Tác giả trẻ và mạng xã hội
Trên mạng, một không gian mới được thiết lập, ở đó người ta làm việc, mua sắm, kết bạn, yêu đương… Và tất nhiên, cũng có người viết, người đọc (nghe - xem) cùng cộng đồng diễn giải tương tác ở đó.
Đổi đời từ mạng xã hội
Một ngày hè đổ lửa, Thăng Fly (họa sĩ truyện tranh Bùi Đình Thăng, sinh năm 1988) từ miền Trung ra Hà Nội để gặp công ti sản xuất chương trình truyền hình cho VTV. Đó là công ti sản xuất series “Quà tặng cuộc sống” - một chương trình hoạt hình truyền tải các thông điệp ý nghĩa, đầy tính nhân văn. Tuy vậy, chương trình này đã làm phim Ba tôi dựa trên truyện tranh Ba tôi có trong sách Cả nhà thương nhau của Thăng Fly phát hành trước đó mà không có bất kì lời xin phép nào. Thậm chí họ còn dựng ra một số tình tiết rằng kịch bản của họ có trước truyện tranh của Thăng.
Cộng đồng mạng nhanh chóng chỉ ra những điểm cho thấy sự ngụy tạo thông tin của đơn vị vi phạm bản quyền. Dù là tác giả của truyện, dù tác phẩm ấy dựa trên chính sự việc có thật của Thăng, dù được cộng đồng tác giả, độc giả ủng hộ, báo chí đưa tin, thì sáng hôm ấy, Thăng vẫn không gặp được lãnh đạo công ti vi phạm bản quyền. Đơn vị này kiểm soát từng người ra vào công ti. Các phóng viên tự đến tìm hiểu thông tin cũng không nhận được phản hồi thỏa đáng. Trưa nắng, Thăng và một số phóng viên ngồi uống nước để hạ nhiệt. Thăng nói: “Thôi, bỏ đi. Em phải tập trung vào sáng tác”. Rồi Thăng về lại miền Trung!
Chuyện của Thăng Fly xảy ra vào năm 2015, khi anh có một lượng bạn đọc nhỏ qua vài truyện tranh đăng tải trên Internet, qua một số cuốn sách mới xuất bản. Khi ấy, fanpage (trang mạng xã hội facebook do một cá nhân hoặc tổ chức lập ra để tập hợp một nhóm cộng đồng có cùng sở thích) của Thăng có chưa tới 100.000 người theo dõi. Còn giờ đây, fanpage Thăng Fly Comics có 1,3 triệu người theo dõi. Sau vài năm, Thăng đã mua nhà, tậu xe, hợp đồng quảng cáo đến nhiều như nước.
Mọi chuyện bắt đầu từ chú rồng Pikalong. Năm 2017, Hải Phòng làm mô hình một con rồng, mô hình này nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội. Thăng Fly với khiếu hài hước đã vẽ loạt tranh với chú rồng này theo tạo hình gợi nhớ tới Pikachu (một nhân vật trong hoạt hình nổi tiếng Pokemon). Chú rồng của Thăng mang lại nhiều tiếng cười cho người xem, được chia sẻ rộng rãi, “phủ” khắp mạng xã hội. Người ta gọi nó là con rồng “Pikalong”.
Lượng người theo dõi trang Thăng Fly Comics tăng lên vùn vụt. Anh vẫn miệt mài sáng tác, vẽ các nhân vật nổi tiếng theo một vài đặc điểm nhận dạng của Pikalong, lại sáng tác thêm những nhân vật ngộ nghĩnh, hài hước tương tự. Các hợp đồng quảng cáo bắt đầu tìm đến.
Thăng Fly chia sẻ: “Họa sĩ truyện tranh cũng giống người nổi tiếng ở các ngành nghề khác. Mình có công chúng của mình. Các nhãn hàng muốn đưa sản phẩm của họ đến công chúng càng nhiều càng tốt. Mình giúp họ đưa đến công chúng (fan của mình)”.
Đó là nguồn thu nhập chính của Thăng. Với một cuốn sách 300 trang, anh phải vẽ cả năm trời mới xong, tiền nhuận bút nhận về khoảng 30 triệu đồng. “Nhuận bút một cuốn sách gần như bằng một post quảng cáo chưa trừ thuế mà tôi vẽ trong 15 phút”. Tất nhiên, không phải cứ có hợp đồng đưa đến là vẽ trong 15 phút sẽ xong tác phẩm, cứ vậy đưa lên trang fanpage của mình rồi nhận thù lao bằng cả năm vẽ sách. Họa sĩ phải bàn bạc, thương thảo với nhãn hàng, sau khi chốt được ý tưởng với nhau thì người họa sĩ mới bắt tay vẽ. Khi đã có ý tưởng rồi thì việc vẽ sẽ rất nhanh chóng.
Để có được lượng fan đông đảo, rồi những hợp đồng quảng cáo như vậy, Thăng mất rất nhiều công sức sáng tạo. Anh miệt mài vẽ cả nghìn trang truyện, rất nhiều đoạn tranh đầu tư công phu, hóm hỉnh được vẽ chỉ đưa lên để mang lại niềm vui cho cộng đồng fan của mình. Bình thường, nếu không phải đang trong đợt dịch, mỗi tháng Thăng nhận tầm năm hợp đồng quảng cáo. Anh phải từ chối bớt, vì sợ làm quá nhiều dễ ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm.
Công cụ truyền thông hàng đầu
Khi được hỏi mạng xã hội có vai trò gì với một tác giả, nhà thơ Nguyễn Phong Việt - tác giả của những tập thơ vạn bản - khẳng định: “Tôi nghĩ nó là công cụ truyền thông quan trọng hàng đầu lúc này với các tác phẩm của nhà văn, nhà thơ. Nó giúp người viết đo được thị hiếu khán giả, tìm thấy những xu hướng đang được người đọc quan tâm và trên hết nhận diện được giá trị của một tác phẩm khi xuất bản”.
Với Thăng Fly, mạng xã hội là nơi đưa người viết từ nghiệp dư trở thành tác giả một cách nhanh nhất. Anh phân tích: “Trước đây tác giả cần có nhà xuất bản, nhà phát hành, phải gặp đội ngũ biên tập viên… rồi qua quá trình dài làm việc mới có độc giả. Giờ đây mạng xã hội giúp người viết, vẽ tiếp xúc dễ dàng với độc giả, giới thiệu, quảng bá tác phẩm tới độc giả”.
Với tác giả chuyên nghiệp, họ đã có sẵn lượng độc giả nhất định, mạng xã hội là nơi tác giả gặp bạn đọc (fan) của mình, nơi họ mở rộng lượng fan. Đó cũng là nơi giúp tác giả thể hiện tài năng, sức cạnh tranh của mình, để xem mình có chinh phục đám đông tốt như thời chỉ làm sách giấy hay không. Nhiều tác giả trẻ nhanh nhạy tận dụng khả năng kết nối của mạng xã hội để tương tác với độc giả, phát triển bạn đọc của mình.
Hiện nay, một số trang facebook cá nhân, trang fanpage tác giả có nhiều người yêu thích là: Nguyễn Ngọc Thạch (653.034 người theo dõi), fanpage Du Phong (207.000 người thích), Quách Lê Anh Khang (87.000 người theo dõi), Nguyễn Phong Việt (67.000 người theo dõi), fanpage Nguyễn Thiên Ngân (58.000 người thích, 60.000 người theo dõi)… Một số nhà văn không lập trang facebook cá nhân nhưng vẫn được người hâm mộ hoặc đơn vị nào đó lập ra trang fanpage đăng tải tác phẩm như: Nguyễn Ngọc Tư (245.000 người thích), Nguyễn Nhật Ánh (309.000 người thích)...
Con số 1,3 triệu người thích của Thăng Fly Comics, hơn 600 nghìn người theo dõi của trang Nguyễn Ngọc Thạch, hay hơn 300 nghìn người yêu thích của trang Nguyễn Nhật Ánh tuy cao nhưng không thể so sánh với lượng fan của các ngôi sao giải trí. Đơn cử, trang của MC Trấn Thành có 12 triệu lượt thích, ca sĩ Sơn Tùng M-TP có 10 triệu fan, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng 3 triệu người thích… Điều đó nói lên sức nóng và sự cạnh tranh mạnh mẽ của đời sống trên mạng.
Trong khi giới cầm bút, cầm cọ trẻ tích cực hoạt động trên mạng xã hội thì những tác giả cao tuổi chưa thực sự coi đây là kênh chính thống để đến với bạn đọc. Một số nhà văn, nhà thơ có lượng người theo dõi nhiều trên mạng như: nhà thơ Trần Đăng Khoa (trên 27 nghìn người theo dõi), nhà văn Nguyễn Quang Thiều (trên 25 nghìn người theo dõi), nhà văn Sương Nguyệt Minh (trên 10 nghìn người theo dõi)… Họ đều là những cây đa cây đề của làng văn. Tuy vậy, trang facebook của họ không chỉ có chuyện văn chương. Đôi khi, những phát ngôn trước một vấn đề nóng của thời cuộc lại khiến họ nhận nhiều lượt thích hơn một áng văn đẹp, sâu sắc.
