Một số phương diện nghệ thuật thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu Tấn
Phạm Phú Thứ không những là một danh thần mà còn là một ngôn quan đắc ý của vua Tự Đức. Thơ ca của ông được đức vua không tiếc lời khen ngợi. Trong bài này, chúng tôi khảo sát về hệ thống đề tài - chủ đề và ngôn ngữ - giọng điệu nghệ thuật trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ.
1. Đề tài và chủ đề
Đề tài và chủ đề là một trong những khái niệm cơ bản và quan trọng trong lý luận văn học đông tây kim cổ. Các khái niệm chủ yếu thể hiện những khía cạnh này thuộc về phương diện nội dung của tác phẩm văn học. Đề tài là phạm vi hiện thực mà tác giả lựa chọn để thể hiện. Chủ đề là biểu hiện cách suy nghĩ, chiêm nghiệm, tầm chiếm lĩnh cái hiện thực đó ở mỗi tác giả. Mỗi tác phẩm đều có nhiều đề tài và nhiều chủ đề đan xen vào nhau. Cho nên, việc phân loại thơ ca theo đề tài - chủ đề là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp.
Khi khám phá thơ ca chữ Hán của Phạm Phú Thứ, chúng tôi tìm ra được một số đề tài và chủ đề chủ yếu gồm:
Đầu tiên là đề tài và chủ đề ngôn chí. Tức là nói về chí hướng, trách nhiệm của kẻ sĩ đối với thời cuộc, với đất nước, với thiên tử.
Thứ hai là đề tài và chủ đề thù tạc - xướng họa - ngâm vịnh. Tức là thơ xướng họa, ứng chế giữa Phạm Phú Thứ và các bạn đồng liêu, hoặc tuân lệnh vua mà sáng tác, bao gồm cả thơ vịnh sử, vịnh vật.
Thứ ba là đề tài và chủ đề tống biệt. Tức là nói về sự đưa tiễn.
Sau đây, chúng ta cùng lần lượt khám phá từng đề tài - chủ đề trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ.
Chính vì là một nhà nho sau trước đều trung trinh với lý tưởng của mình, đến mức vua Tự Đức cho là kẻ “cố chấp”, Phạm Phú Thứ luôn lấy thơ ca là nơi bộc lộ cái chí hướng mà ông ấp ủ. Điều này đã tạo nên cảm thức ngôn chí đậm đặc trong thơ chữ Hán của ông. Đề tài và chủ đề ngôn chí chiếm 9/10 toàn bộ số lượng thơ ca Phạm Phú Thứ.
Đề tài và chủ đề ngôn chí là đề tài và chủ đề minh họa và được khởi xướng bởi các quan niệm văn học“Văn dĩ tải đạo” và “Thi dĩ ngôn chí”. Đây là hai quan niệm văn học đã trở thành điển chế bao trùm lên tư tưởng sáng tác văn học Việt Nam trung đại. Văn chở đạo, thơ nói chí, nhưng thực ra, trong tư tưởng của Phạm Phú Thứ, chí không đơn thuần là chí hướng của con người mà chứa đựng nhiều nội hàm khác nhau.
Có thể đó là chí lập thân của người quân tử cũng có thể chứa đựng ở đó lòng yêu nước, thương dân... Chính vì quan niệm về ý chí lập thân bằng việc hành động thiết thực để giúp đời, giúp dân, nên thơ Phạm Phú Thứ nổi bật lên hình tượng một nho quan có khát vọng cống hiến không mệt mỏi. Hình tượng chủ thể trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ, như đã nói ở các chương mục trước, là hình tượng nho thần công vụ. Trong bất kỳ một bài thơ nào đó, ta đều bắt gặp một Phạm Phú Thứ tháo vát, chăm chỉ, không mệt mỏi thực hiện chức phận của mình: đắp đê, đi sứ, đi công cán, đi trị thủy, đi kinh lý biên quan...
Chí sĩ niệm báo quốc
Vấn tâm cảm hoàng an
(Người chí sĩ lo nghĩ việc báo quốc
Hỏi lòng đâu dám sống yên
rảnh rang)
[Hà Chiêu chu thứ thư hoài]
Hai câu này đặc biệt thể hiện một cách thấu đáo tinh thần ngôn chí của Phạm Phú Thứ. Đây là tâm lý cố hữu ở nhà nho. Tâm lý muốn mình là rường cột của quốc gia, của dân của nước. Đã là rường cột thì phải ngày đêm suy xét về trách nhiệm của mình. Tâm trạng mong muốn báo quốc luôn giày vò tâm trí của kẻ chí sĩ. Phạm Phú Thứ đã vẽ ra cho ta một tấm lòng trung liệt, ngày đêm tìm cách để cống hiến cho trọn vẹn. Tấc lòng do vậy mà không lúc nào dám tơ tưởng sự bình yên cho mình. Hai câu thơ này, tác giả vừa trực tiếp tự xưng mình (“chí sĩ ”), vừa trực tiếp bày tỏ tấm lòng ưu thời mẫn thế của mình.
