Nhà văn, tác phẩm và bạn đọc

04.10.2024
P.V

Nhà văn, tác phẩm và bạn đọc

Vừa qua, được sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Hội Nhà văn thành phố tổ chức hội thảo với chủ đề “Nhà văn và con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc”. Nhân dịp này, Tạp chí Non Nước có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Kim Huy, nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, TS Hoàng Thị Hường, nhà văn Lệ Hằng, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy chung quanh vấn đề: Nhà văn, tác phẩm và bạn đọc.

* Non Nước: Ban Tổ chức hội thảo đã chọn một nội dung rất thú vị: Con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc. Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố, ông cho biết thêm lý do chọn chủ đề này để tổ chức hội thảo?

* Nhà thơ Nguyễn Kim Huy:

Làm thế nào để đưa được tác phẩm văn học đến với bạn đọc một cách hiệu quả nhất? luôn là một câu hỏi lớn đối với các thế hệ những người viết văn trong nước cũng như trên thế giới

Câu hỏi cốt lõi ấy luôn là một vấn đề cần suy nghĩ, quan tâm đối với mỗi nhà văn cũng như có tính quyết định cho đời sống văn học. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử và văn hóa, điều kiện xã hội mà vấn đề được đặt ra và giải quyết như thế nào và dĩ nhiên, luôn có sự khác biệt nhau ở mỗi quốc gia, vùng miền trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Nhiều nhà Lý luận Văn học cuối thế kỷ XX từng đặt ra khi nêu lên quan điểm “Tác phẩm văn học là một quá trình” với luận điểm cốt lõi rằng “Một đầu sách văn học chỉ trở thành tác phẩm văn học khi nào nó đến được với bạn đọc, có sự chia sẻ thưởng thức và lan tỏa trong bạn đọc. Nếu không, một đầu sách cũng chỉ là một vật thể vô hồn, khô cứng tựa như hòn đá, viên gạch”. Hội thảo trao đổi nghiêm túc thẳng thắn và sôi nổi đã đưa ra nhiều nội dung mới, nhận thức mới cho các nhà văn trong việc đưa tác phẩm đến với bạn đọc.

* Non Nước: Thưa anh Nguyễn Minh Hùng, với tư cách Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn thành phố, anh nghĩ như thế nào về trách nhiệm và công việc của nhà văn đối tác phẩm và việc đưa tác phẩm đến bạn đọc trong thời công nghệ 4.0?

* Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng:

Độc giả thời nào cũng luôn tìm kiếm những câu chuyện, những cách thể hiện mới lạ, hấp dẫn. Trách nhiệm người viết không gì ngoài việc mang đến tác phẩm hay cho bạn đọc. Nhà văn cần tập trung sáng tạo ra cốt truyện, nhân vật, hình tượng, thể loại… và tác phẩm phải có tư tưởng, mang thông điệp cuộc sống.

Trong bối cảnh hiện nay, nhà văn phải tiếp cận, sử dụng công nghệ và các nền tảng trực tuyến để có thể tham gia xuất bản điện tử như Kindle, Wattpad hoặc các trang web cung cấp sách điện tử nhằm tiếp cận đa dạng với độc giả. Nhà văn cần sử dụng thế mạnh của mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter để quảng bá tác phẩm và tương tác với độc giả. Nhà văn có thể xây dựng blog hoặc website cá nhân để chia sẻ quá trình sáng tác, cập nhật thông tin về các tác phẩm mới, đăng tải tác phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà xuất bản, đơn vị truyền thông để tài trợ, mua bản quyền, bán sách, tham gia chương trình khuyến mãi và giảm giá sách văn học nhằm tạo cơ hội cho nhiều người tiếp cận tác phẩm…

Bên cạnh đó, tác giả cần có mối quan hệ bình đẳng và cộng tác tích cực với giới phê bình, các tạp chí văn học và các trang web review sách uy tín để nhận được sự đánh giá và phản hồi từ giới chuyên môn, qua đó tăng độ tin cậy và sự quan tâm từ độc giả; khuyến khích độc giả chia sẻ và đánh giá, tạo hiệu ứng lan truyền số đông bạn đọc. Nhà văn cũng đừng quên có kế hoạch và chuẩn bị tham gia các cuộc thi và giải thưởng văn học để tăng độ nhận diện và uy tín cho tác phẩm.

