Đọc tập thơ Vàng phai một thuở của H.man - Huỳnh Thu Hậu

02.06.2017

Đọc tập thơ Vàng phai một thuở của H.man - Huỳnh Thu Hậu

Đọc tập thơ Vàng phai một thuở của H.man - Huỳnh Thu Hậu

HUỲNH THU HẬU

Tập thơ Vàng phai một thuở (NXB Văn học) là một cuộc trở về, cũng là cuộc săn tìm những hồi ức đẹp, hồi ức về mối tình da diết thuở vàng phai. 61 bài thơ đã kiến tạo một cõi yêu thương ngọt ngào, nồng nàn và lung linh nhiều cung bậc tình yêu.

Cái tôi trữ tình được khắc họa đa diện. Trước hết, đó là một người thơ đau đáu yêu người và yêu đời, người đàn ông riết róng với sự chảy trôi của thời gian, hay một cái tôi cô đơn buồn giăng thương luyến: Tôi cầm trên tay nỗi buồn chín đỏ/ Đâu hay, rực cháy đời mình/ Con đường gập ghềnh bao cuộc tử sinh/ Phận người chìm nổi/ sóng lớp thời gian, Nghe như buồn tựa ngàn xưa/ Về quanh hồn mực cho vừa đớn đau, Tôi lận đận ôm buồn qua khắp phố/ Mắt nào xanh vương ước mộng trễ tràng/ Em ẩn hiện giữa đôi bờ hư thực /Để cho chiều Hà Nội cứ mang mang (Trái tim tôi treo ở hồ Gươm), Anh ngồi đếm nỗi buồn bay lả tả/ Vàng thu chưa? Sương tóc nhuộm bao lần/ Tình vốn dại đã vàng phai một thuở/ Trái tim còn da diết đến phân vân (Vàng phai một thuở), một tôi ngồi khóc bên trời/ một thanh âm vỡ một đời vàng phai (Giữa rừng nghe chim hót).

Hơn nữa, đó còn là một con người vị tha, nhân hậu dẫu bị bội phản, dối lừa, quay lưng, chối từ: Anh ngây thơ thờ phụng những lời yêu/ Mà chẳng biết bởi người kia vui miệng/ Phải biết mỉm cười trên những dối gian/Với phản trắc dành cho lời khinh miệt/ Thì cảm ơn người trao cho thương tích/Để lúc trở trời còn biết mình đau (Thơ cho bạn).

Hòa trộn trong những cảm trạng ấy là một tình yêu lứa đôi nồng nàn mà dang dở, kiểu tình lỡ: Rồi cũng một ngày không dưng nổi gió/ em về làm dâu xa tít xứ người, Hình như em đã khác xưa/ Những đằm thắm ấy rồi thưa thớt dần/ để bàn chân nhớ bàn chân/ Để xa nhớ mắt lúc gần nhớ môi/ để tôi về với riêng tôi/ Xuống sông nhớ sóng lên đồi nhớ sương (Mưa trái mùa), Em rồi em của người ta/ Trăng rồi trăng của mùa qua lạnh lùng (Thuở yêu người). Hay kiểu tôi thương mà em đâu có hay: Em vô tâm nên chẳng biết/ Vết thương thành ngọc thành trầm/ Nỗi đau làm ta lóng lánh/ Nỗi đau làm ta ngát hương (Em nghĩ em là ai?), đó còn là kiểu tình si: Có một người điên tay cầm sợi gió/ Chạy về cuối trời phía tóc em bay/ Cầm giữ tay mình khúc hát mê say/ về một cuộc tình đầy vơi trắc trở (Như nắng cuối đông). Một tình yêu cao thượng, vị tha, không trách cứ, oán hận.

Ý thức về sự chảy trôi của thời gian và thân phận mong manh của con người cũng là ý thức về sự tàn phai, để đối mặt và vượt qua nó, thơ đã tìm đến với tình yêu và sáng tạo. Chỉ có tình yêu và sáng tạo mới cứu rỗi được thân phận đau thương của kiếp người. Hiện hữu và hư vô. Mộng ảo và hiện thực. Quá khứ và hiện tại đan xen, trộn lẫn vào nhau. Nhà thơ dấn thân vào cuộc yêu với khao khát một đời mê say: Phố ở lưng chừng núi/ Núi ở lưng chừng mây /Em ở lưng chừng mộng/ tôi một đời mê say (Mờ ảo một lằn ranh). Dù đời thực hay mộng, dù lúc đang yêu hay được yêu hay chia ly, quay lưng, cái tôi trong thơ anh vẫn mang một điệu buồn. Nỗi buồn của người ý thức được hư vô, lụi tàn: Chừng như đâu đây có tiếng thở dài/ Tiếng của thời gian réo gọi tàn phai/ Chừng như vườn lòng tôi quên khép cửa/ Chừng như nỗi buồn tôi cầm trên tay (Mộng).

Vàng phai một thuở là tiếng thơ của một cõi lòng đã yêu, đã đau, đã dấn thân toàn triệt với hư vô, tàn phai. Tập thơ tiếp nối mạch nguồn sáng tạo của nhà thơ H.man trong những tập thơ trước như Tạ ơn người để xác tín một phong cách thơ: cái tôi lãng mạn với  những niềm bi cảm. Đẹp mà buồn. Thế giới bất toàn, cuộc tình bất toàn và cái tôi cũng bất toàn: Khi thành phố vắng hoang; Thương tích, một mẩu chuyện lòng. Mỹ cảm ấy chi phối, quán xuyến toàn bộ thi pháp của thơ H.man.