Truyền văn kinh triệu kỳ lâm dạ
Hải thượng chiêm vân độc ý bồng
(Nghe truyền vùng kinh triệu cầu đảo được mưa dầm ban đêm
Một mình đứng tựa mui thuyền trông mây biển để đoán trời mưa hay hạn)
[Hà Trung chu thứ thư hoài]
Những câu thơ day dứt này được viết ra khi ông can tội can gián vua mà bị đày làm công vụ ở một vùng đất phía nam kinh thành. Trong những ngày này, tuy trong chức phận của kẻ bị lưu đày, nhưng ông vẫn vui vẻ làm tròn trách nhiệm của mình. Ông không hề oán trách, bi ai và sa sút như Bạch Cư Dị. Tâm thế của ông lúc này là ngóng về kinh triệu (kinh kỳ). Thật sự, ngóng về kinh kỳ không phải là Phạm Phú Thứ mơ đến một con đường hoạn lộ thanh vân như mô thức văn học trung đại đời Đường ở Trung Quốc. Mà ông đang hướng vọng về sự Đức trị của nhà vua. Cơn mưa dầm ở kinh đô theo quan niệm thường nhật ở Phạm Phú Thứ là do lòng nhân của nhà vua là động lòng trời xanh. Từ đó, ông lại xác định tư thế nho thần công vụ của mình bằng sự việc nhìn mây biển để xem là mưa hay hạn. Chứng tỏ, tinh thần cống hiến của Phạm Phú Thứ thật kiên cường, son sắt.
Dị vũ thành quy kiêm tỉnh tuế
Tư nông thần chức cảm vong canh
(Luyện tập võ bị cho thành quy củ, kiêm xem xét mùa lúa chín
Chức Tư Nông của hạ thần đâu dám quên việc canh tác)
[Sơ xuân giá hạnh Lợi Nông
thuận trực hỗ tòng cung ký]
Hai câu thơ này, hiển lộ ngời ngời vẫn là tinh thần ngôn chí gắn liền với nhiệm vụ của một nho thần mẫn cán, siêng năng, không hề chấp nệ việc lớn nhỏ, khó dễ. Trong hai câu thơ này cho thấy ngoài công việc của phiên Văn, Phạm Phú Thứ còn kiêm luôn việc của phiên Võ. Chính vì vậy mà dù đảm nhiệm chức quan Tư Nông coi về chính sách nông nghiệp, ông vẫn “lấn sân” sang việc “luyện tập võ bị cho thành quy củ” của các võ quan. Cảm động nhất là cái cúi đầu tuyên thệ: “Chức Tư Nông của hạ thần đâu dám quên việc canh tác”. Nó thể hiện một thái độ cẩn trọng và mẫn cán của một người giàu trách nhiệm với dân với nước.
Không dừng lại ở đó, thậm chí có khi nhà nho Phạm Phú Thứ còn xem, chí chính là việc “xuất thế” để giữ lòng mình trong sạch, không a dua theo những nho thần biến chất làm phương hại đến nhân dân và phẩm chất kẻ sĩ của mình.
Ngọc thư dạ bán hạ Bồng Lai
Tiên lại kiêm ưu tác sĩ tài
(Sách tu tiên nửa đêm đem xuống cảnh Bồng Lai
Làm tiên hay làm quan lại đều phải là kẻ sĩ có tài)
[Ký Khâm sai Nội các
Thị lang Phan Nhận Am]
Đây là một ý thơ khá mới. Vừa có sự đối lập mà vừa có sự thống nhất về tư tưởng. Đối lập là ở hai vị thế mà ông đưa ra để lựa chọn: hoặc là tiên ở chốn Bồng Lai hoặc là một vị quan lại ở phàm trần. Thống nhất là điều kiện để lựa chọn một trong hai vị thế phải là tài năng. Tiên cũng cần có tài và quan lại cũng cần có tài. So với một xã hội chuộng đạo đức mà Phạm Phú Thứ lại đề cao tài là cái mới. Và cái tài đó, dù là tiên hay là quan lại phải dùng để cứu dân cứu đời. Khi lựa chọn làm tiên, hay lựa chọn làm quan, thì con người cần phải đứng vững trong chức phận của kẻ sĩ. Kẻ sĩ là hiện thân của đạo đức mà nhà nho như Phạm Phú Thứ đều xem là mẫu mực. “Kẻ sĩ có tài” là kẻ vừa có đạo đức vừa có tài năng. Có nghĩa là, với ông, dù là thoát thời thế hay nhập thời thế cũng không thể an tâm hưởng thụ cho riêng mình được.
Đề tài và chủ đề lớn thứ hai trong thơ ca chữ Hán của Phạm Phú Thứ là thù tạc - xướng họa - ngâm vịnh. Đây là đề tài không hề hiếm thấy trong văn học trung đại các nước sử dụng chữ Hán bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên...
Ở trước tác của Phạm Phú Thứ, có hai dấu hiệu để nhận diện mảng đề tài và chủ đề này. Thứ nhất là dựa vào tên tập thơ. Thứ hai là dựa vào tiêu đề của từng bài thơ để phân định.
Nếu dựa vào tiêu đề của tập thơ, ta dễ dàng xác định tập thơ tập trung đầy đủ nhất mảng đề tài và chủ đề này của Phạm Phú Thứ là tập Ứng chế thi thi thảo. Tập thơ này như đã viết ở chương mục trước, là tập thơ ra đời khi Phạm Phú Thứ là thư ký thân cận cho vua Tự Đức. Tập thơ này, do hoàn cảnh hoạn lộ của tác giả, mà nó có tính chất đặc biệt nhất trong sáng tác thơ ca ở Phạm Phú Thứ. Cái đặc biệt nhất là tập thơ này được vua Tự Đức yêu cầu sáng tác và do đích thân vua xem xét và châu phê. Điều này chứng tỏ tài năng văn chương của ông. Cái đặc biệt thứ hai, là nó được sáng tác theo cảm xúc tự do của Phạm Phú Thứ. Mặc dù, nó là thơ được yêu cầu sáng tác, nhưng Phạm Phú Thứ được quyền viết những gì ông thấy có cảm hứng. Cho nên về chất, nó khác với kiểu thơ minh họa của hội Tao Đàn do Lê Thánh Tông làm chủ soái.
Xét cụ thể hơn, ở tập Ứng chế thi thảo, có thể phân ra một loạt các tiểu chủ đề khác nhau: 14 bài thơ vịnh các thắng tích trong vườn Cơ Hạ thuộc về thơ cung đình được viết theo bút pháp hoa mỹ; có thơ tập cổ - phỏng theo các điệu thơ Lục Triều bên Trung Quốc (Phú đắc Phi không tác vũ thanh; Phú đắc Phi trăn thái lan); các vịnh sử (Hán Chiêu liệt đế, Gia Cát Lượng, Trương Tuần, Nhạc Phi, Vu Khiêm, Vịnh Lưu Hầu, Độc Vũ Hầu truyện) thuộc về thơ ngâm vịnh; có thơ ký thuật sự kiện (Thanh minh tiết cung yết Xương Lăng cảm thuật; Canh tịch; Nhâm Tuất nguyên nhật khánh hạ; Thanh minh kinh quá thi tứ thù...); có thơ cảm xúc và cảm tác (Đa sự, Tự quý, Tức sự, Thu hoài, Khẩu hiệu, Hỷ vũ; Vọng vũ; Bính Dần nguyên nhật...); có thơ sơn thủy (Thuận An hành cùng, Hạnh Thúy Vân sơn, Hà Trung đạo trung, Dữ Dã viên, Hạnh Thuận An, Thuận An hành cung đối nguyệt...); có thơ công vụ (Hạnh Thuận An sa đê duyệt chư quân tập xạ dũng kỷ thực tam thập lục vận, Quan chư quân cạnh trạo,...); có thơ họa vận (Hỗ tòng hạnh Thuận An tấn duyệt luyện cung ký; Cung họa ngự tứ thi xuất Đốc hải An chi lị nguyên vận).
Thông qua sự phân loại đó, chúng ta thấy rằng, mặc dù là thơ thù tạc - xướng họa - ngâm vịnh theo yêu cầu ứng chế (sáng tác cho vua thưởng thức) nhưng tập thơ này lại hết sức đa dạng vì có thể phân ra thành các tiểu chủ đề và tư tưởng khác nhau.
Điều này hoàn toàn thiếu vắng trong thơ ca của hội Tao Đàn ở cách đó trên dưới 400 năm. Đa số thơ ca của hội Tao Đàn chỉ xoay quanh hay hạt nhân chủ đề chính: ngợi ca vương triều và ngôn chí. Thơ ca của hội Tao Đàn do vậy mà từ nghèo nàn chủ đề tư tưởng đã sa vào trạng thái nghèo nàn về mặt bút pháp. Vì chỉ chuyên tâm vào rèn câu giũ chữ, chọn ý lựa tứ cho nên thơ ca nhóm này khuôn sáo và thô cứng. Thơ Ứng chế thi thảo của Phạm Phú Thứ, dù là thơ được yêu cầu, nhưng tính cảm xúc và tình cảm của nó khá dồi dào. Có nhiều câu thơ đẹp và ý vị.
Sau tập Ứng chế thi thảo này, ở các tập thơ sau, đề tài và chủ đề thù tạc - xướng họa - ngâm vịnh vẫn chiếm vị trí lớn. Các tập thơ về sau của Phạm Phú Thứ, ngay từ tiêu đề, đã giúp chúng ta nhận diện được đề tài - chủ đề này bằng các dấu hiệu như: họa nguyên vận (Họa đồng viện Thừa chỉ Sư Mạnh Thám hoa nguyên vận; Thư hoài thứ Phan thừa chỉ Hiểu khởi nguyên vận; Dữ Sư Mạnh tự thoại nhân ức cựu mộng bộ kiến nguyên vận thù chi; Đoàn bộ vận kiến tặng nhân tái thư thị;…); ứng giáo (Tôn Nhân phủ Lang trung Nguyễn Diệu Thúc tịch thượng tống xuân ứng giáo;…); tặng nguyên vận (Đáp Tập hiền thị giảng Phan Thám hoa thư tặng nguyên vận;…); lưu giản, thư giản (Kiểm thảo Vũ Tích Chi kiến phỏng thư thử lưu giản; Thư giản Khánh Hòa hậu bổ Trần Mẫn Phủ; Lưu giản sử quán biên tu Vũ Thị giảng Trạch Khanh niên hữu; Lưu giản Hoàng Tân Phủ Nguyễn Phu Hiên chư cố nhân;…); tẩu bút ký (Tẩu bút ký Kinh trung chữ hữu; Đồ ngộ phó An Giang Phong Phú huyện lỵ giả tẩu bút hữu ký; phụng đáp, hữu đáp (Kính Khanh dĩ hoài cựu du sơn nhị tác kiến thị nhân thứ nguyên vận phụng đáp; Hữu đáp hoài tiền thứ hành giới Đỗ Mai nhị công chi tác;…). So sánh về mặt phân loại chủ đề tư tưởng trong các tập thơ sau với tập Ứng chế thi thảo thì ở các tập thơ sau, tuy cùng đề tài - chủ đề, nhưng nó không đa dạng bằng tập đầu tiên.
Đề tài và chủ đề lớn thứ ba nổi trội lên trong hệ thống thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ là chủ đề và đề tài tống biệt - đưa tiễn. Đề tài và chủ đề tống biệt - đưa tiễn muôn đời vẫn là một cảm thức vô tận của văn học - nghệ thuật biết bao đời qua ở cả đông và tây. Đây là chủ đề xuyên suốt và chiếm số lượng khá lớn trong hệ thống sáng tác của Phạm Phú Thứ.
Đề tài và chủ đề này trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ có thể nhận diện trực tiếp từ tiêu đề với cái dấu hiệu có từ “tống” (Tống Nội các Thừa chỉ Nguyễn Ngọc Nhữ vãng Nam Kỳ thừa biện; Tống đồng huyện cử nhân Lê Trọng vãng Bình Định huấn đạo; Tống Nội các Trần Biên tu vãng Biên Hòa Long Thành tri huyện; Tống Bùi niết đài Đông Đôi điều bổ Lạng Sơn; Tống kiêm hạt Tú tài Nguyễn Hữu Quang Nội các đãi chiếu; Tống bái Dương Nguyên Tiến sĩ Ngô Trọng Phu quy lý;…). Có lẽ Phạm Phú Thứ là nhà thơ viết về chủ đề tống biệt - đưa tiễn nhiều nhất trong văn học trung đại Việt Nam.
Chủ đề tống biệt - đưa tiễn trong thơ Phạm Phú Thứ, như thi nhân bao đời của phương Đông, gắn liền với cảm thức bằng hữu - một cảm hứng quen thuộc trong văn chương trung đại Trung Hoa và Việt Nam... Hầu như những người được ông làm thơ đưa tiễn đều là những người có quan hệ gần gũi, chí cốt, có sự tương ứng tương liên về số phận, về lý tưởng. Do vậy mà nhiều bài trong mảng này gắn liền đề tài và chủ đề ngôn chí vì nó có dựng nên hình ảnh con người công vụ. Chẳng hạn như bài thơ sau đây:
Vạn lý tu từ cận giới lân
(Ngàn dặm sửa sang lời nói trong lần đi sứ mới
Hoàng hoa chính thuộc tụng thi nhân
Chính là lúc người đang ngâm thơ Hoàng hoa
Cố hương khâu hác thu sơ nguyệt
Cố hương, nơi gò rãnh trăng thu mới mọc
Thượng quốc y thường tuyết hậu xuân
Xiêm y ở thượng quốc sau mùa tuyết rơi đã chuyển sang mùa xuân
Cử vũ khước tùng thương lộ tẩu
Cả thiên hạ xô theo con đường buôn bán mà chạy
Thái phong minh hướng lộ bang tuân
Chọn lấy phong tục tốt thì hỏi người bên đường
Hàm Giang bệnh khách nam chi tứ
Ở Hàm Giang khách bệnh nghĩ Nam chi mà nhớ quê hương
Thái cúc trì quân Giang Thụ tân
Hái hoa cúc mà chờ ông ở Giang Thụ Sào)
[Ký Yên sứ Chánh hành giới
Bùi Thị lang thiều thứ]
Đối tượng được chờ đợi và nhắc nhở ở đây có tư cách kép trong mối quan hệ với chủ thể trữ tình. Một mặt, đối tượng trữ tình ở đây xuất hiện với tư cách là một nho thần đi sứ. Tức là một con người công vụ được nhìn nhận ở khía cạnh chức phận của nhà nho theo cái nhìn lý tưởng. Nhưng mặt khác, đối tượng trữ tình này được nhắc đến với tư cách bằng hữu - cá nhân đời thường. Nhân vật được nhìn qua cái nhìn của tình cảm tự nhiên của cá nhân. Bởi vậy, bài thơ vừa có chất ngôn chí nhưng vừa có chất tình cảm. Hai câu đầu của bài thơ đã tạc ra một con người công vụ: người này phải đi sứ Trung Quốc. Chuyến đi của anh phải cẩn trọng vì liên quan đến dân đến nước. Hai câu cuối của bài thơ lại vẽ lại tâm thế của hai người bằng hữu xa nhau nhưng hướng vọng về nhau. Ở chốn xa xôi đất khách, anh đọc bài thơ “chim nam nhớ trời nam, làm tổ ở cành cây phía nam” mà nhớ cố hương. Còn ở quê hương, nơi Giang Thụ Sào, tôi bẻ đóa cúc để đợi anh về.
