Những văn nghệ sĩ nổi tiếng tuổi Hợi
Theo tử vi, người tuổi Hợi có những đặc tính chung phổ biến như sự cẩn thận, chu đáo, hào hiệp và tận tụy. Họ cũng là người giàu tình cảm, giàu đức hy sinh, luôn biết nghĩ cho người khác và cũng là những người có khiếu thẩm mĩ tinh tế. Nhân dịp đón Tết Kỷ Hợi, chúng ta cùng nhìn lại một số gương mặt nghệ sĩ Việt tuổi Hợi nổi tiếng trong thế kỷ XX.
Nhà thơ Thanh Tịnh (sinh năm Tân Hợi - 1911)
Nhà thơ Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, sinh ngày 12-12-1911 tại xã Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế và mất ngày 17-7-1988 tại Hà Nội.
Ông là một trong những tác giả nổi tiếng của phong tràoThơ mới, được Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển 2 bài thơ "Mòn mỏi", "Tơ trời với tơ lòng" để giới thiệu trong hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam"...
Trước khi nghỉ hưu, ông là Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ quân đội (đeo quân hàm Đại tá). Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, II.Nhiều sáng tác thơ, văn của ông được đưa vào sách giáo khoa, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến là bài “Tôi đi học” được nhiều thế hệ học sinh nhắc nhớ, nhất là cứ mỗi độ khai trường. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông gia nhập Quân đội.
Theo các nhà văn, nhà thơ từng công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội kể lại, Thanh Tịnh là một người giản dị, khiêm nhường nhưng uyên thâm, sâu sắc. Do những biến cố lịch sử, cuộc sống riêng tư của nhà thơ phải chịu nhiều nỗi buồn khổ, ngậm ngùi, nhưng ông không bao giờ than vãn oán trách, ngược lại luôn có cái nhìn trìu mến, đôn hậu với những người xung quanh và thế hệ "đàn em". Mỗi lần nhắc đến tên ông, anh em nhà văn từng ở nhà số 4 (phố Lý Nam Đế, trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đều dành cho Thanh Tịnh những tình cảm đặc biệt trân quý và xúc động.
Họa sĩ Nguyễn Sáng (sinh năm Quý Hợi - 1923)
Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988) là một tên tuổi lớn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Nguyễn Sáng cùng với Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái làm nên "bộ tứ siêu đẳng" của hội họa Việt Nam trong thế kỷ XX: Nghiêm - Liên - Sáng - Phái.
Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, họa sĩ Nguyễn Sáng lên chiến khu Việt Bắc dùng tài năng của mình phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc và đã có nhiều đóng góp quan trọng với những tác phẩm như "Giặc đốt làng tôi", "Hành quân đêm mưa", "Bộ đội nghỉ trên đồi", "Thành đồng Tổ quốc".Trong gia tài sáng tác của mình, họa sĩ Nguyễn Sáng có nhiều thành công và đóng góp lớn nhất là ở thể loại tranh sơn mài. Ông được coi là cây đại thụ của tranh sơn mài bên cạnh các tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm.
Không chỉ thành công ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng, ông còn thành công với những bức tranh về thiên nhiên (như tác phẩm "Pác Bó", "Tháp Phổ Minh"), con người (như tác phẩm "Thiếu nữ bên hoa sen", "Thiếu nữ trong vườn chuối")...
Ngoài ra, ông còn vẽ nhiều tranh cổ động, là người thiết kế bộ tem bưu chính đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng là một trong những họa sĩ tham gia thiết kế đồng tiền Việt Nam. Ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).
Nhà văn Anh Đức, sinh năm Ất Hợi - 1935)
Tên tuổi của nhà văn Anh Đức (1935 - 2014) trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học trò là bởi ông có những trích đoạn đặc sắc nhất trong gia tài sáng tác của mình được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Các trích đoạn của tác phẩm "Hòn Đất", "Giấc mơ ông lão vườn chim", "Bức thư Cà Mau" đã chắp cánh cho tâm hồn trẻ thơ đi vào khám phá một vùng đất mới lạ với những con người thân thiện, đáng yêu của miền Nam ruột thịt.
Với văn phong điềm đạm, thanh thoát, chú trọng chi tiết, hình ảnh và đặc biệt là việc sử dụng thành công thổ ngữ, phương ngữ phương Nam vào trang viết, nhà văn Anh Đức đã khắc họa thành công vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Nam bộ trong những năm kháng chiến gian khổ. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.Nhà văn Anh Đức tham gia chiến khu từ khi còn rất trẻ và năm 21 tuổi đã được điều về làm việc tại Báo Cứu quốc Nam Bộ và được nhà văn Đoàn Giỏi phát hiện ra khả năng văn chương. Sau khi tập kết ra Bắc và thành công với tác phẩm "Một chuyện chép ở bệnh viện" - tác phẩm sau đó được chuyển thể thành bộ phim truyện nổi tiếng bậc nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam là "Chị Tư Hậu", ông trở lại chiến trường miền Nam và cho ra đời nhiều tác phẩm khiến tên tuổi của ông trở nên rạng rỡ như "Hòn Đất" (sau được chuyển thể thành phim "Hòn Đất"), "Bức thư Cà Mau" (được viết dưới dạng trao đổi văn học qua thư với nhà văn Nguyễn Tuân), "Đứa con của đất"...
Nhạc sĩ Trần Tiến (sinh năm Đinh Hợi - 1947)
"Gã du ca Trần Tiến" là biệt danh đáng yêu nhất mà khán thính giả đặt cho nhạc sĩ Trần Tiến - cha đẻ của nhiều ca khúc trong trẻo, tha thiết viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Từ một chàng thanh niên làm hậu đài cho Đoàn Ca múa Hà Nội, với năng khiếu trời cho, chỉ sau một năm tự học, Trần Tiến đã được đứng trên sân khấu biểu diễn đơn ca phục vụ chiến sĩ và nhân dân ở vùng tuyến lửa Quảng Trị - Quảng Bình.
Điều đặc biệt ở nhạc sĩ Trần Tiến là, càng từng trải, già dặn thì những sáng tác âm nhạc của ông lại càng trẻ trung, hiện đại, gần gũi với giới trẻ. Thập niên 90 của thế kỷ trước, với những sáng tác như "Tùy hứng Lý ngựa ô", "Ngẫu hứng sông Hồng", "Quê nhà", "Chị tôi", "Chiếc vòng cầu hôn", "Tóc gió thôi bay"... nhạc sĩ Trần Tiến đã khiến nhiều người ngạc nhiên về những giai điệu trẻ trung, mới lạ và đầy cuốn hút.Sau đó, Trần Tiến tốt nghiệp khoa Thanh nhạc - Nhạc viện Hà Nội, nhưng lại trở nên nổi tiếng hơn ở vai trò là nhạc sĩ với những sáng tác đầu tay mang đậm tình yêu quê hương đất nước như "Giai điệu Tổ quốc", "Những đôi mắt mang hình viên đạn", "Vết chân tròn trên cát"...
Đến những năm 2000, với những ca khúc như "Sắc màu", "Mưa bay tháp cổ", "Bình nguyên xa vắng", "Ra ngõ mà yêu", "Lữ khách sông Hồng"... lại một lần nữa khiến thính giả ngạc nhiên về năng lượng sáng tạo mạnh mẽ, liên tục đổi mới và "trẻ hóa" không ngừng của nhạc sĩ Trần Tiến.
Suốt mấy chục năm du ca, hình ảnh người ca sĩ kiêm nhạc sĩ bụi bặm phong trần khoác trên vai cây ghita, đôi mắt lấp lánh vui cười hoặc mơ màng theo từng khúc nhạc đã in sâu vào tâm trí khán giả. Đi đến đâu ông cũng được khán giả yêu mến, chào đón.
Năm 2017, nhạc sĩ Trần Tiến cho ra đời cuốn hồi ký mang tên "Ngẫu hứng" cũng đã bán chạy vèo vèo. Có lẽ, đó cũng là món quà thật đặc biệt mà cuộc đời dành tặng một ca sĩ - nhạc sĩ. Nhạc sĩ Trần Tiến hiện sống ở TP Hồ Chí Minh.
NSƯT Tiến Hợi (sinh năm Kỷ Hợi - 1959)
Nhắc đến NSƯT Tiến Hợi, mọi người nhớ ngay đến vai diễn đã làm nên tên tuổi của Tiến Hợi là vai Bác Hồ trong vở kịch "Đêm trắng" nổi tiếng suốt hơn 30 năm qua. Nghệ sĩ Tiến Hợi hiện công tác tại Đoàn kịch Hà Nội nhưng khi được chọn đóng vai Bác Hồ, anh là diễn viên của Đoàn nghệ thuật Trường Sơn (Quân khu 2).
Chính từ tâm huyết và sự cẩn trọng ấy, ngay từ lần ra mắt đầu tiên của vở "Đêm trắng", Tiến Hợi đã nhận được nhiều lời khen ngợi - đặc biệt là những lời khen ngợi từ những người từng thân cận với Bác như ông Vũ Kỳ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh... Vậy là vở "Đêm trắng" sau khi ra mắt diễn liên tục đến 300 đêm ở khắp mọi miền đất nước, sự thành công của vai diễn khiến tên tuổi nghệ sĩ Tiến Hợi vang xa. Nó trở thành vai diễn để đời của Tiến Hợi.Được đạo diễn Doãn Hoàng Giang mời thử vai Bác Hồ khi mới 28 tuổi là một bất ngờ lớn đối với chàng trai trẻ Tiến Hợi lúc bấy giờ. Anh biết được mình đang có một trọng trách, một vinh dự lớn. Dành nhiều thời gian, tâm huyết để tìm hiểu, tập luyện và nhập vai Bác Hồ, anh tìm đến Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi tới Viện lưu trữ để tìm nghe một số băng các bài phát biểu của Bác như Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày mồng 2-9-1945; Bác Hồ nói chuyện với đồng bào ở nông thôn; Bác Hồ nói chuyện với các cụ phụ lão; Bác Hồ nói chuyện với thanh thiếu niên... để "thẩm thấu" ngữ điệu, cử chỉ, ánh mắt, dáng điệu của Bác.
