Tọa đàm “Thơ Đà Nẵng hôm nay”

07.03.2015

Sau chương trình thơ-nhạc “Đà Nẵng hướng về biển, đảo Viêt Nam”, tọa đàm “Thơ Đà Nẵng hôm nay” được tổ chức vào sáng ngày 07/3/2015. 

Tọa đàm “Thơ Đà Nẵng hôm nay”


Đây là hoạt động học thuật do Hội đồng Lý luận phê bình văn học-nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật thành phố phối hợp với Hội Nhà văn thành phố tổ chức nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XIII. 

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-nghệ thuật thành phố - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học-nghệ thuật thuộc Liên hiệp Hội báo cáo đề dẫn và chủ trì buổi tọa đàm.

 




Có 3 tham luận chính là Thơ Đà Nẵng-Thử nhìn những động thái của hiện tại trong trường đối sánh với khu vực và hướng ra thế giới của Nguyễn Quang Huy, Thơ và sự tồn tại của thơ? của Đinh Thị Như Thúy và Thơ-Bình thường, bất thường, phi thường của Trần Tuấn và 6 tham luận phản biện của các nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học gồm Nguyễn Nho Khiêm, Lê Anh Dũng, Nguyễn Thị Anh Đào, Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Khắc Sính, Nguyễn Minh Hùng đã được trình bày tại tọa đàm.


Các tham luận đã nêu rõ thực trạng thơ Đà Nẵng hôm nay, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thơ Đà Nẵng hôm nay chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi và đặt vấn đề về sự đổi mới của thơ Đà Nẵng trong những năm đến. 

 













Tại tọa đàm, nhiều ý kiến trao đổi về những suy nghĩ, quan điểm, nhận định về thơ Đà Nẵng hôm nay được phát biểu sôi nổi.

 


















Tọa đàm diễn ra trong không khí cới mở, chân tình, thẳng thắn và xây dựng với mục đích làm thế nào để có thơ hay nói chung và thơ Đà Nẵng hay nói riêng.

 

P.V

 

 

 

BÁO CÁO ĐỀ DẪN

THƠ ĐÀ NẴNG HÔM NAY

 

Bùi Văn Tiếng

 

Trong tham luận của mình, nhà thơ Trần Tuấn tỏ ý dè chừng về tính thiết thực của loại hoạt động học thuật này: “Tôi thường ít hy vọng vào các hội thảo/tọa đàm mang tính “thúc đẩy nền văn học”, bởi tính vô vọng của nó. Vô vọng cũng là một thuộc tính của thơ. Nếu là buổi ra mắt một tập thơ chẳng hạn, thì với tôi có ích nhiều hơn. Chúng ta có một cái cái “đích” cụ thể trong một từ trường cụ thể, thậm chí biến nó thành vật tế thần để có cớ tha hồ vặn vẹo bắt bẻ nhau. Và ít ra tác giả có một dịp PR tốt lành”. Quả là đã có quá nhiều hội thảo/tọa đàm văn chương  mà sự vô bổ của chúng từng khiến Trần Tuấn, và cả chúng ta nữa, nản lòng.

 

Nhưng trong bài phản biện tham luận của Trần Tuấn, nhà phê bình Nguyễn Khắc Sính cho rằng: “Việc tổ chức một/nhiều hội thảo/tọa đàm về một hiện tượng văn học (một tác giả, một tác phẩm, một trào lưu, một vùng/một nền văn học) trong lịch sử văn học nhân loại hay văn học Việt Nam xưa nay không có gì là vô vọng. Vấn đề ở đây là tính mục đích, là thái độ của người tham gia hội thảo/tọa đàm. Nếu tổ chức hội thảo/tọa đàm chỉ để vuốt ve nhau, tự thỏa mãn nhau, tự PR nhau,… thì quả là vô ích, vô vọng; còn hội thảo/tọa đàm để nghiêm túc đánh giá về một hiện tượng văn học nào đó trên cơ sở tranh luận quyết liệt, phản biện thật sự mang tính chuyên môn cao để làm rõ chân dung, chân tướng của hiện tượng ấy thì chẳng lẽ lại vô vọng sao?”.

 

Và nói vậy thôi chứ Trần Tuấn cũng đã nhận lời tham gia tọa đàm và gửi tham luận Thơ - Bình thường, Bất thường, Phi thường, bởi dường như anh cảm nhận cuộc tọa đàm hôm nay có thể sẽ không đến nỗi… vô vọng. Và đó cũng là điều mà tất cả chúng ta đang mong đợi.

