Điêu khắc gia Lê Công Thành

09.12.2019

Lê Công Thành không phải là người lập dị, mặc dù ông có cuộc sống không giống ai. Lúc nào trên đầu ông cũng có “đấng tối cao” soi tỏ. Ông sáng tác tùy thuộc vào các cuộc ngẫu hứng mà được “đấng tối cao” chỉ dẫn. Tượng của Lê Công Thành mấy chục năm qua sáng tác tập trung chủ yếu vào vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ, hay nói đúng hơn, vẻ đẹp cao quý của thân thể người của phái đẹp.
Khi ngoài 50 tuổi tôi mới hay để ý đến cái tuổi của mình. Trước đó tôi thường nói nửa đùa nửa thật với chúng bạn rằng, tôi sống được đến 50 là may, sống thêm ngày nào coi như “lời” ngày đó. 

Điêu khắc gia Lê Công Thành

Có một hôm ngồi uống cùng hai ông anh là Ngô Thảo và Lê Công Thành tại một quán khá sang ở phố Hồ Xuân Hương, hai ông anh “tiếp” chú em mới từ miền Nam ra, chú em có vẻ “sung” vì mới được “uống rèn luyện” mấy tháng trong lục tỉnh miền Tây Nam Bộ về.

Tôi bảo ở trong đó uống tới nơi tới chốn, đến nỗi tôi gần như ngày nào cũng “chết” hoặc ít hơn cũng bị chìm sâu nghiêng ngả. Chuyến “bụi đời” cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tín với các bạn miệt vườn sông nước Cà Mau của chúng tôi “quậy nát” vịnh Thái Lan và tôi nhắc đi nhắc lại rằng, em đi chuyến này là “đi hưởng” những ngày “lời”. Anh Lê Công Thành nghe mãi thấy mỏi tai liền chỉ vào người tôi nói nghiêm trang rằng, đêm qua mình vừa được “các Ngài” báo cho phép cậu sáng nay phải đến đây với Ngô Thảo để mình nói cho các cậu biết một số điều quan trọng. “Chắc là điều hay hả anh?”, tôi hỏi.

Ông bảo hay có, dở có, cậu không được hỏi lại. Mặt ông nghiêm hơn và tôi im re. Anh Ngô Thảo bảo, uống đi, ngồi với đấng bề trên mà hỏi lôi thôi là xúc phạm đấy. Tôi ngưng đũa, câm mõm tự biết mình phải thế nào. Đã nhiều năm nay, cứ thỉnh thoảng dăm bữa nửa tháng ông anh Lê Công Thành lại điện thoại cho tôi bảo, đêm qua các Ngài nói sáng nay Ngô Thảo và Trung Trung Đỉnh phải đến gặp mình để mình nói cho các cậu biết vài điều quan trọng. Cắt máy. Tôi và anh Ngô Thảo đã quen với cách “triệu tập” của ông anh Cả nên thường thì tuân lệnh, nhưng cũng có đôi lần vì bận việc nọ kia phải khất lần. Lê Công Thành cũng không trách cứ, không lấy đó làm điều.

Nhưng vài hôm sau ông lại “phát lệnh”. Khi thì hôm đó ông có khách mua tranh tượng, lúc thì có một sự cố nào đó quanh chúng tôi mà ông quan tâm. Lê Công Thành đã cao tuổi, nhưng ít có người cao tuổi nào đọc báo nhiều như ông. Các vấn đề văn hóa, chính trị xã hội ông quan tâm theo dõi sát sao. Tôi và anh Ngô Thảo có in bài báo nào ở đâu thì ngay lập tức, hôm sau Lê Công Thành gọi điện thoại bảo đã đọc, không khen không chê, nhưng thế nào cũng “phán” một câu rất đích đáng.

Tôi rất thân, rất quý phục, yêu mến và kính trọng hai ông anh của tôi, bởi tôi biết khá rõ trông bên ngoài có vẻ sung mãn, thành đạt vậy, nhưng thực chất cuộc đời của mỗi người đều là một thiên tiểu thuyết đầy những khúc bi hài kịch. Vậy mà nghe tôi “chém gió” phần phật kể về chuyến đi, họ nghe chăm chú nhưng cũng chỉ nhìn thằng em hư mà cười cười chia sẻ, không đánh giá nhận định gì.

Được biết hôm qua có một nhà sưu tập nào đó đến tận nhà Lê Công Thành rước một hai bức tượng phồn thực nên anh gọi cho anh Thảo và tôi đi “ăn chơi” để anh nói cho biết một vài điều quan trọng. Cũng lạ, cái câu ấy của ông đã lặp đi lặp lại hàng trăm lần mà sao tôi không thấy nhàm chán, thậm chí còn cảm thấy thân thiết nữa. Thật tiếc là chưa bao giờ tôi được “xem” Lê Công Thành trong lúc bán tranh tượng mà chỉ hay được “xem” ông cầm nắm tiền nhầu nhĩ lấy từ trong túi ra đưa cho các cô tiếp viên đếm hộ để thanh toán các bữa ăn chơi.

Tôi không nhớ tôi quen ông từ hồi nào, chỉ nhớ là ông đã cao tuổi còn tôi thì không còn trẻ nữa. Hồi ông làm tượng đài các dũng sĩ Núi Thành ở Quảng Nam cánh tôi vẫn thường hát bài hát: “Mờ trong mà đêm ánh sao soi đường ta đi...”.

Đó là hình tượng oai hùng của các chiến sĩ Núi Thành vào đánh trận đầu với quân viễn chinh Mỹ. Đó cũng là một dấu ấn sâu đậm của tuổi trẻ lứa chúng tôi. Công trình tượng đài này của Lê Công Thành là một trong những công trình lớn và sớm của Quảng Nam sau ngày đất nước Thống nhất. Cụm tượng đài vừa hoàn thành thì nhà điêu khắc Lê Công Thành bị tai nạn nặng. Sau đó, theo tôi được biết, Lê Công Thành đã lui vào ở ẩn giữa đô thành Hà Nội.

Ông không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã đành, rất ít giao du, không dự những cuộc hội thảo hay những cuộc “đi thực tế sáng tác” của Hội cũng như của các tổ chức xã hội nào đó mời mọc. Có tới hai chục năm Lê Công Thành ở nhà, một căn hộ giữa khu tập thể Vĩnh Hồ với vợ là nữ họa sĩ Kim Thái cùng vợ chồng cô con gái. Họ sống giản dị, thư thái, tĩnh lặng, cùng lặng lẽ sáng tác.

Tranh và tượng của hai người là hai thế giới riêng biệt, nhưng nó cùng chung một một thời điểm ra đời và tự nó có cuộc sống riêng của mình. Tôi tự hào được cùng anh Ngô Thảo lâu nay thường xuyên được ông cho phép lui tới, được tự do xem tranh xem tượng, được ông cho xem bản thảo những trang ghi chép hồi ức, những thiên đoản văn, những bài thơ mà ông bảo ông không gọi là thơ, đó là những khoảnh khắc của cuộc đời Lê Công Thành.

Ông viết về nghề nghiệp, những suy nghĩ về cuộc sống đương đại, những cuộc tiếp xúc với cuộc sống phía sau cuộc sống những thân phận khuất lấp mà xưa nay ta hay gọi là “dưới đáy”. Ông có những cuộc “đi” vào thực tế đời sống không giống bất kỳ văn nghệ sĩ viên chức, công chức, hay văn nghệ sĩ cán bộ nào. Cũng không giống luôn cả các văn nghệ sĩ tự do đương thời. Ông tự nhiên gặp gỡ “các em” ở trong các “vòm”, các “ổ” mà ông gọi đúng tên của nó là “gái điếm” không né tránh, gượng gạo.

Ông là người cao tuổi, tất nhiên, nhưng kể cả ông và cả “các em” đều cùng đã vượt qua cái “ngưỡng” tuổi tác mà đến với nhau chuyện trò tâm sự tự nhiên, không giữ ý giữ tứ, mặc cảm hay săm soi xét nét. Lê Công Thành có cách sống với “các em” bình dị, không ngăn cách, không tò mò tìm hiểu, không để người nói chuyện với mình gợn chút nghi hoặc nào. Ông xưng tên mình và gọi tên các em ngang hàng cũng rất tự nhiên... Và sau đó là những trang viết, những trang ghi chép mà ông viết chỉ để cho mình, không có nhu cầu phổ biến nhưng nhất quyết không phải để dấu giếm hay “giữ bí mật”. Tôi đọc ông và càng cảm phục ông hơn. Chắc chắn không phải nhà văn nào cũng có thể viết được những trang văn đặc sắc như thế. Cũng phải nói thêm là, ở thời điểm hiện nay, không phải dễ biên tập để mà in “những con chữ ấy” đại trà được.

Lê Công Thành không phải là người lập dị, mặc dù ông có cuộc sống không giống ai. Lúc nào trên đầu ông cũng có “đấng tối cao” soi tỏ. Ông sáng tác tùy thuộc vào các cuộc ngẫu hứng mà được “đấng tối cao” chỉ dẫn. Tượng của Lê Công Thành mấy chục năm qua sáng tác tập trung chủ yếu vào vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ, hay nói đúng hơn, vẻ đẹp cao quý của thân thể người của phái đẹp.