Ba đề tài - chủ đề này trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ có mối liên hệ với nhau rất mật thiết. Chúng ta không thể phân chia một cách rõ ràng và tuyệt đối. Sự phân chia của chúng tôi trên đây chỉ mang tính tương đối. Bởi lẽ, đề tài - chủ để - tư tưởng luôn luôn đan xen vào nhau để tạo nên giá trị nội dung của tác phẩm. Tóm lại, trong thơ ca chữ Hán của Phạm Phú Thứ có ba chủ đề nổi bật:
1) Ngôn chí. 2) Thù tạc - xướng họa - ngâm vịnh. 3) Tống biệt - đưa tiễn. Các sáng tác của ông, như thế nào đi nữa, vẫn lồng sâu vào ba nhóm đề tài - chủ đề - tư tưởng này.
2. Ngôn ngữ văn chương và giọng điệu
Ngôn ngữ văn chương của Phạm Phú Thứ là thứ ngôn ngữ được sử dụng một cách tài tình, điêu luyện. Những bài thơ của ông toát lên một vẻ đẹp của văn chương điển nhã của đời Hán đời Đường. Xét về mặt nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, ngôn ngữ trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ chịu ảnh hưởng từ phú Hán và Đường thi. Cho nên ngôn ngữ thơ chữ Hán của ông hết sức hoa mỹ, mỹ lệ, trau chuốt và có tính ước lệ cao độ. Tác giả sử dụng một hệ thống mỹ từ để tạo nên lời thơ đẹp và sáng như châu như ngọc.
Điều này thể hiện rõ nhất ở tập Ứng chế thi thảo. Như đã nhắc ở trước, nhiều bài thơ trong tập thơ này được viết với bút pháp ấn tượng hoa mỹ. Do tập thơ này được nhà vua yêu cầu sáng tác, mặt khác, lại do Phạm Phú Thứ là người tôn sùng văn chương đời Hán đời Đường nên thơ ca của ông mới có đặc điểm này. Ví dụ như bài thơ sau:
Mục mục huy liên tịch chiếu hồng
(Xa xa rực rỡ ánh chiếu màu hồng buổi chiều
Kim Nghê kiều bang nguyệt linh lung
Trăng sáng lung linh bên cạnh cầu Kim Nghê
Đông tây liễu ngạn hồng quang xạ
Ánh sáng cầu vồng bắn ra ở phía đông tây của bờ liễu
Thượng hạ kim ba thố ảnh lung
Trên dưới sóng vàng, bóng trăng bao phủ
Thái chiếu lâu đài phù cực phố
Lâu đài chiếu nhiều màu sắc nổi lên trên bến
Trừng hàm đảo đỗng nhập tình không
Nước lặng dưới cống đảo nhìn thấu xuống vào khoảng không tạnh ráo
Thanh huy phổ bị phù chiêm ngưỡng
Bầu trời trong vắt trùm lên để chiêm ngưỡng
Phúc đán ca thanh vạn vũ đồng
Tiếng ca buổi sớm làm muôn nhà cùng vui)
[Nghê kiều tế nguyệt]
Đây là bài thơ miêu tả cảnh đẹp thứ chín trong mười bốn cảnh của vườn Cơ Hạ: cầu Kim Nghê. Vẽ ra trước mắt người đọc là bức tranh về chiếc cầu Kim Nghê đang rực rỡ dưới đêm trăng vàng. Thời gian của cảnh vật kéo dài từ chiều (“tịch chiếu hồng”) cho đến khi trăng lên (“thố ảnh lung”) và qua tảng sáng (“phúc đán”). Để tô đậm cảnh đẹp của trời Nam, Phạm Phú Thứ đã hết sức dụng công khi phóng bút để khắc họa ấn tượng của người thưởng cảnh. Dễ dàng nhận thấy là trong bài thơ này, nhà thơ đã sử dụng mạng lưới các vật thể hay hiện tượng có khả năng phát sáng hoặc có tính chất phản quang. Các vật thể và hiện tượng tự nhiên có khả năng phát quang gồm có: ánh sáng của mặt trời lúc hoàng hôn (“tịch chiếu hồng”), có ánh sáng vàng huyền thoại của ánh trăng (“nguyệt linh lung”; “thố ảnh lung”), có ánh sáng của cầu vồng (“hồng quang xạ”). Ấn tượng của kiểu ánh sáng này là nhằm gây ra hiệu ứng cảm giác về một vùng tiên cảnh thoát tục của chốn cung son điện ngọc. Chính nhờ một hệ thống ánh sáng tự nhiên như vậy, mà người đọc như lạc vào chốn Thiên Thai, chốn Bồng Lai - điển tích của kiểu không gian giấc mộng, nhằm xóa bỏ về một hiện thực trần gian bụi bặm. Không khí của bức tranh hết sức trong lành, thanh khiết và là nơi lý tưởng để người xưa nương mình mà tu dưỡng đạo đức, trau dồi khí tiết, giải lao sau những giờ chính sự căng thẳng. Đây là bút pháp ấn tượng, xóa bỏ cảm giác thực về đối tượng trong văn học cổ. Cho nên phong cảnh ở đây hết sức huyền ảo. Nói như ngôn ngữ thơ ca của Xuân Diệu là: “Không gian như có dậy tơ - Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu”. Vật thể và hiện tượng nhân tạo có khả năng phát quang là lâu đài (“Thái chiếu lâu đài”). Hình ảnh lâu đài chiếu ra ánh sáng rực rỡ nhằm tô đậm vẻ đẹp xa hoa, rực rỡ của khung cảnh. Hơn nữa, chi tiết này như là một sự so sánh ngầm với sự tinh xảo của tạo hóa. Đó là lòng tự hào về văn vật của đất nước, của dân tộc. Sự phản chiếu ánh sáng này còn được Phạm Phú Thứ dụng công tạo ra sự đối lập chiều cao giữa mặt nước hồ với bầu trời trong vắt. Bằng cái nhìn của tư duy hội họa, Phạm Phú Thứ vẽ một cách gián tiếp vào trong tâm trí người đọc về ánh sáng lung linh, rực rỡ trên mặt nước. Đó là một sự cộng hưởng của các loại ánh sáng để càng làm rực rỡ thêm một khung cảnh vốn dĩ đã rực rỡ và huy hoàng. Hệ thống mỹ từ đó được Phạm Phú Thứ dùng theo thi pháp ước lệ nên có vẻ đẹp toàn bích của phú Hán và thơ ca cung đình đời Đường.
Càng về sau, thơ ca Phạm Phú Thứ lại đạt đến cái đẹp khác: cái đẹp dung dị, chân thật, vẫn có tính trau chuốt về mặt ngôn ngữ nhưng đạt đến vẻ đẹp tự nhiên. Ở những bài thơ như vậy, thơ Phạm Phú Thứ vượt qua được tính chất ngâm vịnh mà bắt đầu có dấu hiệu của bút pháp miêu tả. Chẳng hạn như:
Nguyệt lãng tinh hy dạ khí lương
Hành cung họa tiếp ngự kiều hương
Giang can kỷ độ tân triều trưởng
Trực đãi lương tiêu tống họa hàng
(Trăng sáng sao thưa khí đêm mát lạnh
Hoa hành cung tiếp liền hương trên cầu ngự
Bờ sông mấy bận triều lên xuống
Đợi đúng đến đêm mát tiễn thuyền hoa)
[Hạnh Thuận An - Tam Kỳ]
Như tiêu đề là “Đi chơi ở Thuận An”, bài thơ kể về chuyện tác giả được theo vua về nghỉ dưỡng ở biển Thuận An. Bài thơ vẽ ra cảnh biển đêm hết sức huyền diệu và nhiều vẻ đẹp. Ở câu thứ nhất: “Nguyệt lãng tinh hy dạ khí lương” (Trăng sáng sao thưa khí đêm mát lạnh), tác giả vẽ ra hình ảnh một bầu trời cao vời vợi ở miền biển. Đó là một bầu trời đêm có trăng sáng, sao ít và có sương lạnh. Câu thơ không cầu kỳ nhưng có tính điển nhã cao. Làm cho ta nhớ đến câu thơ danh tiếng: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên” của Trương Kế trong bài Phong kiều dạ bạc. Cho nên, câu này nó có vẻ đẹp điển nhã cổ kính. Câu thơ thứ hai: “Hành cung họa tiếp ngự kiều hương” (Hoa hành cung tiếp liền hương trên cầu ngự). Câu thơ này lại khác, có sự sáng tạo trong ý tưởng của Phạm Phú Thứ. Bên cạnh cầu ngự đạo của thế giới thực là cầu ngự đạo của thế giới tâm hồn. Chiếc cầu mỹ thuật đó chỉ có thể là hoa với hương để dẫn con người vào thế giới thi ca. Câu thơ có vẻ đẹp diễm lệ trau chuốt sắc sảo hơn các bài thơ trong Ứng chế thi thảo nhiều. Câu ba và câu bốn lại có tính chất miêu tả và kể chuyện: “Giang can kỷ độ tân triều trưởng/ Trực đãi lương tiêu tống họa hàng” (Bờ sông mấy bận triều lên xuống/ Đợi đúng đến đêm mát tiễn thuyền hoa). Câu thứ ba nói về việc nước triều lên xuống bao lần, câu bốn lại thể hiện ý muốn tiễn thuyền hoa trong đêm mát. Hai câu thơ này mang vẻ đẹp của đời thực tự nhiên. Bài thơ gợi lên được không khí của miền biển vào đêm trăng có sương bay. Tâm thế con người trong bài thơ có gì đó u hoài và trông ngóng cái gì đó ở xa xôi. Bài thơ có ba cấp độ vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật: thứ nhất là vẻ đẹp điển nhã; thứ hai là vẻ đẹp trau chuốt hoa lệ; thứ ba là vẻ đẹp dung dị, mộc mạc. Một trong những thành công khác của thơ ca chữ Hán của Phạm Phú Thứ là tạo ra được một giọng điệu thơ ca cho riêng mình. Giọngđiệu thơ ca là một vấn đề mà lý luận thơ ca phương Đông đã quan tâm từ rất lâu đời. Theo như kinh nghiệm sáng tác của người xưa, giọng điệu thơ ca thường gắn liền với phong cách. Bởi vậy, khi thẩm bình thơ ca, những nhà văn xưa thường đặc biệt nhạy cảm và chú ý đến giọng điệu.
