Nữ nhà văn đầu tiên là Đại biểu Quốc hội

16.10.2017

Mặc dù không phải là nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, nhưng nữ nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương là hội viên Hội nhà văn Việt Nam đầu tiên trở thành đại biểu Quốc hội.
Nữ chính khách tài hoa
Nhà văn Đặng Thanh Hương tên khai sinh là Đặng Thị Xuân sinh ngày 23/9/1937 tại làng Đông Phái, Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. 

Nữ nhà văn đầu tiên là Đại biểu Quốc hội

Ngôi làng cổ của chị như mang một sứ mệnh riêng để vun bồi nên những tên tuổi, như: Nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo; hai anh em Ngô Quang Xuân (Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc) và Thiếu tướng Ngô Trí Nhân (Cục trưởng chiến tranh điện tử, Bộ Quốc phòng); Tiến sĩ huyết học Nguyễn Ngọc Minh; hoa hậu người Việt Ngô Phương Lan…

Xinh đẹp, có năng khiếu nghệ thuật, yêu sân khấu từ khi học phổ thông, năm 1954, Đặng Thanh Hương tham gia Đoàn Văn công Nghệ An (sau là Đoàn văn công cải cách ruộng đất khu 4). Thiên hướng nghệ thuật bẩm sinh trời cho là một “gia tài” giúp chị tự tin định hình con đường sự nghiệp cho mình. Năm 1956, Đặng Thanh Hương “xê dịch” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Tuân) từ Nghệ An ra Hà Nội và từ đó gắn bó với Thủ đô, trở thành công dân ưu tú của Hà Nội ngàn năm văn hiến, bắt đầu từ viết báo, sinh hoạt văn hóa, làm nghệ thuật, tham gia chính trường… Năm 1958, Đặng Thanh Hương đầu quân cho Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chuyên về sân khấu. Cũng thời điểm đó, chị đi học hàm thụ để nâng cao kiến thức chuyên môn. Năm 1962, tốt nghiệp đại học, Đặng Thanh Hương về nhận công tác tại Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa – Thông tin. Sáng tác đầu tay của chị cũng khởi đầu từ đó với kịch bản chèo “Mùa hoa bưởi” do Đoàn Chèo Hà Tây (tên gọi trước ngày 01/8/2008) dàn dựng năm 1966. Tài năng, niềm đam mê nghệ thuật sân khấu và uy tín chuyên môn đã đưa người phụ nữ tài sắc đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng (1968-1992), như: Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chánh Văn phòng Hội.


Những đóng góp trên nghị trường không ngơi nghỉSuốt 32 năm (1968-1992) công tác đủ độ chín trải nghiệm được chứng minh đầy sức thuyết phục qua những công việc được giao trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Từ một nhà văn chịu khó đi và viết, chị Thanh Hương đã trở thành một chính khách. Từ năm 1992 - 2003, chị Đặng Thanh Hương đảm nhận trọng trách lớn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa IX, X; ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương về công tác Tư tưởng (khóa X); Ủy viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (nhiệm kỳ 1997-2002).

Hơn 10 năm công tác ở Quốc hội, với cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chị tham gia nhiều Đoàn công tác của Ủy ban làm việc với các cơ quan Trung ương, địa phương để  giám sát lĩnh vực văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội; thảo luận sửa đổi các đạo Luật liên quan đến văn hóa, giáo dục, thanh niên và nhi đồng trước khi trình Quốc hội; giám sát, thẩm tra các nghị quyết, nghị định... của Chính phủ về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên và nhi đồng và giám sát việc thực hiện các Luật trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên và nhi đồng. Những Bộ luật ra đời trong thời kỳ này có sự đóng góp tích cực của chị: Luật di sản văn hóa 2001, Luật phòng chống ma túy 2000, Luật Báo chí sửa đổi 1999...

Hơn ai hết, chị nhận thức sâu sắc văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Một Nghị quyết chuyên đề về văn hóa ra đời: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Để có được Nghị quyết đầu tiên của Đảng về văn hóa sau “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943”, cá nhân chị và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nỗ lực không ngừng để sau khi Nghị quyết ra đời là sự thể chế hóa bằng luật, nghị định…của cơ quan quản lý Nhà nước.

Chỉ sau 2 tháng Nghị quyết ra đời, ngày 17-9-1998, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa. Theo đó, Chương trình hành động đã bám sát phương hướng chung, 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể, 4 nhóm giải pháp lớn của công tác văn hóa. Nội dung Chương trình hành động tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết và triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng các đề án phát triển sự nghiệp văn hóa, văn học, nghệ thuật, thông tin; xây dựng luật pháp và các cơ chế chính sách. Mỗi nhiệm vụ ở từng nhóm vấn đề nêu trên đều được xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và thời hạn thực hiện. Việc xây dựng chương trình hành động là cách làm thiết thực để sau mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ đại hội, các cấp ủy đảng, chính quyền có căn cứ đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Chị Thanh Hương và cả Ủy ban đã nỗ lực xây dựng luật pháp và các cơ chế chính sách trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Chính phủ. Về xây dựng văn bản luật pháp, Chương trình hành động của Chính phủ ghi: Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa dân tộc, Luật Quảng cáo, Luật Điện ảnh, Luật Xuất bản (sửa đổi), đến năm 2006 các bộ luật quan trọng nêu trên đã được Quốc hội thông qua. Luật Báo chí (sửa đổi) được thông qua năm 1999; Luật Di sản văn hóa dân tộc; Pháp lệnh Quảng cáo được thông qua năm 2001; Luật Xuất bản (sửa đổi) được thông qua năm 2004 và Luật Điện ảnh được thông qua năm 2006. Ngoài các văn bản luật là những chính sách được ban hành dưới các hình thức: nghị quyết, nghị định của Chính phủ, chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề văn hóa, góp phần đưa các nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa của Đảng vào cuộc sống.

Năm 2003, vào tuổi 64, chị về nghỉ chế độ, nhưng niềm đam mê sáng tác, cống hiến thì vẫn không có tuổi, chẳng có điểm dừng, miễn là có sức khỏe, có thực tế để viết.

Với vai trò một chính khách am tường lĩnh vực văn hóa, chị Đặng Thanh Hương là người có công lớn trong việc thành lập Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam mà GS Hoàng Chương là Tổng Giám đốc - người rất có công duy trì hoạt động của Trung tâm và tạo nên “thương hiệu”. 

Văn hóa là cái gốc của một xã hội văn minh, lành mạnh. Là một người đam mê văn hóa dân tộc, chị Thanh Hương tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho nhiều hội thảo khoa học. Tại Hội thảo quốc gia về “Văn hóa giao thông” tổ chức tại Hà Nội (8/2010) nhân Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động tháng an toàn giao thông với chủ đề “Văn hóa giao thông”,  nhà văn Đặng Thanh Hương đề xuất 5 giải pháp nhằm xây dựng “Văn hóa ứng xử trong giao thông, tạo nên cuộc sống yên bình cho từng gia đình và cho toàn xã hội, tạo đà cho sự phát triển bền vững kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là: Chống chủ nghĩa cá nhân; xây dựng ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của mọi người dân khi tham gia giao thông; Xây dựng một nền văn hóa đô thị của thế kỷ mới; Đưa Luật giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục; có những hình thức nghệ thuật phản ánh sinh động các hoạt động giao thông, châm biếm, phê phán những hành vi thiếu văn hóa của những người tham gia giao thông …”. Theo chị, cách ứng xử văn minh lịch sự, có văn hóa khi tham gia giao thông phải là một tiêu chí trong các tiêu chuẩn để bình bầu cá nhân, gia đình, tập thể văn hóa hàng năm của toàn xã hội. Xây dựng một nền văn hóa đô thị của thế kỷ mới, chú ý mật độ dân số, quy hoạch giao thông và văn hóa ứng xử. Di dời các cơ sở, trường học ra khỏi trung tâm thành phố. Cần tăng cường đưa Luật Giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục sao cho phù hợp với từng ngành học, cấp học…

Với ưu thế là một nhà văn, Thanh Hương đã giúp người đọc, bạn bè, đồng nghiệp tiếp cận một mảng đời sống nữa của nữ một chính khách. Lần đầu tiên có một nhà văn là Đại biểu Quốc hội viết về chính trường và những chuyện “hậu trường” của một số chính khách có tên tuổi ở nước ta với cái nhìn sắc sảo, tinh tế và bản lĩnh…”. Có thể truyện ký là chân dung của người phụ nữ tham gia chính trường. Văn là cuộc đời. Bà đã gửi gắm trong đó cuộc đời riêng, những suy nghĩ về nhân tình thế thái, thời cuộc, công việc ở nhiệm kỳ khóa IX, X Quốc hội… như một cuốn biên niên cuộc đời.

Không phải là nữ đại điểu Quốc hội khóa đầu tiên, nhưng Thanh Hương là nữ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu tiên là Đại biểu Quốc hội. Bao yêu thương, mến mộ đồng nghiệp, khán giả đã dành cho chị: Một nữ nhà văn tài năng, trí tuệ, đam mê sáng tạo; một phụ nữ tài sắc giàu nữ tính, nhân hậu, nhạy cảm trước mọi sóng gió, va đập của cuộc đời, một nhà viết kịch “mát tính” nhưng đầy bản lĩnh, quyết đoán và chính kiến…

TS.Lê THị Bích Hồng
(vanhocquenha.vn)