Đẹp ở mọi góc độ, mọi cách thưởng thức, mọi lối nhận định hay đánh giá. Tự nó vượt qua các định kiến về lý tưởng thẩm mỹ hay tôn giáo chủng tộc. Ông sáng tác không đòi hỏi bất kỳ hoàn cảnh hay điều kiện vật chất nào. Trong căn hộ hẹp của Lê Công Thành, các bức tượng được sắp xếp không còn chỗ hở, nhưng ta vẫn có thể thưởng thức theo cách riêng của mỗi người. Tôi mỗi lần đến chơi với ông về, lần nào cũng hình dung ra, nếu mình có một không gian thỏa mãn cho ông anh Lê Công Thành dựng tượng hay mở vườn tượng thì cái rừng tượng của Lê Công Thành phải được sống trong không gian hoành tráng và diễm lệ đến thế nào.

Trong căn hộ chung cư xây từ thời bao cấp của ông, phòng khách đầu tiên, nơi trang trọng nhất anh dành riêng cho bức tượng bán thân cụ Hồ. Một bức tượng to choán hết căn phòng nhưng khi ta bước vào thấy có một không khí gần gũi, giản dị hài hòa, không có cái mùi thường thấy của nhiều căn phòng thờ cúng các vị thánh linh thiêng hay thờ phụng gia tiên trọng đại mà đó là nơi khiến ta được cảm nhận giao hòa một không gian thường nhật của đời sống thường ngày bình dị.

Cũng có hương khói, hoa trái nhưng đấy là thứ hương khói hoa trái không phải để thờ phụng mà là hoa trái tự nhiên giúp ta cảm nhận được một vẻ đẹp hiền hòa. Bức tượng cụ Hồ của ông không phải bức tượng thờ, không phải là tượng tôn vinh long trọng. Tôi chưa thấy bức tượng chân dung lãnh tụ nào độc đáo mà bình thường đến thế. Phải là người ngưỡng mộ, yêu thương nhân vật lắm mới sáng tác được một vẻ đẹp tự nhiên như vậy.

Sau bức tượng chân dung cụ Hồ là hàng loạt các bức chân dung người đẹp ở mọi tình huống sinh hoạt, mọi dáng vẻ với các tư thế của con người mà ta có thể cảm nhận được hay không cảm nhận được. Sự tìm tòi khám phá và sáng tạo của Lê Công Thành dường như đã có định hướng sẵn.

Nó được mở ra từ cội nguồn yêu thương của lòng tôn kính đề cao đạo Mẫu mà nhà nghệ sĩ nhập tâm từ thuở hàn vi. Càng luống tuổi cái tín ngưỡng thờ Mẫu của ông càng được vun xới bồi đắp dày hơn, cao hơn bởi văn hóa thuần Việt mà tài năng nghệ thuật của nghệ sĩ tự nó tạo dựng nên. Lê Công Thành là con dân xứ Quảng Nam với một bề dày văn hóa dân gian có nhiều sắc thái đặc thù. “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đã say” là hai câu ca điển hình và Lê Công Thành cũng là người trai điển hình của tính cách Quảng.

Câu chuyện làm tượng đài Mẹ Âu Cơ tại Đà Nẵng là một huyền thoại với hai nhân vật kỳ lạ nhưng không hề kỳ lạ bởi hai con người này đều mang tính cách “đặc thù” của người xứ Quảng. Đó là Nguyễn Bá Thanh và Lê Công Thành, một nhà lãnh đạo cao nhất của Thành Phố và một người là nghệ sĩ điêu khắc tài danh. Họ chưa một lần gặp nhau nhưng tất nhiên tài danh nhau thì không thể nói là chưa biết hay không biết.

Lê Công Thành nhiều năm đau đáu khao khát được xây dựng bức tượng đài Mẹ Trăm Trứng, sau này lấy tên Mẹ Âu Cơ mà ông đã sáng tác bằng tài năng và tâm linh, bằng tình yêu quê hương đất Việt của người nghệ sĩ Việt. Ông đích thân đến gặp nhà lãnh đạo bằng lòng tự tin và trân trọng, nói lên nguyện vọng của mình bằng một câu ngắn gọn:

“Tôi muốn xây dựng một bức tượng tại cửa biển Đà Nẵng”.

Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp Lê Công Thành không khách khí, không thủ tục nhiêu khê, nhìn ánh mắt sáng và nghe giọng nói rành rẽ chân thật đã thuyết phục ông. Lê Công Thành gầy gò, nhỏ bé nhưng không có chút ngập ngừng. Ngay phút đầu gặp mặt lập tức nhà lãnh đạo nắm thật chặt tay Lê Công Thành và nói ngắn gọn một câu không thể ngắn gọn hơn:

“Tùy anh!”.

Sau câu chuyện “Tùy anh” ấy, nhà điêu khắc được mời lên xe Bí Thư và được ông Bá Thanh đưa đi giáp vòng quanh thành phố, đến phố Phạm Văn Đồng tiếp giáp phố Hoàng Sa thì theo yêu cầu của nhà điêu khắc, xe dừng lại. Nơi đây mở ra một không gian xanh trong và thoáng đãng. Ông Nguyễn Bá Thanh bảo đó là công viên Biển Đông. Nhà điêu khắc xuống xe, đứng nhìn ngắm một lúc, tay chỉ ra không gian xanh phía trước, biển xanh mây xanh, cát trắng nói với nhà lãnh đạo:

“Tôi muốn đặt bức tượng ở chính nơi đây”.

Nguyễn Bá Thanh nhìn theo tay Lê Công Thành, gần như không một chút do dự, ông tiếp tục:

“Tùy anh!”.

Lê Công Thành nói thêm:

“Nhưng tôi có một yêu cầu không ai được duyệt bản vẽ này cả”.

Và Nguyễn Bá Thanh không những không phiền lòng mà còn xiết chặt tay nhà điêu khắc kỳ lạ hơn với những yêu cầu kỳ lạ mà không phải người lãnh đạo nào cũng có thể chấp nhận:

“Tùy anh!”

Chuyện coi như đã mặc định, đã đóng đinh.

Hai ông bắt tay tạm biệt. Ông Nguyễn Bá Thanh sau đó phải bay ra Hà Nội họp. Ông không quên nói với Lê Công Thành và người thư ký của mình rằng, trong thời gian thi công mọi yêu cầu của Lê Công Thành sẽ được đáp ứng tối đa: Nguyên vật liệu, người làm, nhất là mời các kiến trúc sư, các nhà điêu khắc giỏi và các tay thợ lành nghề của Thành phố được quy tụ về dưới sự chỉ huy trực tiếp của Lê Công Thành.

Đúng là cái duyên đã đến. Trên tất cả mọi thứ nỗ lực và tài năng để cấu thành một sự kiện lớn thì cái duyên có lẽ là yếu tố quan trọng bậc nhất. Với nghệ sĩ Lê Công Thành càng thế. Ông không chỉ là nghệ sĩ tài hoa, mà trên thực địa ông là nhà chỉ huy, nhà quản lý, nhà tổ chức sản xuất điêu luyện, đầy kinh nghiệm. Tiến độ thi công không chậm một ngày. Hơn một tháng sau ngày gặp gỡ giữa nhà điêu khắc Lê Công Thành và ông Nguyễn Bá Thanh, bức tượng được đặt ở công viên Biển Đông vào đêm 30 – 6 - 2007, lấy tên là “Mẹ Âu Cơ” như một phép mầu đã hoàn thành.

Sáng hôm sau, ngày 1/7, nhà điêu khắc Lê Công Thành điện thoại cho ông Nguyễn Bá Thanh, nói:

“Tượng đã xong, mời anh ra xem kết quả!”.

7h30 sáng hôm đó, ông Nguyễn Bá Thanh đến chiêm ngưỡng công trình nghệ thuật. Hai ông bắt tay ôm hôn nhau thật chặt và cả hai không ai nói thêm một lời nào. Từ đó về sau ông Nguyễn Bá Thanh và nhà điêu khắc Lê Công Thành cũng không còn dịp nào gặp nhau. Bức tượng Mẹ Âu Cơ được các nhà kiến trúc, các điêu khắc gia, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình mỹ thuật cả nước đánh giá rất cao. Họa sĩ, Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đã nhận định: “Mẹ Âu Cơ” của Lê Công Thành ở Đà Nẵng là một ngoại lệ hiếm hoi và đáng quý”.

Đến nay tượng “Mẹ Âu Cơ” đã hiện diện được một thập kỷ. Du khách đến Đà Nẵng, thành phố du lịch, thành phố đáng sống của miền Trung không ai có thể không một lần đến chiêm ngưỡng tượng đài Mẹ Âu Cơ của điêu khắc gia Lê Công Thành, thi sĩ của phái đẹp, của tượng đài - cái duyên mà trời đất đã ban tặng.

Trung Trung Đỉnh