Tương tự, tác giả trẻ được thích trên mạng xã hội cũng không hoàn toàn bằng tác phẩm của mình. Ở đó, họ đăng tải tác phẩm, những bài viết nêu quan điểm về cuộc sống, nhân sinh, chia sẻ những hình ảnh, video hay bài viết mà họ cho là thú vị. Nhà thơ Phong Việt có đến ba fanpage chỉ dành để post thơ (hai trong số đó do các bạn đọc yêu quý tác phẩm của anh lập ra, và fanpage có số lượng cao nhất lên đến hơn 56.000 người theo dõi). Còn facebook cá nhân của Phong Việt lại là một câu chuyện khác, ở đó anh không chỉ post thơ mà còn chia sẻ quan điểm, trải nghiệm về cuộc sống…
Đâu đó trong hơn 60.000 người đang theo dõi, những người yêu thơ chỉ chiếm một phần. Vấn đề nằm ở chỗ, ý thức rõ hơn các thế hệ đi trước, tác giả trẻ thấy rằng: “Với tôi, facebook cũng là gương mặt của một con người, cá tính của tôi thể hiện rất rõ trên đó. Tôi luôn thích viết về những điều tích cực, có ý nghĩa trong đời sống… nên có thể đó cũng là lí do mọi người theo dõi để đọc các post của tôi” (Nguyễn Phong Việt).
Mạng xã hội không chỉ giúp tác giả trẻ phát triển về số lượng độc giả. Đó còn là nơi “đo” bề sâu, lượng fan trung thành. Ngay từ tập thơ đầu tay bán chạy nhất của Nguyễn Phong Việt là Đi qua thương nhớ phát hành năm 2012 thì hơn 95% những bài thơ trong sách đã được post lên mạng xã hội trước đó. Sau này, mỗi tập thơ của anh cũng có ít nhất 50% nội dung đã được post trước khi ra sách. Đó là hành trạng chung, là cục diện của nhiều tác phẩm, tác giả trẻ hiện nay.
Phong Việt cho rằng: “Tôi không thấy vấn đề gì về việc chia sẻ trước để mọi người đọc, thậm chí đó còn là cách để mọi người có đủ niềm tin với tác phẩm sắp xuất bản của tôi. Thế nên, nếu ai đó từng đọc một bài thơ của tôi trên mạng, xong vẫn mua cuốn sách mới là vì những bài thơ ấy vẫn luôn có giá trị với họ dù đã đọc một hay nhiều lần trước đó”.
Một số tác giả tận dụng sự nổi tiếng của mình trên mạng xã hội để khai mở những cơ hội công việc. Khi có nhiều độc giả, một số tác giả trở thành KOL (key opinion leader) - người có kiến thức chuyên sâu, được yêu thích ở một lĩnh vực nào đó. KOL có thể đưa ra những ý kiến dẫn dắt quan điểm cộng đồng fan, người yêu thích của họ. Với một KOL chất lượng, việc kiếm hơn 10 triệu đồng cho một post quảng cáo là trong tầm tay.
Nhà thơ Phong Việt cũng là một KOL, anh nói: Với tôi, KOL là một nghề kiếm ra tiền và thậm chí kiếm được rất tốt. Tuy nhiên, để đi đường dài với công việc này không dễ vì bản chất mạng xã hội là một dòng chảy thông tin, bạn phải luôn chứng tỏ bạn có những content chất lượng thì mới có thể thu hút các nhãn hàng tìm đến bạn”.
“Trên mạng đầy rẫy chữ, hay là văn, còn lại toàn rác”
Nhanh nhạy sử dụng mạng xã hội như một công cụ tiếp cận, phát triển độc giả, một phương thức kiếm tiền, song các tác giả cũng cần tỉnh táo trước những hệ quả của công nghệ. Hơn 10 năm trước, nhà văn Trang Hạ thường dịch các tác phẩm văn học mạng Hoa ngữ. Một số tác phẩm xúc động, mang ý nghĩa nhân văn, được nhiều bạn đọc theo dõi, các tác phẩm này được đề nghị xuất bản sách.
Nhân dịp ra mắt Mẹ điên (một cuốn sách do Trang Hạ tuyển chọn các truyện có lượng view cao trên mạng internet Hoa ngữ), dịch giả nói: “Trên mạng đầy rẫy chữ, hay thì được gọi là văn, còn lại toàn rác. Tôi chỉ làm công việc đơn giản là giúp các bạn bới rác”. Quả thật, mạng xã hội “quá nhanh, quá nguy hiểm”, nó thúc đẩy tác giả sáng tạo nhanh. Đôi khi, người viết công bố tác phẩm ra công chúng mà chưa qua quá trình biên tập, thẩm định, vì thế nhanh không phải lúc nào cũng đi cùng chất lượng.
“Do thuật toán nên các mạng xã hội như facebook, instagram, twitter… làm cho chất lượng sản phẩm thời mạng xã hội bị giảm đi nhiều. Các thứ ngắn, nội dung dành cho tuổi teen… lên ngôi. Không mạng xã hội nào đủ mạnh để cho người có trình độ sâu sắc phát triển độc giả. Một số mạng xã hội phát triển chiều sâu thì đã ngỏm từ lâu”, họa sĩ Thăng Fly nhận định.
Anh cũng cho rằng ở Âu - Mĩ là nơi có văn hóa đọc phát triển, các tác giả có thể phát triển nội dung theo chiều sâu và tìm được độc giả trên mạng xã hội. “Còn ở chúng ta, tác giả làm truyện không có chiều sâu. Nếu làm có chiều sâu lại không nuôi được cộng đồng”. Dù sao, một tác giả thực sự vẫn phải hướng đến tác phẩm có chiều sâu. Vì chỉ những tác phẩm sâu sắc mới làm nền tảng cho văn hóa nhân loại.
Một sự thực được chính Thăng Fly nhận ra rằng: “Một đoạn văn ngắn nghìn like, được hàng nghìn người tung hô cũng không thể làm nền tảng cho văn hóa được”. Anh lấy ví dụ vũ trụ điện ảnh Marvel được xây dựng trên nền tảng là những tác phẩm truyện tranh có chiều sâu, đế chế ấy không thể nào đứng vững, đi xa chỉ bằng một vài trang truyện hài hước, dù trang truyện ấy có hàng triệu người like đi chăng nữa.
Nhận thức được điều ấy, Thăng Fly luôn phải cân bằng giữa việc sáng tác phát triển độc giả với sáng tác chiều sâu. Dịp tết là đợt cao điểm quảng cáo, Thăng nhận nhiều hợp đồng vẽ tranh. Nhưng anh luôn giữ một tỉ lệ hợp lí: đăng một post quảng cáo thì phải có ba post truyện tranh. Lượng truyện tranh phải gấp ít nhất ba lần lượng bài quảng cáo. Đó là cách tôn trọng bạn đọc, cũng là cách giữ chất lượng cho trang mạng xã hội của mình.
Ngoài các tác phẩm dày công sáng tạo đã được biết đến như 100 điều anh yêu em, Ba tôi, Thư gửi nỗi buồn, Trước bến Văn Lâu…, mới đây, Thăng Fly sáng tác truyện tranh Ức Trai, kể về những năm tháng phiêu dạt của Nguyễn Trãi trước khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn...
Không chỉ khuyến khích các post ngắn, nhanh để lại hệ lụy là những bài viết nông cạn, hời hợt, mạng xã hội còn có “sức sát thương” với người cầm bút, cầm cọ. Một số tác giả ham mê thế giới ảo mà mất dần thời gian sáng tác. Số khác lại bị những cơn bức xúc vô cớ của cộng đồng mạng, những cảm xúc tiêu cực của thế giới ảo chi phối, dẫn tới tụt cảm hứng. Với hệ lụy này, nhà văn, nhà thơ hay bất cứ ai đều phải lưu tâm khi sử dụng mạng xã hội để không bị phản ứng ngược.
Nguyễn Phong Việt chia sẻ: “Bạn phải học cách biến mạng xã hội trở thành công cụ phục vụ cho bạn, nếu không phải là việc kiếm tiền thì cũng là việc của cảm xúc, đừng để nó kéo bạn đi mà không có cách nào dừng lại. Với tôi, để sống sót trên mạng xã hội cũng phải biết cách học ăn học nói. Và nó là một thứ kĩ năng, nói đúng với dung lượng vừa phải và nên nói những điều tích cực nhiều hơn thì bạn sẽ ít gặp những phiền muộn không đáng có với mạng xã hội”.
Mạng cũng như đời, luôn có hai mặt. Biết được luật chơi, biết điểm mạnh, điểm yếu, tác giả có thể làm chủ được mạng xã hội, biến nó thành công cụ hữu ích. Bằng không, nó có thể để lại hệ lụy khôn lường; trước mắt có thể chỉ là tác phẩm chiều lòng số đông, sau có thể hình thành một lớp tác giả viết nông cạn, hời hợt. Bởi thế, mạng ảo mà sống mạng chẳng ảo chút nào, và những âu lo là có thực.
(vannghequandoi.com.vn)