* Non Nước: Thưa nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa, trong tình hình hiện nay, việc các nhà văn viết sách cho các em có phần thưa thớt. Bên cạnh đó, trẻ em hiện nay cũng ít quan tâm đến việc đọc sách.  Anh có suy nghĩ như thế nào việc này.

* Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa:

Những năm gần đây, trẻ em ít ham đọc sách, lại thích các trò chơi khác. Đây là mối lo chung của tất cả chúng ta. Có thể sau này, thế giới các em đến có nhiều điều lạ, điều mới. Điều ấy cũng bình thường và dễ hiểu. Nhưng dù thế nào đi nữa, thế giới tâm hồn các em không thể thiếu vắng những trang văn thấm đẫm tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên được. Sách cho các em không chỉ là những “thiên đường xanh” mà còn cả những nỗi đời hiu quạnh, đớn đau của đồng loại. Có như vậy, các em mới thấy yêu thương những gì đang có, đang hưởng.

Liệu rằng, với tình hình sách cho các em và việc đọc sách như hiện nay, chúng ta nghĩ gì về các thế hệ mà tâm hồn xơ cứng, không thấy nỗi đau của một đất nước đang còn nghèo, không dám sẻ chia những vui buồn với những người cùng chung một nguồn cội, không biết ước mơ về một xã hội công bằng, nhân ái...!

Mấy năm nay, khoảng trống vô hình nơi tâm hồn các em đã bị lấp đầy bởi những truyện tranh ồ ạt xuất bản, bởi bao trò chơi điện tử và bởi bao nhiêu thứ khác chưa biết đến. Nhiều năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa có những tuyển tập hay và xuất sắc về văn chương thiếu nhi được biên soạn công phu, nghiêm túc, có chất lượng dành cho các em. Phải chăng người lớn chúng ta bận lo toan nhiều việc, trừ việc làm sách cho thiếu nhi!

* Non Nước: Trong những năm qua nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ liên tục xuất bản các tác phẩm mới như: Thơ Tần Hoài Dạ Vũ (thi tuyển, 2016), Bài thơ vui tặng cuộc đời tôi (2018), Phút giây vĩnh cửu (2022), Nhìn qua năm tháng (Tản văn, Tụ sự, 2022), Cỏ hoa dâng đời (lời hay ý đẹp, 2022)… Anh vui lòng cho đồng nghiệp và độc giả biết thêm một số kinh nghiệm trong việc xuất bản sách.

* Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ:

Nói về kinh nghiệm thì rất khó. Riêng tôi, điều đầu tiên là phải thật sự yêu tập sách sắp xuất bản của mình, chăm chút kỹ càng các khâu biên tập, trình bày, in ấn. Khi sách in xong, tác giả cần quảng bá rộng và mạnh dạn bán bằng một số phương tiện sẵn có. Tập trước nếu phát hành tốt thì sẽ “có vốn” cho việc xuất bản tập sách sau…

Trong kỳ Đại hội Nhà văn Đà Nẵng vừa qua, tôi có viết một lá thư ngắn, gửi Đại hội, đề xuất một cách phổ biến tác phẩm trong “nội bộ” giới nhà văn, như là một cách giúp nhau phổ biến tác phẩm.

Đó là tất cả chúng ta, hơn 100 hội viên của Hội Nhà văn TP Đà Nẵng cùng chung tay phổ biến tác phẩm của bạn văn đồng nghiệp của chúng ta. Cụ thể là, mỗi khi một nhà văn hội viên thuộc Hội Nhà văn thành phố in và phát hành một tác phẩm mới, thì mỗi người hội viên chúng ta đều nhiệt tình mua sách ủng hộ, tối thiểu là một cuốn. Như vậy, ít nhất cũng có 100 cuốn sách (hay 100 lẻ… cuốn sách) được tiêu thụ. Có thể số tiền thu được từ 100 cuốn sách anh em Hội viên mua ủng hộ ấy chưa đủ so với tổng số tiền tác giả đầu tư để xuất bản cuốn sách, nhưng ít ra cũng có được 1/4 số tiền được thu lại.

