Nét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"

04.10.2024
Phạm Đình Thành

Nét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã tạo ra một nét riêng cho vùng đất Quảng Nam bằng một điệu hò khoan trữ tình đậm chất Quảng để mở đầu. Điều đó, không chỉ giúp người nghe dễ nhớ mà còn là điểm nhấn đặc sắc:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,

(Chớ) rượu Hồng Đào chưa nhấm mà đã say

Với người Quảng đây là câu hát ai cũng biết và bây giờ càng dễ nhớ hơn. Nhưng nét độc đáo là nhạc sĩ đã khẳng định giá trị của khúc dân ca bằng câu hát nhẹ nhàng mà chứa chan tình cảm: Lời hát xưa nghe sao thắm đượm tình/ Xao xuyến trong tim mình. Hai chữ tim mình nghe sao mà thiết tha bởi nó có thể là tôi, là ta, là bạn, là ai đó… Khi nghe nhạc ta cứ ngỡ cụm từ xao xuyến bắt nguồn từ câu hát dân ca trên. Nhưng cũng như hình thức bắc cầu trong thơ, ở đây nhìn về góc độ ca từ đã làm ta bất ngờ trước sự tài hoa của tác giả Xao xuyến trong tim mình/ con chim cũng bay về đậu nghĩa nặng tình sâu. Lúc này, Phan Huỳnh Điểu đã trở thành nhà thơ thực sự trong việc sử dụng ngôn ngữ. Phép tu từ nhân hóa được vận dụng không phải nhằm tạo sự sinh động, hình ảnh gần gũi mà để bộc lộ cảm xúc sâu lắng nhất. Nhưng không dừng lại ở đó, trạng thái tình cảm của đối tượng trữ tình còn được ông đặt ra đầu câu với cấu trúc đảo ngữ để thu hút sự chú ý của người nghe. Có thể nói tứ nhạc quá hay và trọn vẹn như câu thơ Đường, hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật của tác phẩm sẽ giảm đi ít nhiều nếu không có hình ảnh này. Chim cũng xúc động trước cái mặn nồng của khúc dân ca, cảm nhận được tình người xứ Quảng để rồi bay về đậu cùng mảnh đất:

Đồng xanh lúa khoai bốn mùa tươi màu đất lành,

(Mà) ai đã qua đây rồi thì chân bước không đành.

Thành ngữ “đất lành chim đậu” được nhạc sĩ vận dụng không thể khéo léo hơn được nữa. Là người Quảng ta vẫn thường nghe cụm từ chân bước không đành để chỉ học trò xứ Quảng ra thi ở Huế nhưng với Phan Huỳnh Điểu ai đến xứ Quảng này thì chân phải bịn rịn, lòng luyến tiếc khi phải rời xa. Đại từ ai mang nội dung phiếm chỉ bao đối tượng. Ai đó mà còn như vậy huống chi ta là người con xứ Quảng sao lại không quý, không yêu!

Đoạn nhạc được tiếp diễn chỉ vài dòng ngắn gọn nhưng đã khái quát được chặng lịch sử hào hùng “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mĩ” và niềm vui con đường xây dựng nâng lời hát say mê. Cuối đoạn nhạc là tiếng ơ hò ngân nga những âm thanh thực sự đã làm say sưa người nghe, nó đậm chất hò khoan xứ Quảng không thể lẫn với bất kỳ vùng miền nào.

Vẫn sử dụng cấu trúc điệp khúc của âm nhạc thì tất nhiên phải mang lại giai điệu nhưng ca từ của Phan Huỳnh Điểu khá sáng tạo với một bố cục chặt chẽ, tiếp tục đưa người nghe về với quê hương. Nếu ở phần đầu tác giả giới thiệu khái quát nét đẹp của con người xứ Quảng thì đến đây tác giả tập trung vào giới thiệu nét riêng của từng vùng đất. Việc phác họa tinh tế đã làm người nghe cảm thấy vui và tự hào khi được tác giả nhắc đến nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình. Về điểm này nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhà thơ Tường Linh trong “Hai miền thương” đã gặp nhau nhưng phong cách và việc chọn lọc thì khác hẳn. Mỗi vùng đất từ miền núi đến đồng bằng được nhạc sĩ lựa chọn các từ ngữ, hình ảnh man mác, thơm ngát, long lanh, xanh rờn mang nét tượng trưng bằng nhiều giác quan:

Quế Trà My thơm hương rừng man mác,

(Chớ) mía Điện Bàn thơm ngát mùi đường non,

Làn sóng xô long lanh nước Thu Bồn, dâu bắp lên xanh rờn,

Duy Xuyên tiếng thoi dệt lụa nhớ chiều Hòa Vang,

Vùng đất tơ tằm của Bà Chúa Tầm Tang là những âm thanh rộn ràng bên khung cửi với phép nhân hóa nhớ chiều Hòa Vang đã tạo ra một hình ảnh lạ. Ngôn ngữ nghệ thuật lướt trên nốt nhạc làm bừng dậy cảm xúc trong tâm hồn người nghe.

Đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà và cảng sông Hàn là nắng và mây trời là những một bức tranh đẹp với nhiều sắc màu, cảm xúc:

Nhìn lên Hải Vân, Sơn Trà mây nhuộm nắng vàng,

Thuyền ai Bắc Nam xuôi ngược về đậu bến sông Hàn.