Nhắc đến Tiến Hợi là người ta nghĩ ngay đến vai diễn Bác Hồ và cứ chọn người đóng vai Bác Hồ người ta lại nghĩ đến Tiến Hợi. Sau này, khi đạo diễn Long Vân trong quá trình chọn diễn viên vào vai anh Ba trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" cũng đã tìm đến Tiến Hợi và anh đã thể hiện xuất sắc hình ảnh Bác Hồ trong điện ảnh.
Diễn viên Khánh Huyền (sinh năm Tân Hợi - 1971)
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật (cha là nhạc sĩ Văn Ký), lại có giọng hát đẹp nên Khánh Huyền sớm là thành viên của Đội Sơn ca của Cung Thiếu nhi Hà Nội, từng cùng các đàn chị như Thanh Lam, Hồng Nhung đi dự trại hè quốc tế. Tưởng rằng sẽ trở thành ca sĩ, nhưng cuối cùng Khánh Huyền lại sớm bén duyên với điện ảnh khi lọt vào mắt xanh của đạo diễn Trần Vũ với 2 bộ phim liên tiếp là "Anh và em" và "Ngọn tháp Hà Nội".
Vào những năm 2000, khi phim truyền hình bắt đầu nở rộ, Khánh Huyền tham gia phim "Người vác tù và hàng tổng" (đạo diễn Phi Tiến Sơn), vào vai Thơm - vợ của trưởng thôn Kiên do NSƯT Quốc Tuấn thủ vai. Khánh Huyền trở thành gương mặt được đông đảo công chúng cả nước yêu thích, mến mộ. Nhưng biến cố trong cuộc sống hôn nhân đã khiến Khánh Huyền quyết định vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tiếp tục với công việc làm MC - diễn viên, hiện tại nữ diễn viên xinh đẹp đang có một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc.Khánh Huyền trở thành gương mặt quen thuộc với điện ảnh Việt Nam trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Khánh Huyền có gương mặt đẹp trong sáng, đôi mắt tròn to ngây thơ của chị một thời từng được nhiều đạo diễn điện ảnh tìm kiếm. Nữ đạo diễn gạo cội Bạch Diệp đã mời Khánh Huyền tham gia một số bộ phim do bà làm đạo diễn như "Nụ tầm xuân", "Người nổi tiếng", "Vui buồn sau lũy tre". Khánh Huyền cũng được đạo diễn nổi danh Trần Phương mời vào phim "Hát giữa chiều mưa".
Ca sĩ Tùng Dương (sinh năm Quý Hợi - 1983)
Với sự xuất hiện đầy mới lạ, độc đáo trong việc thể hiện những ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại của Lê Minh Sơn trong cuộc thi "Sao mai - Điểm hẹn" năm 2004, sau đó là giải thưởng do Hội đồng nghệ thuật bình chọn đã trở thành bước ngoặt quan trọng để Tùng Dương có một vị thế tốt khi bước vào làng âm nhạc Việt Nam.
Tùng Dương là một nghệ sĩ không chỉ có tài năng vượt trội, sở hữu chất giọng đẹp, lạ, giàu nội lực mà còn là người có tinh thần làm việc rất nghiêm túc. Đi biểu diễn khắp trong và ngoài nước, liên tục ra album, làm những live-show hoành tráng... Tùng Dương khiến khán thính giả có cảm giác anh lúc nào cũng đang đeo đuổi những dự án nghệ thuật. 15 năm đã trôi qua, với nghệ sĩ khác có thể lúc nổi, lúc chìm, song với ca sĩ Tùng Dương, tên tuổi của anh dường như chưa lúc nào ngừng "hot". Anh liên tục giành được những giải thưởng âm nhạc uy tín như Giải Cống hiến với đủ các hạng mục: "Bài hát của năm", "Ca sĩ của năm", "Album của năm", "Chương trình của năm".
Tùng Dương là người không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã có, đã đạt được mà là mẫu người luôn tiến về phía trước, luôn không ngừng sáng tạo, tìm tòi, khám phá và làm mới bản thân. Bởi thế, sự xuất hiện của Tùng Dương với tần xuất lớn trên truyền hình hay các phương tiện truyền thông luôn gây tò mò, hứng thú cho khán giả.
Cho đến nay, giọng hát của Tùng Dương không chỉ được đông đảo khán giả yêu thích, mà chủ nhân của các ca khúc từng được Tùng Dương biểu diễn như Nguyễn Cường, Trần Tiến, Lê Minh Sơn, Ngọc Đại, Giáng Son đều yêu quý anh bởi những khám phá, thể nghiệm mới mẻ, độc đáo của anh trong tác phẩm của họ.Nguyệt Hà - Xuân 2019
(vnca.cand.com.vn)