Tần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ - Hồ Sĩ Bình

02.06.2017

Tần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ - Hồ Sĩ Bình

Thơ Tần Hoài Dạ Vũ (Nxb Hội Nhà văn) vừa được ra mắt với bạn đọc. Đây là tập thơ thứ 5 của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, được tinh tuyển hơn 180 bài suốt hơn 50 năm sáng tác, nặng nợ cả một đời thơ. Tập thơ được tác giả chia thành những chủ đề khác nhau: Thơ gửi nỗi buồn; Thơ tình không có tuổi; Thơ đi tìm sự thanh bình; Thơ tặng lòng bao dung(*)…

Dưới giàn hoa giấy trong quán cà phê chị Giang trong khuôn viên Tổng hội sinh viên Huế (22 Trương Định, Huế) những năm 70, 71 tôi đã đọc thơ của Tần Hoài Dạ Vũ đăng trên mấy tạp chí Bách khoa, Đối diện, Đứng dậy, Việt... trong một không khí ngột ngạt của chiến tranh cùng những phong trào xuống đường của sinh viên học sinh tại cố đô. Trong mảng thơ ca đô thị bấy giờ, tôi vẫn thích giọng thơ của anh với một âm hưởng nhẹ có chút mềm mại không sắc máu, không ồn ào ầm ĩ nhưng khao khát ước vọng, thâm trầm lãng mạn của một trí thức dấn thân “ai không sinh ra đời bằng một trái tim” theo cách gọi ngày đó.

Đã hơn mấy chục năm, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, dâu bể trần ai biết bao thay đổi nhưng Tần Hoài Dạ Vũ vẫn một niềm chung thủy với thơ ca. Mấy chục năm, anh từng trải qua một số công việc: từng đi dạy học, từng gắn bó với đời sống văn nghệ, từng xuôi ngược điền dã nghiên cứu văn học dân gian cho ra đời với bộ sách Văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng với gần 2000 trang sách đồ sộ. Đây là bộ sách có giá trị về tư liệu, đã đặt nền móng cho những công trình của một số tác giả nghiên cứu muốn đi sâu về lĩnh vực này. Anh từng làm Biên tập viên chính mảng văn học nghệ thuật của báo Thanh niên và nhiều việc khác nữa. Thế nhưng, làm gì thì làm thơ vẫn là một tiếng nói chung thẩm với số phận với khát vọng sống và yêu thương của một trái tim đa cảm với nhiều trắc ẩn của một tình yêu mãi mãi như thuở ban đầu, đầy năng lượng của suối nguồn yêu thương với cuộc sống.

Thơ với Tần Hoài Dạ Vũ trước sau là sự tận hiến mọi nguồn sinh lực sáng tạo không ngừng nghỉ đến cạn kiệt của người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp trước mọi giông bão cuộc đời. Ngay khi viết về nỗi buồn, nỗi buồn trong thơ được anh nâng niu trìu mến, nỗi buồn đẹp mà sang trọng, day dứt quặn thắt mà không bi lụy. Con người thơ trong ý thức tìm được nẻo về, bởi vì đi không phải để đến mà chỉ để dọn đường như anh thú nhận: Tôi đi tìm cái mình đã mất và mất cái chính mình đã tìm. Tìm cái mình đánh mất là tiếng kêu lên từ hố thẳm, là nỗi cô đơn, là nỗi buồn trong hành trình tìm lại chính mình nhưng cũng chỉ hoài công của nhà thơ - Cuối cùng tôi cũng trở nên xa lạ với chính tôi/ trong đôi mắt em tràn đầy bóng tối. Nhưng nghịch lý trong sáng tạo nghệ thuật - cũng là một nỗi buồn - vì biết rằng đó là con đường đi mà không đến nhưng vẫn lên đường vì như chính anh thú nhận: Chính sự thiết tha đi tìm một ý nghĩa đích thực cho cuộc sống, chính thái độ tích cực đó đã làm cho cuộc đời này mang một ý nghĩa. Một ý nghĩa rộng lớn, bao quát, đôi khi có thể ngoài tầm với của chúng ta. Như thế, nỗi buồn không đơn giản từ tồn tại của hiện thực, mà đối với một nghệ sĩ đích thực còn là đối tượng để tìm đến bằng sự rung cảm trước cái đẹp vĩnh hằng. Bởi thế đọc thơ anh, nỗi buồn được ca ngợi vì nó cần thiết đối với thi sĩ, đúng như lời nhận định của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Mỗi người chỉ thực là chính mình trong căn nhà của nó. Thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về căn nhà ở đời của nó là nỗi buồn. Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn...