Giọng điệu trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ có nhiều cung bậc. Chính điều này đã tạo cho thơ ca của ông một điểm hấp dẫn khác bên cạnh hệ thống ngôn ngữ văn chương điêu luyện mà ông đã sử dụng rất thành công. Giọng điệu thơ ca, như đã nói, trước kinh nghiệm sáng tác của người xưa luôn gắn bó chặt chẽ với phong cách nghệ thuật. Thẩm bình thơ ca cổ trung đại, thực chất là đi tìm giọng thơ riêng biệt của mỗi tác giả. Và chính giọng điệu nghệ thuật lại là yếu tố có tính khu biệt cho mỗi quá trình đi tìm những phong cách nghệ thuật. Ví dụ, giọng điệu chung trong thơ chữ Nôm của Hồ Xuân Hương là tính chất rạo rực, úp mở mang tính nước đôi. Giọng điệu của thơ ca Nguyễn Trãi vừa hùng tráng vừa day dứt trong lý tưởng. Giọng điệu thơ ca của Nguyễn Du có tính chất u uất, đau đớn. Giọng điệu của thơ ca Nguyễn Công Trứ lại mang tính chất khoe tài. Giọng điệu của thơ ca Cao Bá Quát vừa khí phách vừa có phần phân vân lựa chọn.
Trở lại với giọng điệu thơ ca của Phạm Phú Thứ, như đã nói, là bản hòa âm của nhiều giọng điệu của thơ Hán - Đường - Lục Triều vừa có giọng điệu cá nhân. Có giọng điệu bi thiết như thơ Bạch Cư Dị. Có giọng điệu thi sử như thơ Đỗ Thiếu Lăng. Có giọng điệu sảng khoái tự nhiên êm mướt như thơ Lý Bạch. Có giọng điệu trau chuốt du dương như Hạ Tri Chương. Có bài giọng điệu hào sảng réo rắt như phú Hán và thơ từ Lục Triều. Có giọng điệu tự nhiên, hóm hỉnh.
Chúng ta đã thấy rằng, thơ ca của ông có tính gắn liền với lịch sử. Hầu như sự kiện chính trị nào đó diễn ra cũng được ông ghi lại một cách tỉ mỉ. Bởi vậy, nổi bật nhất trong hệ thống thơ ca của Phạm Phú Thứ là hình tượng con người công vụ, nhà nho hành đạo. Ở những bài thơ này, giọng điệu của ông có tính chất là thơ mang tầm lịch sử như phong cách thi sử của Đỗ Phủ. Chẳng hạn như bài Bắc biên (Biên giới phía Bắc) gồm 7 kỳ là tiêu biểu cho kiểu giọng điệu này. Bài thơ gồm 7 kỳ này xoay quanh việc quân Thanh tràn vào biên giới phía Bắc nước ta để thanh trừng dư đảng thổ phỉ người Hoa từ năm 1863 đến tháng 7 năm 1870. Bọn chúng thừa cơ như vậy đã nuốt trọn mấy tỉnh thành của ta. Quan quân mệt mỏi chinh chiến đã giành lại từng tấc đất quê hương. Rồi vấn đề đặt ra là làm sao phải không để những chuyện như thế lặp lại nữa:
Lũ chỉ Cao thành hội tiễu dư
Lưỡng quân bì bại các tương như
Cầm cừ vị trúc kình nghê quán
Sơn Bắc phòng thu uỷ giản thư
(Sau lắm lần hội quân ở thành Cao Bằng để tiễu trừ quân giặc
Hai đạo quân đều quá mệt mỏi như nhau
Bắt được tên đầu đảng mà chưa xây dựng lầu cao để trông chừng quân giặc
Thì việc phòng thủ mùa thu ở Lạng Sơn Bắc Ninh phải sợ thư cấp báo)
[Bắc Biên - thất kỳ]
Bài thơ đượm màu sắc sự thật lịch sử như trứ tác của Đỗ Phủ ở thời Đường. Giọng điệu bài thơ do vậy mà mang nặng cảm thức lịch sử. Nó làm ta không thể không nhớ tới những bài thơ mang giọng điệu thi sử của Đỗ Thiếu Lăng như: Binh xa hành, Văn quan quân thu Hà Nam Hà Bắc,...
Ở những bài thơ như Phù Bài nông, Kiến mại thạch lựu tác, mà chúng tôi đã phân tích ở trên, do không có điều kiện nhắc lại nên không chép ở đây, lại mang giọng điệu của thơ ca kiến thuật của Bạch Cư Di. Đọc những bài thơ này, chúng ta không thể không nhớ những bài thơ Mại thán ông, Tân Phong chiết tý ông... của Bạch Cư Dị. Ở những bài thơ này, ta thấy ngay giọng điệu thương cảm bi thiết cho số phận của những con người lao động bé nhỏ. Ông vẽ ra bức tranh số phận lay lắt của con người khốn khổ với thâm ý là mong muốn đức vua thấy những cảnh đó mà tu thân, bớt thói xa hoa. Những bài thơ này còn gián tiếp trách cứ nhà vua.
Những bài thơ có giọng điệu đẹp như thơ ca Lý Bạch với Hạ Tri Chương và hào sảng mỹ lệ như phú Hán với thơ ca Lục Triều thì không hiếm thấy. Mục quan niệm văn chương của Phạm Phú Thứ trên chúng tôi đã làm rõ. Ở đây chúng tôi xin lấy một ví dụ khác để cùng thưởng thức. Tiêu biểu như “Nghĩ Nam Hán cung từ” (Bài thơ phỏng theo cung từ Nam Hán) gồm 10 kỳ. Cung từ là thơ ghi những sự việc trong cung thịnh hành vào đời Hán và Đường. Phong cách chung của thơ thời đại Hán - Đường là tính chất hoa mỹ, diễm lệ. Bài thơ được phỏng theo điệu cung từ thời Nam Hán, chứng tỏ Phạm Phú Thứ là người tinh thông luật thơ, kiến thức văn chương uyên thâm. Các bài thơ này kể lại những chuyện trong cung một cách ý tứ và thường mượn điển tích xưa: thời đại nhà Tần, thời đại Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), triều đại Bạch Long thời Nam Hán, thời đại nhà Tùy... Nhìn chung, phong thái thơ này hết sức thanh nhã, đẹp từ văn điển đến ngôn ngữ. Giọng điệu thơ thì thanh cao, tinh khiết như hương trầm. Có bài ông tế nhị phê phán vua vì quá phong lưu, xa xỉ:
Xa thiêu trầm thủy lậu Tùy Dương
Tranh tự Nam cung điện sở hương
Thiên tử phong lưu đương sự nhật
Ý trung chỉ hợp nhượng Nghiêu Thang
(Tùy Dương đốt xe bị lún ở chỗ nước nông
Tranh đua làm cho cung điện thơm nức như Nam cung
Công việc hằng ngày, thiên tử là người rất phong lưu
Trong ý chỉ thua vua Nghiêu vua Thang)
[Nghĩ Nam Hán cung từ - tứ kỳ]
Trách vua bằng văn chương thanh nhã như vậy thì thật là tuyệt diệu.
Thơ ca Phạm Phú Thứ, còn có giọng điệu tâm tình, thân mật và đôi lúc pha chút hóm hỉnh ý vị. Giọng điệu này thể hiện rõ ràng ở những bài thơ gởi riêng cho tâm giao. Những bài thơ này văn phong nho nhã, tự nhiên, có tính cảm xúc chân thật. Ví dụ như bài “Hí thư ký Bùi Tham chính” (Thư đùa gởi cho quan Tham chính họ Bùi):
Bộc nhật lâm giang ái tiểu phong
Tri quân ứng vị yếm tường đông
Tình nhân quán tác thu khuê cảm
Khởi thức từ nhân diệc cảm đông
(Đến bên sông phơi nắng thì thích có ngọn gió hiu hiu
Biết anh chưa chán chỗ tường đông
Nhân tình quen làm bài Thu cảm ở chốn khuê phòng
Há biết rằng nhà thơ cũng cảm mùa đông vậy)
Bài thơ thật thân tình, thân mật. Ngay tiêu đề bài thơ đã có tính hóm hỉnh: “hí thư” là thơ đùa. Đùa là trạng thái thân thiết giữa những người có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Bài thơ ra đời khi nhà thơ dạo mát ven sông mà nhớ bạn. Người bạn được nhắc đến với vị trí của kẻ phong lưu. Bởi anh ta được xác định vị trí là ở chốn “tường đông”- tức là nơi ở của con gái thời xưa. Tôi có gió mát ven sông như thế nào cũng không vui thú bằng anh bên người đẹp. Tôi viết bài thơ gởi anh trong khi anh đang viết bài thơ phong vị với tình nhân. Anh và người đẹp trong phòng khuê viết bài thơ Thu cảm, còn tôi lại có cảm hứng về mùa đông. Tuy nhan đề bài thơ nhắc đến đối tượng ở vị thế con người công vụ nhưng toàn bài thơ lại khắc họa đối tượng ở vị thế con người cá nhân. Cách viết đùa như vậy chỉ có thể ở những người tri kỷ. Giọng điệu bài thơ do vậy mà trìu mến, thân mật.
Ngôn ngữ và giọng điệu thi ca là một phương diện đặc biệt thành công trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ. Ngôn ngữ thi ca của ông có hai phương diện: một mặt là ngôn ngữ văn chương hoa lệ trau chuốt mà ông chịu ảnh hưởng từ phú Hán - Đường thi - cung từ Nam Hán. Do vậy mà thơ ông có cái đẹp của cốt cách thơ xưa. Mặt khác, càng về sau, thơ của ông lại phát triển dần vốn ngôn ngữ văn chương cá nhân tự nhiên. Nên thơ ông còn có vẻ đẹp tự nhiên kết hợp với vẻ đẹp trau chuốt. Giọng điệu thi ca trong thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ, cũng có thể phân ra như vậy: một bên chịu ảnh hưởng từ giọng điệu thơ ca của một số danh tiếng của Trung Quốc như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Đào Tiềm. Mặt khác, ông lại tự tạo cho mình một giọng điệu riêng: giọng điệu cá nhân, tâm tình và thân mật. Giọng điệu thơ ca của Phạm Phú Thứ có tính chừng mực cao độ. Không quá bi ai, không quá trầm uất, không quá vui, không quá giận dữ. Nói như Lão tử, đó là giọng điệu của kẻ trung dung. Vì Phạm Phú Thứ rất tâm đắc tư tưởng trung dung.
Trong văn học trung đại Việt Nam, người có tài thơ chữ Hán không hiếm. Nhưng với Phạm Phú Thứ thì cần có cái nhìn thỏa đáng hơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU
1. Nguyễn Lộc (1986), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
2. Trần Đình Sử (2007), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 290.
3. Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Phạm Phú Thứ (2014), Phạm Phú Thứ toàn tập, tập 1, Nxb Đà Nẵng.
N.H.T