 

2. Khái niệm Thơ Đà Nẵng cũng thu hút mối quan tâm của nhiều nhà thơ, nhà phê bình tham gia tọa đàm này. Nguyễn Khắc Sính trữ tình ngoại đề rằng trong tham luận Thơ - Bình thường, Bất thường, Phi thường, Trần Tuấn “không đề cập đến vấn đề: thế nào là thơ Đà Nẵng? Chẳng hạn: thơ Đà Nẵng là thơ do người sinh ra, lớn lên ở Đà Nẵng làm thơ về Đà Nẵng; thơ của người ở các nơi khác sống ở Đà Nẵng làm thơ về Đà Nẵng; hoặc bất cứ câu thơ/bài thơ/tập thơ của bất cứ ai, ở đâu viết về Đà Nẵng…”, mặc dầu Trần Tuấn bàn về cái bình thường, cái bất thường, cái phi thường của thi ca thông qua một case study/một trường hợp nghiên cứu là Thơ Đà Nẵng.

 

Người quan tâm nhiều đến khái niệm Thơ Đà Nẵng là Nguyễn Quang Huy. Anh sử dụng khái niệm này với tất cả sự cẩn trọng khoa học trong tham luận của mình, bởi theo anh, thơ Đà Nẵng không thể tách rời khỏi thơ đất Quảng - cho nên mới có thể liên tưởng đến Bùi Giáng như một “bước chạm tư duy hậu hiện đại, như một người tiên phong, một ngọn núi lớn - mà phần lớn những kẻ sáng tạo thơ Đà Nẵng hôm nay vẫn ngoái nhìn” (Nguyễn Quang Huy), không thể tách rời khỏi thơ Việt và nhất là không thể tách rời khỏi Thơ nói chung: “vùng đất, vùng văn hóa văn nghệ nào đó chỉ là một căn cước nhỏ để chuyển tải những trải nghiệm, là điểm xuất phát để nó tiến ra thân phận chung của nghệ thuật. Điều này cực đoan đến mức, kẻ làm thơ, kẻ sáng tạo thơ, dù có nói về quê hương bản quán, nhưng bao giờ trong cấu trúc bề sâu nó cũng hướng tới một điều gì đó sâu rộng hơn”. Từ đó cũng có thể thấy thơ Đà Nẵng không chỉ viết về đề tài Đà Nẵng - như gợi ý của Nguyễn Khắc Sính khi trữ tình ngoại đề - mà còn viết về những đề tài vĩnh cửu của thi ca.

 

3. Các nhà thơ, nhà phê bình tham gia tọa đàm đều có một đánh giá khá nhất quán rằng thơ Đà Nẵng hiện nay chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi. Không ai phủ nhận thơ Đà Nẵng có thành tựu thậm chí là thành tựu có tầm cỡ, nhưng đó là thành tựu của một số nhà thơ chứ chưa phải là thành tựu của cả một vùng thơ. Vì thế rất cần xác định đúng tọa độ của thơ Đà Nẵng trong nền thơ Việt Nam hiện đại và quan trọng hơn là tìm hiểu vì đâu mà thơ Đà Nẵng lại chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi.

 

3.1. Nguyên nhân của tình trạng này - như nhà thơ Đinh Thị Như Thúy phân tích - là do trên hành trình sáng tạo nghệ thuật, người làm thơ bị vướng chân vào quá nhiều cái bẫy, chẳng hạn vào một cái bẫy êm ái rất khó nhận ra là thói quen sử dụng ngôn từ: “khi viết về mùa thu ta bị choán đầy bởi những lá vàng, cúc vàng, những mây xanh, những tơ trời, gió heo may và cảm giác buồn hiu hắt...; viết về mẹ nếu không có hình ảnh con cò ăn đêm, dãi nắng, dầm mưa, thì lại mẹ chờ chồng, chờ con, hy sinh tuổi xanh, tuổi trẻ...; viết về mùa hạ có tiếng ve, có chia tay dưới tàng phượng đỏ..., mùa xuân có mai vàng đào đỏ, có đông tàn xuân tới, có đất trời đơm hoa, có xuân chiến thắng...; rồi cứ nỗi buồn thì băng giá, con tim thì thổn thức, mắt thì long lanh, đêm thì cô đơn, em thì đến từ cõi chiêm bao...; tổ quốc thì thiêng liêng, rồi vững tay súng, vững lòng tin vào ngày mai...”.

 

3.2. Nguyên nhân của tình trạng thơ Đà Nẵng hiện nay chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi còn do tính độc bản của sáng tạo thi ca chưa được coi trọng đúng mức. Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy đề cập về cái độc sáng trong sáng tác nghệ thuật khi phân tích thêm tác hại của cái bẫy thói quen sử dụng ngôn từ: “Ta cứ dùng chữ như một sự cưỡng bức chữ theo ý nghĩ chủ quan dễ dãi của mình mà không băn khoăn gì về cái gọi là độc sáng trong sáng tác nghệ thuật”.

 

Còn Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm thì xuất phát từ hai câu thơ Xuân Diệu - Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có ai so sánh nổi cùng ta - để cho rằng: “Mỗi câu thơ, mỗi bài thơ do nhà thơ sáng tạo ra là duy nhất, là một, là độc bản - từ cổ chí kim, từ đông sang tây câu thơ ấy, bài thơ ấy chưa hề có. Và bài thơ ấy phải là riêng, là thứ nhất. Riêng là phong cách nghệ thuật của bài thơ đó dứt khoát không trùng với tác giả nào, vì mỗi nhà thơ đều có một thủ pháp nghệ thuật riêng, bài thơ hay khi xuất hiện phải là bài thứ nhất, lần đầu tiên sinh thành và sẽ không bao giờ đứng thứ hai. Nếu tác giả sau làm bài thứ hai tương tự như tác giả trước thì bài thứ hai ấy không có lý do gì để tồn tại”. Cũng có thể nói thêm rằng nếu cả hai tác giả đều làm bài thứ hai tương tự như bài thứ nhất của chính mình thì hai bài thứ hai ấy cũng không có lý do gì để tồn tại. Nghệ thuật tối kỵ sự lặp lại - lặp lại người và lặp lại mình, kể cả sự lặp lại bởi chính các tài năng.

 

Chính vì lẽ đó nên Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng quan niệm: “Thơ có vẻ dễ làm nhưng khó hay; thường rất hiếm có bài thơ câu thơ đích thực là thơ. Người làm thơ không thể “bao dung” với chính mình; phải nghiêm khắc hơn ai hết, phải chọn lựa với ý thức đầy đủ và sâu sắc về quá trình sáng tạo tác phẩm thơ, phải có đủ năng lực đọc và thẩm định thơ chính mình. Một người làm thơ hay bỗng dưng bỏ bút. Một người làm thơ không hay một ngày quyết định không viết nữa. Nếu cả hai con người ấy đều vì thơ thì họ xứng đáng có một trong những phẩm chất thi nhân!

 

3.3. Nguyên nhân của tình trạng thơ Đà Nẵng hiện nay chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi còn do chưa quan tâm đúng mức đến tính khó hiểu của thơ. Trần Tuấn thẳng thắn: “Nói như Nguyễn Bình Phương, khó hiểu còn có cái để cho bạn đọc tiếp tục khám phá. Chứ huỵch toẹt một lớp phơi hết tất cả, thì coi như xong”. Nguyễn Khắc Sính đồng tình với Trần Tuấn về điều này nhưng lý giải thêm: “Từ bao đời nay, nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng luôn khó hiểu, khó hiểu từ trong cái bản chất mơ hồ, đa nghĩa của nó. Cách nay hàng trăm năm, từ đời Minh, Tạ Trăn từng nói: Thi khả giải, bất khả giải, bất tất giải. Cũng từ đời Minh, Vương Sĩ Trinh lại nói, đại ý: thơ khó ở chỗ nếu không giải thích được thì thơ vô vị mà giải thích được thì hết vị”. Thật vậy, thơ luôn lung linh giữa giải thích được và không giải thích được - thi thị khả giải bất khả giải chi gian.

 

3.4. Nguyên nhân của tình trạng thơ Đà Nẵng hiện nay chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi còn do lỗi của người biên tập thơ ở các nhà xuất bản và ở các tòa soạn báo/tạp chí.

 

Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng khẳng định: “Đăng thơ, xuất bản thơ, tuyển thơ dễ dãi (…) dẫn đến sự tầm thường hóa nghệ thuật khiến cái đẹp trở nên rẻ rúng, Liệu còn gì vang vọng nữa trong nhau (Anh Ngọc)”. Nhà thơ Nguyễn Văn Tám trong tham luận Thơ và Thơ kể lại một trải nghiệm của riêng anh về vấn đề này: “Tạp chí Non Nước những số gần đây như số 205 tháng 12 năm 2014 có đăng bài Về Hòa Bắc mà tôi không tiện nêu tên tác giả: Lâu lắm mới về thăm Hòa Bắc/ Nghe tiếng CaTu mế nói cười/ Xung quanh rừng núi chừng tươi mới/ Bóng ngày hoan hỷ khúc ca vui. Hoặc: Rắn cắn mèo nhà đuôi cụt ngủn/ Rau rừng độn bữa sắn khoai thôi. Tại sao phải là “mế” ở đây, hay người dân tộc phía Tây Bắc lập nghiệp ở miền núi Tây Nguyên? Tôi ở Tây Nguyên 5 năm không thấy có từ “mế” thay từ “mẹ”. Chưa hết: Xung quanh rừng núi chừng tươi mới - có phải thiếu từ ngữ? Tôi đi ngược những bài khác của anh cũng như vậy. Như thế là tại Ban biên tập lờ đi và bỏ qua những bài viết yếu như vây và chính Ban biên tập “có công” làm cho thơ Đà Nẵng đi xuống!