Nỗi buồn giúp nhà thơ nhìn ra bản chất cuộc sống - sự pha trộn của mọi yếu tố đối nghịch - để tâm hồn còn người giữ được sự bình tâm trước mọi khổ ải gặp phải... Với nhà thơ, Thơ gửi nỗi buồn (phần I) vẫn là sự tìm lại “bản lai diện mục” muôn đời của tâm hồn mình.

Thơ của Tần Hoài Dạ Vũ theo thời gian càng có thiên hướng trở nên suy niệm, luôn tự đánh thức mình bằng những tư vấn có khi phủ nhận cả một thời tuổi trẻ lạc lối nông nổi. Mà tuổi trẻ thời của anh có ai không dào dạt hiến dâng, không sôi nổi khát vọng lên đường. Khi thơ vào cái độ chín của trải nghiệm, thời gian, tuổi tác và suy gẫm, vẫn an ủi: Đừng chán nản vì ngày vui ngắn ngủi/ còn nỗi buồn thì muôn trùng, em thân yêu. Đọc thơ của anh, có một điều rất lạ dù ngôn ngữ thơ, nghệ thuật cấu tứ đã quen thuộc nhưng nó lại không cũ kỹ mà vẫn thấy một sự tươi mới, có lẽ nhờ cách dẫn dụ những hình ảnh có tính ẩn dụ, huyền mị biểu đạt nỗi trầm tư sâu thẳm đôi khi man mác nỗi niềm, cảm xúc như cứ trào lên trong từng đoản khúc: Rất nhiều năm tháng anh đã chạy theo những điều phù phiếm, vô tình quên mất là anh còn có một góc phố cũ trong trái tim buồn... Hình ảnh Em trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ không phải chỉ là hình ảnh đối trọng mà trở thành một cách phát ngôn nhằm biểu đạt suy nghĩ của chủ thể. Đó cũng là một cách lập tứ của thói quen thơ ca hơn nửa thế kỷ trước. Trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ, hình ảnh người nữ - trừ mảng thơ tình (đôi lứa) vừa được dùng nhằm để đối thoại, mặt khác là cách tự bộc lộ mình. Nói với em cũng tự dặn lòng với chính mình: Vì ngày vui ngắn ngủi? mà nỗi buồn thì muôn trùng. Tinh tuyển lại chỉ chừng ấy bài nhưng ta thấy Tần Hoài Dạ Vũ vẫn thích loại thơ tự do, thơ văn xuôi. Ít ai chú ý sự khác biệt giữa văn xuôi và thơ văn xuôi là gì? Đó chính là nhạc điệu, là nhịp điệu, đấy là nhịp đập của trái tim, là thanh âm đập cửa của tiếng lòng. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ rất giàu nhạc điệu. Có lẽ cảm xúc trong anh luôn ứ đọng, nó cứ thúc hối, ào ạt muốn tràn ra trên trang giấy nên vần điệu niêm luật đôi khi sợ làm ngăn chận dòng cảm xúc của trái tim: Cho tới khi tôi hiểu được lẽ đời đơn giản/ Nhờ bước theo ánh sáng của trái tim... Với anh, trái tim luôn nuôi dưỡng sự sống với rất nhiều lý lẽ nhiệm màu khó giải thích nổi.