 Việc liệt kê các địa danh thường dễ sa vào đơn điệu nhưng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã làm cho các vùng đất bừng lên sức sống. Đặc trưng của nét nhạc và lời ca là dùng để nghe. Thế mà, tác giả đã khiến ta phải cảm nhận bằng mắt. Vẻ đẹp của quê hương chứ không phải một nơi nào xa lạ đã trở thành chất liệu nghệ thuật, ta như thấy trước mắt mình những bức tranh quê hương được phác họa tiêu biểu bằng ca từ nhẹ nhàng.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại đêm nhạc mừng thọ 90 tuổi. Ảnh: Văn Bảy  

Các địa danh thuộc thành phố Đà Nẵng được tác giả ưu ái miêu tả với những vẻ đẹp riêng. Có lẽ vì ông là người con của đất Điện Bàn nhưng lớn lên ở Đà Nẵng? Lúc này, hẳn người nghe đã nhận ra từ “Quảng Nam” ở nhan đề không phải là địa danh hành chính mà để chỉ chung về đất Quảng, nghĩa là Quảng Nam - Đà Nẵng, như tên tạp chí một thời đã ta được chọn “Đất Quảng”. Đến đây, tác giả dường như muốn giải bày lòng mình, cũng là nỗi niềm của những người con xa quê hương:

Ôi đất Quảng Nam sao mà yêu thương vô cùng,

Như con chim én vẫy vùng,

Cho dù bay khắp, lòng ta tha thiết nhớ nhung,

Cuối điệp khúc là cách so sánh mang đậm tính gợi hình ta như con chim én dù ở phương trời nào nhưng khi nắng ấm đến thì sẽ trở về để làm đẹp cho mùa xuân với cả tấm lòng tha thiết nhớ nhung.

Đà Nẵng sẽ chẳng thể là Đà Nẵng nếu không có dòng sông Hàn hiền hòa, niềm tự hào của con người nơi đây. Có lẽ vì vậy mà tác giả đã ưu ái hai lần nhắc đến trong bài hát này và chọn để kết thúc điệp khúc. 

Đêm đêm như dòng sông Hàn còn ngân tiếng hò khoan,

Âm thanh rung vầng trăng vàng theo dòng nước mênh mang (ớ, ơ ớ ơ ơ hò).

 Dù nhân vật trữ tình không xuất hiện nhưng người nghe vẫn nhận ra dù ở xa tâm hồn họ vẫn từng đêm quay về cùng tiếng hò khoan. Hình ảnh ánh trăng trên dòng sông không lạ trong thơ ca. Có biết bao thi ảnh đẹp như cô gái múc ánh trăng vàng của Bàng Bá Lân, bến sông trăng của Hàn Mặc Tử hay tiếng gọi đò của Yến Lan làm lay động ánh trăng bên bến My Lăng… nhưng với Phan Huỳnh Điểu tiếng hò khoan đã làm rung vầng trăng vàng theo dòng nước mênh mang, nó không phải để miêu tả vẻ đẹp của dòng sông mà để bộc lộ sự thổn thức, yêu thương trong lòng mình.

Đoạn kết đã đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện ca khúc, Phan Huỳnh Điểu đã sáng tạo câu hát mở đầu khép lại toàn bộ tác phẩm một cách trọn vẹn nhằm thể hiện chủ đề và thông điệp gởi đến người nghe:

Đất Quảng Nam chưa đi đã nhớ,

(Chớ) em nói đậm đà, vừa gặp gỡ mà đã yêu,

Em nói đậm đà, vừa gặp gỡ mà đã yêu.

Âm điệu dân ca ngọt ngào của khúc dân ca như dòng sữa mẹ chảy đến cuối mãi sau này. Yếu tố folklore đã được nhạc sĩ cách tân duyên dáng, mềm mại với sự sáng tạo đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc. Từ hình ảnh dân gian chưa mưa đã thấm tác giả đã khẳng định chưa đi đã nhớ đã là quá hay rồi. Nhưng còn một câu ca dao nữa đang nép mình, người xưa bảo “anh đi - anh nhớ…” Phan Huỳnh Điểu vận dụng linh hoạt, chưa đi - đã nhớ, ngôn từ không hề hoa mỹ, thậm xưng và đã được tác giả giải thích rất rõ ràng: chỉ vì em nói đậm đà, đây chính là nét đẹp bình dị, chân chất trong ngôn ngữ của người xứ Quảng, sự mộc mạc đến nỗi người nhiều vùng khác chẳng thể nhận ra. Một chuỗi tín hiệu rất lo-gic về nội dung ý nghĩa đã mang lại hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật cao: em nói đậm đà nên vừa gặp gỡ mà đã yêu, vì thế mà chưa đi đã nhớ, ai đã qua đây rồi thì chân bước không đành dãy diễn biến tâm lý ấy phù hợp với đời sống tình cảm của con người.

Về mặt kỹ thuật, chọn điệu rumba sâu lắng, trữ tình là nét tinh tế của tác giả; nhịp 4/4 khoan thai, nhẹ nhàng với ca từ, hình ảnh giản dị, mộc mạc như câu hò khoan dìu dặt làm vơi đi nỗi nhớ trong tâm hồn những người con xa xứ; nó như dòng suối tắm mát ánh nắng chói chang của ngày hè, là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi chúng ta trước đổi thay của cuộc sống.

Theo tìm hiểu của tôi thì trái tim nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã khiến ông viết ca khúc này chứ không phải cho một cuộc thi hay một “đơn đặt hàng” nào cả. Điều này, càng làm ta trân quý hơn tình cảm của ông. Sự giao thoa, cộng hưởng giữa âm thanh, ngôn ngữ nghệ thuật và một tình yêu quê hương sâu nặng chính là yếu tố quan trọng nhất đã tạo nên thành công của bài hát và lưu lại dư âm đặc sắc trong lòng người nghe  hôm nay và tôi tin là mai sau.

P.Đ.T

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu