Người bạn ân tình - Lê Thị Diệu Châu
Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng vào thời kỳ đất nước vừa qua chiến tranh, người Đà Nẵng hân hoan trong niềm vui đoàn viên và náo nức bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, niềm vui còn được nhân lên cho ba má tôi với sự ra đời của cô con gái đầu lòng. Nhưng niềm vui đó đã không còn trọn vẹn khi ba má nhìn vào đôi mắt tôi và phát hiện đôi mắt con mình không có khả năng cảm nhận ánh sáng, sắc màu, hình dạng. Quả là đôi mắt tôi không có tác dụng gì ngoài ý nghĩa như hai dấu chấm hết: một cho bao hoài bão, ước mơ về một gia đình hạnh phúc của ba má; một dành riêng cho ánh sáng cuộc đời tôi. Những tưởng tôi sẽ chìm sâu mãi vào bóng đêm thê lương và ảm đạm thì bất ngờ may mắn đã đến với tôi. Vào năm 1992, Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng với chức năng nuôi, dạy văn hóa chữ nổi cho trẻ em khiếm thị miền Trung được thành lập. Tôi là một trong mười bảy học sinh đầu tiên được vào trường. Từ đó song song với việc học văn hóa, tôi được các thầy cô dạy về kỹ năng hòa nhập, kỹ năng tự chăm sóc phục vụ bản thân, kỹ năng định hướng di chuyển với dụng cụ là chiếc gậy dò đường. Trước khi được cấp gậy, thầy cô đã đo chiều cao của tôi rất tỉ mỉ sao cho chiếc gậy phải thật phù hợp với người dùng. Nhớ lại lần đầu tiên khi cầm chiếc gậy, tay chân tôi còn có vẻ lóng ngóng nhưng qua sự chỉ dạy ân cần của thầy cô không biết tự khi nào chiếc gậy đã trở nên thân quen, rồi gắn bó như một người bạn không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.
Trước đây khi chưa có gậy, tôi chỉ di chuyển trong nhà với những bước đi lần mò, dò dẫm, rồi hụt hẫng té ngã mỗi khi vấp phải đồ vật. Nay với chiếc gậy này là hướng đi, là người bạn dẫn dắt, mách bảo. Cây gậy của tôi thân làm bằng hợp kim nhẹ, bền và chắc chắn. Đầu gậy bọc cao su, cán gậy bọc nhựa mềm và xốp, khi cần có thể xếp gọn bỏ vào cặp sách. Thầy cô còn hướng dẫn các kỹ năng dùng gậy để vận động trên nhiều loại địa hình: Địa hình nhân tạo, địa hình tự nhiên, nơi có ao, rãnh, nơi có cây lúp xúp... và kỹ năng tham gia giao thông. Càng ngày cây gậy càng cho tôi thêm tự tin và mạnh dạn đi trên những chặng đường xa hơn mà không cần tới sự giúp đỡ của người khác.
Cùng với niềm tự tin mà chiếc gậy đã giúp cho, từ lâu khát vọng của tôi là được sống trọn vẹn với phẩm giá của mình. Từ thân phận tật nguyền bị giam cầm trong bóng tối, bị hạn chế đến mức tối đa cả tư duy lẫn hoạt động, cây gậy đã dìu tôi ra giữa dòng người, nay còn khích lệ, động viên nâng cánh ước mơ cho tôi vượt qua số phận để trở thành người sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Cùng với chiếc gậy, tôi xác định con đường duy nhất để thay đổi số phận của mình chỉ có thể là con đường học tập văn hóa. Thế là từ đó dù ngày nắng hay mưa chiếc gậy luôn miệt mài cùng tôi song hành tới lớp. Lên cấp II, cấp III tôi không còn học tại trường nữa mà phải đi học hòa nhập với các bạn sáng mắt ở những ngôi trường xa hơn. Sân trường cùng những bậc tam cấp chưa quen, nhưng tôi có cây gậy dò đường ân cần và tận tụy; gậy mách bảo cho tôi những vật cản nguy hiểm, gậy chỉ ra nơi vũng nước có rêu trơn, những hiên, thềm dẫn về cửa lớp. Kết quả vào cuối mỗi năm học, tôi đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, đoạt giải ba môn Địa Lý lớp 10 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố cùng nhiều giải thưởng quý giá khác. Trong những năm cuối cấp III, song song với việc học tập, tôi còn tích cực tham gia sôi nổi các hoạt động của tổ chức Hội Người mù. Nhất là vào mỗi kỳ nghỉ hè, chúng tôi thường chống gậy đi đến nhiều nơi, viếng thăm gặp gỡ, bày chữ nổi cho các cô chú khiếm thị lớn tuổi. Chính trong dịp này tôi được nghe nhiều hoàn cảnh khó khăn, chật vật mà các cô chú đang phải trải qua. Thì ra trên con đường tìm kiếm chút cơm, áo gạo tiền đối với người mù lại gian truân đến thế! Tôi ước ao được giúp đỡ họ, thay đổi về mặt vật chất, tinh thần mà hiện tại tôi chỉ là một nữ sinh cấp III. Mỗi lần tôi cùng chiếc gậy quay về mà lòng tôi còn day dứt với 1 câu hỏi: Phải làm sao để giúp đỡ những người thân quen có hoàn cảnh khó khăn này đây. Đó cũng chính là động lực để tôi cần phấn đấu, tôi quyết tâm thi vào đại học.
Sau 12 năm không ngừng khổ luyện và một mùa thi vất vả, căng thẳng, hồi hộp đợi chờ; tôi vui mừng nhận được tin mình đã trúng tuyển vào khoa Ngoại Ngữ - Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng. Bên cạnh chương trình chính quy, tôi còn đăng ký tham gia học lớp nghiệp vụ sư phạm ban đêm với ý định sau này sẽ dạy học cho những người cùng cảnh ngộ.
Đến lúc này thì tôi thực sự “một mình, một gậy” bởi lần đầu tiên từ trước đến nay tôi là một sinh viên mù của khu vực miền Trung học chương trình đại học giữa những sinh viên bình thường. Thật khó cho tôi, một sinh viên khiếm thị đầu tiên trên lộ trình đi tìm nguồn sáng tri thức với những đòi hỏi khắt khe trong thời kỳ khoa học kỹ thuật hiện đại. Bao khó khăn bất cập giữa hai thứ chữ khác nhau, thiếu sách vở, tài liệu... Thách thức sừng sững như vách núi dựng đứng vây bủa quanh tôi, nhiều lúc tưởng chừng như mình đã kiệt sức. Những lúc như thế, chiếc gậy trở thành người bạn tâm tình, luôn thì thầm an ủi: đừng gục ngã, hãy cố lên! Tôi lại cùng gậy đi nhờ thầy, nhờ bạn để lấp đầy những hẫng hụt trong kiến thức. Nhờ đó tôi đã đạt được những kết quả tốt từ sự chịu khó chịu khổ; trong các năm học tôi đều được nhà trường công nhận là sinh viên loại khá. Vào năm 2006, tôi được Đoàn trường bầu là thanh niên có nếp sống đẹp và được UBND thành phố Đà Nẵng trao tặng Bằng khen. Cuối niên khóa 2007, tôi nhận được tấm bằng Cử nhân Anh Văn loại khá cùng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm loại giỏi.
Vừa học tôi vừa tham gia công tác Hội. Được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, hội viên, tháng 4/2004, tôi được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành, kiêm trưởng Ban công tác Phụ nữ mù Quận hội Thanh Khê. Từ đó, chiếc gậy được dịp cùng tôi đi nhiều trong công tác hoạt động Hội, biến ước mơ của tôi thành mục đích cụ thể là đem văn hóa để phổ cập đến những hội viên không có điều kiện học tập. Đối với người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng điều họ cần nhất không phải chỉ vì miếng cơm manh áo mà là niềm tin vào cuộc sống, điều họ sợ nhất không phải sợ nghèo sợ khổ mà là sự cô đơn vì bị tụt hậu. Tôi cùng với tổ chức Hội chống gậy đến bên anh chị em, động viên, khích lệ, dặn dò, gắn kết họ lại thành đại gia đình; phổ cập văn hóa chữ nổi, tuyên truyền đường lối chính sách pháp luật ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Quá trình hoạt động đó, tôi cũng đạt được những kết quả đáng mừng, được đông đảo cán bộ, hội viên tin yêu.
Đại hội đại biểu Hội Người mù thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2007-2012 tôi vinh dự được đề cử vào chức danh Ủy viên Ban Thường vụ Thành Hội Người mù Đà Nẵng. Từ năm 2011 đến nay, tôi được bầu là Chủ tịch Hội Phụ nữ mù thành phố Đà Nẵng. Năm 2013, tôi được đề bạt giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2012 - 2017.
Với tôi niềm vui không nằm ở thành tích hoặc chức vụ, không phải vì tiền vì quyền mà ở chỗ tôi đã đủ năng lực để làm việc đem lại lợi ích tinh thần, vật chất cho mình và nhiều người cùng cảnh ngộ; được cán bộ, hội viên tin yêu trong tình cảm chân thành mộc mạc. Cây gậy tiếp tục cùng tôi đi học cách làm chủ trang thiết bị khoa học công nghệ hiện đại nhằm phục vụ công tác Hội ngày một tốt hơn và ngay giờ đây, cây gậy đang cùng tôi tham gia học lớp Trung cấp Chính trị - Hành chính tại Trường Trung cấp Chính trị thành phố Đà Nẵng để có được trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị vững vàng, những phẩm chất cần thiết cho người cán bộ trong thời đại mới.
Tôi chống gậy hướng về bên kia bờ quá khứ, nơi xuất phát điểm từ hai dấu chấm hết: ánh sáng, hoài bão, ước mơ; và nhớ lại một hành trình tôi cùng gậy đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình mà lòng không khỏi xúc động. Tuy chưa có gì đáng để tự hào nhưng xem ra cũng đã tiến xa hơn so với ngày xưa. Cây gậy của tôi đây! Đi với nhau lâu trở thành tri ân tri kỷ. Cùng nhau vượt qua bao khó khăn, gian khổ gậy trở nên người bạn thủy chung, vượt qua vật cản giúp tôi đứng dậy mỗi lần vấp ngã, gậy trở thành đôi mắt ân tình. Hỡi người bạn đồng hành hiền hậu, ân cần, trung thành sau trước hãy cố lên và hãy tiến lên!
L.T.D.C