Anh yêu nhiều, đắng cay cũng nhiều, những người tình đã bỏ anh lại với ánh mắt đau thương cũng ngập tràn độ lượng;... Ai hỏi lại lòng đêm/ Đã tàn bao lệ nến... Mặc cảm bị bỏ rơi trong tình yêu, cô đơn phiêu dạt giữa cuộc đời, đối mặt với vô vàn nghịch lý, thói tráo trở, những trái tim vô cảm, sự giả trá hợm hĩnh mà nhà thơ vốn là người suốt đời trong mộng tưởng bao giờ cũng mong một sự tròn trịa đầy đặn nên thường xuyên rơi vào những thất vọng, những uẩn khúc đắng lòng. Những trạng thái tâm thế, thái độ bởi những ám tượng, suy niệm hoàng hôn, ám thị với thời gian, ám ảnh đa đoan của triết học đã từng lặp đi lặp lại trong thơ anh nhiều lần kiểu như Khi cố níu cuộc đời không trở lại/ Tôi mất tôi trong lúc vẫn đi tìm. Nhưng không phải vì thế mà anh rơi vào sự chìm nổi không lối thoát bởi hương đời luôn làm tỉnh giấc sự mê muội. Khi trở lại ngôi nhà cũ, thức suốt đêm đối bóng với di ảnh của ông nội và cha, nhà thơ “sáng ra”: còn có nhiều điều tôi chưa hề biết/ nhưng có một điều rất thực là tiếng chuông/ giúp tôi biết rõ ràng tôi không bao giờ phải làm kẻ lạc loài/ đấy là lúc thời-gian-trở-thành-một-trong-tôi... để rồi “ngộ” ra Đêm nay/ cả ba thế hệ cùng mỉm cười. Đúng như Aristôt từng nói: “Một cuộc đời không được xem xét, đánh giá là cuộc đời phí hoài không đáng sống”. Nhà thơ luôn trong tâm thế cật lực tự vấn với chính mình. Cả những lúc đau đớn tuyệt vọng nhất trong tình yêu đôi lứa, thơ anh vẫn là tiếng nói chân thật say đắm đến kỳ lạ từ thời trai trẻ cho đến khi vào lúc đã bước qua tuổi cổ lai hy - vẫn là trái tim không đổi. Thơ tình của anh nói cho cùng là thơ tình của người không có tuổi, tình yêu đôi lứa mãi mãi là “khúc xuân ca”, là “nhan sắc mùa xuân”, là “cây thập giá của đời”, là hồi quang của “sự cứu rỗi”, là “niềm thánh tẩy” gột sạch tội lỗi, là “mùa hy vọng”... Những cách gọi, những mỹ từ thăng hoa nhằm tôn vinh giá trị có tên gọi là tình yêu đôi lứa. Trong thư của Garbriel Market những ngày cuối cùng trước khi mất, gởi cho người bạn, ông viết: “Người ta sẽ già đi vì tuổi tác nếu như người ta không còn tình yêu thương nữa”. Vâng, ở bất cứ một giai đoạn nào trong đời thơ anh vẫn ngọt ngào say đắm. Đọc lại những bài thơ được sáng tác trong mấy năm gần đây của Tần Hoài Dạ Vũ, niềm yêu thương dành cho những người tình không bao giờ nguôi niềm say đắm: Em là đôi mắt của đêm hay đêm chính là đôi mắt em/ Mà ám ảnh mà dày vò tôi mãi/ Khi cố níu cuộc đời không trở lại/ Tôi mất tôi trong lúc vẫn đi tìm hay Tôi yêu em vì không hiểu được em/ luôn luôn như nhớ lại một thời nào khác/ một cuộc đời không thể gọi tên... Tần Hoài Dạ Vũ luôn xem thơ là ngôi đền của tình ái. Nhà thơ ca ngợi nó bằng mọi cung bậc, mọi sắc độ. Từ đau thương, u uẩn, khát khao, phụ rẫy, bội bạc, chia lìa, giằng xé; từ đau thương tột cùng đến hạnh ngộ hạnh phúc vừa tận hiến vừa bao dung. Trái tim yêu đó không bao giờ nguội lạnh Có bao giờ anh tắt lửa đam mê cho dẫu vì em là cái bếp hoang tro tàn lạnh lẽo? Bởi có chia lìa nghìn trùng xa cách vì anh là ngọn lửa nhỏ sống kiên trì trên đá vẫn khát khao chờ đợi trong lặng lẽ sương đêm là lòng anh chưa gặp được em. Thơ tình của anh không biểu hiện nhục cảm mà sâu đằm hoài nhớ một cách bức thiết Trời buổi ấy nghe dịu dàng tiếng hát/ để suốt đời anh đi tìm nhặt mùi hương. Nhà thơ với mối tình chỉ quen nhau chưa được 6 ngày đã vội chia ly thế mà đã thiên thu vọng tưởng, cả một đời đau xót: Những dòng sông trôi đi, cuộc sống vẫn còn dài/ cơn gió cũ qua rồi đời vẫn mát/ một góc phố một khoảng trời xanh ngát/ lại đưa ta về trong ánh mắt của tình yêu…; là hiện thân của ân sủng cứu rỗi cả những khi ta lạc lõng giữa đời: Có bao giờ tôi đã dại khờ nghi ngờ tình yêu? Em là nơi ẩn náu, cõi lãng quên và là sức mạnh cho chính phút giây yếu đuối của đời tôi. Tình yêu ấy đôi khi được xem là giá trị của phẩm hạnh để hướng tới: Tâm hồn ngây ngất tôi hiểu ra rằng phẩm hạnh là được yêu người mình tôn quý và hạnh phúc cao cả là nắm bắt được hiện hữu này. Tình yêu đôi lứa vốn là một đề tài quá quen thuộc trong văn học nhưng với những gì mà Tần Hoài Dạ Vũ đã viết trong hơn nửa thế kỷ qua vẫn có những cảm thức mới lạ, nó gắn liền với đời sống của đất nước và lòng bao dung độ lượng trong thái độ sống của nhà thơ đối với hiện thực đã tạo ra một thế giới thơ ca cho riêng mình sự huyền ảo hấp dẫn. Với những lý do đó, thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã đi vào lòng bạn đọc ngày nay.

H.S.B 

Bài viết khác cùng số

Ghen - Nguyễn Ngọc ChiếnNgười bạn ân tình - Lê Thị Diệu ChâuThư gửi bạn - Người biết lắng nghe - Nguyễn Hữu MinhHành trình “bạn” đến bên tôi - Nguyễn Thị Hải GiangTruyện ngắn Nguyễn Đỗ Văn QuốcBà nội tôi - Trần Ngọc MỹCánh cổng xanh và cây đào già - Vũ Thị Huyền TrangĐà Nẵng gió và hương - Phan Trang HyChúng ta yêu hòa bình, đang hành động vì hòa bình... - Đỗ Huyền ViMột sáng Hải Vân - Nguyễn Vĩnh BảoVới đàn voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà - Đỗ Thượng ThếKhi ta nhìn cờ Tổ quốc - Phan Thành MinhĐàn bà cũ - Nguyễn Hàn ChungThơ Sơn ThuTắm... rừng - Nguyễn Tự LậpVề bên mẹ - Ngọc ThọMùa chiều - Kai HoàngBay với Hướng Dương - Chế Diễm TrâmNgày ấy - Trương Công MùiĐêm luôn thừa thổn thức - Đinh Thị Như ThúyDòng sông kỷ niệm - Nguyễn Nho Thùy DươngGió hoang - Xuân HiệuVề với tuổi thơ - Ngọc NhânMột số phương diện nghệ thuật thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnPhù điêu Krishna-Govardhana của nhóm tháp Khương Mỹ: Một tác phẩm điêu khắc độc đáo của nghệ thuật Chămpa – Trần Kỳ Phương, Nguyễn Tú AnhNghệ thuật tương phản và yếu tố sân khấu - điện ảnh trong tiểu thuyếtn Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thụy AnhTần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ - Hồ Sĩ BìnhĐọc tập thơ Vàng phai một thuở của H.man - Huỳnh Thu HậuDanh thắng Ngũ Hành Sơn qua tác phẩm Les Montagnes Des Marbre của Albert Sallet - Trần Đức Anh Sơn