Sigmund Freud cho rằng nghệ thuật là sự thăng hoa của những ẩn ức, vô thức, giấc mơ. Ta bắt gặp trong thơ anh cuộc phiêu lưu của những giấc mộng. Ngược dòng truy tìm căn nguyên, ta tìm thấy cội nguồn sáng tạo trong thi giới nghệ thuật của anh là ám ảnh về một cuộc tình bất toàn: Chỉ tại mẹ sinh vào giữa đêm rằm/ Con trăng rất tròn mưa thu sũng ướt/ Không thể sáng soi vườn ai hơn được/ Buồn se sắt ngày em bỏ tôi đi. (Em mang vầng trăng tôi đi đâu?)

Cái tôi ấy còn là một tâm hồn tha thiết yêu thiên nhiên. Tìm đến với tự nhiên trong một sự hòa hợp tinh tế. Sinh quyển trong thơ anh mang màu sắc lãng mạn, nên thơ và được dệt bởi mây bay, gió ngàn, non cao, bến sông vắng, đồi vàng, rừng xưa cũ. Rừng trong thơ H.man cũng trở thành một tín hiệu thẩm mỹ, một biểu tượng: Khu rừng bạc đầu mây trắng viền quanh/ Có tuổi đời tôi rớt đâu đó/ Khu rừng giấu những hàng cây tật nguyền/ Thâm u-phờ phĩnh như em... (Rừng cũ), Khu rừng của muôn đời huyễn hoặc (Tiếng chim kêu đầu gió), rừng ơi rừng mênh mang. Biểu tượng rừng trở thành nơi phát lộ bí ẩn của vô thức, của những ẩn ức, của tình yêu. Người thơ ấy còn yêu mãnh liệt mùa vàng phai. Rất nhiều bài thơ viết về màu sắc huyền thoại của vàng thu: giọt nắng vàng, chiều vàng, đồi vàng... Màu vàng là màu của trực giác, của kỷ niệm, gợi lên sự mong manh.

Đọc Vàng phai một thuở, chúng ta bị ám ảnh bởi những câu thơ: Nhớ vòng tay gói niềm yêu/ Là ôm hết cả đìu hiu cuối trời/ Chỉ cầm một tiếng mưa rơi/ Mà nghe như thể một đời lạnh căm (Chỉ ngần ấy thôi) hay: Sè tay bắt mộng bên trời/ Là nghe tan hợp/ đầy vơi ngập lòng/ Mai về buộc nhớ vào mong/ Buộc câu thơ cũ vào trong mắt cười (Thuở yêu người), Ta cầm sợi nắng trên tay/ Thắp lên cho trọn một ngày nhớ nhung (Sợi nắng trên tay).

Tập thơ không quyến dụ chúng ta bởi những nỗ lực cách tân đổi mới thi pháp mà bởi giọng điệu chân thành, đau đáu đầy thương cảm.

H.T.H

Bài viết khác cùng số

Ghen - Nguyễn Ngọc ChiếnNgười bạn ân tình - Lê Thị Diệu ChâuThư gửi bạn - Người biết lắng nghe - Nguyễn Hữu MinhHành trình “bạn” đến bên tôi - Nguyễn Thị Hải GiangTruyện ngắn Nguyễn Đỗ Văn QuốcBà nội tôi - Trần Ngọc MỹCánh cổng xanh và cây đào già - Vũ Thị Huyền TrangĐà Nẵng gió và hương - Phan Trang HyChúng ta yêu hòa bình, đang hành động vì hòa bình... - Đỗ Huyền ViMột sáng Hải Vân - Nguyễn Vĩnh BảoVới đàn voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà - Đỗ Thượng ThếKhi ta nhìn cờ Tổ quốc - Phan Thành MinhĐàn bà cũ - Nguyễn Hàn ChungThơ Sơn ThuTắm... rừng - Nguyễn Tự LậpVề bên mẹ - Ngọc ThọMùa chiều - Kai HoàngBay với Hướng Dương - Chế Diễm TrâmNgày ấy - Trương Công MùiĐêm luôn thừa thổn thức - Đinh Thị Như ThúyDòng sông kỷ niệm - Nguyễn Nho Thùy DươngGió hoang - Xuân HiệuVề với tuổi thơ - Ngọc NhânMột số phương diện nghệ thuật thơ chữ Hán của Phạm Phú Thứ - Nguyễn Hữu TấnPhù điêu Krishna-Govardhana của nhóm tháp Khương Mỹ: Một tác phẩm điêu khắc độc đáo của nghệ thuật Chămpa – Trần Kỳ Phương, Nguyễn Tú AnhNghệ thuật tương phản và yếu tố sân khấu - điện ảnh trong tiểu thuyếtn Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh - Hoàng Thụy AnhTần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ - Hồ Sĩ BìnhĐọc tập thơ Vàng phai một thuở của H.man - Huỳnh Thu HậuDanh thắng Ngũ Hành Sơn qua tác phẩm Les Montagnes Des Marbre của Albert Sallet - Trần Đức Anh Sơn