Nếu tất cả mọi hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng chúng ta cùng tận tâm tận lực tham gia vào “nghĩa cử” này, thì… tất cả chúng ta cùng được hưởng niềm vui, sự ấm áp nghĩa tình. Vì sẽ đến lượt sách của chúng ta được… mua ủng hộ, và ta sẽ được hưởng niềm vui nghĩa tình ấy. Điều này có thể sẽ làm hao tổn của mỗi anh em chúng ta một khoản tiền, nhưng chúng ta đã tạo “tiền đề” cho chính việc phổ biến tác phẩm văn học - nghệ thuật của chính chúng ta. Và để thực hiện được điều này, dĩ nhiên trước hết đòi hỏi mỗi anh em chúng ta có một sự “hy sinh nho nhỏ”. Người xưa bảo “góp gió thành bão”, “đông tay vỗ nên kêu” là chính trong trường hợp này.

* Non Nước: Thưa tiến sĩ Hoàng Thị Hường, là Phó Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ - Xã hội Nhân văn thuộc trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng, chị là một nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học tại trường Duy Tân nhiều năm qua, chị vui lòng cho biết đôi điều về đổi mới sáng tạo trong cách dạy, cách học để giúp sinh viên hiểu hơn giá trị văn chương.

* Tiến sĩ Hoàng Thị Hường:

Trường Ngôn ngữ - Xã hội Nhân văn của chúng tôi luôn quan tâm đến việc đổi mới sáng tạo trong cách dạy, cách học để giúp sinh viên hiểu hơn giá trị văn chương.

Việc tích hợp văn học vào chương trình giảng dạy không chỉ giới hạn ở các môn học chuyên ngành, mà còn có thể áp dụng trong các môn học khác. Chẳng hạn, trong các môn học về lịch sử, triết học, hoặc xã hội học, giảng viên có thể sử dụng các tác phẩm văn học để minh họa cho các khái niệm, sự kiện hoặc vấn đề xã hội. Điều này không chỉ làm cho các bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn, mà còn giúp sinh viên hiểu rõ hơn về giá trị của văn học trong việc phản ánh và phê phán xã hội. Các tác phẩm văn học có thể được sử dụng để giúp sinh viên hiểu rõ hơn về những biến cố lịch sử, những xung đột xã hội, và những vấn đề triết học sâu sắc. Chẳng hạn, các tác phẩm văn học về chiến tranh có thể giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nỗi đau và mất mát mà chiến tranh mang lại, từ đó thúc đẩy họ suy nghĩ về giá trị của hòa bình và nhân đạo.

Các chương trình giao lưu và hợp tác quốc tế của Trường cũng là một cách thức hiệu quả để giới thiệu văn học đến sinh viên. Thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, các hội thảo quốc tế, và các dự án hợp tác nghiên cứu, sinh viên có cơ hội tiếp cận với các tác phẩm văn học từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều này không chỉ mở rộng tầm nhìn của họ về văn học, mà còn khuyến khích sự giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia. Vào mùa hè năm 2023 vừa qua, Trường chúng tôi đã tổ chức thành công dự án trải nghiệm văn hóa thật sự ấn tượng và thú vị - Nấc thang xanh. Dự án này đối với chúng tôi không còn là một hành trình công việc mà là một mối lương duyên ấm áp. Chúng tôi hạnh phúc vì được chăm sóc các em sinh viên đại học Sunmoon Hàn Quốc, chúng tôi tự hào vì được chia sẻ lan tỏa văn hóa Việt đến với nước bạn. Việt Nam là một quốc gia mến khách. Đà Nẵng là một thành phố biển hiền hòa thơ mộng. Đại học Duy Tân là một môi trường giáo dục khai phóng và đầy ắp giá trị nhân văn. Thông qua dự án, chúng tôi muốn truyền gửi thông điệp ấy đến với những bạn bè của các bạn ở khắp mọi nơi.

Bên cạnh đón sinh viên nước ngoài đến tại Trường, chúng tôi còn tổ chức các chuyến đi thực tế đến các quốc gia có nền văn học phong phú như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…; mời các giảng viên và nhà nghiên cứu nước ngoài đến giảng dạy và thuyết trình. Những hoạt động này giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những nền văn học khác nhau, hiểu rõ hơn về các đặc điểm văn hóa và lịch sử của từng quốc gia, từ đó tạo ra một sự phong phú và đa dạng trong nhận thức văn học của họ.

* Non Nước: Lệ Hằng mới xuất hiện trên văn đàn cách đây khoảng 5 năm, nhưng sức viết cũng như số đầu sách xuất bản khá đa dạng, từ thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết đến sách dịch. Đầu năm 2024, Lệ Hằng cho ra mắt bạn đọc 3 tập sách: Mùa sám hối (tập truyện ngắn), Triệu view giá bao nhiêu (tập truyện ngắn) và dịch tập thơ Ngôn sứ của Kahht Gibran… Tạp chí Non Nước chúc mừng nhà văn Lệ Hằng. Nhân đây xin hỏi thêm: Con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc theo Lệ Hằng cần phải làm gì để công việc có thể đạt hiệu quả nhất?

