Thư gửi bạn - Người biết lắng nghe - Nguyễn Hữu Minh
Tôi viết bài này như một lá thư gửi bạn, tôi viết để tìm sự đồng cảm và kiếm sự sẻ chia từ những người giống hoặc khác tôi, sao cũng được chỉ cần bạn cầm được lá thư này và sẵn sàng nghe thì tôi sẽ sẵn sàng kể.
Tôi không chắc mình mất khả năng đi lại từ lúc nào, chỉ biết là mỗi khi mẹ nhắc về một đứa trẻ tròn trịa, trắng trẻo mới 3 tháng đã biết lật là đôi mi lại không đủ sức níu lấy dòng nước mặn chát, nặng trĩu chực trào nơi khóe mắt. Lúc ấy bà nhìn tôi, thả mặc cho ký ức lao về, bóp nghẹt trái tim và xé toang những vết thương vừa chớm kín miệng, tôi thấy nơi bà sự chua chát, nuối tiếc và hơn cả là sự bất lực.
Ngày ấy, trong hàng trăm đứa trẻ nhập viện vì dịch bệnh sốt bại liệt giống như tôi, có hơn quá nửa không bao giờ có cơ hội được lớn lên. Chúng bỏ lại những đớn đau sau một cơn co giật và bình yên ngủ một giấc dài. Còn tôi, không biết nên gọi là may mắn hay xui rủi, tôi không ngủ, tôi vẫn ngày ngày nhắm rồi mở mắt, và lớn lên với thân hình được chẩn đoán bại liệt chín mươi phần trăm.
Tôi không đi lại được, tứ chi teo nhỏ, thay vì học cách đi như mọi người tôi bắt đầu học cách di chuyển bằng mông và tay. Tôi quanh quẩn trong nhà, tâm hồn trẻ thơ chưa cho phép tôi buồn tủi, tôi vẫn vui, vẫn cố để giúp mình được vui như bạn bè đồng trang lứa và tôi vô tình biết rằng niềm vui của tôi chính là liều thuốc giảm đau cho mẹ. Nhưng bạn biết không đến khi lớn hơn một chút tôi nhận ra việc di chuyển đúng là khó khăn thật nhưng vẫn không khó bằng việc phải tập chấp nhận rằng đôi chân này, cơ thể này mãi mãi sẽ không còn nghe mình nữa.
Tuổi thơ tôi là những ngày nhìn thằng em leo sân thượng thả diều vào chiều hè lộng gió, là những buổi đi học, đi chơi được bạn cõng trên lưng, là quãng đường ba đưa đi, đón về cõng ra cõng vào trung tâm để tôi hoàn thành khóa học IT, và có cả những ngày mọi người hẹn nhau đi đâu hết cả, còn mỗi tôi với đôi chân ương bướng không chịu nghe lời. Ngoài kia mây vẫn xanh màu của riêng nó, gió vẫn thổi những nốt tự do, còn tôi thì lim dim mơ mình được là mây, là gió để được xanh, được tự do trôi về tứ phía.
Kể đến đây, bạn có còn muốn nghe tiếp câu chuyện của tôi? Cũng không đến nỗi tệ lắm đâu, thật đấy. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác khi mẹ bảo rằng mẹ có cách để giúp tôi bước ra ngoài kia, ra khỏi bốn bức tường an toàn của ngôi nhà đã quá đỗi thân thuộc, để tôi có cơ hội được khám phá thế giới mà không cần phải dựa dẫm vào ai nữa. Tôi đã vô cùng háo hức, đến nỗi mộng mị hằng đêm về một phép màu có thật.
Rồi mẹ mang Em về với tôi, ngày đầu nhìn thấy Em, tim tôi thắt lại một giây, thật vậy, tôi nghĩ mình sẽ chẳng thể nhìn thấy thứ gì đẹp như Em - một chiếc xe lắc, 3 bánh màu xanh nước biển, màu của hy vọng. Mẹ đã phải làm đơn nhiều lần và cố để xin Em từ Hội Chữ thập đỏ thành phố với hy vọng sẽ khiến đời tôi vui hơn đôi chút. Mà hy vọng gì chứ, tôi vui thật từ dạo ấy. Người ta làm ra Em với một cái trục lắc ở phía trước, ngay phía sau là chỗ ngồi của tôi được hàn chắc chắn và lót hai tấm đệm màu da bò êm thật êm, mỗi dạo tôi lắc trục lái là bánh xe phía trước quay theo, cảm giác được làm chủ thứ gì đó quả thật rất lạ. Cùng Em, lần đầu tiên tôi thấy những con đường dài và mênh mông đến vậy, thế giới cũng vì thế mà đa chiều, con người cũng nhiều nhân dạng hơn. Mọi thứ bỗng chốc trở nên màu sắc và đồng loạt ôm chầm lấy tôi bằng vô vàn những điều mới mẻ.
