Phan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạn
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam”. Ông tuy quê gốc ở Quảng Nam nhưng lại gắn bó với Đà Nẵng từ khi sinh ra, vì thế trước khi mất ông đã để lại di chúc mong muốn được rải tro cốt xuống sông Hàn, nơi gắn bó với ông từ thuở ấu thơ.
Những ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã gắn bó với tôi từ những năm tháng thơ ấu, khi được nghe ba má, hai cán bộ miền Nam tập kết thường hát bài Trầu cau và bài Tình trong lá thiếp, mãi sau này lớn lên tôi mới biết đó sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Và gần gũi nhất với tôi là những bài hát thiếu nhi tươi vui, trong trẻo như Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác, Những em bé ngoan... do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác.
Về độ hào hùng thì ít có nhạc sĩ nào có những sáng tác đầy khí thế và hào sảng xuyên suốt hai thế kỷ như các sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Tác phẩm đầu tiên có thể kể đến là bài Đoàn Vệ quốc quân, một trong những bài hát nổi tiếng của ông, được sáng tác vào năm 1945, thời điểm nước ta vừa giành được độc lập sau gần một thế kỷ là thuộc địa của Pháp. Những năm kháng chiến chống Mỹ ông sáng tác ca khúc Ra tiền tuyến đầy mạnh mẽ và tràn đầy lòng quyết tâm đánh giặc, giải phóng quê hương. Sau khi đất nước thống nhất, ông sáng tác ca khúc hanh niên xung phong” với lòng tự hào và khí thế sục sôi của những chàng trai cô gái đi xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài yếu tố “hào hùng” trong những ca khúc thuần chất “nhạc đỏ” thì ngay cả trong những ca khúc lãng mạn, nói về tình yêu đôi lứa thì nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng lồng vào trong các sáng tác của mình chất hào hùng, để khi ca khúc vang lên, người nghe vẫn cảm nhận được một tình yêu đầy lãng mạn, nhưng cũng đan xen trong đó tình yêu quê hương đất nước dạt dào. Có thể nói, những ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu mang đầy chất “lãng mạn cách mạng”, tuy là “nhạc đỏ” nhưng cũng rất mượt mà, sâu lắng, lạc quan và dâng tràn yêu thương. Tiêu biểu là những ca khúc đi cùng năm tháng như: Hành khúc ngày và đêm (phổ thơ Bùi Công Minh), Cuộc đời vẫn đẹp sao (phổ thơ Dương Hương Ly)... Đó đều là những ca khúc sáng tác trong những năm đất nước đạn bom khói lửa nhưng đến bây giờ vẫn còn được vang lên trong các sự kiện âm nhạc và cả trong những buổi văn nghệ tiệc cưới, liên hoan...
Có một ca khúc đã làm nên tên tuổi của Phan Huynh Điểu từ những năm 60 của thế kỷ trước, một ca khúc lãng mạn nhưng đầy lạc quan về một tương lai tươi sáng trong bối cảnh đất nước còn chia cắt, đó là ca khúc bất hủ Những ánh sao đêm sáng tác năm 1962. Không thể phủ nhận, ca khúc này để lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho nhiều thế hệ, nhất là đối với những người đã trải qua những năm tháng khói lửa đạn bom, đất nước còn bị chia cắt. Ca khúc Những ánh sao đêm đã để lại một “dấu ấn” rất riêng do có giai đoạn, bài hát không được phổ biến trong nhiều năm chỉ vì vài ca từ trong bài hát, mà theo một số người quản lý văn hóa thời đó cho là ủy mị, thậm chí bị quy là “nhạc vàng”, không phù hợp với bối cảnh đất nước đang có chiến tranh. Ngoài ra, còn có giai thoại về bài hát này là chỉ vì câu “xây cho nhà cao cao mãi” nên bị cho là “thiếu thực tế”, chiến tranh mà mơ tưởng xây nhà “cao cao mãi”... Có lẽ vì bị “hạn chế” nên khi bài hát được cho phép phổ biến thì nó đã trở thành một ca khúc có giá trị đặc biệt và sống mãi với thời gian, một ca khúc đầy tinh thần lạc quan, tình yêu quê hương đất nước được đẩy lên cao vút không chỉ về ca từ, giai điệu.
Nói về thể loại tình ca vừa lãng mạn vừa hào hùng thì không thể không nhắc đến những ca khúc “để đời” khác của nhạc sĩ Phan Huy Điều, trong số đó có rất nhiều ca khúc phổ thơ, có thể kể đến như Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), Bóng cây Kơ nia (thơ Ngọc Anh), Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ)... Và đặc biệt hơn nữa là các ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh như Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu... những ca khúc đã đi vào lòng người một cách dịu êm, sâu lắng và còn mãi với thời gian.
Ngoài ra, Phan Huỳnh Điểu còn sáng tác nhiều ca khúc về đề tài tình yêu rất thành công như: Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đămbri, Tia nắng... Về những ca khúc sáng tác về quê hương, ngoài ca khúc “Đà Nẵng ơi chúng con đã về” sáng tác năm 1975, ông có một sáng tác “để đời” về mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng ân tình, đó là ca khúc Quảng Nam yêu thương, một ca khúc mà những ai sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam và Đà Nẵng đều yêu thích vì thấy được hình ảnh của quê hương thân thương của mình trong đó.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tôi xin có đôi điều cảm nhận mang tính cá nhân của một người con đất Quảng về người nhạc sĩ đã làm nên tên tuổi của dòng nhạc lãng mạn cách mạng, một nhạc sĩ tài hoa suốt đời sáng tác vì tình yêu cuộc sống và tình yêu quê hương đất nước. Thật tự hào về ông, người nhạc sĩ của quê hương trung dũng kiên cường.
D.D.H