Phát huy văn hóa nêu gương

02.08.2024
Ngô Vương Anh
Nêu gương tốt bằng chính tình cảm và hành động của bản thân là một nét văn hóa tốt đẹp của người cán bộ. Có “Văn hóa nêu gương” từ truyền thống được Đảng kế thừa, phát triển những giá trị cốt lõi khi yêu cầu các cán bộ, nhất là người đứng đầu, phải nêu gương sáng liêm chính và tiên phong hành động để quần chúng cùng “soi” và làm theo.

Phát huy văn hóa nêu gương

Đức khiêm tốn, giản dị của Bác Hồ mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo. Ảnh: KHIẾU MINH

Sản phẩm tinh thần mang giá trị cao của xã hội

Muốn nếp nhà yên ổn, giữ được gia phong thì điều tiên quyết là người trụ cột gia đình phải nêu được gương tốt cho các thành viên gia đình kính trọng. Với quốc gia cũng vậy, muốn giữ cho quốc gia yên bình và phát triển thịnh vượng thì người lãnh đạo phải nêu được gương tốt với nhân dân. Việc gương mẫu tuân thủ những chuẩn mực đạo đức, thực hiện nghiêm túc mỗi công việc sẽ làm nên sức thuyết phục, để lại gương tốt cho đời sau. Nêu gương chính là nêu những gương về đạo đức và hành động để mọi người tin tưởng và làm theo. Nêu gương cũng là nêu bật việc vượt qua được chính mình trước những cám dỗ vươn tới những chuẩn mực cao hơn để mọi người học tập. Dù phương Đông hay phương Tây, dù các thể chế có thể khác nhau thì “nêu gương” và “sống vì mọi người” là một hằng số - chính là nét văn hóa, là sản phẩm tinh thần mang giá trị cao của xã hội.

Trong thời phong kiến Việt Nam, nêu gương đã là chuẩn mực đạo đức, lẽ sống, đã phát triển thành hành vi văn hóa, ăn sâu trong suy nghĩ, hành động của mỗi người lãnh đạo cộng đồng. Khi tổ chức bộ máy quản lý làng xã thời xưa có việc trao quyền cho những người cao tuổi, có phẩm hạnh, có uy tín cao với làng xóm. Việc này đã trở thành tập quán tốt đẹp. Cũng trong thời phong kiến, các bậc trí thức, những người thầy được đề cao, được tôn trọng bởi kiến thức và đã nêu gương sáng về đạo đức, phẩm giá. Đất nước đã có những người thầy mẫu mực đạo cao - đức trọng như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm dám dâng sớ đề nghị vua chém những kẻ lộng thần với mong muốn giữ yên lòng dân và vững bền xã tắc. Lịch sử và lòng dân vẫn nhớ những tấm gương trung nghĩa, liêm - chính, can đảm đó.

Một phương thức lãnh đạo thuyết phục

Những tấm gương tốt thuyết phục mọi người bằng tình cảm hướng về những điều tốt đẹp. Bên cạnh việc quản lý xã hội hiện đại bằng một nhà nước pháp quyền, “Nêu gương” là một phương thức lãnh đạo dễ đi vào lòng người. Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, đường lối, tổ chức và cả bằng việc nêu gương thuyết phục. Người cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện tốt những nhiệm vụ và thuyết phục quần chúng bằng những phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”, ứng xử với công việc bằng phương châm “chí công vô tư”, “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Việc nêu gương tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên còn bao gồm sự sáng tạo, năng động phát hiện những cái mới và cả những cái cũ đã bất hợp lý để kịp thời bổ sung, thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của tình hình, của nhiệm vụ, của đối tượng lãnh đạo để lôi cuốn mọi người cùng thực hiện… Những điều đó tạo nên sức mạnh lãnh đạo của Đảng.

Đạo đức nằm trong và góp phần tạo dựng phương thức lãnh đạo của Đảng. Để Đảng “là đạo đức, là văn minh”, đạo đức của Đảng phải tiêu biểu cho đạo đức xã hội. Kết quả lãnh đạo của Đảng đã chứng minh: Nơi nào, ở đâu và việc gì có cán bộ, nhất là người đứng đầu, công tâm, gương mẫu, tận tụy, luôn dẫn đầu trong hành động thì nhân dân tin tưởng, làm theo và công việc đạt kết quả tốt, hiệu quả cao.

Nêu gương là một trách nhiệm

Đảng đã ban hành nhiều quy định về nêu gương: Quy định 101-QĐ/TW, năm 2012, nhấn mạnh bảy lĩnh vực cần nêu gương: Về tư tưởng chính trị; Về đạo đức, lối sống, tác phong; Về tự phê bình, phê bình; Về quan hệ với nhân dân; Về trách nhiệm trong công tác; Về ý thức tổ chức kỷ luật; Về đoàn kết nội bộ; Quy định 08-QĐ/TW, năm 2018, xác định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt với các cán bộ ở cấp cao nhất. Những quy định đó thể hiện rõ nét quyết tâm của Đảng đấu tranh với những biểu hiện thiếu tính tiên phong, không gương mẫu, sa sút đạo đức. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, vẫn còn thấy thực trạng “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật” như Kết luận số 21, ngày 25/10/2021, của Đảng chỉ rõ.

Trong giai đoạn mới, Đảng yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên với chủ trương “Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là cấp trung ương, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiền phong, gương mẫu”[1]. Đó là những định hướng lớn để toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục thực hiện trách nhiệm nêu gương. Đồng thời với việc hoàn thiện cơ chế để khơi dậy và phát huy văn hóa nêu gương, để có nhiều “gương sáng” hơn trong Đảng, trong xã hội, Đảng phải loại bỏ những “gương xấu”, “gương mờ”. Có như vậy, văn hóa nêu gương càng mang đậm giá trị và ý nghĩa.

Những giá trị tốt đẹp trong đạo đức truyền thống cùng với những giá trị đạo đức cách mạng đã được Đảng xây dựng và gìn giữ hơn 94 năm qua: Ý chí đấu tranh, trung thành với lý tưởng; tinh thần xung phong, gương mẫu, giữ nghiêm kỷ luật, hăng hái hoàn thành nhiệm vụ; tác phong giản dị, khiêm tốn, cầu thị... Nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên tích cực nêu gương, đã góp phần quan trọng làm nên kết quả đó.

[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nêu cao hơn nữa, tinh thần, trách nhiệm, quyết liệt đấu tranh, từng bước đẩy lùi tham những, tiêu cực - Báo Nhân Dân, ngày 19/6/2023, https://special.nhandan.vn/hoi-nghi-so-ket-1-nam-phong-chong-tham-nhung/index.html.

(nhandan.vn)