Em giúp tôi lần đầu được gần với biển, giấc mơ màu xanh trong trẻo luôn nổi trôi trong tôi từ thuở bé, nơi mà mặc dù không thể đắm chìm trong lòng nó, nhưng chỉ cần được đứng đó, nhìn và hít thật sâu cái mùi mặn chát đến ngọt lịm kia thì cũng đủ để lấp đầy tất cả những góc khuyết mà ai đó đã khoét mất.Nhờ Em tôi gặp được những người bạn cũng giống như mình, chúng tôi tụ thành một Câu lạc bộ Ước Mơ Xanh, xanh như chính tuổi trẻ và xanh như chính tinh thần của chúng tôi. Những người bạn đó, họ làm tôi thấy cuộc sống của mình không hề vô nghĩa bằng những buổi ghé thăm và cắt tóc từ thiện cho làng cùi Phong Vân, bằng những lần hoạt động thanh niên có ích cho xã hội. Chúng tôi cùng nhau chung tay giúp đỡ những người vẫn đang loay hoay với mảng trời xám xịt vây quanh, và may mắn hơn khi có cơ hội học hỏi, được truyền thêm lửa từ những người đã chiến thắng số phận, vẫn ngày ngày lao động miệt mài bằng chính phần cơ thể họ giành giật được. Tôi nhận ra tôi không nhất thiết phải có đủ hai chân như người khác thì mới được xem là bình thường vì giờ đây thậm chí tôi còn hơn cả bình thường, tôi có đến 3 chân và còn rất vững vàng, vậy tại sao tôi lại không mỉm cười nhiều hơn, Em chính là kiềng 3 chân của tôi và trục lắc của Em chính là kim chỉ nam khiến tôi không bị mất phương hướng.
Tôi đã trưởng thành như một đóa hoa luôn hướng về phía có nắng ấm. Đứng trên chiếc kiềng 3 chân của Em tôi được vươn cao và xa hơn một cách thẳng thớm, không xiêu vẹo. Bây giờ, sau bao nhiêu năm, Em đã không còn bên tôi nữa, tôi tặng Em cho một người khác cần Em hơn tôi, tin rằng Em sẽ lại mang ánh nắng đến bên họ như cách Em mang nó đến với tôi. Cảm ơn “người bạn đồng hành” đã kề vai sát cánh suốt những năm tuổi trẻ của tôi, giúp tôi quẳng hết những tự ti, buồn tủi, cho tôi những hành trình vững vàng, đầy hy vọng. Tôi của hôm nay mặc dù vẫn chưa hoàn thiện nhưng sẽ không gục ngã.
Tôi đã có cho riêng mình một mái ấm cùng người vợ hiền và cô con gái xinh xinh. Nếu như ngày trước Em không được đưa đến và tôi vẫn chỉ quanh quẩn nơi góc nhà thì thử hỏi tôi có cơ hội khám phá bản thân và tìm được người sẵn sàng yêu mình - một người khuyết tật nặng. Có thật nhiều những lời cảm ơn cần dành tặng ngay lúc này: cảm ơn trước nhất vẫn là mẹ, người đã khóc đến tâm hồn héo hắt, đã luôn bên con bất chấp đúng sai, cảm ơn Hội Chữ thập đỏ thành phố đã cho tôi có cơ hội gặp Em - chiếc xe lắc màu xanh hy vọng. Cám ơn số phận vì đã lấy đi của tôi đôi chân nhưng lại ưu đãi cho tôi những cơ hội, những người bạn mà đối với tôi như là người thân trong một nhà - là rất nhiều những thanh niên khuyết tật trong Chi hội Thanh niên Khuyết tật thành phố Đà Nẵng.
Lá thư của tôi, hy vọng giúp những ai đang vui sẽ tiếp tục vui, những ai đang buồn sẽ vơi buồn đi nhé. Chúng ta phải tiếp tục sống bằng cách này hay cách khác và quan trọng là phải sống thật có ích, nếu khó khăn quá thì xin đừng ngần ngại tìm kiếm một “người bạn đồng hành”, tin rằng khi đó chặng đường sẽ dễ dàng hơn và cũng thôi không còn mệt nữa.
Chúc tất cả chúng ta đều sẽ sống một cuộc đời thật tốt và thật hạnh phúc.
N.H.M