* Nhà văn Lệ Hằng:

Phải luôn gửi đi bản thảo tốt nhất của mình.

Đây là lời khuyên mà chắc chắn tác giả nào cũng đã từng được nghe từ những người đi trước. Làm hết sức cho tác phẩm của mình là điều mà tác giả luôn được người khác kỳ vọng. Nó không chỉ là việc phát triển hết tiềm năng cho ý tưởng của mình khi sáng tác mà còn là quá trình đọc đi đọc lại, tự biên tập, tự chỉnh sửa từng câu từng từ để bản thảo ít lỗi nhất có thể. Bên cạnh đầu tư thật kỹ cho tác phẩm thì tác giả luôn phải chuẩn bị cho mình một tiểu sử văn học đầy đủ để gửi kèm bản thảo bởi các đơn vị tiếp nhận bản thảo luôn cần biết tác giả là ai, nền tảng ra sao, đã có quá trình hoạt động văn chương thế nào… Những thông tin này không chỉ giúp các biên tập viên biết rõ về tác giả mà còn phần nào giúp họ hình dung ra bối cảnh sáng tác từ đó có thể tiếp nhận tác phẩm một cách sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn. Bởi vì công việc trong ngành xuất bản rất áp lực và các biên tập viên luôn bận rộn, họ sẽ không có nhiều thời gian dành cho một bản thảo trừ khi bản thảo ấy xuất sắc đến mức họ không thể bỏ qua, nên để việc tiếp cận đạt hiệu quả công việc thì ngay từ đầu tác giả nên sẵn sàng mọi thông tin cần thiết.

Ngoài tác phẩm và tiểu sử văn học ra thì tác giả còn cần chuẩn bị cho mình một bản “thuyết minh” ngắn gọn súc tích về tác phẩm. Sáng tác là một quá trình dài và nhọc nhằn, việc đọc và thẩm định bản thảo cũng mất không ít thời gian và tâm sức, vì vậy, thật cần thiết để tác giả nhìn lại tác phẩm của mình, nó có phải là cuốn sách mà bản thân tác giả mong muốn, liệu nó có mang lại ích lợi nào đó cho bạn đọc, và có thuyết phục được nhà đầu tư? Có điều gì khiến tác giả băn khoăn, tác giả gửi gắm… mà có thể cô đọng trong ít dòng ngắn ngủi? Mặc dù bản thân tác phẩm có thể tự hùng biện cho chính nó, nhưng trong việc tìm kiếm nhà xuất bản hay các công ty phát hành để hợp tác đưa tác phẩm ra thị trường, tốt nhất là tác giả có sự chuẩn bị để có thể thuyết minh về tác phẩm một cách cụ thể, trực tiếp và thực tế nhất bởi hội đồng duyệt bản thảo thường không phải chỉ có các biên tập viên mà còn có chủ đầu tư, bộ phận kinh doanh… Nhiều người trong số họ rất bận với các công việc chuyên môn của mình, một lời giới thiệu ấn tượng làm bật lên được vấn đề trọng tâm mà họ đang quan tâm có thể là bước đầu tiên thuyết phục họ dành thêm thời gian cho bản thảo của mình. Nhìn nhận thực tế như trên có thể giúp tác giả chuẩn bị tốt, thể hiện sự chuyên nghiệp và thiện chí của mình trước hội đồng duyệt bản thảo.

* Non Nước: Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy là ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, thường xuyên tiếp xúc với tác phẩm mới của các tác giả cả nước. Bên cạnh đó, chị cũng có nhiều dịp tham dự các diễn đàn thơ trong và ngoài nước bàn về thơ và bạn đọc. Chị vui lòng cho bạn đọc của Tạp chí Non Nước biết thêm về tình hình tiếp nhận thơ của bạn đọc và đôi nét về việc phê bình, giới thiệu thơ hiện nay.

Nhà thơ ĐINH THỊ NHƯ THÚY:

Chúng ta biết làm thơ và đọc thơ là nhu cầu cần thiết với con người bất cứ ở thời đại nào. Người ta đọc thơ vì nhiều lý do khác nhau. Để giải trí, để hiểu biết, để trưởng thành, để tìm kiếm sự đồng điệu. Lý do nhu cầu đọc khác nhau tạo nên các phân khúc, các kiểu dạng người đọc khác nhau. Với tác phẩm thơ, có kiểu người đọc chỉ lưu tâm đến vần điệu đến nội dung tự sự trong thơ. Nội dung tự sự càng éo le, sướt mướt với những tình cảm trúc trắc não lòng đọc càng thấy hay. Có người không chỉ quan tâm đến vần điệu nội dung tự sự mà còn để ý đến các thủ pháp nghệ thuật được vận dụng trong thơ. Có người đọc sâu hơn, lấy tác phẩm thơ làm đối tượng nghiên cứu. Người đọc này là kiểu người đọc đặc biệt đó là các nhà văn, các nhà phê bình văn học, các sinh viên ngữ văn làm luận văn, khóa luận tốt nghiệp.

Tuy nhiên từ thực tế chúng ta cũng thấy ngay cả bạn đọc là các nhà văn, các sinh viên ngữ văn làm khóa luận luận văn tốt nghiệp, hay các nhà phê bình văn học thì cũng có những cách đọc, cách phê bình khác nhau. Có phê bình báo chí và phê bình chuyên nghiệp. Phê bình báo chí thường có nội dung thông tin giới thiệu về một tác giả hoặc một tác phẩm. Các bài phê bình kiểu này giúp cho người đọc biết về sự phong phú đa dạng của sinh hoạt văn chương của một quốc gia một vùng miền. Còn phê bình văn học chuyên nghiệp thì thường dựa trên lý thuyết văn học và sử dụng các phương pháp phê bình như: phương pháp tiểu sử, phê bình ấn tượng, phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, lý thuyết tiếp nhận, chủ nghĩa cấu trúc và giải cấu trúc… để xem xét đánh giá cặn kẽ kỹ lưỡng tác phẩm.

Nhà phê bình Đặng Tiến (1940-2023) vận dụng Thi pháp học của Roman Jakobson để phê bình thơ. Ông đã xuất bản các tập: Vũ trụ thơ (1972), Vũ trụ thơ II (2008), Thơ – Thi pháp và chân dung (2009).  Đọc các Vũ trụ thơ của Đặng Tiến chúng ta bị thuyết phục bởi các bài phê bình chuyên sâu: Nguyễn Du, nghệ thuật như một chiến thắng; Nữ tính trong thơ Bà huyện Thanh Quan; Tản Đà, thi sĩ của Phôi Pha; Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử; Thi giới Đinh Hùng…; Phó giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy dùng phân tâm học để nghiên cứu Hồ Xuân Hương, Hoàng Cầm. Ông đã in: Con mắt thơ (1992), Bút pháp của ham muốn (2009), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (2010), Thơ như là mĩ học của cái Khác (2012); Nhà thơ Mai Văn Phấn có tập Không gian khác; Nguyễn Đức Tùng với Thơ đến từ đâu; Khổng Đức với Dẫn vào thế giới thơ; Hồ Thế Hà với Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ…

Nhiều, rất nhiều các công trình nghiên cứu khác nữa. Nhờ các công trình nghiên cứu thơ này, chúng ta có thể xác định được vẻ đẹp của thơ ca. Những đóng góp của thơ, những biểu hiện của thơ ca Việt Nam trên hành trình phát triển diễn ra như thế nào, hội nhập và lan tỏa với thế giới bởi những tác giả tác phẩm xuất sắc nào...

Ban biên tập Tạp chí Non Nước trân trọng cám ơn nhà thơ Nguyễn Kim Huy, nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Hùng, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, tiến sĩ Hoàng Thị Hường, nhà văn Lệ Hằng, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy đã tham gia trao đổi chung quanh vấn đề: Nhà văn, tác phẩm và bạn đọc. Hy vọng rằng những ý kiến của các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học trên đây sẽ gợi mở thêm các góc cạnh văn chương, trong đó, vấn đề đặt ra cấp bách là: Làm sao nhà văn có tác phẩm thật sự hay có sức lôi cuốn bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ hiện nay?

P.V

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Những mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnPhan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngDành cả cuộc đời để viết tình caHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhGiông bão đi qua tình người ở lạiTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaChuyện từ cơn bão YagiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcNối nhịp đôi bờBình minh trên sông HànHiện hữuĐà Nẵng hôm nay