Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

04.10.2024
Non Nước

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Nối nhịp, tranh Tấn Kiệt

Ngày 21/6/2024 Bộ Chính trị ban hành Kết luận sô 84-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Đây là một chủ trương quan trọng của Đảng trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới. Tạp chí Non Nước trích đăng một số nội dung chính trong Kết luận này:

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa chính sách và nguồn lực cho phát triển văn học, nghệ thuật. Tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật được bảo đảm, tôn trọng và phát huy. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện. Công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có nhiều cố gắng, góp phần phát hiện, khẳng định cái hay, cái đẹp; đấu tranh, phê phán các khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ. Các tổ chức, hội văn học, nghệ thuật từng bước đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc; say mê với nghề nghiệp, khát khao cống hiến và sáng tạo. Phong trào văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu hoạt động và thụ hưởng của đông đảo quần chúng nhân dân. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại bước đầu được quan tâm, thúc đẩy đổi mới tư duy sáng tạo, phương thức sản xuất, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật có chuyển biến tích cực theo hướng coi trọng hiệu quả và thực chất.

Tuy nhiên, các chính sách, pháp luật chưa theo kịp thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật, trong đó, cơ chế, chính sách về đầu tư, đặt hàng, hỗ trợ sáng tác, quảng bá tác phẩm, về tự chủ tài chính và xã hội hóa chưa thể hiện được tính đặc thù, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo điều kiện để phát huy tài năng, nhất là tài năng trẻ và các tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống còn bất cập, thiếu hụt đội ngũ văn nghệ sĩ kế cận; hoạt động giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ, hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa đồng bộ, hiệu quả, chậm đổi mới; thiếu vắng những văn nghệ sĩ lớn có tầm ảnh hưởng tới đông đào văn nghệ sĩ và xã hội; thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng động viên, cổ vũ, tạo động lực đối với con người, cuộc sống. Mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật chậm đổi mới; việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật ở nhiều địa phương còn mang tính “máy móc”, “cơ học”. Thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn học, nghệ thuật phát triển chưa đồng bộ, bền vững; giao lưu, hợp tác quốc tế, dịch thuật, giới thiệu, quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng, chưa thực sự quan tâm công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Năng lực và phương thức lãnh đạo, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật ở một số nơi còn hạn chế, chậm đổi mới, chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn còn nhiều hạn chế, bất cập. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật còn bị động, chưa kịp thời.

 Để tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

  1. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối với công tác văn học, nghệ thuật. Chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học, nghệ thuật, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về văn học, nghệ thuật.
  2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, bảo đảm hài hòa, tránh dàn trải, lãng phí; đầu tư xây dựng hạ tầng trọng điểm quốc gia, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, nhất là văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn học, nghệ thuật; bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu thực tiễn; chú trọng nâng cao hiệu quả các quỹ đầu tư cho phát triển văn học, nghệ thuật, tạo đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực; xây dựng, hoàn thiện chính sách xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật; khuyến khích gắn kết giữa phát triển văn học, nghệ thuật với các ngành du lịch, dịch vụ; từng bước tạo lập các chương trình, sản phẩm, thương hiệu mang tầm quốc gia trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; xây dựng chế tài để điều chỉnh hành vi ứng xử, chuẩn mực của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao ý thức pháp luật bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Xây dựng, hoàn thiện các chương trình giáo dục thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong nhà trường; từng bước nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng.
  1. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; kiên định phát huy vai trò nền tảng, chủ đạo của mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật gắn với giá trị và bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận văn học, nghệ thuật của thế giới. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Thực hiện đối thoại, tranh luận dân chủ, xây dựng, nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác lý luận, phê bình. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia xây dựng và bảo vệ nền văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của văn hóa, con người Việt Nam, góp phần tích cực triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
  2. Thực hiện tốt công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ các tài năng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào đội ngũ văn nghệ sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì các công trình nghiên cứu lớn, đặc biệt quan trọng, các văn nghệ sĩ có uy tín, có thành tựu, cống hiến. Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ trẻ, nữ, công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục xây dựng chiến lược đào tạo tài năng văn học, nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài; xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đồng bộ cả về số lượng và chất lượng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn; có khát vọng cống hiến cho đất nước. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tôi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Xây dựng, hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tạo bước đột phá phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trong giai đoạn mới.
  3. Tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật bảo đảm thống nhất, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia, phát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo ở các tổ chức hội theo hướng chuẩn hóa và trẻ hóa lực lượng. Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; tăng cường chức năng phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, làm tốt vai trò cầu nối giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với Đảng và Nhà nước. Chuyển giao việc tổ chức một số hoạt động văn học, nghệ thuật (liên hoan, hội diễn, hội thi...) hiện ở các cơ quan quản lý nhà nước cho các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành có khả năng và điều kiện đảm nhận.
  4. Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; có chính sách hỗ trợ, quản lý hoạt động tuyên truyền, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật trên không gian mạng. Phát triển các hoạt động, phong trào văn nghệ quần chúng lành mạnh, phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân; có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích quần chúng nhân dân phát huy vai trò chủ thể tham gia sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn học, nghệ thuật; cơ chế, chính sách bảo tồn, truyền bá, phát huy các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Dân gian trong việc thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian.
  5. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế để văn học, nghệ thuật vừa giữ vững bản sắc, vừa nâng cao khả năng hội nhập, trở thành một trong những trụ cột của văn hóa đối ngoại. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể về giao lưu, hợp tác quốc tế; chương trình dịch thuật quốc gia; phát triển đội ngũ dịch giả văn học, nghệ thuật; chú trọng liên kết, trao đổi về đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật, nhất là tài năng trẻ với các cơ sở đào tạo nước ngoài. Tiếp tục giới thiệu có chọn lọc những tác phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài đến đông đảo công chúng trong nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ hợp tác, giao lưu, tiếp cận với các xu hướng, sản phẩm văn học, nghệ thuật mới, tiến bộ trên thế giới; đồng thời, người Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân ngoài nước tham gia đầu tư phát triển văn học, nghệ thuật theo quy định.

*

Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự phát triển văn hóa dân tộc. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, nhiều thành tựu nổi bật đã đạt được, từ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đến phong trào sáng tạo văn học, nghệ thuật phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, như thiếu hụt tài năng trẻ, bất cập trong cơ chế chính sách và khó khăn trong phát triển thị trường nghệ thuật. Bộ Chính trị đề ra các giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ và tăng cường giao lưu quốc tế. Việc chú trọng đổi mới tư duy, phát huy tự do sáng tạo và đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, nghệ thuật là những yếu tố then chốt để tiếp tục xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

N.N

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu