Tín ngưỡng thờ Bạch Mã Thái Giám của cư dân Ngũ Hành Sơn - Huỳnh Thạch Hà

23.06.2017

Ngũ Hành Sơn là quận nằm ở phía Đông Nam của thành phố Đà Nẵng, nơi đây còn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời. Từ thuở những bậc tiền nhân người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ tới vùng này khai hoang, lập ấp, lập làng đã nhiều thế kỷ qua, họ chung tay, góp sức xây dựng các công trình như đình, chùa, miếu, vũ… để thỏa mãn nhu cầu đời sống tín ngưỡng của mình. Mà nhu cầu tín ngưỡng của họ vô cùng phong phú, họ phối thờ rất nhiều vị thần của người Việt, người Chăm, người Hoa trong một cơ sở thờ tự. Đặc biệt, ở vùng đất này, người ta còn thờ thần Bạch Mã Thái Giám.

Tín ngưỡng thờ Bạch Mã Thái Giám của cư dân Ngũ Hành Sơn - Huỳnh Thạch Hà

Bạch Mã Thái Giám là vị thần được xem là phân thân/hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường cho rằng, theo kinh Đại bản như ý của Phật giáo cho biết, Quan Thế Âm Bồ Tát có 8 dạng là:

1/ Viên Mãn Nguyệt Minh Vương Bồ Tát;

2/ Bạch Y Tự Tại Bồ Tát;

3/ Tứ Diện Quan Âm;

4/ Cát La Sát Nữ;

5/ Tỳ - Câu - Chi;

6/ Đại Thế Chí Bồ Tát;

7/ Đà La Quan Âm (tức Chuẩn Đề Bồ Tát);

8/ Mã Đầu La Sát.

Trong đó, Mã Đầu La Sát là hóa thân của Bồ Tát Quan Âm, mình người đầu ngựa. Nét đặc biệt của Avalokitesvara hay Bồ Tát Quan Âm của Phật giáo Đại Thừa là không phân biệt giới tính, vì ngài thần thông quảng đại, có thể hóa ra nữ lẫn nam. Do đó, Phật giáo thường gọi vị Bồ tát này là Quan Âm Đại Sĩ hay Tiêu Diện Đại Sĩ (một hóa thân của Quan Âm). Quan Âm thường là nữ, nhưng gọi là sĩ tức nam. Hiểu theo dân gian tính chất trung tính này gọi là “Thái Giám”. Ngoài ra, trong đạo Bàlamôn cũng có một vị thần tên Kalkyavatara (hóa thân của thần Vishnu), mình người đầu ngựa. Trong truyện Tiền thân Đức Phật cũng có câu chuyện con ngựa Balaha. Câu chuyện kể về 800 người lái buôn đi bằng đường biển đi lạc vào một hòn đảo toàn là nữ nhân ăn thịt người. Khi gặp các lái buôn này thì bọn ác nhân nọ buông tha nhưng buộc các lái buôn phải kết hôn với họ. Một ngày nọ, các lái buôn thấy nhớ quê hương, họ cầu nguyện Phật giúp họ. Đức Phật hóa thành con ngựa thần và bảo rằng họ nắm vào bờm, vào đuôi, vào lông ngựa để bay qua biển về nhà. Ngài dặn dò họ rằng không được luyến nhớ vợ con trên đảo, nếu còn luyến nhớ sẽ không được trở về. Thế nhưng, khi bay qua biển nhiều người luyến nhớ vợ con, ngoái lại nhìn đảo và họ bị rơi xuống biển, chỉ còn một người nhớ lời Bồ Tát dặn nên sống được trở về. Từ đó làm vua nước Ấn Độ.[1]

Do vậy, Bạch Mã Thái Giám đã trở thành vị thần phù hộ cho giới thương nhân buôn bán bằng đường thủy hay đường bộ nên được họ tôn thờ ngài. Vì Bạch Mã Thái Giám cũng là hóa thân của Bồ Tát nên được nhà Nguyễn phong tặng danh hiệu “Dương Uy Ngự Vũ Bão Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Hàm Quang, Thượng Đẳng Thần” vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ V. Bên cạnh đó, Thần Bạch Mã trở thành thần đồng tự với thần Thành hoàng nên được vua Thiệu Trị phong “Lợi Vật Kiện Thuận, Hòa Nhu Chi Thần”. Bạch Mã Thái Giám là vị thần của triều đình và cũng là vị thần của dân gian.

Ở quận Ngũ Hành Sơn, thần Thái Giám Bạch Mã được thờ tại miếu Xóm Bắc, xã Hòa Quý. Ngôi miếu nằm trên một khoảng đất cao ở cuối làng, mặt quay về hướng Nam, mái lợp ngói âm dương rất cổ kính. Hai bên hậu tẩm có câu đối, nhưng ở vế thứ nhất, chữ cuối chúng tôi không đọc rõ: 太 一 至 公 已 (?) / 監 襤 最 粹 最 精 (Thái nhất chí công dĩ (?) / Giám lâm tối túy tối tinh). Tạm dịch như sau: “Ca ngợi ông thần là bậc thái giám tối tinh tối túy”. Bởi thần vốn là con ngựa trắng không có giới tính nam và nữ, không quan hệ nam nữ, nên thân thể luôn trong sạch được nhân dân phụng thờ.

Người dân trong làng cho biết, miếu này có từ rất lâu đời, đến nay đã trên dưới bốn trăm năm. Họ thờ cúng thần Thái Giám Bạch Mã để tỏ lòng thành kính và để cầu mong thần phù hộ làm ăn, buôn bán được may mắn. Hàng năm tổ chức lễ cúng theo xuân thu nhị kỳ. Người dân các làng quanh đó về cúng tế. Ba năm một lần mới tổ chức lễ hội lớn.

Như vậy, việc thờ tự thần Bạch Mã Thái Giám cho thấy đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây rất phong phú, nó cũng góp phần khẳng định vùng đất Ngũ Hành Sơn xưa kia cũng là một nơi buôn bán tấp nập, là nơi trung chuyển hàng hóa, là một làng bến, thị tứ một thời.

 

H.T.H

 

 



[1] Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường, Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, 1999, tr 132 - 133.