Có một đàn chim
1. Riêng tôi, kỷ niệm với Phan Huỳnh Điểu khó kể hết. Nhưng mỗi lần nhớ ông, lúc ông còn tại thế cũng như khi ông qua đời, trong tôi không nguôi về một hình bóng lãng tử phiêu bồng. Ông phiêu bồng trong những ngón nhạc tài hoa ký thác vào các nhạc phẩm để đời làm lụy người nghe, đến cả lối sống, cách hành xử ở đời luôn thu hút mọi người về phía ông cũng bởi cái lãng tử, tài tử trẻ trung trời cho ấy.
Lúc mười bốn, mười lăm tuổi, hồi kháng chiến chống Pháp năm bốn tám, bốn chín tôi đã chép ở đâu đó vào cuốn vở học trò rồi ôm đàn nghêu ngao ngồi hát mà không biết những lời ca u uất, đắm đuối ấy là của ai:
Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu
Kìa sông sâu dòng êm réo như khơi mối sầu...
(Trầu Cau, 1944)
Rồi như sổ tung sự hăm hở trữ tình:
Đàn chim bay trong mùa thu cây vàng mờ mờ
Đàn chim tung mây khi mùa thu mưa giăng tơ...
(Có một đàn chim, 1948)
Thế mà trời xui đất khiến thế nào, tôi “cậu học trò ở nhà quê” lại được gặp ông. Số là hồi năm 1950, tôi theo anh tôi đi thuyền, đi bộ, đi gòn (tàu lửa đẩy) từ cái làng Đồng Tràm, Quảng Nam xa ngái, vào Sông Vệ, Quảng Ngãi để mua cây đàn mandolin về tập đàn. Hôm ấy, anh tôi nhác trông thấy ông, vội kéo tay tôi tới chỗ ông đang đứng trong cửa hàng bán đàn, rồi bảo: “Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu đó. Mấy bài em hát búa xua lâu nay là của nhạc sỹ đây nè!”
Tôi giật mình ngơ ngác, bất ngờ trước cuộc gặp như trong mơ này, khi biết ông là người đã viết ra những lời ca trong veo xao xuyến, rưng rức lòng người. Tôi vụt nghĩ, sao mà có người tài thế. Anh dắt tôi đến gần ông. Ông cười vỗ vỗ vào đầu tôi trìu mến, khen tôi nhỏ xinh, lo học giỏi rồi bắt tay tạm biệt hai anh em tôi.
Khi viết đến những dòng này, tôi chợt nhớ trong một lá thư của cháu ông, cô Phan Tam Khê (ở tận Paris, Pháp) kể lại những năm ông đi kháng chiến... “Quanh năm suốt tháng chú phải quảy gánh, một đầu gạo, quần áo, đầu kia nhạc cụ và tài liệu, chú chỉ dùng đàn mandolin thôi - đi công tác từ làng này sang làng khác. Chú đi làm công tác tuyên truyền, vừa sáng tác vừa hát, vừa nói chuyện thời sự. Ngày ấy, chuyện đó là bình thường, nhưng bây giờ nghĩ lại thật lạ và ngộ nghĩnh quá chừng...”.
Hình ảnh đó trong kháng chiến chống Mỹ là chuyện thường ngày, nhạc sỹ của chúng ta đều từng trải gùi cõng gạo mắm, phát rẫy, làm nhà, chống càn, làm anh nuôi, cứu thương như bao anh chị em văn nghệ sĩ khác trong bất kỳ hoàn cảnh gian khổ, ác liệt nào.
2. Trong cuốn sách hơn 400 trang Mãi mãi là tình yêu, lúc tôi còn làm Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng, đã tham gia biên soạn, hợp tác với Nhà xuất bản Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1966, rồi cuốn Thuyền và Biển của Hoàng Minh Nhân, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2006, đã tập hợp hầu hết các bài viết của các nhạc sỹ, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật, bạn bè của ông trong cả nước, kể cả Hồi ký của ông mô tả gần như trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp hoạt động âm nhạc đồ sộ của ông là: “Đi cùng thời đại, đi cùng ước mơ của dân tộc, cảm hứng và sáng tạo” (Lời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trong đêm mừng thọ ông lên lão 80, tại TP. Hồ Chí Minh).
Mọi người ca ngợi và phong tặng ông là “Nhạc sỹ của tình yêu”, bởi âm nhạc của ông là nhạc quyện trong thơ và thơ đặc sánh âm nhạc, làm nên chất trữ tình lãng mạn có sức bay bổng quyến rũ đầy ma lực. Những ca khúc từ khởi đầu cho đến khi buông bút không vướng vất sự cằn cỗi, già nua, lạc trôi trong không gian và thời gian có lúc xô bồ, biến động dữ dội. Tình yêu trong ông tuôn chảy những cung bậc ngọt ngào, đắm đuối cho dù ông viết về những tình huống đau thương của chiến tranh binh lửa, hay nghịch cảnh nào đó của cuộc đời, của lứa đôi ngang trái. Ông vẫn thường nói: “Tôi thích viết về tình yêu bay bổng hơn, nếu có nỗi buồn thì chỉ là nỗi buồn dịu ngọt. Tôi không muốn âm nhạc của mình có màu sắc ảm đạm buông xuôi..”.
Cho nên khi nghe nhạc của ông như: “Đoàn giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong, Hành khúc Ngày và Đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao, đến Mùa đông binh sĩ, Có một đàn chim, Tình trong lá thiếp, Bóng cây kơnia, Những ánh sao đêm, Thuyền và Biển, Em ở đầu sông anh cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Quảng Nam yêu thương...” (gần 500 ca khúc) là sự xuyên suốt của bút pháp trữ tình dù thể hiện âm hưởng dân gian, đương đại hay Tây phương, cũng như âm giai nhịp điệu gì đi nữa, (tôi không trích những lời thơ, cũng như phần ca từ do ông sáng tác), vì cho đến bây giờ những ca từ, cũng như nốt nhạc mà ông chắt lọc đã đi vào công chúng dưới nhiều góc độ cảm nhận đồng điệu sẽ chia. Mỗi nốt thăng, nốt trầm trong nhạc phẩm của ông điều có số phận, có tính cách gội nhuần hồn dân tộc, khát vọng của đất nước anh hùng và tình yêu tràn trề, thấm đẫm sức thanh xuân, lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.
Thật vậy, với Đoàn giải phóng quân ra đi từ Đà Nẵng lên núi, ngang dọc khắp Liên khu V yêu dấu, rồi ra Bắc vào Nam, cuối đời về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, lúc nào ông cũng lặng lẽ đi và viết, trong đó thường là những bài thơ chọn lọc để phả vào những rung động âm thanh, giai điệu mượt mà, làm cho lời thơ như được chắp cánh thăng hoa. Hơn nữa thế kỷ cầm đàn, ông luôn trung thành với chọn lựa của mình - để có một Phan Huỳnh Điểu hào hoa và hào sảng giữa cuộc đời qua bút pháp và ngôn ngữ âm nhạc biến hóa không giống ai.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong đêm nhạc kỷ niệm 90 năm Ngày sinh 2014
3. Những năm sáu sáu, sáu bảy vùng giải phóng đã mở rộng xuống đồng bằng, vùng ven, thành phố. Cơ quan Tuyên huấn Quảng Nam và Quảng Đà, lúc bấy giờ là một trong những tỉnh tiếp nhận được nhiều “hàng” (tài liệu, báo chí) từ miền Bắc gửi vào, miền Nam gửi ra, khu V gửi xuống theo đường dây giao liên, được coi là thứ quí hiếm. Trong đó có nhiều bản nhạc bướm (in khổ nhỏ) của các tác giả lạ lẫm như Huy Quang, Thanh Anh, Văn Chừng, Phan Ngọc, Tô Hải... ở Hội Văn nghệ Giải phóng và Đoàn Văn công Giải phóng khu V gửi về, có cái để in li tô nhân bản gửi đi các huyện xã, đơn vị bộ đội, trường học, đội tuyên truyền vũ trang...
Ca khúc Ra tiền tuyến và Giành chính quyền về tay nhân dân của Huy Quang, được chúng tôi chọn, trân trọng in trên báo Giải phóng Quảng Nam, Xuân 1967. Nửa tháng sau, chúng tôi nhận được lá thư dài của Huy Quang, viết từ Làng Tuyên (mật danh của Ban Tuyên huấn khu V). Cuối thư Huy Quang viết: “Hẹn một ngày không xa gặp nhau ở quê nhà”.
Chỉ có vậy. Thế mà một ngày không hẹn. Tôi lại giật mình như ngày nào ở Sông Vệ, Quảng Ngãi, cách đây gần 30 năm, tôi ngờ ngợ nhìn ông run run bắt tay ông qua trí nhớ mơ hồ. Có lẽ cả tôi và ông đều quên mất nhau là thật. Chỉ có tôi coi ông là thần tượng của mình trong cuộc gặp qua đường ngày xưa ấy. Nhưng ông là nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu chứ phải Huy Quang đâu. Ông khác xưa nhiều quá. Người gầy đen, phong trần, duy đôi mắt là tinh anh và nụ cười thì rạng rỡ. Các anh cùng đi trong đoàn liền giới thiệu với chúng tôi (ở Tiểu ban văn nghệ, Ban Tuyên huấn Quảng Nam). Đây nhạc sỹ Huy Quang - Phan Huỳnh Điểu, nhà báo Đinh Thành Lê, họa sỹ Châu Hoàn, biên đạo múa Ngọc Anh và nghệ sĩ múa Phương Anh ở Hội Văn nghệ Giải phóng khu V.
Tôi chỉ kịp ôm choàng lấy ông trong nỗi vui mừng khôn xiết. Còn ông trong tâm trạng bất ngờ, cứ đứng thế mà cười. Rồi suốt đêm hôm ấy, hai anh em chúng tôi mắc võng bên đống lửa ở căn lán cơ quan hàn huyên không dứt.
Năm 1970, tình cờ tôi và ông từ chiến trường được ra hậu phương miền Bắc chữa bệnh. Đó là thời gian hạnh phúc nhất của hai chúng tôi. Gia đình, bạn bè đón ông trong niềm vui sum họp. Những ngày sống ở thủ đô Hà Nội, ở đâu có biểu diễn ca nhạc, kịch nói, kịch dân ca, tuồng cổ, sinh hoạt văn học nghệ thuật khác ông đều dắt tôi đi theo để được xem và nghe thỏa chí mong ước. Hà Nội ngàn năm văn vật, nơi ông đã sống và viết nên: Tình trong lá thiếp, Gió sông Hồng, Nhớ ơn Bác, Quê tôi miền Nam, Những ánh sao đêm, Liên khu V yêu dấu... với lòng nhớ thương quê nhà vời vợi và niềm tin yêu mãnh liệt về ngày toàn thắng của dân tộc không xa.
4. Năm 1996, lúc ấy tôi công tác ở Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cùng nhà thơ Hoàng Minh Nhân, người cùng cơ quan nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu ở Hội Văn nghệ Giải phóng khu V, có ý tưởng tổ chức đêm nhạc đặc biệt giới thiệu tác giả tác phẩm chọn lọc của Phan Huỳnh Điểu đến với công chúng đất Quảng, sau các đêm nhạc của Trần Hoàn, Trịnh Công Sơn đã diễn ra cách đó không lâu thành công ngoài mong đợi.
Chúng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh để gặp và trao đổi với ông về mong muốn trên đây. Ông rất vui và sốt sắng ủng hộ. Chúng tôi đề xuất chương trình âm nhạc được mang tên “Trầu Cau”, một ca khúc chào đời của ông trước năm 1945, được công chúng yêu nhạc mến mộ. Nhưng sau đó, thấy chưa thâu tóm và tương xứng với gia tài âm nhạc đa dạng và đồ sộ của ông, nên đổi lại là “Thuyền và Biển”, một trong những tình khúc hay nhất của ông ở thời điểm đó, phổ thơ của Xuân Quỳnh.
Chương trình được giao cho Báo Văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa thông tin), Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Công ty tổ chức biểu diễn Quảng Nam - Đà Nẵng triển khai thực hiện. Đây là lần đầu tiên giới thiệu một nhạc sĩ lớn của quê hương Quảng Nam có quá trình hoạt động âm nhạc trên nửa thế kỷ qua, nên phải được chuẩn bị công phu từ tuyển chọn các ca khúc, phối nhạc, chọn ca sỹ, người dẫn chương trình, đến thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, dàn nhạc, các màn múa phụ họa, trình bày giấy mời, họp báo và phần quảng bá thông tin về đêm nhạc trên phương tiện thông tin đại chúng... Nhưng cái phần quan trọng nhất là tiền đâu để có đêm nhạc hoành tráng xứng đáng với tên tuổi của ông và sự mong đợi của công chúng bây giờ. Có được 200 triệu đồng lúc đó không dễ.
Là thành viên trong Ban tổ chức, tôi được cử đi tới một số cơ quan để vận động xin hỗ trợ tiền. Khi vào Nhà máy đường Quảng Ngãi, các vị lãnh đạo nhà máy khi nghe tôi trình bày, ai cũng vui mừng, vì họ đều biết, thuộc và hát nhiều ca khúc của ông. Nhưng buồn thay, đúng lúc nhà máy đang dồn phần lớn lượng tiền giúp thành phố Quảng Ngãi xây dựng, chỉnh trang đường phố, họ đành hẹn lúc khác.
Tôi thất vọng ra về, chưa biết phải nói thế nào với ông. Coi như Thuyền và Biển chỉ nằm trên giấy không cập được bến Hàn Giang, mà còn xa tít tắp, không biết bao giờ mới trở lại nơi ông sinh ra, khi tuổi sinh ra nhạc phẩm Thuyền và Biển, ông đã gần chín mươi. Mọi người yêu âm nhạc của ông đợi chờ và buồn. Tôi và Hoàng Minh Nhân còn buồn hơn. Quê hương đất Quảng như vẫn còn món nợ tinh thần chưa trả với người con ưu tú đã xa quê hương ròng rã năm chục năm trời, vắt kiệt sức mình, cùng với các nhạc sỹ cả nước tạo dựng nên một nền âm nhạc cách mạng phong phú, đa chiều, tươi mới, chói sáng trang vàng lịch sử cứu nước và dựng nước của cha ông dưới chế độ mới bằng thứ nghệ thuật trác tuyệt này.
Chuyện rồi cũng qua. Sau này ông thường về quê hơn, có một số đêm nhạc dành riêng cho ông, vẫn thu hút nhiều người đến thưởng thức và gặp ông. Nhưng khó mà có được dự án âm nhạc như trong mơ của chúng tôi và ông không thực hiện được.
Đành sống với kỷ niệm ấy thôi!
5. Năm 2000, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Tôi vào Sài Gòn, cùng các anh chị Lê Hoàng, Giám đốc NXB Trẻ, vợ chồng điêu khắc gia Phạm Văn Hạng - Nguyễn Thị Nim, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, nhà nghiên cứu Thái Nhân Hòa, nhà báo Cung Văn đến thăm và chúc mừng ông. Khi về lại Đà Nẵng, trong tôi chợt lóe lên và viết tản - văn - hồi - ức về ông với mỹ từ dành riêng cho nhạc sỹ là cánh chim không mỏi và đích thực Có một đàn chim tên một nhạc phẩm reo vui ra đời sau bài Trầu cau da diết của ông cách đây 50 năm mà tôi đã thuộc nằm lòng.
Nhưng rồi thời gian luôn hào phóng và cũng khắc nghiệt không dành cho một ai ở cõi đời này. Ông không vội ra đi nhưng đành phải chấp nhận buộc phải rời cõi tạm mãi mãi, thật xa “Là có sá chi đâu ngày trở về”, và “Chỉ có biển mới biết, Thuyền đi đâu về đâu”. Tôi biết ông còn đau đáu, khắc khoải về một “Thành phố ca”, “Đà Nẵng ca” cho thành phố quê hương sinh thành ra mình, mặc dù ông đã dành tâm huyết cho những ca khúc Bài ca Núi Thành Đà Nẵng là nỗi nhớ, Đà Nẵng ơi! Chúng con đã về, Em là tình yêu, Hát về thành phố quê hương, Ngày Đà Nẵng tôi xa, Ôi sông Hàn, Phố xanh, xanh màu tóc em, Quảng Nam yêu thương, Thành phố em yêu, Về với sông Hàn.
Tôi thương nhớ ông, khi thầm đọc lên mấy câu hát như rút ruột mình viết lên “Nhìn một cánh chim bay tôi cũng nhớ về Đà Nẵng / Bồi hồi nghe sóng vỗ, tôi lại mơ thấy sông Hàn”.
Ông là cánh chim vàng trong đàn chim đang mải miết bay trong bầu trời âm nhạc Việt Nam yêu dấu của chúng ta, dù chỉ là hình bóng ký ức. Nhưng không mất bao giờ!
H.H.V