 

Nhà thơ Nguyễn Thị Anh Đào còn đòi hỏi người biên tập thơ: “phải nhìn xuyên thấu và phải mạnh tay chỉ ra, hoặc mạnh tay xếp vào góc biên tập những bài thơ không đủ chất lượng, dù có thể tác giả gửi đến nhiều, nhưng không phải vì một sự cả nể nào đó mà dễ dàng đăng tải một tác phẩm thơ cũ, nghèo nàn và có phần để lộ cảm xúc. Tạp chí Non Nước hay báo Đà Nẵng cuối tuần cần một sự lột xác mạnh hơn, dám chịu trách nhiệm hơn khi chọn đăng và giới thiệu những bài thơ gai góc, hoặc mở cửa đón những làn gió mới từ văn học”.

 

3.5. Nguyên nhân của tình trạng thơ Đà Nẵng hiện nay chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi còn do lỗi của… độc giả/của công chúng thơ. Đinh Thị Như Thúy nêu rõ: “Người viết đã vậy, lại thêm có những người đọc với thói quen đọc cũ: khư khư giữ quan niệm thơ phải du dương vần điệu, bằng lòng với dòng thơ câu trước gọi câu sau, các câu mang ý nghĩa rõ rệt để diễn tả một vấn đề rõ rệt... Đứng trước một câu thơ khó, những người đọc này sẽ lập tức phản ứng đòi truy cho được một cách hiểu, có khi bằng định kiến còn quy chụp diễn giải khiến người viết không khỏi e ngại...”

 

Nguyễn Thị Anh Đào thì cho rằng: “Vì xu thế sống vội, sống mau, sống nhanh hiện nay đã từng bước du nhập vô thức vào đời sống nên người đọc bị nhiễm. Người làm thơ thì nhiều mà người đọc thơ, người tri âm thì quá ít. Thơ thành ra sáo rỗng và thường bị lướt bỏ. Ít ai còn mặn mà ngồi đọc hết một tập thơ nếu như đó không phải thơ của một người bạn, hay một hội viên, hay một tập thơ “bị tặng”. Ít ai chịu đi lùng mua một tập thơ về để đọc. Nó là hệ luỵ của cả một vấn đề lớn của xã hội, và văn chương không thể nằm ngoài vòng xoáy đó được”.

 

Nguyễn Minh Hùng lý giải thêm: “Đọc cho ra thơ (giải mã) là việc khó, cực khó. “Đọc thơ” là quá trình tiếp nhận sáng tạo thì nó cần phải được nâng lên một tầm mới, một kiểu đồng điệu mới, không bảo thủ và sẵn sàng chấp nhận sự đổi thay, biết thay đổi cách nhìn cách cảm trước các hiện tượng “lạ”, “bất thường” - những cái mới khi mới xuất hiện bao giờ cũng “lạ”, “bất thường” và khó chấp nhận”; đồng thời đề cập một nguyên nhân khác: “Các sinh hoạt thơ hiện nay cũng phải xem lại. Thơ không thể gắn với sự náo nhiệt, hội hè, cờ quạt, ca múa nhạc… náo động. Thơ có không gian sinh thành riêng, có con đường truyền dẫn thăng hoa riêng, có cung cách giao tiếp riêng - sâu lắng, chiêm nghiệm, vang động cái đẹp trong lòng (sức bùng nổ dữ dội nhưng biết lắng nghe mới nghe được). Không chú ý tính chất tri âm này thì hoạt động thơ coi là chuyện mượn thơ để vui chơi hay vì một mục đích nào khác mà thôi”.

 

3.6. Nguyễn Thị Anh Đào còn nêu lên một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thơ Đà Nẵng hiện nay chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi: vấn đề đội ngũ làm thơ đang bị lão hóa dẫn đến khó đổi mới trong sáng tác thơ: “Sự già cỗi của tuổi tác đã ảnh hưởng rất lớn tới những tác phẩm, bởi theo dòng chảy của văn học, của cuộc sống, thì con người phải luôn chảy, và không được dừng lại vì bất cứ lý do gì, đặc biệt trong sáng tạo nghệ thuật, cụ thể là thơ. Những nhà thơ đã ở tuổi phía bên kia 50 thì suy nghĩ và hành văn sẽ hoàn toàn khác những người trẻ tuổi, với những luồng suy nghĩ mang hơi thở thực tế của cuộc sống và những va chạm văn chương tức thời từ việc đọc, cảm nhận với cả một dòng chảy văn học hiện đại hôm nay”.

 

Nhận xét của Nguyễn Thị Anh Đào chắc sẽ thuyết phục hơn nếu đổi sự già cỗi của tuổi tác thành sự già cỗi của tâm hồn hay của tư duy. Nên nhớ Nguyễn Minh Hùng - người có thành tựu trong cách tân thơ trên văn đàn Đà Nẵng hiện nay - cũng đang xấp xỉ tuổi 60.       

 

            4. Các nhà thơ, nhà phê bình tham gia tọa đàm còn đặt ra câu hỏi: Thế nào là thơ hay? Chẳng hạn Nguyễn Nho Khiêm “nhớ nhà thơ Thanh Quế có lần phát hiện rằng, hầu hết thơ hay của Việt Nam được nhiều người biết đến là những tác phẩm thơ được viết dưới dạng kể chuyện, bằng những hình ảnh sinh động”. Như vậy Thanh Quế/Nguyễn Nho Khiêm cho rằng thơ hay cốt ở tứ mà trong nghệ thuật cấu tứ của thơ thì cấu tứ theo kiểu kể chuyện - có cốt truyện/có nhân vật - là một kiểu cấu tứ đầy ưu thế.

 

Và theo nhiều người thì thơ hay là thơ nói lên được thân phận con người: “Thơ phải hay, nêu lên được thân phận con người, tâm hồn con người trong thời đại mình đang sống” (Lê Anh Dũng); hoặc “Cố nhà thơ Phụng Lam từng trăn trở để có những câu thơ mang nặng thân phận người với nỗi khát thèm mãnh liệt, ví như trong bài thơ Rượu quê: Nụ hôn cởi yếm cành non/  đất trời vạn vật mở lòng đón xuân/ bỗng thèm hương vị men dầm/ thả trôi mộng tưởng chén trần rượu quê” (Nguyễn Thị Anh Đào); hay “Lưu Trùng Dương đã dùng những lời giản dị để nói những nỗi đau của thân phận người hiện đại:Đến Trường Thành ta được làm hảo hán/ Chễm chệ ngai vàng ta được làm vua/ Mua tấm vé ta làm gì cũng được/ Nhưng đề làm Người có thể nào mua (Nguyễn Quang Huy); hoặc “Nguyễn Hoàng Thọ khi viết “Trượt chân/ rớt ván/ nghiêng cầu/ vỡ đôi nụ nhớ/ nát nhàu giọt thương” (Rưng rưng phù sa) chẳng phải là một “tổng kết” thân phận đấy ư? (Nguyễn Khắc Sính)…

 

Nhân nói chuyện thơ hay, tôi lại nhớ đến sinh hoạt đầu năm Ất Mùi của Câu lạc bộ Thơ Hàn Giang tổ chức hôm mồng mười tháng giêng - có nhà thơ Phạm Phát và tôi cùng dự. Trong trò chơi hỏi-đáp hôm ấy, có một câu hỏi về lao động nhà thơ rất ấn tượng: Người làm thơ hay và người hay làm thơ, ai tốn nhiều công sức hơn?Câu trả lời là người làm thơ hay! Xin nói thêm: người hay làm thơ có thể làm thơ không hay, nhưng người làm thơ hay thường là người hay làm thơ - hay nhọc nhằn với lao động nghệ thuật ngôn từ, hay miệt mài cày xới trên cánh đồng chữ và trong nỗi cô đơn của sáng tạo…   

 

*

 

Tọa đàm hôm nay có ba diễn giả chính: Nguyễn Quang Huy, Đinh Thị Như Thúy và Trần Tuấn. Sau khi mỗi diễn giả chính trình bày xong tham luận của mình, một số nhà thơ/nhà phê bình sẽ đọc bài hoặc phản biện hoặc góp bàn chung quanh các nội dung nêu trong từng tham luận, trước khi đông đảo cử tọa tham gia thảo luận về hai vấn đề nêu trong báo cáo đề dẫn: một, về sáu nguyên nhân dẫn đến tình trạng thơ Đà Nẵng hôm nay chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi; và hai, về quan niệm thơ hay…