp nhau, nhắc đến Trinh Đường, mấy anh em làm thơ thường nhắc những ngày đầu chống Mỹ ông đi thực tế ở Bắc Giang thấy quý ông, trọng ông ở cái khí, cái thần, chất hoành tráng trong thơ:

“Tôi vỗ vai dãy núi dài Yên Tử

Nghiêng xuống con sông Thương nước chảy đôi dòng

Tôi ướm hỏi màu da cam buổi chiều vàng Yên Thế

Thăm thành Luy Lâu từng biết mặt mấy nghìn năm”

(Henxơấp)

Những năm cuối đời, Trinh Đường thường thăm lại các bạn thơ vùng Kinh Bắc, viết về đề tài lăng tẩm xưa, viết về quan họ:

“Hội Lim thiếu vắng một người

Não lòng câu hát người ơi đừng về”

(Trong hội Lim)

Với tôi Trò chơi phù thế - NXB Thanh Niên - 1977 là tập thơ hay nhất của Trinh Đường. Được nhà thơ Phan Xuân Hạt là người biên tập tìm cho một cuốn, tôi đọc và mê ngay. Trước đó hầu hết các tập thơ của ông, tôi đều mua hoặc mượn đọc. Thơ Trinh Đường trải ra theo chiều dài đất nước và chiều sâu tâm trạng ông. Xúc cảm dư thừa nhưng ý tưởng chưa đậm.

Cũng như nhiều nhà thơ thời kỳ ấy, thơ Trinh Đường vẫn mang nặng phần mô tả đời sống, chưa khai thác những tầng vỉa của chiều sâu đời sống. Nhưng đến tập thơ Trò chơi phù thế, ông đã dồn hết tâm lực cho lần phát sáng cuối cùng những điều ông từng trải nghiệm, chiêm nghiệm về cõi sống, cõi phù sinh; cả cuộc đời Trinh Đường trong hành trình thơ là sự tự vượt lên mình, không bằng lòng với mình đến cõi thơ mà ông tôn thờ:

“Thâm nghiêm riêng cõi tôn thờ

Đốt thơ tiền kiếp chờ thơ lên đền

Dấn thân tìm kiếm hão huyền

Vẫn về bến cũ neo thuyền chờ hoa”

(Lửa phù sinh)

Nghiệp chướng thơ mà ông theo đuổi có khi là nỗi buồn đeo đẳng:

“Trót vay phải trả nợ đời

Tôi đeo tôi bán không người buồn mua”

(Ai mua không, tôi bán cho)

Cũng là sự run rẩy của một hồn thơ quá nhiều nhạy cảm:

“Bàn tay cung mệnh trời trao

Nhớ em biết cắn ngón nào khỏi đau”

(Cắn tay)

Có thể là sự hồi nhớ những chuyến đi, những gương mặt người thân nhưng thoát lên nhiều lắm, nó nằm trong cõi nhớ thoắt thực thoắt ảo trong tâm thức ông:

“Hay từ tôi, không, không phải từ tôi

Hay từ vách, từ trần nhà, tủ sách

Tiếng tha thiết chưa vang đà tịch mịch

Vừa mới nghe thoắt chốc đã vô thanh”

(Tiếng gọi từ đâu)

Trong Trò chơi phù thế - tôi nghiệm ra rằng - đó là tổng kết đời thơ Trinh Đường. Cảm thức thời gian luôn dày vò ông, luôn hiện hữu trong thơ ông: Vĩ thanh, Thế kỷ XX, Chuyến đi cuối năm, Sau những hành trình, Nhìn tờ lịch cuối... Vượt qua bể thời gian, nhiều điều còn khiến ông vướng bận, không bằng lòng, còn lắm tục luỵ, nhưng trước sau hồn thơ Trinh Đường vẫn hướng về cõi thế với nhiều tin tưởng, thiết tha.

Có người bảo Trinh Đường là Đông-ki-sốt đánh nhau với cối xay gió, còn tôi thấy ông như Con voi một ngà. Ở đây có sự ký thác nỗi niềm của ông với đất nước, nhân dân mà ông yêu mến, là tâm nguyện của ông trong cõi thế này: Nhờ đất nước mà sinh trưởng, nó phải làm mọi cách để trả ơn và làm tròn nhiệm vụ lịch sử cố gắng hết mình trong khi sống, trả bằng hình hài sau khi nhắm mắt (Con voi một ngà).

Nhà thơ Trinh Đường - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957, nhiều năm làm biên tập viên, trưởng ban thơ báo Văn nghệ, rồi biên tập thơ NXB Văn học.

Tác phẩm chính đã xuất bản: Về thơ: Hoa gạo, Hạt giống, Thủy triều, Bạch Đằng tráng khúc, Giao mùa, Phượng hoàng con, Quán trọ, Hội hóa trang, Hành trình, Trò chơi phù thế, Tuyển tập thơ Trinh Đường (Phan Quế tuyển chọn và giới thiệu). Về văn: Làm cầu La Kham (ký), Ngày và đêm một lứa đôi (truyện ngắn). Phê bình lý luận biên soạn: Ngày hội thơ, Những gương mặt thơ mới, Thơ với tuổi học trò, Một thế kỷ thơ Việt, Thơ thế kỷ XX (tinh tuyển và bình giá)

Trinh Đường được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.